Tin tức y tế

Vi khuẩn ăn thịt người là gì? Biểu hiện, cách phòng ngừa bệnh

25/09/2023

Vi khuẩn ăn thịt người là cụm từ dùng để chỉ các loại khuẩn lạc gây viêm cân mạc hoại tử – căn bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế uy tín. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về những biểu hiện ban đầu khi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, tránh bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị hiệu quả. 

>> Xem thêm: Bệnh truyền nhiễm là gì? Danh sách các bệnh truyền nhiễm thường gặp

Vi khuẩn ăn thịt người là gì?

“Vi khuẩn ăn thịt người” là cụm từ thường được dùng để chỉ các loại khuẩn lạc gây ra hiện tượng viêm cân mạc hoại tử, hay còn được biết đến với tên khoa học là necrotizing fasciitis (NF). Dạng nhiễm khuẩn nằm sâu dưới da do sự xuất hiện của các loại vi khuẩn phá hủy mô liên kết, mô cơ và mỡ này tuy không phổ biến nhưng có tiến triển bệnh rất nhanh.

Liên cầu khuẩn beta tan huyết thuộc nhóm A – group A beta hemolytic streptococcal (GABHS) là tác nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm cân mạc hoại tử. Một số loại vi khuẩn khác cũng được ghi nhận như lý do chính dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này là Vibrio vulnificus, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Aeromonas hydrophila, Clostridium (Clostridium perfringens, Clostridium septicum…), E.coli, Klebsiella, 

Dựa vào tác nhân gây bệnh có thể chia viêm cân mạc hoại tử thành 2 loại.

Loại 1Loại 2
Nhiều vi khuẩn khác nhau cùng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, trường hợp phổ biến nhất là một loại vi khuẩn yếm khí kết hợp với một hoặc nhiều loại yếm khí có đặc tính khác.Tác nhân chính gây bệnh là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Đây cũng là loại thường gặp ở các trường hợp bệnh.

Thống kê tại Hoa Kỳ ghi nhận hằng năm có hơn 600 trường hợp mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử. Tỷ lệ gây tử vong sau khi phát hiện, chẩn đoán và điều trị là hơn 25%. Trong tổng số này, các ca bệnh hầu hết đều đến từ người lớn.

>> Xem thêm: Sốt xuất huyết: Triệu chứng và cách điều trị tại nhà

Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A

Trong quá trình nghiên cứu về tác phân phổ biến gây ra bệnh viêm cân mạc hoại tử là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, người ta phát hiện nhiều đặc điểm giúp nhanh chóng nhận dạng loại vi khuẩn gram dương này.

Chúng thường tập trung theo cặp hoặc nối thành chuỗi với nhiều độ dài khác nhau. Ở môi trường có tính đặc thù hơn như cấy thêm thạch huyết cừu, loại khuẩn lạc này có dạng những cụm hình tròn nhỏ từ trong suốt tới mờ đục. Bao quanh chúng là những tế bào hồng cầu đã bị phá hủy bởi vi khuẩn.

>> Xem thêm: Sốt siêu vi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị, phòng ngừa

Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A
Liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (Nguồn: Internet)

Vibrio vulnificus

Khác với liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A, phẩy khuẩn gram âm Vibrio vulnificus theo nghiên cứu có đặc tính di động, thường được tìm thấy ở những vùng biển ấm hay có nhiệt độ cao (hơn 200 độ C). Đây là một trong 12 loài Vibrio thuộc họ Vibrionaceae có khả năng gây bệnh ở người bên cạnh Vibrio cholerae, Vibrio parahaemolyticus…

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)

Tụ cầu vàng hay vi khuẩn gram dương Staphylococcus aureus là một loại khuẩn lạc có đặc điểm kỵ khí tùy nghi. Ở môi trường nghiên cứu đặc thù, chúng có hình tròn với bề mặt trơn bóng, có thể quan sát sự thay đổi màu sắc thành trắng, cam hoặc vàng đậm sau một thời gian.

>> Xem thêm: Nhiễm ký sinh trùng – 8 Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa

Tụ cầu vàng
Tụ cầu vàng (Nguồn: Internet)

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao nhất

Dưới đây là những đối tượng có khả năng mắc bệnh do loại vi khuẩn gây viêm cân mạc hoại tử cao nhất.

  • Người có sở thích ăn hải sản sống hoặc có vết thương tiếp xúc với môi trường biển ấm chứa khuẩn lạc Vibrio vulnificus
  • Người có bệnh nền, đặc biệt là viêm gan mạn hay các chứng bệnh gây suy giảm chức năng miễn dịch.

>> Xem thêm: Giời leo: Nguyên nhân & cách điều trị bệnh triệt để, hiệu quả

Khuẩn lạc Vibrio vulnificus có thể xuất hiện trong các loại hải sản không qua xử lý
Khuẩn lạc Vibrio vulnificus có thể xuất hiện trong các loại hải sản không qua xử lý (Nguồn: Internet)

Con đường lây nhiễm vi khuẩn ăn thịt người

Có nhiều cách khác nhau để khuẩn lạc gây viêm cân mạc hoại tử xâm nhập vào cơ thể người. Con đường lây nhiễm phổ biến nhất là thông qua các vết thương hở. Chúng cũng có thể lây nhiễm qua những vết cắt nhỏ, vết trầy xước, côn trùng cắn hay vết thương trong hoặc sau phẫu thuật (dù con đường lây nhiễm này là rất hiếm).

