Tin tức y tế

Viêm quanh khớp vai là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

21/08/2023

Những bệnh lý về xương khớp ở vai luôn gây đau nhức và khó khăn khi vận động cho người bệnh. Khởi đầu từ những cơn đau âm ỉ ở vai, nhưng nếu không được điều trị thích hợp, tình trạng viêm nhiễm quanh khớp vai có thể gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của cả hai tay, đồng thời tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn hiểu rõ về căn bệnh này, triệu chứng và cách điều trị viêm quanh khớp vai.

>> Xem thêm:

Thông tin về bệnh viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai có tên tiếng Anh là Periarthritis humeroscapularis, là bệnh lý gây viêm nhiễm của các cấu trúc mềm quanh khu vực khớp vai gồm gân, túi dịch, bao khớp. Bệnh này không tính các trường hợp tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch, chẳng hạn như viêm nhiễm khớp do tác nhân vi khuẩn, viêm nhiễm khớp dạng thấp,… Trong đó, phổ biến nhất là tổn thương của gân cơ trên vai hay bó dài gân ở 2 đầu cánh tay.

>> Tham khảo:  Thay khớp gối và những lưu ý quan trọng khi thực hiện 

Viêm quanh khớp vai là bệnh lý chỉ tình trạng viêm cấu trúc mềm quanh khu vực này
Viêm quanh khớp vai là bệnh lý chỉ tình trạng viêm cấu trúc mềm quanh khu vực này (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây bệnh thường gặp

Bệnh viêm quanh khớp ở vai thường xuất phát từ các nguyên nhân sau:

  • Lão hóa tự nhiên của hệ xương khớp, thường gặp ở những người trung niên từ 50 tuổi trở lên
  • Bị chấn thương mạnh ở vai do nghề nghiệp, thói quen hoặc trong quá trình chơi thể thao
  • Biến chứng của một số bệnh lý khác như thoái hóa – vôi hóa phần mềm, viêm gân,…
  • Tăng nguy cơ bị viêm do thời tiết lạnh, ẩm.

>> Tham khảo: 

Triệu chứng của bệnh viêm quanh khớp vai

Bệnh lý viêm quanh khớp vai có nhiều thể đau khác nhau, mỗi thể sẽ có biểu hiện riêng biệt. Các chuyên gia sẽ chẩn đoán lâm sàng, xem người bệnh có triệu chứng gì để có cách điều trị thích hợp.

Thể đau khớp vai đơn thuần

Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân trên 50 tuổi, hoặc những người gặp chấn thương khi hoạt động thể thao gây viêm các gân của khớp vai. Thể đau này có các biểu hiện như: 

  • Sự xuất hiện đột ngột của cơn đau ở vùng vai khi thực hiện các động tác vận động đột ngột hoặc quá mức, đặc biệt sau khi gặp các chấn thương liên tiếp tại vùng vai, thường gia tăng vào buổi tối.
  • Cơn đau lan tỏa xuống cánh tay và cẳng tay khi người bệnh nằm tì vào vùng vai. Tình trạng này gây không thoải mái, đau đớn và hạn chế khả năng nằm nghiêng.

Thể đau vai cấp

Hiện tượng này có biểu hiện đau vai đột ngột và dữ dội. Cơn đau lan rộng từ khắp vai xuống cánh tay, lan lên cổ và xuống bàn tay khiến người bệnh mất vận động khớp vai, đau nhức mất ngủ. Bên ngoài chỗ viêm khớp vai có thể sưng, nóng,… người bệnh có thể Sốt nhẹ.

Thể giả liệt khớp vai

Người bệnh sẽ có biểu hiệu đau quanh khớp vai dữ dội, kèm theo tiếng kêu răng rắc khi cử động. Điều này xảy ra do các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột. Hơn nữa, bạn có thể nhận thấy vết bầm tím ở phần trước trên cánh tay, dù cơn đau giảm đi nhưng vẫn mất khả năng vận động ở khớp vai.

Thể cứng khớp vai

Người bệnh mắc thể cứng khớp vai có thể gặp các cơn đau kiểu cơ học, đặc biệt cơn đau thường tăng về đêm. Sau vài tuần, cơn đau giảm dần nhưng vùng vai vẫn bị đông cứng, khó khăn khi vận động, không thể đưa tay lên cao, mở rộng hoặc xoay cánh tay.

