Tin tức y tế

Y học Chẩn Đoán

08/12/2008

Tiến hành chẩn đoán là giai đoạn đầu tiên trong quá trình chăm sóc một bệnh nhân. Một số những nhận xét đầu tiên, nếu được ghi nhận cẩn thận, cũng có thể giúp xác định hoặc định hướng thầy thuốc đến chẩn đoán nguyên nhân. Do đó, đây là một khoảng thời gian quan trọng, đòi hỏi sự làm việc có chất lượng của thầy thuốc cùng những người cộng sự.

Kể từ thời kỳ đăng quang của phương pháp giải phẫu lâm sàng (anatomo-clinique) do Morgagni, Bichat, Laennec khởi xướng, một nền y học chẩn đoán (“médecine de diagnostic”) đã thay đổi nền y học triệu chứng (“médecine des symptômes”) dựa vào cách thức điều trị là cứ mỗi triệu chứng thì lại kê đơn một loại thuốc mà không cần quan tâm đến căn bệnh mà mình đang chăm sóc là gì. Chẩn đoán của Laennec là chẩn đoán về tổn thương. Với sự tiến hoá của khoa học, nó còn bao gồm ý nghĩa là một rối loạn sinh bệnh học hoặc sinh học.

Y khoa đòi hỏi phải nhận biết được tính chất và nguyên uỷ của bệnh tật, để từ đó chăm sóc người bệnh một cách đầy đủ. Điều này thật là lý tưởng cho những trường hợp nặng.
Tuy nhiên, trong một số những trường hợp khẩn cấp, ta chỉ có thể chẩn đoán được một trạng thái bệnh lý mà thôi.  Điều này sẽ biện minh cho việc điều trị cấp thời, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Vì thế, trong những trường hợp suy sụp dấu sinh tồn mà việc điều trị cấp cứu có thể cứu mạng, chẩn đoán thương tổn hoặc chẩn đoán nguyên nhân có thể cần phải dời lại sau; việc chẩn đoán sẽ phải tuân theo thứ tự các vấn đề cần ưu tiên giải quyết cấp bách.

Chẩn đoán không phải lúc nào cũng dễ dàng; ngay cả trong thời kỳ hiện tại, các thầy thuốc nhiều kinh nghiệm nhất đôi khi cũng lúng túng. Sự do dự trong chẩn đoán, không có chẩn đoán ban đầu hoặc chẩn đoán sai, thực sự không đáng chê trách nếu các bước xét nghiệm kiểm tra và lý luận đã được thực hiện đúng đắn. Cũng không nên trách cứ người thầy thuốc nếu họ buộc lòng phải chỉ định một hướng điều trị ban đầu trong tình trạng lưỡng lự.

Nhưng sẽ phạm lỗi khi người thầy thuốc không hề có chủ tâm tìm chẩn đoán với tất cả mọi sự cẩn trọng có thể, cứ mãi duy trì tình trạng mập mờ và phó mặc diễn biến tiếp theo cho sự may rủi, điều trị bao vây không chủ đích, qui trình chẩn đoán và điều trị không thích nghi với những hoàn cảnh và tình huống cụ thể cho từng người bệnh. Để khắc phục, cần hỏi kỹ bệnh sử, kiểm tra lại những ghi nhận trước đây trong giai đoạn đầu tiên thăm khám.

– Không được chậm trễ trong việc sử dụng các xét nghiệm và các phương pháp chẩn đoán, miễn là chúng thật sự cần thiết và được soi rọi bằng lý luận.

– Không có một mô hình mẫu mực nào cho việc chỉ định các xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán.
– Cần tránh những xét nghiệm không thiết yếu, các xét nghiệm nguy hiểm và gây khó chịu cho người bệnh nếu chúng không thực sự cần thiết cho chẩn đoán. Đối với các xét nghiệm rườm rà cũng thế.

– Kiên trì, rốt ráo tìm chẩn đoán (“acharnement diagnostique”) là đáng khen về mặt nguyên tắc, nhưng lại không hợp lý nếu chỉ với động cơ tò mò khoa học, hay là một khi đã có kết quả xét nghiệm thì bệnh nhân cũng chẳng hưởng được lợi ích gì hơn, đặc biệt khi kết cuộc chỉ đưa đến một điều trị tạm bợ không làm thay đổi tiên lượng của người bệnh.

