Nám là một vấn đề phổ biến ở da, gây ra các mảng tối trên da và thường xuất hiện nhiều ở nữ giới. Sự đổi màu da này khiến không ít người tự ti về vẻ ngoài của bản thân. Vậy nám da là gì? Có điều trị được không? Cùng Hoàn Mỹ khám phá ngay.
>>> Xem thêm:
- Peel da là gì? Các bước peel da tại nhà
- Hướng dẫn nấu chè dưỡng nhan dễ dàng giúp đẹp da
- Nổi mề đay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh
Nám là gì?
Hắc sắc tố (Melanin) là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định màu da của mỗi người. Nếu Melanin sản sinh quá mức sẽ gây ra rối loạn sắc tố da, dẫn đến sự hình thành các đốm hoặc các mảng sậm màu trên da. Sự đổi màu da này được gọi là nám. Các vết nám da có thể đậm hoặc nhạt dần theo thời gian, tình trạng này thường bị nặng vào mùa hè và nhẹ hơn khi trời chuyển lạnh.
Theo thống kê của hiệp hội da liễu Hoa Kỳ (AAD), tỷ lệ nám da ở phụ nữ lên đến 90% trong khi nam giới chỉ khoảng 10%. Vùng nám thường xuất hiện nhiều ở mũi, hai bên gò má, trán hoặc cầm. Dù không gây hại về thể chất nhưng sự đổi màu da này lại gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người bị nám thiếu sự tự tin trong cuộc sống.
Nguyên nhân gây ra nám da
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng da xuất hiện nhiều mảng tối màu nhưng chủ yếu là do:
Nguyên nhân nội sinh
Nguyên nhân gây nám da này xuất phát từ bên trong cơ thể, gồm:
- Sự thay đổi nội tiết tố: Thường gặp ở phụ nữ mang thai, sản phụ sau sinh hoặc người đang sử dụng thuốc tránh thai, thuốc điều trị về buồng trứng, tuyến giáp,…
- Nhiễm độc da từ các thành phần hóa chất chứa trong mỹ phẩm như corticoid, chì, thủy ngân,…
- Do làn da đã bước vào giai đoạn lão hóa.
- Do cơ địa hoặc gặp tình trạng rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài.
Nguyên nhân ngoại sinh
Nguyên nhân gây nám ngoại sinh thường do tác động của môi trường bên ngoài, gồm:
- Người mắc phải các loại bệnh lý như viêm, nhiễm trùng, nhiễm độc hay viêm da dị ứng,…
- Làn da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Trong ánh nắng chứa rất nhiều tia bức xạ như tia UVA, UVB. Chúng thường kích thích da sản sinh ra các tế bào Melanin, nhất là với những ai có làn da dễ bị nhạy cảm với hóa chất. Chính nguyên nhân này sẽ dẫn tới rối loạn sắc tố da, đẩy nhanh quá trình lão hóa, sạm nám và thậm chí là Ung thư da.
- Chế độ ăn uống thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh như chất xơ, vitamin C, khoáng chất,…
>>> Xem thêm: Nấm da: Các loại bệnh nấm da, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị
Biểu hiện của nám da
Hiện nay có rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa tàn nhang và nám da. Đây là 2 vấn đề về da hoàn toàn khác biệt, với các biểu hiện đặc trưng như sau:
- Nám da: Là sự hình thành của các đốm hoặc mảng da sậm màu theo nhiều mức độ đậm nhạt khác nhau. Chúng thường xuất hiện nhiều ở vùng cằm, trán, mũi, môi trên và đối xứng hai bên má. Màu sắc của những vùng nám có thể là màu màu nâu sẫm hay thâm vàng và có kích thước lớn hơn tàn nhang.
- Tàn nhang: Cũng là hệ quả của sự gia tăng Melanin nhưng lại đa dạng hơn về màu sắc. Chúng có thể là màu vàng, nâu sẫm, nâu nhạt, xám, đỏ hoặc đen. Về kích thước thì tàn nhang thường là những chấm nhỏ như đầu tăm hoặc hạt vừng, nên sẽ nhỏ hơn so với nám da.
Điều trị nám da
Hiện nay, để chẩn đoán tình trạng nám, bác sĩ sẽ thăm khám kết hợp soi những vết nám trên bề mặt da bằng một loại thiết bị đặc biệt là đèn Wood. Tùy từng trường hợp cụ thể, nếu cần thiết bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết tế bào da ở vùng nám để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng cần điều trị nám da. Bởi nếu vấn đề này bắt nguồn từ nguyên nhân thay đổi nội tiết tố do mang thai hoặc dùng các loại thuốc điều trị,… Thì những vết nám này có thể tự mờ dần sau khi ngừng dùng thuốc hoặc sinh xong.
Nhiều trường hợp sự rối loạn sắc tố da này sẽ tồn tại trong nhiều năm hoặc có khi là theo người mắc phải suốt cả cuộc đời. Nếu tình trạng nám không biến mất hoặc cải thiện theo thời gian thì nên áp dụng các phương pháp điều trị dưới đây.
