Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày là tình trạng khá phổ biến ở đường tiêu hóa. Đây là bệnh lý dễ lây lan và khó phát hiện bởi chúng hoạt động rất lặng lẽ cho đến khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau rõ rệt. Vi khuẩn HP là tác nhân gây ra các cơn đau dạ dày mãn tính, thậm chí nặng hơn có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu thêm thông tin về loại vi khuẩn này trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
- Đau bụng dưới bên trái là biểu hiện bệnh gì? Nguyên nhân & cách điều trị
- Đau bụng bên phải cảnh báo bệnh gì? Cách giảm đau nhanh chóng
- Đau bao tử: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Vi khuẩn HP là gì?
Vi khuẩn HP (Tên đầy đủ là Helicobacter pylori) là một loại vi khuẩn tồn tại và phát triển trong dạ dày con người. Để vi khuẩn này có thể sống được trong môi trường như dạ dày là nhờ vào khả năng trung hòa độ acid của nó.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, vi khuẩn HP có thể hoạt động hoặc không. Ở trạng thái không hoạt động, chúng sẽ cộng sinh sống trong dạ dày mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên trong trường hợp ngược lại, vi khuẩn HP sẽ tấn công làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây nên viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu dạ dày, thậm chí là Ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có nguy hiểm không?
Vi khuẩn HP khá nguy hiểm, có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Đây là loại vi khuẩn dễ lây lan bởi có đến khoảng 70% dân số thế giới nhiễm phải loại khuẩn này. Tuy tỉ lệ chuyển biến thành các bệnh về hệ tiêu hóa chỉ từ 10-20% nhưng người bệnh vẫn không nên chủ quan, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Các biến chứng mà vi khuẩn HP có thể gây nên như:
- Viêm loét dạ dày tá tràng.
- Viêm dạ dày.
- Tình trạng khó tiêu.
- Đặc biệt nguy hiểm hơn là có thể chuyển biến thành Ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP trong dạ dày lây qua đường nào?
Vi khuẩn HP dễ lây lan và mức độ lây nhiễm khá rộng qua nhiều con đường khác nhau. Khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, khoang miệng, mảng bám trên răng và niêm mạc dạ dày của người bệnh. Đường lây truyền chủ yếu là qua tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết tiêu hóa. Vi khuẩn HP có thể lây từ người bệnh sang người lành khi dùng dùng đồ vệ sinh cá nhân, bát, đũa, hôn trực tiếp,…
- Lây truyền qua đường miệng: Đây là con đường lây lan phổ biến nhất. Thông qua các hành động như dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân, ăn uống chung, các hành động thân mật, vi khuẩn HP sẽ lây theo đường nước bọt hoặc dịch tiết tiêu hóa.
- Lây truyền qua đường phân-miệng: Trong chất thải của người bệnh có chứa vi khuẩn HP. Vậy nên sau khi đi vệ sinh nếu không rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn thì sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn này. Ngoài ra, các loài vật trung gian mang mầm bệnh như ruồi, muỗi, gián, chuột,… cũng là nguyên nhân gây nhiễm bệnh.
- Trong quá trình thăm khám tại các cơ sở y tế, việc sử dụng chung các thiết bị chưa được tiệt trùng là một yếu tố lây lan vi khuẩn HP.
Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP khá dễ, vậy nên mỗi người cần nâng cao ý thức phòng tránh và bảo vệ sức khỏe để hạn chế nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Không dùng chung các dụng cụ cá nhân và luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ăn chín uống sôi.
Những đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn HP
Nhiễm khuẩn HP căn bệnh phổ biến nên bất kỳ ai, ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn HP. Tuy nhiên, tỷ lệ nguy cơ lây nhiễm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: tuổi tác, thói quen sinh hoạt,… Dưới đây là một số đối tượng dễ bị mắc vi khuẩn HP dạ dày:
- Người cao tuổi có sức đề kháng yếu.
- Trẻ em vô tình bị lây bệnh khi người lớn hôn môi, mớm cơm.
- Người thân trong gia đình bị nhiễm khuẩn HP.
- Người sống ở nơi bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém.
Triệu chứng nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày
Tuy tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP dạ dày khá cao, nhưng không phải ai bất kỳ người nào cũng có triệu chứng rõ ràng. Tùy vào từng mức độ gây hại của vi khuẩn mà người bệnh sẽ có những dấu hiệu nhận biết sau:
- Khó tiêu.
- Đau thượng vị.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Thường xuyên ợ hơi.
Trong trường hợp có những dấu hiệu nghi nhiễm khuẩn trên, cần đến cơ sở y tế để biết được kết quả chính xác nhất.
