Hoàn Mỹ

Công dụng của lá vối đối với sức khỏe và một số bài thuốc

23/11/2023

Lá vối được xem là một vị thuốc quý, thường được dùng để đun nước uống hằng ngày. Loại lá này mang lại nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, đặc biệt trong việc chữa trị các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, gout, mỡ máu tăng cao… Trong bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin chi tiết về công dụng của lá vối đối với sức khỏe và một số bài thuốc hữu ích từ loại thảo dược này.

>>> Xem thêm:

  • TOP 7 lợi ích của sữa chua ngon miệng, tốt cho hệ tiêu hóa
  • Cây thù lù: Phân loại, công dụng và một số lưu ý

Tổng quan về cây vối

Đặc điểm

  • Cây vối hay còn được gọi là cây trâm nắp, thuộc họ Sim Myrtaceae, có tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus. Đây là một loại thực vật có hoa, thân gỗ với chiều cao trung bình từ 5 – 6m và đường kính thân cây khoảng 50 cm. Vỏ cây có màu nâu đen, cành cây tròn, nhẵn, nứt dọc. 
  • Lá vối có màu xanh nhạt, hình bầu dục và nhọn ở phần đầu lá. Phiến lá dày, và cứng, lá già có nhiều chấm đen ở mặt dưới lá, với mùi thơm dễ chịu, vị hơi đắng hoặc chát.
  • Hoa lá vối có màu trắng lục, mọc thành 3 – 5 cụm và không có cuống hoa. Thời điểm ra hoa của cây lá vối là từ tháng 5 đến tháng 7.
  • Có 2 loại cây vối, đó là vối nếp và vối tẻ. Vối nếp có lá nhỏ và màu vàng xanh còn vối tẻ có lá to hình thoi và màu xanh thẫm.

Phân bố

  • Cây vối có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới Châu Á. Ở Việt Nam, cây vối được phân bố chủ yếu ở những vùng trung du Bắc Bộ và vùng đồng bằng như Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai… 
  • Loại cây này thường mọc hoang ở bờ hồ, suối và trồng ở nhiều nơi để lấy lá, nụ hoa pha trà, hãm nước uống.

Thành phần hóa học

Thành phần hóa học của lá vối bao gồm: 4% tinh dầu, các thành phần khác như tanin, alkaloid, một số loại vitamin, khoáng chất,…

Tổng quan về cây vối
Lá vối hay còn gọi là cây trâm nắp (Nguồn: Internet)

Nước lá vối là gì?

  • Nước lá vối là một loại nước uống thường được nấu từ lá vối tươi hoặc lá vối khô. Đây là một loại nước uống thông dụng tương tự như nước lá chè xanh. Nước lá vối cũng có thể được nấu từ lá cây kết hợp với rễ cây, vỏ và thân cây hoặc nụ hoa của cây vối.
  • Đối với nước lá vối tươi, chỉ cần rửa sạch lá và đem đi nấu là đã có thể dùng được ngay. Còn đối với nước lá vối khô, cần thực hiện thêm một công đoạn là ủ lá cho đến khi lá chuyển sang màu đen thì đem phơi khô, sau đó có thể bảo quản và dùng dần.
  • Theo kinh nghiệm dân gian, lá vối khô sau khi ủ sẽ làm nước trở nên ngon hơn, an toàn hơn lá tươi vì trong lá có chất kháng khuẩn, sử dụng lá khô sẽ giúp hạn chế việc tiêu diệt hết các lợi khuẩn tốt cho cơ thể.
  • Cách nấu nước lá vối rất đơn giản: Lá vối khô sau khi rửa sạch cho vào ấm, cho nước vào đun đến sôi rồi sau đó có thể uống nóng hoặc uống lạnh. Nụ hoa của cây vối cũng được nấu sôi hoặc thường được hãm trong nước sôi như cách hãm các loại trà.
Nước lá vối là gì?
Nước lá vối là gì? (Nguồn: Internet)

Lá vối có công dụng gì với sức khỏe

Lá vối không chỉ là một loại nước uống phổ biến mà còn là loại thuốc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. như:

Hỗ trợ tiêu hóa

Hoạt chất trong loại lá này có tác dụng kích thích dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hóa, ngăn ngừa đầy bụng, khó tiêu. Do đó, uống nước lá vối giúp ăn ngon miệng và giúp hỗ trợ tiêu hóa.

Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường

Hợp chất flavonoid có trong nụ vối hỗ trợ ổn định đường huyết, giảm mỡ máu. Uống nước lá vối đúng cách giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

Trị bệnh lở ngứa, chốc đầu

Trong lá vối chứa chất kháng viêm và kháng khuẩn với khả năng sát khuẩn cao. Hoạt chất này có tác dụng trị lở ngứa, chốc đầu và một số bệnh ngoài da.

