Tin tức y tế

Công dụng của thuốc Sorbitol? Cách dùng và một số lưu ý

12/11/2023

Thuốc Sorbitol là một loại thuốc được sử dụng phổ biến giúp hỗ trợ, cải thiện các triệu chứng khó tiêu hay táo bón. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý một số điểm trong việc sử dụng thuốc Sorbitol để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bài viết sau đây của Hoàn Mỹ sẽ giới thiệu chi tiết hơn về công dụng, cách dùng và lưu ý khi sử dụng của loại thuốc này.

>>> Xem thêm:

Sorbitol là thuốc gì?

Thuốc Sorbitol có thành phần chính là sorbitol (D – glucitol). Đây là một loại rượu đường chứa nhiều nhóm hydroxyl, vị ngọt bằng 1/2 đường mía. Thuốc có hai dạng chính sau:

  • Dạng thuốc uống được bào chế dưới dạng bột và đóng thành gói chứa 5gr Sorbitol hoặc dạng dung dịch chứa 70% Sorbitol.
  • Dạng thuốc đặt trực tràng.
Sorbitol là thuốc gì?
Thuốc Sorbitol có thành phần chính là Sorbitol (Nguồn: Internet)

Công dụng của thuốc Sorbitol

Sorbitol khi đi vào cơ thể, dưới tác dụng của men sorbitol dehydrogenase, sẽ chuyển hóa thành fructose và sau đó là glucose. Một số sorbitol có thể chuyển đổi trực tiếp thành glucose nhờ enzyme aldose reductase. Theo đó, công dụng Sorbitol gồm có: 

  • Hỗ trợ tiêu hóa: Thúc đẩy sự hydrat hoá các chất chứa trong ruột, giúp chuyển hóa thức ăn dễ dàng hơn. Đồng thời kích thích tiết cholecystokinin – pancreazymin, qua đó kích thích tiêu hóa chất béoprotein, điều trị chứng khó tiêu. 
  • Hỗ trợ điều trị táo bón: Thúc đẩy nhu động ruột sau khi uống thuốc khoảng 15 phút – 1 giờ. Điều này làm cho phân trở nên mềm hơn, giúp việc đi đại tiện dễ dàng hơn.

Cách sử dụng thuốc Sorbitol

Chỉ định

Với những công dụng đã nêu ở trên, thuốc Sorbitol được chỉ định sử dụng đối với những trường hợp:

  • Táo bón trong thời gian dài.
  • Khó tiêu, đầy bụng.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Trong một số trường hợp cũng có thể dùng thuốc như một dạng dung dịch để rửa trong và sau phẫu thuật tiết niệu.

Chống chỉ định

Để đảm bảo an toàn, thuốc Sorbitol chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Đau bụng chưa rõ nguyên nhân.
  • Bệnh thực thể viêm ruột non.
  • Viêm loét đại – trực tràng.
  • Bệnh Crohn.
  • Chống chỉ định với người bệnh không dung nạp fructose do yếu tố di truyền. 

Để hạn chế các tương tác thuốc không mong muốn, trước khi dùng thuốc Sorbitol, bạn cần thông báo với bác sĩ những vấn đề sau: 

  • Độ tuổi người dùng thuốc.
  • Tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc Sorbitol.
  • Tình trạng bệnh lý khác hoặc đang dùng thuốc điều trị bệnh khác.
Không dùng thuốc khi đau bụng không rõ nguyên nhân
Không dùng Sorbitol khi đau bụng không rõ nguyên nhân (Nguồn: Internet)

Liều dùng và cách dùng

Đối với người lớn, liều dùng thuốc Sorbitol cho từng mục đích điều trị như sau:

  • Khó tiêu: 1 – 3 gói/ngày, uống trước bữa ăn hoặc khi có biểu hiện khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
  • Táo bón: 1 gói vào buổi sáng khi bụng còn đói.
  • Nhuận tràng: đặt trực tràng với liều thông thường là 20-30% 120 ml.

Đối với trẻ em, liều dùng thuốc Sorbitol cho từng mục đích điều trị như sau:

  • Khó tiêu: dùng nửa liều so với liều của người lớn.
  • Nhuận trường: trẻ em từ 2 đến 11 tuổi đặt trực tràng 30 – 60ml (dưới dạng thụt); trẻ em trên 12 tuổi đặt trực tràng với liều thông thường là 20-30% 120 ml.

