Tin tức y tế

Nấm da: Các loại bệnh nấm da, nguyên nhân, chẩn đoán, cách điều trị

29/10/2023

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới nên có thời tiết thích hợp cho sự phát triển của các loại nấm da. Loại bệnh này tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng thường khó điều trị dứt điểm và gây khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt. Vậy bệnh nấm da là bệnh gì? Trong bài viết sau, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phân loại bệnh nấm, nguyên nhân cũng như phương pháp chẩn đoán và điều trị.

>>> Tìm hiểu thêm:

Nấm da là gì? 

Bệnh nấm da là một loại bệnh nhiễm trùng da phổ biến, do các tác nhân vi nấm ưa keratin gây ra ở khu vực da, thắt lưng, kẽ chân, lông, tóc và móng. Căn bệnh có thể xuất hiện ở người và động vật, tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày.

Nấm da là gì?
Nấm da là loại bệnh về da do tác nhân vi nấm gây ra (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra bệnh nấm da

Thực tế, nguyên nhân gây nên bệnh nấm da này có hơn 30 loại nấm khác nhau, nổi bật là các chi Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum, phân bố rộng rãi trên khắp thế giới, vì chỉ cần nhiệt độ tầm 25 – 30°C và độ pH khoảng 6,9 – 7,2 là các loài nấm có thể phát triển mạnh mẽ.

Thông qua việc soi kính hiển vi, các tế bào nấm thường không có màu, có vách ngăn, sinh sản chủ yếu qua bào tử. Trên cơ thể người chúng ta, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp tình trạng nấm da ở các vùng ẩm ướt, hay đổ mồ hôi như kẽ chân, kẽ tay, nách, thắt lưng và bẹn. 

>>> Xem thêm: Nổi mề đay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh

Nguyên nhân gây ra nấm da
Nấm thường xuất hiện ở vùng da ẩm ướt, hay đổ mồ hôi (Nguồn: Internet)

Các loại nấm da phổ biến

Dưới đây là những loại nấm da phổ biến nhất mà bạn có thể tìm hiểu:

Bệnh lang ben

Bệnh lang ben là một trong những dạng nấm da phổ biến, có 2 biến thể là trắng hoặc đen, do tác nhân Pityrosporum gây nên. Một số triệu chứng dễ nhận biết của bệnh này có thể kể đến:

  • Ngứa da, đặc biệt khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc khi da ẩm ướt
  • Có cảm giác da bị kim châm nhẹ.

Tiến triển của bệnh sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tình hình vệ sinh cá nhân, sức đề kháng của cơ thể và cả độ pH của da.

Nấm hắc lào

Hắc lào là một bệnh truyền nhiễm về da, có khả năng lây truyền cho người khác thông qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, nằm chung giường, hoặc đắp chung chăn. Triệu chứng thường thấy là người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ngáy, có vết sưng màu đỏ cùng đường viền nổi rõ, xuất hiện cả mụn nước. Trường hợp không điều trị kịp thời, các đốm hắc lào sẽ lan rộng ra.

>>> Xem thêm: Bị kiến ba khoang đốt: Dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Bệnh nấm hắc lào có khả năng truyền nhiễm
Bệnh nấm hắc lào có khả năng truyền nhiễm (Nguồn: Internet)

Nấm kẽ tay, kẽ chân

Bệnh nấm kẽ là loại bệnh thường gặp ở những ai thường xuyên tiếp xúc với nước, điển hình như nông dân, công nhân vệ sinh cống rãnh, vận động viên bơi lội,… Bệnh này có 3 dạng chính là nấm tróc vảy khô, nấm mụn nước và nấm viêm kẽ, thông thường do các loại nấm  Epidermophyton, Trichophyton hoặc nấm candida gây nên.

Nấm móng

Bệnh nấm móng có vị trí xuất hiện khá đa dạng, có thể xuất hiện ở 1 móng hoặc nhiều móng, phần lớn do vi nấm Trichophyton gây ra. Các biểu hiện dễ nhận biết của bệnh bao gồm móng không tỏa bóng, móng bị đẩy lên hoặc kẽ hở, mặt móng có lỗ hoặc nứt, với dưới móng có chất bột vụn. Móng tay, móng chân của bạn ngày càng trở nên sần sùi, thay đổi màu sắc thành vàng hoặc đục. Bên cạnh đó, nấm móng có thể do nấm da khác tên Candida albicans gây ra, tạo các tác động từ bên trong móng, dẫn đến móng bị nổi lồi, sưng đỏ, và đôi khi bị nổi mủ.