Để biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng viêm cân mạc hoại tử, người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm. Trong trường hợp đã xuất hiện triệu chứng nhiễm vi khuẩn ăn thịt người cụ thể, dù phát hiện sớm hay chậm thì khuẩn lạc gây bệnh vẫn có thể phát triển và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và cơ rất nhanh.

>> Xem thêm: Sốt phát ban: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt người 

Sau 1 ngày nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh viêm cân mạc hoại tử, có thể quan sát thấy một số triệu chứng nhiễm vi khuẩn ăn thịt người như:

  • Khát nước nhiều hơn bình thường
  • Xuất hiện các triệu chứng như sốt, chóng mặt, khó chịu, tiêu chảy, buồn nôn… giống cảm cúm.
  • Khu vực có vết thương, vết cắt, chỗ trầy xước… hoặc xung quanh bị sưng, nóng, đỏ và đau nhiều hơn.

Nếu xuất hiện những triệu chứng này cùng lúc, đặc biệt là cảm giác đau tăng mạnh ở vết thương, bệnh nhân không nên tự ý xử lý mà cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra tổng quát, tránh khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Sau hơn 3 ngày mắc bệnh có thể xuất hiện thêm các biểu hiện của bệnh vi khuẩn ăn thịt ngườinhư:

  • Bị nôn mửa, tiêu chảy.
  • Khu vực xung quanh hoặc ngay vị trí vết thương cảm thấy sưng nóng, đỏ tấy lên hoặc chuyển sang màu tím. Chạm nhẹ thấy cứng, có thể xuất hiện mụn nước có mùi hôi khi vỡ.
  • Có hiện tượng bị bong, tuột da hoặc mất màu tại khu vực da xung quanh vết thương, xuất hiện hiện tình trạng hoại thư.

Những biểu hiện này cho thấy bệnh đã diễn tiến phức tạp hơn, cần tiếp nhận chẩn đoán và điều trị ngay bởi vì để lâu sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như sốc nhiễm độc, tụt huyết áp, lơ mơ, hôn mê, v.v.

>> Xem thêm: Bị thủy đậu kiêng gì để nhanh khỏi, tránh bị sẹo?

Những biến chứng của bệnh vi khuẩn ăn thịt người 

Những biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh thường đến từ tình trạng nhiễm khuẩn bị phát hiện muộn so với thời điểm vàng để đáp ứng các phương pháp điều trị. Từ đó cũng gây ra các tình trạng nguy hiểm như sốc nhiễm độc, nhiễm trùng huyết và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe như làm suy yếu nội tạng, v.v. 

Trong trường hợp bệnh đã diễn tiến nặng, gây hoại tử hoàn toàn ở tay hoặc chân thì buộc phải cắt bỏ để vi khuẩn tránh lây lan qua các vùng khác. Những cuộc phẫu thuật loại bỏ phần mô lớn đã bị nhiễm trùng cũng để lại sẹo nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Tuy không phải là bệnh hiếm gặp nhưng thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong do mắc loại vi khuẩn gây hoại tử này là 1:3, chủ yếu diễn tiến nghiêm trọng do tình trạng nhiễm trùng chuyển biến nặng. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng của vi khuẩn ăn thịt người dù phát hiện sớm vẫn gặp phải tình trạng sốc nhiễm độc – một trong những biến chứng nghiêm trọng. Sốc nhiễm độc là hội chứng dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, suy giảm chức năng đa cơ quan trong thời gian ngắn.

>> Xem thêm: Bệnh sốt rét là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị

Chẩn đoán bệnh vi khuẩn ăn thịt người

Bởi vì bệnh viêm cân mạc hoại tử có diễn tiến rất nhanh, dễ gây biến chứng nên ngay khi phát hiện các biểu hiện nghi nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.

Quy trình thăm khám đối với người nghi mắc bệnh viêm cân mạc hoại tử sẽ là kiểm tra vết thương trên cơ thể, tìm hiểu về tình trạng. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân tiến hành làm một số xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm máu: Phương pháp giúp ghi nhận sự thay đổi của bạch cầu trong cơ thể do tình trạng nhiễm khuẩn
  • Thiết sinh mô: Đây là phương pháp tiểu phẫu với mục đích lấy mẫu một số mô ở khu vực đang bị nhiễm trùng. Mô này sau đó sẽ được dùng để xác định loại vi khuẩn gây bệnh cụ thể, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp
  • Chụp cắt lớp (Chụp CT): Phương pháp giúp bác sĩ xác định vị trí tụ dịch, mủ, bong bóng khí dưới da… là những hiện tượng do tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng gây ra.

