Tin tức y tế

Ung thư da: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

16/10/2023

Theo thống kê của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), có 2-3 triệu bệnh nhân mắc chứng Ung thư da (1). Các chuyên gia cũng đã cảnh báo bức xạ tia cực tím từ mặt trời đến bề mặt Trái đất ngày càng nhiều, bệnh Ung thư da sẽ càng tăng mạnh hơn. Vậy bạn đã biết các dấu hiệu ung thư da giai đoạn đầu hay chưa? Hãy cùng tham khảo thông tin nguyên nhân, phân biệt triệu chứng và cách điều trị ung thư da do Hoàn Mỹ cung cấp trong bài viết dưới đây.

>>> Xem thêm: Viêm da dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Khái niệm về Ung thư da

Ung thư da thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Thông thường, tế bào da sẽ phát triển theo trình tự: Tế bào mới đẩy các tế bào trưởng thành ra các lớp ngoài, khi bị đẩy lên đến lớp trên cùng, các tế bào già sẽ chết đi và bong ra. 

Ung thư da xảy ra khi các tế bào da phát triển một cách bất thường, không theo trình tự trên, dẫn đến hình thành khối u. Tế bào ung thư sau đó lan sang các khu vực xung quanh và bộ phận khác, gọi là di căn.

Có nhiều người thắc mắc xoay quanh vấn đề ung thư da có lây không? Câu trả lời là không, Ung thư da không lây. Do đó, nếu có người thân bị mắc căn bệnh này bạn có thể yên tâm tiếp xúc và chăm sóc mà không lo bị lây bệnh nhé.

Khái niệm về ung thư da
Tế bào da phát triển một cách bất thường gây nên Ung thư da. (Nguồn: Internet)

Ung thư da gồm những loại nào?

Ung thư da không hắc tố lành tính (bao gồm Ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào đáy) và ung thư da hắc tố thuộc loại ung thư ác tính. Trong 2 loại chính, ung thư da còn được phân ra những loại bệnh cụ thể sau:

Ung thư biểu mô tế bào đáy

Ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal cell carcinoma – BCC) là loại Ung thư da phổ biến nhất ở những người da trắng tiếp xúc thường xuyên với ánh mặt trời. Ung thư tế bào đáy là những nốt sần nông và loét trên da, phát sinh từ các tế bào gai gần lớp đáy của da. Thông thường, Ung thư biểu mô tế bào đáy xảy ra ở những vùng cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như cổ hoặc mặt.

Ung thư da tế bào vảy

Ung thư da tế bào vảy (Squamous cell carcinoma – SCC) là một khối u ác tính ảnh hưởng đến các tế bào vảy nằm ở bên ngoài cùng của lớp biểu bì, hoặc màng nhầy, phổi. Đây là loại Ung thư phổ biến thứ 2 sau ung thư là ung thư biểu mô tế bào đáy. Khối u có thể là một nốt sần đỏ hoặc mảng vảy đỏ và có thể trở nên dày sừng với bề mặt sần sùi.

Ung thư biểu mô tế bào vảy giai đoạn cuối rất dễ di căn và thường xuất hiện trên các vùng cơ thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như mặt, tai và tay.

Ung thư tế bào hắc tố

Là loại Ung thư phát triển từ các tế bào hắc tố sản xuất melanin (melanocytes). Ung thư hắc tố có thể xuất hiện ở mọi loại da. Đối với làn da sẫm màu hơn, khối u ác tính thường xuất hiện ở lòng bàn tay, chân hoặc dưới móng tay, chân. Ung thư hắc tố có nguy cơ tử vong cao vì nó có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Đa số các nghiên cứu đều thể hiện rõ nguy cơ mắc khối u ác tính tương quan với các đặc điểm di truyền và hoạt động cá nhân, như hành vi tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím.