>>> Xem thêm: Lác đồng tiền: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng bệnh

Nấm ở móng
Hình ảnh bệnh nấm móng – một loại bệnh nấm da phổ biến (Nguồn: Internet)

Nấm tóc

Bệnh nấm tóc thường do nấm Piedra Hortai hoặc Trichophyton gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là những hạt màu đen bám vào và không có triệu chứng nào khác. Ngoài ra, nấm tóc do nấm Trichophyton gây ra thường dẫn đến tổn thương da đầu, xuất hiện nhiều vùng tròn bé với kích thước khoảng 3 – 5mm, da đầu có vảy mỏng hoặc ngứa.

Bệnh nấm da lây truyền qua đường nào? 

Bệnh nấm da có thể lây truyền và gây bệnh qua nhiều cách khác nhau, điển hình như:

  • Vô tình tiếp xúc bào tử vi nấm trong không khí hoặc môi trường như đất, nước,…
  • Không đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là khu vực da như kẽ tay, kẽ chân, bẹn,…
  • Tiếp xúc với người bệnh, sử dụng chung đồ dùng, khăn mặt,…

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nấm da

Một số đối tượng sau đây có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng da do nấm mà bạn nên lưu ý:

  • Người sống trong môi trường ẩm ướt, có độ ẩm cao và pH thích hợp, nơi mà nấm có điều kiện phát triển. 
  • Người thường xuyên để ẩm ướt, đổ mồ hôi nhiều ở các vùng da kín như như nách, bẹn, kẽ chân, và thắt lưng.
  • Người phải sống chung với người đang bị bệnh nấm da và sử dụng chung đồ dùng.
  • Người sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch, hoặc sử dụng corticoid và thuốc kháng sinh trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Những đối tượng mắc bệnh nấm da
Người sử dụng chung khăn, đồ dùng với người đang bị nấm có nguy cơ lây nhiễm cao (Nguồn: Internet)

Những phương pháp chẩn đoán bệnh nấm da

Để chẩn đoán chính xác loại bệnh nấm da, bác sĩ sẽ dựa vào các yếu dịch tễ, biểu hiện lâm sàng của tổn thương, và các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên bệnh. Ngoài ra, các phương pháp và kỹ thuật chẩn đoán căn nguyên bệnh bao gồm:

  • Soi đèn Wood: Người bệnh được hướng dẫn vào một môi trường tối, sau đó sử dụng đèn chiếu tia cực tím từ đèn Wood. Khoảng cách từ đèn đến da là khoảng 15 – 30cm, giúp bác sĩ quan sát rõ các hình ảnh sợi tóc màu xanh trắng đục nếu người bệnh bị nhiễm nấm T.schoenleinii, hoặc màu xanh vàng sáng nếu người bị nhiễm nấm M.audouinii, M.canis, M.ferrugineum,…
  • Cạo tổn thương da, tóc, móng,… và nhuộm soi: Thường sử dụng kali hydroxit (KOH) với nồng độ từ 10 – 20%, để nhận thấy các sợi nấm phân đoạn trong mẫu, tuy nhiên, cần phân biệt chúng với nấm Candida. Công đoạn lấy mẫu cần thực hiện đúng kỹ thuật và tại vị trí thích hợp, đặc biệt là trong trường hợp tổn thương nấm da có mụn nước hoặc mụn mủ.
  • Nuôi cấy và phân lập nấm: Sử dụng môi trường Sabouraud ở nhiệt độ phòng, tuy nhiên, thời gian để có kết quả thường khá dài, có thể kéo dài từ 1 – 3 tuần.
  • Phản ứng PCR: Giúp phát hiện DNA của nấm gây bệnh và thời gian để có kết quả thường là sau 1 – 2 ngày.
  • Mô bệnh học: Thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp khó chẩn đoán hoặc khi có nghi vấn về nấm móng. Bệnh phẩm thường được nhuộm bằng PAS để tăng độ nhạy và độ đặc hiệu.

