Hiện nay số lượng bệnh nhân bị suy thận ngày càng tăng cao. Nguy hiểm hơn, khi phát hiện ra chứng suy thận thì tình trạng bệnh đã đến giai đoạn nghiêm trọng. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu cụ thể về chứng suy thận trong bài viết sau để phòng tránh và điều trị kịp thời.
Suy thận là gì? Các dấu hiệu nhận biết của suy thận
Suy thận là giai đoạn cuối của bệnh thận mạn tính,
là lúc thận suy giảm chức năng lọc các chất thải và làm sạch máu. Khi bị suy thận, người bệnh buộc phải chạy thận, lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận thì mới có thể duy trì được sự sống. Bởi vì nếu thận không lọc được máu thì sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu và tử vong.
Nguyên nhân dẫn đến suy thận
Bệnh suy thận xảy ra do những nguyên nhân như sau:
- Các bệnh lý ở thận: Những bệnh lý ở thận như xuất hiện cục máu đông ở trong thận, viêm cầu thận, sỏi thận, tuyến tiền liệt phì đại, tổn thương dây thần kinh bàng quang,… hoặc thói quen nhịn tiểu, uống ít nước,…. là nguyên nhân dẫn tới suy thận. Đồng thời, nước tiểu tích tụ trong cơ thể và không được bài tiết khiến thận phải hoạt động quá mức, lâu dần tới việc giảm chức năng của thận.
- Các bệnh lý gây nhiễm trùng và giảm lưu lượng máu đến thận: Ngoài những bệnh lý mạn tính ở thận thì đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới suy thận. Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, Dị ứng gây phù nề, suy tim, suy gan, nhiễm độc, hội chứng tan máu khiến tăng ure máu, xuất huyết máu khiến giảm tiểu cầu (ví dụ Sốt xuất huyết hoặc mất quá nhiều máu do tai nạn, chấn thương), tiểu đường không kiểm soát, bệnh Lupus ban đỏ, ung thư,…
Ngoài ra, khi uống một số loại kháng sinh (amoxicillin, penicillin,…), thuốc điều trị ung thư và bệnh tự miễn,… cũng khiến tình trạng suy thận trầm trọng hơn.
Phân loại suy thận, các giai đoạn suy thận
Suy thận được chia làm 5 nhóm, dựa trên cơ chế bệnh sinh, bao gồm:
- Suy thận cấp tính trước thận: Đây là tình trạng lượng máu đến thận bị thiếu, dẫn tới thận không thể đào thải hết chất độc. Dấu hiệu của bệnh bao gồm chán ăn, buồn nôn, nặng sẽ dẫn tới co giật và hôn mê. Suy thận cấp tính trước thận thường xuất hiện trên những bệnh nhân gặp chấn thương, vừa phẫu thuật hoặc bị một số bệnh lý cấp tính khác.
- Suy thận cấp tính tại thận: Thông thường do những chấn thương trực tiếp tại thận như tai nạn, xuất huyết nặng, mạch máu thận bị tắc nghẽn, viêm cầu thận,… gây nên Thiếu máu cục bộ, độc tố quá tải.
- Suy thận mạn tính trước thận: Khi lượng máu không đủ cung cấp cho thận trong một thời gian dài, thận sẽ co lại và mất khả năng hoạt động.
- Suy thận mạn tính tại thận: Khi các bệnh lý về thận kéo dài (ví dụ viêm cầu thận hay viêm ống thận) khiến thận bị tổn thương và suy giảm chức năng.
- Suy thận mạn tính sau thận: Nguyên nhân chính là do tắc nghẽn đường tiết niệu, làm nước tiểu khó thoát ra ngoài, từ đó tạo áp lực cho thận, khiến thận tổn thương.
Ngoài ra, suy thận được chia làm 5 giai đoạn từ 1 tới 5, cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn nhẹ nhất của suy thận. Gần như người bệnh sẽ không có triệu chứng cụ thể về bệnh. Khi phát hiện ra bệnh, người bệnh chỉ cần duy trì những thói quen lành mạnh là có thể kiểm soát được tốc độ phát triển, ngăn bệnh diễn tiến nặng hơn.
- Giai đoạn 2: Bệnh đã có thể phát hiện thông qua các chỉ số protein trong nước tiểu, chỉ số mức lọc cầu thận hay các tổn thương trên thận. Tuy nhiên đây vẫn được coi là giai đoạn nhẹ. Người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh kết hợp với tham vấn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt nếu có bệnh nền khác.
- Giai đoạn 3: Khi bước vào giai đoạn trung bình, những triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện rõ ràng hơn bao gồm chân tay sưng phù do tích nước, đi tiểu nhiều, đau quanh lưng,… Lúc này, chức năng thận đã suy giảm tương đối. Ngoài việc bắt buộc phải thay đổi thói quen sinh hoạt, bệnh nhân sẽ cần được thăm khám định kỳ để kiểm soát tốc độ diễn tiến của bệnh.
- Giai đoạn 4: Khi bước sang giai đoạn 4, bệnh suy thận được đánh giá là trung bình – nặng, chức năng thận đã suy giảm đáng kể gây thiếu máu, cao huyết áp,… Ở giai đoạn này bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc nhằm giảm tốc độ thận bị tổn thương nặng hơn.