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Thông thường, bệnh viêm quanh khớp vai sẽ được bác sĩ chẩn đoán qua hình thức kiểm tra lâm sàng như sau:

  • Chụp X-quang khớp vai: Hiển thị những hình ảnh về bất thường trong cấu trúc xương ở vùng mỏm cùng của vai, hay các vùng bị vôi hóa gân cơ xung quanh khớp vai. 
  • Siêu âm khớp vai: Xác định một số tình trạng tổn thương của gân cơ xung quanh khớp vai, chẳng hạn như rách gân cơ trên gai vai hoặc đầu dài của gân cơ nhị đầu cánh tay.
  • MRI khớp vai: Cung cấp chẩn đoán chi tiết hơn về các tổn thương liên quan đến các tế bào mềm trong cơ quan khớp vai.
Phương pháp chụp X-quang giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp vai
Phương pháp chụp X-quang giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp vai (Nguồn: Internet)

Phương pháp điều trị bệnh viêm quanh khớp vai 

Dưới đây là những phương pháp điều trị bệnh lý viêm khớp ở vùng vai phổ biến:

Điều trị nội khoa

  • Dùng thuốc giảm đau thông thường theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chữa trị.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid.
  • Tiêm corticoid tại chỗ, vào túi bao gân, dưới cơ bắp delta. Phương pháp này thường được áp dụng cho những người bệnh có triệu chứng đau khớp vai đơn thuần. Thông thường, bạn chỉ cần tiêm một lần và sau đó tái tiêm sau 3-6 tháng nếu triệu chứng đau trở lại.
  • Nội soi ổ khớp vai để loại bỏ các tinh thể canxi lắng đọng.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu đối với những trường hợp đứt gãy gân mũ cơ quay do chấn thương ở người dưới 60 tuổi. Đây là một phương pháp sử dụng huyết tương chứa nhiều yếu tố tăng trưởng và phân tử sinh học, giúp kích thích quá trình hồi phục tự nhiên của cơ thể.
  • Sử dụng thực phẩm bổ sung hỗ trợ điều trị và phòng ngừa thoái hóa khớp.
  • Xây dựng chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt, vận động hợp lý. Trong giai đoạn đau vai cấp, nên để vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị có hiệu quả, bạn có thể bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai. 

Điều trị ngoại khoa

Phương pháp ngoại khoa được chỉ định cho thể giả liệt khớp vai, các bác sĩ sẽ chọn nối lại phần gân vai bị đứt, đặc biệt là trường hợp người trẻ tuổi bị đứt gân do chấn thương. Còn những bệnh nhân trên 60 tuổi bị đứt gân do thoái hóa thì việc phẫu thuật cần có sự thăm khám, tư vấn và chỉ định cẩn trọng từ bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tái khám định kỳ 1-3 tháng/lần sau khi đã phẫu thuật thành công.

Vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, điện xung, tia hồng ngoại, kỹ thuật nắn chỉnh bằng tay,… được khuyến nghị trong điều trị các bệnh viêm khớp nói chung và viêm quanh khớp vai nói riêng. Điều này nhằm giúp hạn chế vấn đề lạm dụng thuốc và giảm đau nhẹ nhàng.

Đồng thời, người bệnh nên kết hợp các bài tập đơn giản tại nhà và vận động đúng cách để hỗ trợ cho việc điều trị được hiệu quả hơn. Ở giai đoạn vai sưng, đau nhiều thì bạn cần hạn chế vận động vùng gân bị tổn thương. Ngoài ra, sau chữa trị, bạn cũng cần tập luyện để khôi phục chức năng vận động của khớp vai.

Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu giúp kích thích khả năng hồi phục tự nhiên của cơ thể, đẩy nhanh quá trình phục hồi của các mô tế bào đã bị tổn thương.

>> Tham khảo:

Tùy theo thể đau quanh khớp vai mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bạn
Tùy theo thể đau quanh khớp vai mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bạn (Nguồn: Internet)

Cách phòng ngừa bệnh viêm quanh khớp vai

Theo các bác sĩ và chuyên gia, bạn cần lưu ý đến các biện pháp sau đây để phòng ngừa bệnh, giảm tác động, áp lực lên khớp vai:

  • Hạn chế lao động quá sức, khuân vác nặng thường xuyên
  • Cẩn thận, chú ý trong quá trình sinh hoạt hàng ngày nhằm hạn chế chấn thương khớp ở vai
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên khởi động co duỗi vai đầy đủ trước khi vận động
  • Tránh tác động chèn ép khớp vai, nên nghỉ ngơi hợp lý sau khi sử dụng vai để làm việc (mang vác) trong thời gian dài
  • Chú ý đến sức khỏe vai của mình, nếu phát hiện triệu chứng bất thường thì hãy điều trị kịp thời.
Bạn nên thư giãn, khởi động vai kỹ càng trước khi vận động
Bạn nên thư giãn, khởi động vai kỹ càng trước khi vận động (Nguồn: Internet)

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ về triệu chứng bệnh lý viêm quanh khớp vai cũng như cách điều trị và phòng ngừa. Để cập nhật thêm các kiến thức y học thường thức khác, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Liện hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Câu hỏi thường gặp:

Bệnh viêm khớp vai có tự khỏi không?

Căn bệnh viêm khớp vai này có thể tự khỏi, nhưng rất dễ tái phát nhiều lần, thậm chí trở nặng và khớp vai bị giới hạn vận động nếu không được chữa trị kịp thời. Trong khi đó, việc điều trị tình trạng viêm trong giai đoạn đầu thường không phức tạp, do đó, bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ khi thấy triệu chứng để được chẩn đoán kịp thời.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.