Lưu ý: 

  • Với thuốc dạng bột, tiến hành pha một gói thuốc với 1/2 ly nước, uống ngay. Với thuốc dạng dung dịch, pha loãng thuốc với nước theo tỷ lệ 1:1. 
  • Thuốc Sorbitol có thể dùng cho trẻ sơ sinh bị táo bón. Liều dùng là ¼ gói/ngày, chia 2 lần, dùng liên tiếp 3 – 5 ngày. Sau khi dùng thuốc nhưng không thuyên giảm chứng táo bón ở trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn thêm, tránh tự ý dùng thuốc.
  • Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về cách dùng Sorbitol, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Liều dùng và cách dùng thuốc Sorbitol
Liều dùng của thuốc Sorbitol ở người lớn và trẻ em (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của thuốc Sorbitol

Các tác dụng phụ có thể gặp ở một số người dùng Sorbitol bao gồm:

  • Đầy hơi, khó tiêu.
  • Buồn nôn nhẹ.
  • Tiêu chảy, đau bụng, nhất là ở người bị hội chứng ruột kích thích, bệnh lý đại tràng chức năng.
  • Dùng thuốc Sorbitol dạng gel thụt trực tràng kéo dài có thể gây kích ứng, nóng rát trực tràng, hiếm khi gây viêm đại tràng xuất huyết.

Cần ngừng thuốc và đến ngay cơ sở y tế nếu xuất hiện các triệu chứng nặng như khó thở, phát ban, sưng mặt, môi, lưỡi, cổ họng, đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy nặng, phân đen hoặc có máu, đi ngoài liên tục, Chóng mặt hoặc suy nhược cơ thể.

Lưu ý, trên đây không phải danh sách đầy đủ các tác hại Sorbitol đối với người dùng. Nếu có bất cứ tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc, cần báo ngay cho bác sĩ.

Tác dụng phụ của thuốc Sorbitol
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Sorbitol (Nguồn: Internet)

Tương tác thuốc

Một số tương tác đáng lưu ý của thuốc Sorbitol:

  • Tương tác nghiêm trọng của sorbitol với Natri polystyrene sulfonate.
  • Tương tác vừa phải của sorbitol với Lamivudine, Deflazacort, Dichlorphenamide.

Trên đây không phải danh sách đầy đủ các tương tác có thể xảy ra với thuốc Sorbitol. Vì vậy, cần thông báo với bác sĩ và dược sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang dùng. Đặc biệt lưu ý không sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ.

Cách xử lý khi dùng thuốc quá liều

Việc sử dụng thuốc Sorbitol vượt quá liều khuyến cáo có thể dẫn đến các triệu chứng như đau bụng dữ dội và tiêu chảy. Đồng thời có nguy cơ mất cân bằng điện giải và nước trong cơ thể nếu dùng liều cao hoặc dùng thuốc quá thường xuyên. 

Điều trị quá liều Sorbitol bao gồm bù nước và điện giải cho cơ thể nếu cần thiết. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy liên hệ ngay với tổng đài cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

>>> Xem thêm:

  • Strepsils: Thành phần, công dụng và một số lưu ý
  • Thuốc Salbutamol là gì? Công dụng, lưu ý tác dụng phụ

Lưu ý thận trọng khi sử dụng thuốc Sorbitol

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Sorbitol cho bệnh nhân suy tim, phù phổi cấp, suy thận mạn, bệnh nhân không thể chuyển hóa sorbitol.
  • Chỉ dùng thuốc Sorbitol khi cần thiết và chỉ dùng với liều đơn. Tránh lạm dụng thuốc có thể gây rối loạn điện giải.
  • Người bị Hội chứng ruột kích thích không nên dùng thuốc khi đói bụng và cần cân nhắc giảm liều dùng.
  • Thận trọng khi dùng thuốc ở người bị phình đại tràng vì nguy cơ làm thay đổi nhu động đại tràng, gây u phân.
  • Với công dụng tăng nhu động ruột, nhuận tràng, Sorbitol có thể rút ngắn thời gian di chuyển của một số thuốc dùng kèm theo. Do đó, thuốc có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của các thuốc này.
  • Ngưng thuốc ngay lập tức nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy hoặc đau chướng bụng.
  • Tuy chưa ghi nhận trường hợp nào dùng thuốc gây nguy hiểm cho thai phụ nhưng để tránh rủi ro, thai phụ chỉ nên dùng thuốc trong trường hợp thật sự cần thiết.

Cần lưu ý rằng, thuốc Sorbitol chỉ được dùng để hỗ trợ điều trị chứng táo bón, người bệnh cần thực hiện các biện pháp khác như tập luyện, ăn uống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt hợp lý. Đồng thời nên kiêng một số loại thực phẩm như đồ khô, rượu mạnh, trà đặc, cà phê, tỏi, ớt và hạn chế các thức ăn mùi tanh vị mặn. Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về công dụng của thuốc Sorbitol và cách sử dụng thuốc để không gặp phải tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Đừng quên truy cập chuyên mục Tin tức y tế để cập nhật thông tin chi tiết về các loại thuốc. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi qua số  HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.