Các loại Ung thư da ít gặp khác

  • Dày sừng actin: Được xem là loại tiền Ung thư da ở biểu mô tế bào vảy. Loại này có thể phát triển thành khối u ác tính nếu không được chữa trị kịp thời. Mảng da nhỏ có màu hồng, đỏ hoặc nâu là các triệu chứng thường gặp của ung thư da. 
  • Kaposi sarcoma: Thường xuất hiện trên các mạch máu của da, tạo thành các mảng màu đỏ hoặc tím trên trên bề mặt da. Loại Ung thư này đa số hay xuất hiện ở người suy giảm hệ miễn dịch như người mắc bệnh AIDS, người sử dụng corticoid liên tục,…
  • Ung thư biểu mô tế bào Merkel: Ung thư này thường xuất hiện ở đầu, cổ và thân. Dấu hiệu của loại này các nốt cứng, sáng bóng xuất hiện ở vùng thượng vị của da hoặc các lỗ chân lông. 
  • Ung thư biểu mô tuyến bã nhờn: Xuất hiện ở các tuyến dầu trên da, tạo thành các nốt cứng, không đau, hay gặp ở mí mắt nên có thể nhầm lẫn với các bệnh về mắt.

>>> Xem thêm:

Ung thư da có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của Ung thư da thấp hơn so với những loại ung thư khác, do vậy tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn. Tuy nhiên, ung thư da cần phát hiện và chữa trị sớm,không nên chủ quan. Các giai đoạn ung thư da bao gồm:

  • Dấu hiệu Ung thư da giai đoạn đầu: Bề mặt da thường xuất hiện những phát ban đỏ hoặc nốt sần tựa như da bị tổn thương, bề mặt thường hình thành hiện tượng đóng vảy, triệu chứng tương tự như các bệnh vảy nến, viêm da cơ địa (eczema),….
  • Giai đoạn bệnh tiến triển: Khi bệnh phát triển hơn nữa sẽ xuất hiện triệu chứng đặc trưng hơn như nốt sần sáng, hơi trong suốt có kèm các nốt nhỏ, bề mặt rỉ máu và mao mạch chân lông giãn nở. Hoặc bề mặt nhẵn bóng, kết thành mảng giống như sẹo, không nhìn rõ mao mạch chân lông giãn nở. Lúc này, da sẽ dễ loét, chảy máu và đóng vảy, hình thành nốt sần.
  • Giai đoạn cuối: xuất hiện vết sần cứng hoặc hiện tượng xơ hóa trên da, thường ở vùng cổ. Chủ yếu các mảng bám khá cứng, màu vàng nhạt hoặc màu trắng-vàng, hơi sưng, viền vết sần không rõ ràng. Chúng có thể nguyên vẹn trong thời gian khá lâu, nhưng đến giai đoạn cuối sẽ loét ra.​

Thông thường, Ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) và Ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) thường không đe dọa đến tính mạng người bệnh. 2 loại bệnh có thể điều trị triệt để khối u nếu bệnh được phát hiện vào giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, điều trị ung thư có thể gặp nhiều khó khăn hơn. 

Tiên lượng sống thêm sau 5 năm đối với bệnh nhân Ung thư da không phải khối u ác tính gần 100%. Nhưng nếu khối u di căn đến các cơ quan khác như gan, phổi, tiên lượng sống 5 năm giảm còn khoảng 32%.

Ung thư da thường phát triển ở vùng da tiếp xúc ánh nắng mặt trời
Ung thư da nếu phát hiện sớm có thể điều trị dứt điểm (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân dẫn đến Ung thư da

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh Ung thư da là do tác động của tia cực tím gây tổn thương da. Tia cực tím UV gồm 2 loại:

  • UVA: Xuyên qua da sâu hơn tia UVB, gây Ung thư lớp sâu của da (tế bào hắc tố).
  • UVB: Khả năng xuyên qua da kém hơn, chủ yếu gây bỏng nắng và các loại Ung thư lớp nông (tế bào sừng, tế bào đáy).