Điều trị bằng thuốc
- Hydroquinone: Thường là lựa chọn ưu tiên của các bác sĩ khi kê thuốc điều trị nám da cho bệnh nhân. Loại thuốc này có thể được bào chế theo dạng kem dưỡng hoặc dạng gel. Người bệnh có thể bôi trực tiếp sản phẩm lên da để dần cải thiện tình trạng thâm và không đều màu.
- Corticosteroid và tretinoin: Đây là 2 loại thuốc được sản xuất dưới dạng gel, kem dưỡng hoặc nước thơm. Công dụng chính của 2 loại sản phẩm này là giúp các mảng nám trở nên sáng màu hơn.
- Thuốc bôi ngoài da: Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người, các bác sĩ sẽ phối hợp hoặc thay thế bằng những loại kem khác. Để giúp cải thiện sắc tố ở những vùng da tối màu thì các loại thuốc bôi ngoài với thành phần chứa axit kojic hoặc azelaic acid sẽ là lựa chọn hàng đầu.
- Kem kết hợp: Trong một vài trường hợp, để điều trị nám da thì bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng kết hợp các loại kem cùng chứa đồng thời hydroquinone, corticosteroid và tretinoin.
Điều trị bằng kỹ thuật y tế
Trường hợp sử dụng thuốc bôi không đem lại hiệu quả, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng các kỹ thuật y tế chuyên sâu như:
- Thay da sinh học: Bằng cách sử dụng các hợp chất hóa học tác động lên bề mặt da để phá hủy các tế bào ngoài cùng của vùng nám. Phương pháp này sẽ lấy đi bớt những tế bào cũ, hư tổn ở thượng bì, thúc đẩy quá trình tái tạo để giúp cho da sáng và đều màu hơn.
- Điều trị mài mòn da: Các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp mài da vi điểm không xâm lấn để tái tạo lại bề mặt ở các vùng da bị nám.
- Liệu pháp ánh sáng: Đây là một phương pháp trị nám cao cấp với hiệu quả và độ an toàn cao. Bác sĩ sẽ dùng thiết bị chuyên dụng để chiếu các tia sáng với bước sóng trên 600nm nhằm hấp thụ Melanin ở lớp thượng bì rồi đào thải chúng ra bên ngoài.
- Điều trị bằng laser: Phương pháp này thường sử dụng cho các vùng nám nằm sâu dưới da, ở lớp trung bì. Bằng cách chiếu các xung điện cực ngắn trực tiếp lên vùng da sạm màu để giúp phá vỡ các hắc sắc tố.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng không phải lúc nào những biện pháp trị nám trên đều đem lại hiệu quả. Bởi vì ngay cả khi đã chữa trị thành công trước đó thì nám da hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại.
>>> Xem thêm: Phân biệt các loại mụn trên mặt và cách điều trị
Phòng ngừa tình trạng nám da
Để phòng ngừa và hạn chế tình trạng da xuất hiện các mảng hoặc đốm tối màu thì chúng ta cần lưu ý một số điều sau:
Chế độ ăn uống lành mạnh
Cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh và hoa quả để cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất,… cần thiết cho da. Đồng thời, đừng quên bổ sung nước đầy đủ hằng ngày để giúp làn da mịn màng và căng tràn sức sống hơn.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng
Bảo vệ làn da khỏi tác động từ tia UV của ánh nắng mặt trời bằng các sản phẩm kem chống nắng với chỉ số SPF phù hợp là một cách hạn chế tình trạng nám da hiệu quả. Nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm mật độ tia UV cao (khoảng 12 giờ trưa) để tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Chế độ sinh hoạt khoa học
Việc ngủ đủ giấc, thường xuyên tập luyện, giữ tinh thần lạc quan không những giúp giảm stress mà còn tránh được tình trạng rối loạn nội tiết tố gây nám da.
Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc
Việc sử dụng các loại mỹ phẩm giá rẻ, không có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng kém có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cho làn da như dị ứng, nám sạm,… Do vậy, chúng ta nên tìm hiểu kỹ càng về thông tin và nguồn gốc của các loại mỹ phẩm trước khi dùng. Đồng thời, chỉ mua sắm sản phẩm ở các cửa hàng lớn, uy tín để tránh ảnh hưởng xấu đến làn da mỏng manh của bản thân.
>>> Xem thêm: Nguyên nhân gây ra mụn nhọt và phương pháp điều trị hiệu quả
Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu được nám là gì? Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả vấn đề về da này. Nếu đang gặp phải tình trạng nám da, khiến bản thân mất tự tin thì đừng chủ quan tự chữa trị tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị theo liệu trình phù hợp. Hoặc có thể liên hệ HOTLINE hoặc bấm TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn nhanh chóng với các bác sĩ chuyên khoa da liễu giàu kinh nghiệm của Hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ. Đồng thời, hãy truy cập vào chuyên mục Tin tức y tế để cập nhật nhiều tin tức hữu ích về sức khỏe.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.