Tìm hiểu thêm: Thế nào là hội chứng ruột kích thích? Người mắc bệnh cần chú ý những gì?
Phương pháp chẩn đoán vi khuẩn HP
Các triệu chứng lâm sàng khi bị nhiễm vi khuẩn HP thường không chính xác hoàn toàn. Vậy nên để chắc chắn người bệnh có bị nhiễm khuẩn hay không cần có sự can thiệp của đội ngũ bác sĩ bằng các phương pháp kiểm tra xét nghiệm, cụ thể như:
- Kiểm tra hơi thở.
- Thực hiện các xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân.
- Sử dụng kỹ thuật xâm lấn: Nội soi dạ dày, nội soi tá tràng, làm sinh thiết,…
Cách điều trị vi khuẩn HP dứt điểm, ít tái phát
Sau khi được chẩn đoán nhiễm khuẩn HP, bệnh nhân cần thực hiện theo các chỉ dẫn của bác sĩ, tuân thủ phác đồ điều trị, sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian để có kết quả khả quan nhất.
- Với những trường hợp bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân Ung thư đã được điều trị, xuất huyết dạ dày,…sẽ được điều trị diệt vi khuẩn HP.
- Với bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn HP có người thân đã từng bị Ung thư dạ dày, polyp dạ dày,… cần áp dụng phương pháp điều trị dự phòng ung thư.
Thuốc điều trị nhiễm khuẩn HP
- Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn HP có công dụng làm giảm sản xuất acid trong dạ dày, làm lành các tổn thương.
- Kết hợp cùng với một số loại kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để làm giảm khả năng kháng thuốc ở một số trường hợp bệnh.
Khi sử dụng thuốc để điều trị vi khuẩn HP có thể gây ra một số tác dụng phụ như: buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, thay đổi khẩu vị,… Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều chỉnh liều lượng hoặc ngưng sử dụng thuốc để đảm bảo bệnh được điều trị dứt điểm.
Cách chữa vi khuẩn HP tại nhà
Quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và trị được dứt điểm bệnh hay không còn phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt của bệnh nhân. Để trị dứt điểm vi khuẩn HP tại nhà, người bệnh cần kết hợp điều trị bằng thuốc và xây dựng một lối sống lành mạnh như:
- Sinh hoạt điều độ.
- Bổ sung các loại rau củ và thực phẩm sạch, ăn chín uống sôi.
- Luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể, môi trường sống.
- Hạn chế sử dụng các đồ uống có gas, có cồn.
Chế độ dinh dưỡng cho người bị nhiễm khuẩn HP
Vi khuẩn HP ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con người, vậy nên chế độ dinh dưỡng khoa học cũng là một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh.
Ăn gì để diệt vi khuẩn HP?
Bạn nên ăn nhiều loại rau củ, trái cây có tác dụng diệt vi khuẩn HP khá hiệu quả như: hành tây, bông cải xanh, mật ong, bột nghệ, sữa chua, chuối, trà xanh,…
Bị vi khuẩn HP không nên ăn gì?
Với bệnh nhân bị nhiễm khuẩn HP, cần hạn chế ăn một số thực phẩm, bao gồm:
- Các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ
- Đồ uống có cồn, có gas, cafe;
- Các loại trái cây mang hàm lượng acid cao như: cam, cà chua.
Một số câu hỏi thường gặp
Vi khuẩn HP không tự hết mà phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ điều trị và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học. Môi trường acid trong dạ dày rất thuận lợi để khuẩn HP sinh sống và phát triển. Ngoài ra chúng còn có khả năng tự miễn dịch nên việc vi khuẩn HP tự hết là hoàn toàn không thể.
Dù đã được điều trị dứt điểm nhưng HP dạ dày vẫn có thẻ tái phát vì nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là vì thói quen sinh hoạt không khoa học của người bệnh sau khi được chữa trị. Để tránh việc tái phát, bệnh nhân và người nhà cần có những biện pháp phòng ngừa như: không dùng chung dụng cụ ăn uống, thường xuyên sát khuẩn tay chân, đặc biệt là trước và sau khi ăn,…
Qua bài viết trên, Hoàn Mỹ đã cung cấp những thông tin về vi khuẩn HP, triệu chứng nhiễm khuẩn cũng như cách điều trị. Hy vọng bệnh nhân và gia đình đã có thêm kiến thức bổ ích về căn bệnh phổ biến trên thế giới.Hãy theo dõi Tin tức y tế để cập nhật nhiều tin tức bổ ích về sức khỏe. Để đặt lịch khám và điều trị, vui lòng liên hệ qua HOTLINE hoặc đặt trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.