Hỗ trợ điều trị bệnh gout

Có công dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, giảm béo, lợi tiểu, thải độc và tăng khả năng đào thải acid uric. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ hình thành bệnh gout.

Làm giảm mỡ máu

Lá vối chứa các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Loại lá này giàu beta-sitosterol, đây là chất có tác dụng hiệu quả trong việc điều hòa quá trình chuyển hóa cholesterol và giảm mỡ máu cho cơ thể.

Chữa đau bụng, viêm đại tràng mãn tính

Chất tanin trong lá có chức năng bảo vệ niêm mạc ruột, giúp đại tràng khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, tinh dầu trong lá có tính kháng khuẩn, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng đau bụng và đi ngoài phân sống.

>>> Xem thêm:

Lá vối có công dụng gì với sức khỏe
Nước lá vối giúp giảm đau bụng, viêm đại tràng mãn tính (Nguồn: Internet)

Cách dùng lá vối

  • Lá vối có thể dùng để pha trà bằng cách hãm nước sôi, sau đó uống nóng. Lá, vỏ, thân, nụ, hoa vối được nấu làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, viêm đại tràng mãn tính hay kiết lỵ.
  •  Bào chế thành dạng siro dùng thoa vào các khớp đau, sưng, đỏ hoặc uống để điều trị phong thấp.
  • Nước lá vối đặc hỗ trợ sát trùng, vệ sinh các vết lở loét, mụn nhọt, chốc lở…
  • Khi nấu nước lá tươi, sử dụng từ 4-5 lá pha với nước sôi để khoảng 20 phút là có thể dùng được. Còn khi hãm nước lá khô, lấy từ 5-6 lá, pha với khoảng 1,5 lít nước đun sôi, để khoảng 20 phút sau là có thể uống.
Cách dùng lá vối
Hãm lá vối bằng nước sôi để pha trà (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc từ lá vối

Sau đây là một số bài thuốc hữu ích từ lá vối mà bạn có thể tham khảo:

  • Bài thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu

Lấy khoảng 6 – 12g thân cây vối, sắc lấy nước uống, dùng 2 lần một ngày. Nếu nấu với nụ vối, lấy khoảng 10 – 15 g nụ sắc lấy nước uống, uống 3 lần một ngày.

  • Bài thuốc chữa đau bụng, viêm đại tràng mãn tính

Sử dụng khoảng 200g lá vối tươi, vò nát, đem đi hãm với 2 lít nước sôi, để khoảng 1 giờ, sau đó có thể dùng uống thay nước.

  • Bài thuốc chữa lở ngứa, chốc đầu

Nấu nước lá vối đặc thoa vào vùng bị viêm da, lở ngứa để điều trị. Sử dụng một lượng vừa đủ nấu nước để tắm, gội đầu và vệ sinh kỹ vùng bị chốc lở.

  • Bài thuốc giảm mỡ máu

Dùng khoảng 15 – 20g nụ vối, hãm lấy nước uống, chia thành 3 lần uống trong ngày.

  • Bài thuốc điều trị bệnh gout

Lấy khoảng 20g lá vối tươi hoặc lá vối khô, nấu cùng 2 lít nước lọc, đun lửa nhỏ đến khi nước thuốc còn lại khoảng 1,5 lít, uống thay nước lọc mỗi ngày.

Một số bài thuốc từ lá vối
Một số bài thuốc từ lá vối (Nguồn: Internet)

Những lưu ý khi dùng lá vối

  • Nước lá vối chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, không có tác dụng chữa bệnh, do đó cần sử dụng thuốc dưới sự chỉ định của bác sĩ.
  • Mỗi ngày chỉ uống một ấm trà hoặc một ly nước, không lạm dụng quá mức và dùng thay nước lọc, bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến hệ bài tiết của cơ thể.
  • Không uống nước lá vối ngay sau khi ăn, điều này có thể làm giảm việc hấp thụ các chất dinh dưỡng từ lượng thức ăn cũng như từ lá vối.
  • Không uống loại nước này khi đang đói bụng: Uống nước vối khi đói bụng sẽ kích thích hệ tiêu hóa, làm tăng nhu động ruột, gây mệt mỏi và mất năng lượng.
  • Đối với phụ nữ mang thai hoặc người bệnh đang điều trị bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại nước này để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
  • Sử dụng nước lá vối với chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học giúp tăng hiệu quả của lá và cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn.

>>> Xem thêm:

  • Hoa cúc trắng: Đặc điểm, công dụng và một số lưu ý
  • Ăn nấm rơm có tốt không? Tác dụng của nấm rơm
Những lưu ý khi dùng lá vối
Những lưu ý khi dùng lá vối (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đây là các thông tin chi tiết về công dụng của lá vối mà Hoàn Mỹ đã cung cấp. Để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về y học, vui lòng truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.