Tin tức y tế

Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, chẩn đoán & cách điều trị

28/11/2023

Thoái hóa khớp gối là bệnh phổ biến ở người lớn tuổi do lão hóa, gây sưng, đau hoặc cứng khớp khi vận động hoặc di chuyển. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày. Lối sinh hoạt và làm việc kém khoa học hiện nay là nguyên nhân chính khiến bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Hoàn Mỹ  tìm hiểu chi tiết về căn bệnh này và cách điều trị.

>>> Xem thêm: 

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối còn được biết đến với tên gọi khác là thoái hóa sụn khớp gối. Đây là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp bị mài mòn do chịu áp lực lớn, lâu dần hình thành gai xương ở vùng đầu gối hoặc gây biến dạng khớp, tổn thương các cấu trúc bên trong như màng hoạt dịch, sụn chêm, dây chằng… 

Khi bị bệnh thoái hóa khớp trong một thời gian dài, chất lượng dịch tiết ra nhằm bôi trơn các đầu khớp sẽ ngày càng kém hơn. Lúc này mặt sụn chịu lực ma sát lớn bị hao mòn dần, làm hẹp khe khớp khiến xương đầu gối cọ xát mạnh với nhau, gây khó khăn cho người bệnh trong quá trình vận động.

Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa sụn khớp gối là tình trạng khớp bị sưng, đau hoặc cứng khi vận động (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp gối

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khớp gối bị thoái hóa. Thông thường, người già sẽ có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn, do khả năng tự chữa lành của xương sụn suy giảm dần theo tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở độ tuổi sớm hơn với những nguyên nhân sau:

  • Thừa cân, béo phì: Trọng lượng của một người có thể sẽ tác động lên các khớp gối. Nghiên cứu chỉ ra khi cơ thể tăng 0,45kg thì áp lực gây ra cho vùng đầu gối cũng tăng từ 1,35 – 1,8kg.
  • Di truyền: Thoái hóa sụn khớp gối có thể xuất hiện sớm do đột biến di truyền – yếu tố khiến một người trẻ tuổi có nguy cơ bị viêm xương khớp, đặc biệt là ở vùng đầu gối sẽ có nguy cơ bị viêm cao hơn những vùng khác. Đồng thời có thể gây biến dạng xương bao quanh các khớp gối, từ đó khiến sụn yếu và dễ bị thoái hóa hơn.
  • Giới tính: Thống kê cho thấy phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp cao hơn so với đàn ông.
  • Chấn thương liên tục: Trường hợp này thường xảy ra ở các vận động viên chuyên thực hiện các động tác phức tạp, tạo áp lực lớn cho khớp gối hoặc người lao động nặng, tính chất công việc hay ngồi xổm hoặc mang vác nặng từ 25kg trở lên.
Nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp gối
Tình trạng béo phì khiến khớp gối chịu áp lực lớn hơn, lâu dần gây thoái hóa (Nguồn: Internet)

Triệu chứng của bệnh

Thoái hóa khớp gối được chia thành 4 giai đoạn với các triệu chứng và dấu hiệu riêng biệt.

>>> Xem thêm: Thoái hóa đốt sống cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Triệu chứng của bệnh
Thoái hóa khớp tiến triển qua 4 giai đoạn (Nguồn: Internet)

Giai đoạn 1: Có dấu hiệu bệnh

Trong giai đoạn này, khu vực đầu gối không có biểu hiện rõ ràng. Tình trạng mài mòn giữa các thành phần của khớp vẫn diễn ra bên trong nhưng không gây cảm giác sưng, nhức hay đau đớn cho người bệnh.

Giai đoạn 2: Mức độ bệnh nhẹ

Đến giai đoạn 2, người bệnh mới bắt đầu có các triệu chứng cụ thể như đau nhức sau một ngày dài sử dụng chi dưới nhiều, dễ bị cứng khớp hoặc đau khi quỳ, cúi hoặc không cử động đầu gối trong vài giờ liên tục.

Đây được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh thoái hóa khớp vì không gian giữa các xương chưa bị thu hẹp lại. Chất dịch tiết ra từ khớp vẫn đủ để các xương không bị cọ xát với nhau.

Giai đoạn 3: Mức độ trung bình

Khi chụp X-quang có thể thấy sụn giữa các xương có dấu hiệu bị tổn thương, gây sưng, đau hoặc cứng. Không gian giữa các khớp gối bắt đầu thu hẹp lại, khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi đi bộ, chạy, cúi, quỳ… Triệu chứng cứng khớp ở giai đoạn 2 cũng diễn ra ở giai đoạn 3 nhưng với tần suất thường xuyên hơn, nhất là sau khi ngồi một thời gian hoặc thức dậy vào buổi sáng.

Giai đoạn 4: Mức độ nghiêm trọng

Bệnh thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 4 được đánh giá là nghiêm trọng, khi bất cứ cử động nào cần sử dụng đến khớp đều gây đau nhói, khó chịu. Giai đoạn này không gian giữa các xương bị thu hẹp đáng kể. Phần sụn lúc này không chỉ bị mài mòn, biến dạng mà còn thường xuyên bị cứng hoặc bất động đo thiếu hụt trầm trọng lượng chất dịch giúp các đầu khớp giảm ma sát với nhau.