>> Xem thêm: Bệnh thủy đậu có lây không? Cách để không bị lây thủy đậu 

Cách điều trị bệnh vi khuẩn ăn thịt người

Tùy vào mức độ nhiễm khuẩn và diễn tiến mà mỗi bệnh nhân bị viêm cân mạc hoại tử sẽ nhận được phương pháp điều trị khác nhau. Một số cách chữa bệnh vi khuẩn ăn thịt người phổ biến là:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh.
  • Thực hiện cắt bỏ phần mô nhiễm trùng để tránh sự lây lan của vi khuẩn.
  • Tiếp nhận điều trị các vấn đề về huyết áp có thể do bệnh nền hoặc biến chứng.
  • Cắt cụt chi trong trường hợp không thể thực hiện phẫu thuật loại bỏ phần mô hỏng do có mức độ lây lan cao.
  • Sử dụng oxy cao áp (HBOT) để tăng áp suất không khí lên gấp 3 lần, giúp bệnh nhân nhận được nhiều oxy hơn bình thường. Lúc này oxy sẽ theo máu truyền đi khắp cơ thể để kích thích hệ miễn dịch và tăng sinh tế bào gốc, thúc đẩy quá trình điều trị vết thương.
  • Theo dõi tim, dùng máy trợ thở.
  • Truyền máu.
  • Tiêm globulin trực tiếp thúc đẩy hệ miễn dịch.

Tiếp nhận thăm khám và chẩn đoán kịp thời tại các cơ sở y tế là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị bệnh viêm cân mạc hoại tử trong đại đa số các trường hợp. Bởi vì loại khuẩn lạc gây ra căn bệnh này có khả năng phát triển rất nhanh, một khi đã xâm nhập vào cơ thể người thì dễ gây biến chứng dù chỉ chậm trễ vài tiếng đồng hồ.

>> Xem thêm: Sốt xuất huyết có lây không? Lây qua đường nào? 

Phương pháp phòng ngừa vi khuẩn ăn thịt người

Bệnh viêm cân mạc hoại tử đến nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và chưa có vắc xin chính thức. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh này, quy trình xử lý vết thương (con đường xâm nhập phổ biến của vi khuẩn) đúng cách và vệ sinh cơ thể hằng ngày là rất quan trọng.

  • Xử lý vết thương: Đây là con đường xâm nhập chính của các loại vi khuẩn gây bệnh. Do đó khi bị thương, hãy:
    • Nhanh chóng vệ sinh sạch sẽ vết thương với nước, thấm khô bằng khăn.
    • Có thể dùng các loại băng vô trùng như gạc y tế, băng dán cá nhân để băng kín lại, đảm bảo vết thương khô ráo.
    • Tránh tiếp xúc với môi trường nước tự nhiên hay nước bẩn trong thời gian cơ thể đang có vết thương hở.
    • Trong trường hợp tiếp xúc gần với người bị bệnh viêm cân mạc hoại tử khi cơ thể đang có vết thương, hãy chủ động đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra tổng quát.
  • Vệ sinh hàng ngày:
    • Rửa tay thường xuyên bằng nước ấm, xà phòng diệt khuẩn hoặc gel rửa tay chứa cồn để loại bỏ vi khuẩn
    • Mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc, làm việc trong môi trường tự nhiên có nước, đất bùn… Chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ ngay sau đó
    • Thường xuyên dưỡng ẩm toàn thân để tránh bị khô, nứt nẻ da, ngoài ra tuyệt đối không gãi khi mắc các bệnh như nấm, chàm… vì có thể tạo thành vết thương
  • Nếu có bệnh nền liên quan đến gan, hệ miễn dịch… gây suy nhược cơ thể, cần hạn chế tiếp xúc với môi trường nước tự nhiên hay nước bẩn vì dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

>> Xem thêm: Bệnh quai bị có lây không? Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh

Câu hỏi thường gặp

Vi khuẩn ăn thịt người có ở đâu?

Khuẩn lạc gây bệnh viêm cân mạc hoại tử xuất hiện nhiều ở vùng nước ô nhiễm, đặc biệt phát triển mạnh trong môi trường có độ ẩm cao.

Bệnh vi khuẩn ăn thịt người có lây không?

Bệnh có thể lây qua các vết xước, vết cắt nhỏ, vết thương hở… trong trường hợp cơ thể đang bị suy giảm hệ miễn dịch.

Vi khuẩn ăn thịt người có chữa được không?

Bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh và một số phương pháp khác như: cắt bỏ phần mô nhiễm trùng, sử dụng oxy cao áp, …

Trên đây là những thông tin sẽ giúp ích được nhiều cho bạn trong quá trình tìm hiểu về căn bệnh do các loại vi khuẩn ăn thịt người gây ra, từ đó có kiến thức về dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa khi nghi ngờ nhiễm bệnh hợp lý. Để cập nhật nhiều kiến thức y học hữu ích trong cuộc sống, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Nếu có nhu cầu cần giải đáp thắc mắc về vấn đề sức khỏe, hãy liên hệ qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí hoặc nhấn TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn trực tiếp với đội ngũ bác sĩ tại Hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

>> Xem thêm: Sốt virus có lây không? Lây qua đường nào, cách chữa sốt virus?

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.