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến Ung thư da còn bao gồm các yếu tố sau:

  • Dùng thuốc ức chế miễn dịch: Ung thư da có thể thứ phát sau khi bệnh nhân được ghép tạng, suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, hoặc dùng corticoid kéo dài.
  • Phơi nhiễm asen (Thạch tín).
  • Nhiễm trùng HPV: Người nhiễm virus HPV có nguy cơ mắc Ung thư biểu mô tế bào vày cao hơn người bình thường.
  • Bệnh bạch tạng: Người bị bạch tạng có nguy cơ mắc Ung thư da rất cao do da không có khả năng chống nắng.
  • Bức xạ ion hoá: Tia gama, phơi nhiễm phóng xạ,…
  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc Ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn 20% so với những người không hút thuốc.
  • Các bệnh viêm da mãn tính: Các bệnh như viêm mạn tính do sẹo, bỏng, loét mãn tính, viêm da…
  • Yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh xuất hiện nhiều ở những đối tượng có anh, chị, em bị Ung thư da hơn là người bình thường.

Dấu hiệu nhận biết bệnh Ung thư da

Ung thư mô tế bào đáy

Những biểu hiện của Ung thư biểu mô tế bào đáy gồm: 

  • Tổn thương giống vết loét chảy máu hoặc đóng vảy và tái phát nhiều lần, có thể nhiễm màu đen dễ nhầm với Ung thư hắc tố.
  • Các vết loét phát triển chậm.
  • Tổn thương tăng sắc tố, bóng ở trung tâm, lõm ở giữa.
  • Tổn thương như vết sẹo phẳng, giống màu da hoặc màu nâu. Triệu chứng Ung thư này thường gặp ở vùng mặt, mũi, má, thái dương.
  • Bệnh khởi đầu là vết loét nhỏ, bờ nông, đáy nhẵn, đóng vảy mỏng, mặt đáy giãn mao mạch.
  • Vết loét thường xuất phát từ mụn cơm, nốt ruồi và nốt xơ da nhiễm sắc.
  • Ung thư da tế bào đáy hầu như không di căn hạch và không di căn xa.

Ung thư mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy có thể xuất hiện dưới dạng:

  • Một nốt sần cứng, đỏ.
  • Một tổn thương phẳng với bề mặt có vảy, đóng vảy.
  • Ung thư tế bào vảy hay gặp ở vùng da đầu.
  • Ung thư xuất phát trên nền sẹo cũ, ví dụ như sẹo bỏng. Khối u sần sùi, bề mặt mủn nát, dễ chảy máu.
  • Ung thư tế bào vảy hay di căn hạch khu vực như cổ, vùng chẩm, hạch trước tai, hạch dưới cằm, dưới hàm: Hạch di căn thường to, chắc, đơn độc hoặc dính thành đám, hạch di động hoặc cố định.
  • U tiến triển nhanh, loét sùi lan theo bề mặt nông, có thể xâm lấn vào xương sọ gây biến dạng trầm trọng.

Ung thư tế bào hắc tố

Dấu hiệu của căn bệnh Ung thư hắc tố bao gồm:

  • Cảm giác đau ngứa trên da do tăng sắc tố.
  • Nốt ruồi mới xuất hiện hoặc nốt ruồi xuất hiện lâu ngày nhưng dạo gần đây thay đổi kích thước và màu sắc.
  • Mảng màu nâu lớn và các đốm sẫm màu.
  • Tổn thương nhỏ với đường viền không đều và xuất hiện màu đỏ, hồng, trắng, xanh lam hoặc xanh đen.
  • Các tổn thương sẫm màu trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón tay hoặc ngón chân,…
  • Tổn thương sẫm màu trên da hoặc niêm mạc.
Dấu hiệu nhận biết ung thư da
Các biểu hiện của bệnh Ung thư da (Nguồn: Internet)

Một số bệnh lý có khả năng phát triển thành Ung thư da

Bệnh dày sừng quang hóa

Bệnh dày sừng quang hóa hay còn gọi là Keratosis Actinic là hậu quả của việc để làn da tiếp xúc với ánh mặt trời quá nhiều lần. Những người có làn da trắng, tóc vàng hoặc tóc đỏ, người mắt xanh hoặc màu xanh lá cây có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. 

