Tin tức y tế

Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

16/08/2023

Tràn dịch màng phổi là bệnh lý nguy hiểm, khoang phổi chứa chứa nhiều dịch tiết bất thường gây ho, khó thở, suy hô hấp và thậm chí là tử vong. Trong bài viết này, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh tràn dịch màng phổi nhé.

Tràn dịch màng phổi là gì?

Bên ngoài mỗi lá phổi sẽ được bao quanh bởi 2 lớp màng mỏng, tạo thành một khoang ảo gọi là khoang màng phổi. Trong khoang màng phổi này thường chứa một lượng dịch sinh lý khoảng 10 – 15ml, đóng vai trò như hệ thống đệm giữa phổi và thành ngực, giúp phổi giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở. 

Tràn dịch màng phổi là tình trạng dịch ở bên trong khoang phổi nhiều hơn mức bình thường. Nếu lượng dịch ít thì có thể gây khó thở nhẹ hoặc không gây triệu chứng gì cho người bệnh, tuy nhiên nếu tràn dịch nhiều thì có thể gây nguy hiểm đến người bệnh, thậm chí là tử vong. 

Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi thường do biểu hiện của các bệnh lý khác, vậy nên được chia làm 2 loại là:

  • Tràn dịch màng phổi dịch thấm (nguyên nhân do bệnh suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng…)
  • Tràn dịch màng phổi dịch tiết (nguyên nhân do bệnh lao, ung thư, nhiễm khuẩn…).
Tràn dịch màng phổi là gì
Tràn dịch màng phổi có thể do nhiều bệnh lý gây ra (Nguồn: internet) 

Xem thêm:

  • Cảm lạnh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
  • Cúm A: Triệu chứng, biểu hiện, điều trị, biến chứng và phòng ngừa
  • Ung thư vòm họng – Nhận biết dấu hiệu và cách điều trị bệnh

Ai có nguy cơ bị tràn dịch màng phổi?

Bệnh tràn dịch màng phổi thường gặp ở những người có bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, tim mạch hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Cụ thể như:

Người có bệnh lý liên quan đến phổi: 

  • Ung thư phổi
  • Xẹp phổi
  • Tắc động mạch phổi
  • Lao phổi
  • Viêm phổi
  • Di căn Ung thư từ những cơ quan khác trong cơ thể đến màng phổi. 

Người có bệnh lý liên quan đến tim mạch: 

  • Suy tim
  • Viêm màng ngoài tim co thắt
  • Sau phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành. 

Người bị mắc chứng suy giảm chức năng và miễn dịch:

  • Thận hư, suy thận
  • Các bệnh lý hệ thống
  • Xơ gan cổ trướng
  • Suy giáp, viêm khớp
  • Nhiễm HIV
  • Ký sinh trùng. 

Nguyên nhân gây bệnh tràn dịch màng phổi

Bệnh tràn dịch màng phổi thường xảy ra do mắc các bệnh lý khác như:

  • Lao màng phổi: Xảy ra với những người trẻ tuổi, khoẻ mạnh và thường đi kèm với triệu chứng ho lao.
  • Ung thư phổi: Khi màng phổi bị các tết bào Ung thư xâ lấn, nguy cơ bị tràn dịch màng phổi rất cao.
  • Suy tim: Thường xuất hiện ở những người đã từng mắc bệnh tim mạch. Tim bị suy thì không thể đẩy máu cách hiệu quả, dẫn đến sự ứ đọng máu trong phổi và khiến dịch thoát ra khoang màng phổi.
  • Viêm phổi: Khi phổi bị nhiễm trùng lan ra màng phổi hoặc vùng bị tổn thương gần màng phổi sẽ kích thích màng phổi tạo ra nhiều dịch hơn.
  • Các vấn đề về thận và gan: Suy thận mãn, xơ gan cổ trướng,…
  • Ký sinh trùng.
  • Do các bệnh hệ thống như bệnh Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp,…
  • Tràn dịch màng phổi có thể xuất phát từ vấn đề các tế bào Ung thư di căn đến màng phổi, dẫn đến tắc nghẽn ở mạch phổi hoặc dịch tích tụ do việc áp dụng một số liệu pháp trị liệu ung thư như xạ trị hoặc hóa trị. 

Các dạng Ung thư có khả năng gây ra bệnh này có thể là:

  • Ung thư phổi
  • Ung thư vú
  • Ung thư buồng trứng
  • Ung thư cổ tử cung.
Nguyên nhân gây bệnh tràn dịch màng phổi
Nguyên nhân gây bệnh tràn dịch nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Xem thêm:

  • Suy hô hấp: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán & điều trị
  • Hen phế quản: Triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị
  • Đau họng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Nhận biết triệu chứng viêm màng phổi

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tràn dịch mà người bệnh có thể mắc những triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh tràn dịch màng phổi là: 

  • Khó thở khi nghỉ ngơi hoặc cố gắng hoạt động quá sức
  • Đau ngực hoặc cảm giác tức ngực, đau nhiều hơn khi nói lớn hoặc khi cố gắng thở sâu
  • Ho khan hoặc ho có đờm
  • Bị Sốt và có thể có hoặc không rét run
  • Mệt mỏi, suy sụp về tinh thần và ăn uống kém
  • Phù chân đối với những người bị mắc bệnh do suy tim, suy dinh dưỡng, suy gan, suy thận,…
Nhận biết triệu chứng viêm màng phổi
Ho khan là một trong những triệu chứng của bệnh tràn dịch phổi (Nguồn: Internet) 

Tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?