Đối tượng dễ mắc thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối thường xuất hiện ở người già do tình trạng lão hóa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, một số đối tượng cũng có nguy cơ bị thoái hóa khớp sớm nếu không kịp thời phát hiện và thay đổi lối sống như:

  • Người có chỉ số BMI ở mức thừa cân, béo phì.
  • Người có tính chất công việc nặng nhọc, lao động chân tay, thường xuyên mang vác.
  • Người có tiền sử chấn thương như đứt dây chằng khớp gối, vỡ hoặc nứt cầu dưới xương đùi…
Đối tượng dễ mắc bệnh
Người có tiền sử chấn thương dễ bị thoái hóa khớp sụn gối (Nguồn: Internet)

Cách phòng ngừa bệnh

Để bảo vệ sức khỏe thể chất, hạn chế tối đa tình trạng thoái hóa khớp sớm, dưới đây là các cách phòng bệnh thoái hóa khớp:

Chế độ dinh dưỡng

  • Duy trì BMI < 23, tức có mức cân nặng hợp lý so với chiều cao, tránh để trọng lượng dư thừa tạo áp lực lên khớp gối.
  • Kiểm soát lượng glucose nạp vào cơ thể để không gây ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của sụn.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ưu tiên ăn các loại cá nước lạnh, thực phẩm chứa nhiều omega-3 hỗ trợ kháng viêm. Ngoài ra, bổ sung các dưỡng chất giúp xương chắc khỏe có trong sườn bò, xương ống, các loại thịt heo, tôm, cua…

>>> Xem thêm: Viêm quanh khớp vai là bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh

Chế độ dinh dưỡng
Thực phẩm giàu omega-3 hỗ trợ kháng viêm cho vùng sụn khớp gối (Nguồn: Internet)

Chế độ sinh hoạt và lao động hợp lý

  • Thường xuyên tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe. Mỗi ngày nên vận động khoảng 30 phút với cường độ phù hợp để giúp cho các khớp dẻo dai.
  • Khi cảm thấy mệt mỏi, cần tránh hoạt động quá sức để xương khớp không chịu thêm áp lực, gia tăng nguy cơ bị tổn thương.
  • Tránh mang vác vật nặng để giảm nguy cơ chấn thương, đồng thời chơi thể thao đúng kỹ thuật để bảo vệ các khớp.

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Thông thường, sau khi xuất hiện các triệu chứng sưng, đau hoặc cứng, nghi ngờ do bị thoái hóa khớp, nên chủ động đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn điều trị. Bác sĩ lúc này sẽ:

  • Tìm hiểu về tình trạng bệnh, tiền sử chấn thương, lối sinh hoạt từ 6 – 12 tháng gần nhất,… sau đó tiến hành thăm khám khớp gối và toàn thân.
  • Dựa trên triệu chứng và tình trạng bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)…
  • Siêu âm khớp khi có dấu hiệu sưng đau, chọc hút thăm dò trong điều kiện vô trùng tuyệt đối.
Chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để xác định tình trạng thoái hóa khớp gối (Nguồn: Internet)

Cách điều trị thoái hóa khớp gối

Trong quá trình điều trị thoái hóa khớp gối, bên cạnh thực hiện các phương pháp theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh còn phải kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sinh hoạt và làm việc. Những liệu pháp thường dùng để chữa trị thoái hóa khớp là:

  • Giảm cân, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp.
  • Thực hiện các bài tập hỗ trợ tình trạng thoái hóa khớp.
  • Dùng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen, naproxen natri… để giảm thiểu triệu chứng.
  • Tiêm corticosteroid để giảm đau, chống viêm hoặc axit hyaluronic để bôi trơn khớp gối.
  • Áp dụng các liệu pháp thay thế trong giai đoạn thoái hóa nhẹ hoặc trung bình như bôi kem chứa capsaicin, châm cứu…
  • Tập vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ bắp và tính linh hoạt cho khớp.
  • Thực hiện các phương pháp phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn như nội soi khớp, phẫu thuật cắt xương, phẫu thuật thay khớp hoặc tạo hình.

>>> Xem thêm: Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối
Tập vật lý trị liệu hỗ trợ điều trị chứng thoái hóa khớp (Nguồn: Internet)

Câu hỏi thường gặp

Thoái hóa khớp gối nên ăn gì?

Các loại cá nước lạnh, thực phẩm giàu omega-3 giúp kháng viêm, vitamin bổ sung dưỡng chất.

Việc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng theo các giai đoạn cũng như cách để phòng ngừa thoái hóa khớp gối là rất quan trọng để giảm thiểu xu hướng ngày càng trẻ hóa của căn bệnh này. Để cập nhật thêm các cập nhật mới về y học, bạn hãy truy cập Tin tức y tế. Bạn cũng đừng quên liên hệ đến số HOTLINE để được tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc đặt lịch TẠI ĐÂY để được thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.