Bệnh có xu hướng xuất hiện ở đầu, cổ hoặc tay, nhưng đôi khi cũng có thể được tìm thấy ở những vị trí khác. Dày sừng quang hóa được xem là dấu hiệu cảnh báo về bệnh Ung thư da. Tuy nhiên, rất khó để nhận biết tỉ lệ mảng da này phát triển thành ung thư cao hay không. Vì vậy, người bệnh nên được điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành ung thư da tế bào vảy.

Viêm môi ánh sáng

Viêm môi ánh sáng là tình trạng tiền Ung thư thường xuất hiện ở môi dưới. Triệu chứng của bệnh thường là các mảng vảy thô ráp tồn tại dai dẳng trên bề mặt của môi. Viêm môi ánh sáng nếu không được điều trị thì có thể tiến triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy

Bệnh sừng da

Bệnh sừng da thường xảy ra ở người cao tuổi có làn da trắng, có tiền sử phơi nắng đáng kể. Ban đầu sẽ phát triển theo dạng hình phễu ở bề mặt da rồi hiện rõ lên trên da. Thành phần bệnh thường gồm loại keratin nén (cùng loại với protein trong móng tay). Nó là một loại dày sừng quang hóa chuyên biệt. Kích thước và hình dạng của bệnh này có thể thay đổi, thường là dài vài milimet. 

Nevi loạn sản

Nevi loạn sản có kích thước khoảng 1⁄4 inch hoặc lớn hơn, đa hình dạng với các đường viền có dấu hoặc mờ dần. Những nốt ruồi này có thể tìm thấy ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Bề mặt của chúng có thể mịn hoặc thô, thường có màu hỗn hợp như đỏ, nâu và hồng. Nevi loạn sản không phải là Ung thư nhưng có khả năng phát triển thành ác tính.

Các nốt ruồi bất thường

Nốt ruồi là sự phát triển lành tính của các tế bào melanocytes (tế bào quy định màu sắc da).  Đa số các nốt ruồi hình thành và phát triển trước tuổi trưởng thành. Trường hợp nốt ruồi phát triển thành Ung thư là rất hiếm. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp có thể phát triển thành khối u ác tính. Nốt ruồi bình thường là những nốt ruồi phẳng hoặc lồi, có bề mặt trơn mịn. Nốt ruồi phát triển thành ung thư thường là những nốt ruồi chứa nhiều màu sắc, kích thước lớn hơn cục tẩy bút chì.

>>> Tìm hiểu thêm:

Các biện pháp giúp hạn chế mắc Ung thư da

Tham khảo các biện pháp giúp phòng tránh căn bệnh Ung thư da dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời ở cường độ cao: Các tia nắng cường độ cao có thể gây tổn thương ban đầu cho làn da như bỏng da, cháy nắng, khô da, lão hóa. Nếu thời gian tiếp xúc ánh nắng mặt trời tiếp tục kéo dài, nguy cơ mắc Ung thư da là rất cao.
  • Mặc quần áo chống nắng: Để bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím, bạn nên che chắn kỹ càng với quần áo bảo hộ, mũ rộng vành và kính râm.
  • Sử dụng kem chống nắng và thoa kem thường xuyên: Biện pháp phòng chống Ung thư da bằng kem chống nắng khuyến nghị phổ biến nhất. Kem chống nắng cần được bôi 20 phút trước khi tiếp xúc với tia cực tím để làn da có hàng rào bảo vệ như mong muốn. Thoa kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số SPF từ 30 trở lên, có khả năng chống tia UVA và UVB. Đồng thời thoa son dưỡng môi có chỉ số SPF 15+.
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại: Trong trường hợp phải làm việc, tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất, nên sử dụng các loại quần áo bảo hộ chuyên dụng nhằm hạn chế tối thiểu hóa chất ảnh hưởng đến các vùng da trên cơ thể. 
  • Khám da thường xuyên: Bạn có thể kiểm tra cơ thể thường xuyên để sớm phát hiện các vùng da bất thường. Nếu trên da xuất hiện các tổn thương không rõ nguyên nhân và quá 2 tuần không khỏi, cần nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa ung bướu và da liễu để được bác sĩ chẩn đoán.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Các khối u, viêm lở loét, các tổn thương bị đổi màu hoặc bất kỳ các dấu hiệu nào khác bất thường trên da sau 4 tuần. Khi đó, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Các phương pháp chữa trị Ung thư da