Tràn dịch màng phổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ hô hấp, thiếu oxy nuôi dưỡng cơ thể và dẫn đến các di chứng như: Viêm dày màng phổi, vôi hoá màng phổi, viêm mủ màng phổi,… Đồng thời, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tràn dịch. Trong trường hợp nguyên nhân do Ung thư thì sẽ khó điều trị hơn, nguy cơ tái phát rất cao.

Biến chứng của bệnh viêm màng phổi

Bệnh nhân sau khi điều trị viêm màng phổi có thể hồi phục trong vài tuần hoặc vài tháng, tuỳ thuộc vào thể trạng và nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, nếu không kịp thời chữa trị thì có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như:

  • Xẹp phổi
  • Suy hô hấp
  • Chèn ép tim
  • Tràn khí màng phổi
  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu màng phổi.

Cách chẩn đoán bệnh viêm màng phổi 

Khi xuất hiện dấu hiệu của bệnh viêm màng phổi, để làm rõ nguyên nhân các bác sĩ thường thực hiện các bước sau:

  • Tiến hành chụp X-quang ngực: Kết quả thường sẽ hiển thị hình ảnh mờ đậm trên một hoặc cả hai bên của phổi và dịch thường tập trung ở phía dưới. Tuy nhiên trong trường hợp tràn dịch tập trung nhỏ lẻ thì việc phát hiện bệnh qua phim X-quang có thể gặp khó khăn.
  • Thực hiện chụp cắt lớp vi tính ngực: Phương pháp này cho thấy hình ảnh chi tiết hơn về mức độ và vị trí của tràn dịch, đồng thời có khả năng phát hiện nguyên nhân gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi.
  • Áp dụng siêu âm màng phổi: Đây là một phương pháp kiểm tra đơn giản và an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Siêu âm màng phổi có thể phát hiện ra bệnh mặc dù chỉ có một lượng dịch nhỏ nằm trong khoang phổi. Ngoài ra, đối với tình trạng tràn dịch ác tính thì phương pháp này còn có khả năng phát hiện tràn dịch màng phổi cùng với các khối u di căn trong bụng.

Phương pháp điều trị bệnh tràn dịch màng phổi

Trước khi xác định được phương pháp điều trị thì các bác sĩ thường sẽ xác định nguyên nhân gây ứ đọng nước trong khoang phổi trước rồi từ đó có chiến lược điều trị phù hợp cho bệnh nhân. 

Chọc hút dịch màng phổi

Phương pháp này sẽ giúp hút bớt lượng dịch trong khoảng phổi và giúp cho bệnh nhân dễ thở hơn. 

Dẫn lưu màng phổi

Cách này được áp dụng khi người bệnh mắc các vấn đề như tràn mủ, tràn máu màng phổi hoặc tràn dịch kèm với tràn khí trong màng phổi. Phương pháp này sử dụng một công cụ đặc biệt hình ống (được gọi là ống dẫn lưu) thường được làm từ silicon, được đưa qua lớp da và đặt vào khoang màng phổi. Sau đó nó được kết nối với hệ thống hút áp lực âm để lấy mủ và máu ra khỏi màng phổi.

Điều trị nội khoa

Dựa vào nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi các bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị nội khoa thích hợp:

  • Trong trường hợp bệnh xuất phát từ nhiễm khuẩn (viêm mủ màng phổi) thì sẽ tiến hành sử dụng kháng sinh.
  • Nếu do mắc bệnh lao thì bác sĩ sẽ thực hiện chế độ điều trị bằng thuốc kháng lao.
  • Nếu nguyên nhân là từ bệnh Ung thư thì việc sử dụng hoá chất trong quá trình điều trị có thể tạo ra hiện tượng dính màng phổi nhằm ngăn chặn khả năng tái phát nhanh của dịch.

Điều trị hỗ trợ

  • Hạn chế tình trạng suy hô hấp bằng cách tiến hành xả dịch, sử dụng oxy thông qua ống thông mũi.
  • Giảm đau và hạ Sốt bằng việc sử dụng paracetamol.
  • Nghỉ ngơi tại giường, ăn những loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất.
  • Làm theo chỉ định về việc thực hiện vật lý trị liệu hô hấp từ bác sĩ.

Gợi ý một số biện pháp phòng ngừa bệnh 

Một số biện pháp có thể giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc tràn dịch màng phổi: 

  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm và cải thiện môi trường sống của mình. 
  • Tuân thủ chế độ ăn chín, uống sôi, tránh các thực phẩm chưa được nấu chín.
  • Áp dụng chế độ cách ly, duy trì khoảng cách an toàn hoặc sử dụng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với người mắc bệnh lao.
  • Vệ sinh răng miệng và họng hàng ngày, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp để tránh viêm nhiễm lan ra phổi.
  • Ngưng sử dụng thuốc lá hoặc không tiếp xúc với môi trường có khói thuốc.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh tràn dịch màng phổi và cách phòng tránh cũng như cách điều trị bệnh. Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về loại bệnh này và có những phát hiện kịp thời. Để cập nhật thêm một số kiến thức y học khác bạn có thể truy cập Tin tức y tế. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hoặc gặp các dấu hiệu nói trên, hãy liên hệ ngay qua HOTLINE  hoặc truy cập TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn thăm khám trực tiếp với các bác sĩ thuộc Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.