- Giai đoạn 5: Giai đoạn cuối của bệnh suy thận, chức năng thận của người bệnh suy giảm hoàn toàn, người bệnh thường xuyên thấy buồn nôn, Phù nề chân tay, khó thở, tức ngực, mệt mỏi và uể oải, sụt cân,…
Chẩn đoán và phương pháp điều trị suy thận
Một số phương pháp để chẩn đoán suy thận bác sĩ thường chỉ định sau khi thăm khám lâm sàng bao gồm:
- Siêu âm thận: Dùng máy siêu âm có sóng âm tần số cao để quan sát kích thước thận và cấu trúc thận. Từ đó phát hiện các bệnh lý thận đang khu trú. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp CT để quan sát tổng quan tình trạng bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Phương pháp thường được dùng để đánh giá bệnh sau khi thăm khám lâm sàng với các triệu chứng cụ thể bao gồm: tiểu ra máu, Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc Ung thư đường tiết niệu.
- Xạ hình thận: Với những bệnh nhân mẫn cảm với thuốc cản quang không thể chụp X-quang thì xạ hình thận là kỹ thuật chẩn đoán hiệu quả. Xạ hình thận giúp bác sĩ đánh giá được chức năng thận, hình thái thận và khả năng bài tiết.
Hiện nay, không có cách chữa khỏi hoàn toàn khi thận đã bị tổn thương, tuy nhiên người bệnh có thể điều trị, duy trì một cuộc sống ổn định:
Điều trị nội khoa: Bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống,… nhằm hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng suy thận. Phương pháp này chỉ có thể mang lại cho người bệnh cảm giác thoải mái, làm chậm diễn tiến bệnh và duy trì sự sống.
Chạy thận nhân tạo: Đây là phương pháp phổ biến nhất với người bệnh suy thận. Người bệnh sẽ được lọc máu, làm sạch các chất thải và độc tố có trong máu bằng máy móc bên ngoài thay cho chức năng thận đã suy giảm. Phần máu sạch sau khi lọc sẽ được trả lại về cơ thể.
Với những người bệnh không đáp ứng điều trị nội khoa, có biến chứng rối loạn não, tăng kali máu, giảm hệ số thanh thải creatinin dưới ngưỡng an toàn thì sẽ được chỉ định lọc máu 3 lần/tuần. Chạy thận có tác dụng nhất định với người bệnh, tuy nhiên không thể nào trọn vẹn và hiệu quả như thận bình thường. Ngoài ra chạy thận còn có những hạn chế như chi phí lọc cao, tốn kém thời gian,…
Cấy ghép thận: Cấy ghép là cách điều trị tận gốc có hiệu quả nhất trong số các phương pháp điều trị suy thận. Một quả thận khỏe mạnh bình thường sẽ giúp cơ thể giải quyết hầu hết các vấn đề suy giảm chức năng. Thận để ghép có thể đến từ người hiến tặng còn sống hoặc người chết não.
Phẫu thuật ghép thận có tỷ lệ thành công cao, có thể kéo dài sự sống từ 10-20 năm cho người ghép. Tuy nhiên, người ghép cũng có thể gặp phải một số rủi ro như tình trạng đông máu (huyết khối) hoặc chảy máu, tắc niệu quản, nhiễm trùng hoặc phản ứng đào thải,…
Biến chứng suy thận
Suy thận gây nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến tử vong. Việc lọc thận định kỳ chỉ làm giảm nguy cơ dẫn tới những biến chứng này chứ không thể thay thế hoàn toàn cho những chức năng của thận:
- Thiếu máu: Ngay từ giai đoạn đầu của chứng suy thận, người bệnh đã có thể bị Thiếu máu và tình trạng này sẽ trầm trọng hơn vào giai đoạn 3 cho tới 5. Bởi vì thận là cơ quan giúp cơ thể sản sinh hồng cầu. Khi thận suy giảm chức năng sẽ khiến lượng hồng cầu sinh ra bị thiếu hụt.
- Tăng kali máu: Hàm lượng kali trong máu luôn được duy trì ở một ngưỡng an toàn, giúp cơ thể hoạt động bình thường. Khi kali cao hơn ngưỡng an toàn, ngay lập tức thận sẽ đào thải phần dư ra ngoài. Với bệnh nhân suy thận, thận sẽ không thể đào thải hết kali dư ra khỏi máu, khiến tăng kali máu, gây khó thở, tăng nhịp tim bất thường, đau nhói ở ngực, đau bụng, buồn nôn,… có thể dẫn đến tử vong do suy tim.
- Phù toàn thân do tích nước: Ngoài chức năng đào thải độc tố, thận còn có nhiệm vụ loại bỏ chất lỏng trong máu. Do đó bệnh nhân mắc bệnh thận nói chung và suy thận nói riêng thường gặp phải tình trạng phù do cơ thể tích nước. Bàn chân sưng tấy, huyết áp cao, tim đập nhanh,… là những dấu hiệu cơ thể bị tích quá nhiều nước.
- Các chứng bệnh về tim: Sức khỏe tim và thận có mối liên kết chặt chẽ với nhau, bởi tim có nhiệm vụ vận chuyển máu còn thận giúp lọc máu. Khi suy thận, người bệnh phải tăng cường hormones để điều hòa huyết áp, giúp tăng cường lượng máu cung cấp cho thận và cơ thể. Tim phải hoạt động nhiều hơn với áp lực lớn trong thời gian dài sẽ dẫn đến những bệnh lý về tim. Thống kê cho thấy với những người đang chạy thận thì bệnh tim luôn nằm trong nhóm những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm kiến thức về chứng bệnh suy thận, từ đó sớm nhận biết dấu hiệu bệnh, chủ động thăm khám để phòng tránh suy thận. Bạn có thể đặt lịch khám bệnh tại khoa Tiết niệu tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc TẠI ĐÂY.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.