Tùy vào các giai đoạn Ung thư da để có phương pháp chữa trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp chính:

  • Phẫu thuật cắt bỏ: Cắt bỏ các vùng da bị bệnh và các vùng da lành xung quanh để loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật Mohs: Thường được sử dụng cho những khối u không có tính chất ác tính. Bác sĩ sử dụng dao mổ để loại bỏ từng lớp, từng lớp mỏng ở vị trí da bị ung thư.
  • Dùng nitơ lỏng (Cryotherapy): Dùng nitơ lỏng để đóng băng các tế bào Ung thư da, sau đó các tế bào chết và bong ra tạo thành lớp vảy. Các tế bào vảy này bong ra để lại sẹo màu trắng sau 1 tháng.
  • Nạo và đốt điện: Cạo vùng da có chứa tế bào ung thư, sau đó đốt da để loại bỏ các tế bào còn sót lại cũng như kết hợp cầm máu. 
  • Xạ trị: Trong các trường hợp không thể phẫu thuật được khối u, bác sĩ sẽ tiêu diệt tế bào Ung thư bằng liều lượng phóng xạ thấp. Phương pháp này giúp chặn khối u lan rộng hoặc mục đích ngăn cho khối u không phát triển thêm.
  • Hóa trị và liệu pháp miễn dịch: Hoá trị là phương pháp dùng thuốc tiêm vào tĩnh mạch để tiêu diệt các tế bào ung thư. Việc kết hợp giữa hoá trị và hệ thống miễn dịch có thể điều trị Ung thư kể cả ung thư đã di căn.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng các thuốc hướng đến gen gắn vào tế bào Ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc điều trị tế bào Ung thư là phương pháp được nhiều bác sĩ sử dụng. Có ba cách dùng cơ bản: đường uống, đường tĩnh mạch và bôi trực tiếp trên da. 
  • Liệu pháp quang động: Liệu pháp sử dụng một chất nhạy cảm ánh sáng bôi lên da, sau đó chiếu ánh sáng thích hợp để tiêu diệt các tế bào ung thư. 

>>> Xem thêm:

Các biện pháp phòng ngừa mắc bệnh Ung thư da

Vậy Ung thư da có thể được ngăn ngừa như thế nào? Bệnh nhân có thể ngừa bệnh ung thư da bằng cách bảo vệ làn da dưới tác hại của tia nắng mặt trời. Cụ thể, thực hiện theo các biện pháp sau:

  • Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng – 4 giờ chiều.
  • Che chắn làn da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
  • Dùng kem chống nắng khi ra đường và bôi lại thường xuyên.
  • Điều trị bệnh ngoài da mãn tính, loét mãn tính.

Hy vọng bài viết xoay quanh các vấn đề về Ung thư da và chi tiết các giai đoạn ung thư da sẽ giúp ích cho bạn đọc và người thân. Nếu bạn đang tìm thêm những tin tức bổ ích về sức khỏe hãy theo dõi tại Tin tức y tế. Để đặt lịch khám và điều trị, hãy liên hệ ngay với HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị Ung thư da

Đối với các bệnh nhân Ung thư da, người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm có thể gây Dị ứng da để giảm sự kích thích khi da đang suy yếu. Các thực phẩm gây dị ứng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, ví dụ như: dị ứng sữa bò, dị ứng hạnh nhân, dị ứng hải sản,…. Trong trường hợp ung thư da ảnh hưởng đến vùng miệng thì người bệnh nên ăn những đồ ăn mềm hoặc nước như cháo, súp, bún, mỳ, phở,….

Ung thư da có gây tử vong không? 

Mức độ nguy hiểm của Ung thư da thấp hơn so với những loại ung thư khác, do vậy tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn. Nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị được. Tuy nhiên, bệnh này vẫn cần chữa trị sớm và không nên chủ quan.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.