>>> Xem thêm: Bệnh vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị phù hợp

Phương pháp chẩn đoán nấm da
Cạo phần tổn thương da và nhuộm soi để chẩn đoán bệnh (Nguồn: Internet)

Các phương pháp điều trị nấm da 

Nguyên tắc trong quá trình điều trị nấm da bao gồm việc sử dụng thuốc kháng nấm một cách liên tục và đúng liều, theo thời gian cần thiết. Tùy theo tình trạng bệnh cũng như loại nấm mà bạn đang nhiễm, bác sĩ sẽ tiến hành kê khai thuốc trị nấm da dạng uống, dạng bôi, dạng thuốc nước,…

Bên cạnh đó, thời gian điều trị sẽ kéo dài khoảng 1 tuần – 12 tuần, thay đổi tùy theo mức độ tổn thương da và tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh. 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo cách điều trị cụ thể theo từng loại nấm như sau:

  • Trong trường hợp bạn bị nấm da đầu, bác sĩ có thể sử dụng phác đồ điều trị bao gồm terbinafine với liều 250mg/ngày trong khoảng 4 tuần, hoặc itraconazole với liều 100mg/ngày trong khoảng 4 tuần, hoặc griseofulvin với liều 500mg/ngày trong khoảng 6 – 8 tuần. 
  • Đối với nấm da thuộc trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần thuốc bôi tại chỗ hoặc kết hợp thuốc bôi và thuốc kháng nấm dạng uống như itraconazole 200mg/ngày trong 1 – 2 tuần hoặc terbinafine 250mg/ngày trong 2 – 4 tuần, hoặc griseofulvin 500 mg/ngày trong khoảng 4 – 6 tuần.
  • Để điều trị nấm móng, có thể sử dụng thuốc kháng nấm tại chỗ và uống kết hợp với các phương pháp điều trị khác như sử dụng laser hoặc phẫu thuật. Chẳng hạn, terbinafine có thể được chỉ định với liều 250mg/ngày trong 6 tuần cho nấm móng tay và 12 tuần cho nấm móng chân. Trong trường hợp bệnh không phản ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt bỏ móng có thể được bác sĩ đề xuất cho bệnh nhân.

Để đảm bảo hiệu quả điều trị, nên đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng bệnh. Nhờ các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, bác sĩ sẽ xác định loại nấm mà đang bạn nhiễm để có thể kê đơn thuốc phù hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng nấm và lạm dụng bởi có thể gây ra tác dụng phụ hoặc biến chứng nguy hiểm.

>>> Xem thêm: Phân biệt các loại mụn trên mặt và cách điều trị

Phương pháp điều trị nấm da
Tùy theo mức độ bệnh và loại nấm đang nhiễm, bác sĩ sẽ có giải pháp điều trị thích hợp (Nguồn: Internet)

Phòng ngừa bệnh nấm da

Để ngăn ngừa bệnh nấm da, cần áp dụng một số biện pháp bảo vệ da và hạn chế tổn thương da như sau:

  • Tránh việc gây thương tổn da hoặc tạo vết xước
  • Duy trì việc vệ sinh da thường xuyên, hạn chế tình trạng da nhiều mồ hôi, ẩm ướt
  • Thường xuyên tắm rửa và giặt quần áo để đảm bảo sạch sẽ, đặc biệt là ở các khu vực da kín và những nơi có nếp gấp. 
  • Để bảo vệ tóc và da đầu, tránh bụi bẩn và ẩm ướt, sử dụng sản phẩm dầu gội thích hợp. 
  • Cắt tỉa móng tay, móng chân định kỳ và gọn gàng
  • Duy trì vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và tránh ở trong những nơi chật hẹp và ẩm ướt 
  • Xử lý rác thải đúng cách và vệ sinh các đồ dùng cá nhân theo quy định
  • Hạn chế việc sử dụng chung đồ dùng và vật dụng cá nhân

Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, bạn nên đến ngay bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Câu hỏi thường gặp

Nấm da có bị lây không?

Nấm da không phải lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nó có thể lây truyền qua tiếp xúc với nấm hoặc vi khuẩn trên da hoặc vật dụng cá nhân. Để đảm bảo không lây nhiễm hoặc bị lây truyền,  nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị nấm da.

Phía trên là những thông tin về nguyên nhân, các loại nấm da phổ biến cũng như cách chẩn đoán và điều trị. Để hạn chế tình trạng mắc bệnh, bạn nên đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ và không dùng chung khăn, đồ dùng với người khác. Ngoài ra, nếu bạn muốn đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. Bạn có thể cập nhật thêm những Tin tức Y tế hay cần tư vấn y tế chuyên khoa thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.