Khi bị ong đốt, trường hợp nhẹ thì gây ra phản ứng tại chỗ cho người bệnh. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tử vong xảy ra do sốc phản vệ dù chỉ một con hoặc nhiễm độc nặng, suy thận cấp… do nhiều con ong đốt. Vì vậy, mọi người không nên chủ quan mà cần trang bị kiến thức về cách nhận biết triệu chứng và cách xử trí khi bị ong đốt.

Bị ong đốt phải làm sao?
Nguyên nhân
- Người bệnh có thể bị ong đốt do tai nạn trong lao động, sinh hoạt, khi đi rừng,… Loài ong thường gặp trong những trường hợp này là ong đất, bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng,… có độc tính cao.
- Nuôi ong lấy mật hoặc lấy mật ong rừng thường là ong mật.
- Do trẻ em trêu chọc, ném, phá tổ ong, thường là ong vàng hoặc ong vò vẽ.
Triệu chứng lâm sàng
- Phản ứng tại chỗ: Da đỏ, sưng phù nề, đau, ngứa, nổi mề đay. Trường hợp đốt vùng hầu họng có thể gây phù nề thanh môn gây ngạt thở.
- Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Tim mạch: Mạch nhanh, huyết áp tăng, trường hợp nặng có thể sốc tụt huyết áp.
- Thần kinh: Yếu cơ, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, thậm chí là hôn mê hay co giật.
Cách xử trí khi bị ong đốt
Tại chỗ:
Rửa sát khuẩn vết thương. Người bệnh cần được tháo các phụ kiện trang sức. Đắp khăn lạnh, chườm đá giảm bớt phù nề. Uống nhiều nước, 2 – 3 lít chủ yếu Oresol. Không đắp các loại thuốc lá lên vết đốt tránh nhiễm trùng.
Người bệnh phải được chuyển đến cơ sở y tế ngay nếu cảm thấy khó thở, phù nề nhiều vùng mặt, cổ, co giật, tiêu chảy, bị đốt nhiều vị trí đặc biệt vùng đầu – mặt – cổ.
Tại cơ sở y tế:
- Đảm bảo hô hấp: Thở Oxy, đặt nội khí quản nếu cần.
- Tuần hoàn: Adrenalin nếu sốc phản vệ, truyền dịch đảm bảo lượng nước tiểu 100 ml/ giờ.
- Chống viêm.
- Kháng sinh nếu có nhiễm trùng.
- Tiêm uốn ván.
Phòng ngừa bị ong đốt
- Với những người thường xuyên gặp phải ong và có cơ địa dị ứng, nhất là đã có tiền sử dị ứng với ong nên chuẩn bị sẵn bơm tiêm nạp sẵn Adreanalin chứa 0.3 mg hoặc 0.15 mg để tiêm dưới da nếu bị ong đốt.
- Vệ sinh, phát quang bụi rậm xung quanh nhà tránh ong làm tổ.
- Tránh dùng que chọc vào tổ ong.
- Trường hợp đi vào rừng, vùng có nhiều ong hoặc lấy tổ ong cần chọn trang phục che chắn vùng mặt, tay chân. Không nên xịt nước hoa, trang điểm và mặc quần áo sặc sỡ.
- Khi đi dã ngoại thì lưu ý những đồ ăn, nước uống ngọt cũng có thể lôi kéo ong đến.
Chúng ta không nên chủ quan với những trường hợp bị ong đốt bởi chúng có thể gây nên những biến chứng đáng lo ngại. Bởi vậy, mỗi người cần chú ý phương pháp phòng tránh bị ong đốt cũng như khi có người bệnh bị ong đốt, cần đưa đến cơ sở y tế uy tín để có phương pháp xử trí phù hợp.
Bác sĩ CKI. Phạm Thị Trường – Khoa Hồi sức cấp cứu
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.