– Tất cả các xét nghiệm đem đến sự miễn cưỡng, gò bó, hoặc sự phiền toái, khó chịu cho bệnh nhân cần phải được thảo luận kỹ trước khi thực hiện. Cần cân nhắc giữa các lợi ích và phiền hà, nguy cơ mà chúng có thể đem đến cho người bệnh.

– Nếu lúng túng và bối rối khi đi tìm chẩn đoán, thầy thuốc cần phải mời hội chẩn chuyên khoa, hoặc ghi rõ là “bệnh nhân này cần theo dõi một chẩn đoán nào đó.” Đây là một quy định trong quy chế hành nghề đã được đề nghị thực hiện từ thời Cổ Đại. Đề nghị này yêu cầu thầy thuốc chọn lựa kỹ lưỡng một đồng nghiệp có kinh nghiệm và khả năng để giới thiệu bệnh nhân của mình đến với sự đồng ý của họ, chỉ với mục đích duy nhất là đem lại lợi ích cho người bệnh, trong một tình huống nhất định nào đó.

Liên lạc từ xa (télématique) là một phương tiện mới để mời một đồng nghiệp ở xa, có khả năng chuyên môn tốt, hội chẩn trong một tình huống đặc biệt. Điều này cũng đem lại một số khó khăn về mặt quy chế hành nghề. Đây không đơn thuần là vấn đề gửi các dữ liệu qua một khoảng cách, để được các chuyên gia phân tích hoặc hỗ trợ đưa ra quyết định trong khuôn khổ chẩn đoán từ xa (télédiagnostic) mà còn là những khả năng mới về thăm khám bệnh từ xa (télé-consultation) và hỗ trợ từ xa (télé-assistance), trong những trường hợp bệnh nhân vì những lý do cách trở hoặc bị cô lập, không thể hưởng được những chăm sóc của thầy thuốc chuyên khoa. Những phương tiện liên lạc hiện đại (điện thoại, liên lạc qua sóng radio…) trong những tình huống đó sẽ có thể đóng góp một phần về mặt y học.

Hỗ trợ từ xa (télé-assistance) không thể là hành động y khoa được thực hiện trong những tình huống bình thường. Đó chỉ là một tình huống ngoại lệ trong lúc chờ đợi, dành riêng cho những trường hợp khẩn cấp khi bệnh nhân bị cô lập và không thể nhận được sự can thiệp trực tiếp của thầy thuốc chuyên khoa. Can thiệp ngay lúc đó sẽ là trách nhiệm của người thầy thuốc thực hành tại chỗ và cần được chấm dứt ngay khi các chuyên gia có mặt tại hiện trường, nơi bệnh nhân hoặc người bị chấn thương hiện diện.

Một số người không chuyên môn có thể phải là trung gian bắt buộc của người thầy thuốc thực hành. Họ sẽ thu thập các dữ kiện lâm sàng cần thiết cho đánh giá tình huống, thực hiện các động tác cứu sống khẩn cấp, hoặc ngăn ngừa các biến chứng có thể gây tử vong.

Bác sĩ chuyên khoa được tham vấn phải tỏ ra có bản lĩnh, tập trung sự chăm chú và khả năng lắng nghe của mình để trấn an những người chung quanh của bệnh nhân hay người bị nạn.
Các câu hỏi mà bác sĩ tham vấn đặt ra cần phải rõ ràng, các động tác mà ông ta yêu cầu thực hiện cũng cần phải thật chính xác. Bác sĩ tham vấn cần chắc chắn là bệnh nhân và người chung quanh đã hiểu rõ về những chỉ dẫn của mình để người bệnh có thể hưởng được hết các lợi ích mà sự can thiệp từ xa của mình mang lại.

Biên dịch từ “Diagnostic”
Article 33 (article R.4127-33 du Code de la Santé Publique)
www.conseil-national.medecin.fr

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.