Tin tức y tế

Thuốc Salbutamol là gì? Công dụng, lưu ý tác dụng phụ

02/11/2023

Nếu bạn đang bị hen suyễn hoặc các bệnh phổi tắc nghẽn khác, hãy đọc bài viết sau do Hoàn Mỹ chia sẻ để tìm hiểu thêm về Salbutamol. Đây là một loại thuốc giãn phế quản phổ biến được sử dụng để điều trị hen suyễn và các bệnh phổi tắc nghẽn khác.

>>> Xem thêm các loại thuốc trị bệnh hô hấp:

Salbutamol là thuốc gì?

Salbutamol là một loại thuốc có tác dụng làm nới lỏng các cơ trơn trong đường hô hấp. Điều này giúp cải thiện triệu chứng co thắt phế quản, giúp phế quản thông thoáng và  hô hấp dễ dàng hơn. Salbutamol thuộc nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, thường được dùng cho bệnh nhân bị hen phế quản.

Salbutamol được bào chế với các hàm lượng khác nhau, bao gồm:

  • Dung dịch uống, siro: 1 mg/mL; 2,5 mg/2,5 mL; 2 mg/mL; 5 mg/2,5 mL.
  • Khí dung: Salbutamol 100mcg/liều; 200mcg/liều; 250mcg/liều; 500mcg/liều.

Thành phần chính của Salbutamol là hoạt chất Salbutamol sulfate. Salbutamol có nhiều tên gọi và nhiều dạng dùng khác nhau trên thị trường, Ventolin là một trong những loại thuốc phổ biến nhất. Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau, bao gồm:

  • Dung dịch uống, siro.
  • Khí dung, thuốc xịt mũi.
  • Thuốc tiêm.
Salbutamol là thuốc điều trị các bệnh lý về hen suyễn và phổi
Salbutamol là gì? (Nguồn: Internet)

Công dụng của thuốc Salbutamol

Salbutamol là một loại thuốc chủ vận thụ thể beta-2-adrenergic có chọn lọc, được sử dụng để điều trị các bệnh lý sau:

  • Ngăn ngừa cơn hen do vận động quá sức.
  • Chữa trị các bệnh lý về cơn hen cấp tính.
  • Điều trị các triệu chứng của đợt hen tái phát nặng hoặc bệnh phế quản tắc nghẽn mãn tính.
  • Xét nghiệm chức năng hô hấp để đánh giá mức độ hồi phục của tắc phế quản.
Salbutamol là thuốc có nhiều công dụng chữa trị các bệnh lý khác nhau về đường hô hấp
Công dụng của Salbutamol (Nguồn: Internet)

Hướng dẫn cách sử dụng thuốc Salbutamol

Chỉ định

Thuốc Salbutamol được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Điều trị cơn hen cấp tính.
  • Phòng ngừa cơn hen khi vận động.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
  • Điều trị phù phổi cấp.
  • Điều trị tiền sản giật kèm theo co thắt phế quản.

Chống chỉ định

Tránh dùng Salbutamol trong các trường hợp: 

  • Phản ứng Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không dùng kết hợp Salbutamol và ipratropium bromid khi cơ thể mẫn cảm với lecithin đậu nành hoặc các sản phẩm liên quan đến đậu nành, đậu phộng.
  • Người mang thai có nguy cơ sảy thai trong 3 – 6 tháng đầu thai kỳ.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp cấp, đồng thời Sốt cao.
  • Suy tim cấp, rối loạn nhịp tim nặng.

Liều dùng Salbutamol

Phương pháp và liều lượng dùng Salbutamol khác nhau tùy từng phương thức sử dụng.

Hít qua miệng:

  • Để điều trị cơn hen cấp: Khi có dấu hiệu bắt đầu, hít 1 – 2 liều xịt khí dung Salbutamol 100 microgam/liều hoặc Salbutamol 90 microgam/liều. Nếu không khỏi, có thể hít lại sau vài phút, tối đa 4 lần/ngày.
  • Để ngăn ngừa cơn hen do vận động: Hít 2 liều xịt trước khi vận động khoảng 15 – 30 phút.

Hít qua phun sương:

  • Trẻ em từ 2 tuổi trở lên có thể dùng liều thấp hơn, như 0,63 mg hoặc 1,25 mg, 3 – 4 lần/ngày. Không nên dùng liều cao hơn hoặc dùng nhiều hơn 4 lần/ngày.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi cần dùng dung dịch hít Salbutamol 0,5% để có liều lượng phù hợp. Trẻ có thể dùng liều đơn chứa 0,63 mg hoặc 1,25 mg Salbutamol cho mỗi 3 ml.
  • Liều thông thường cho người lớn và thiếu niên từ 12 tuổi trở lên để điều trị cơn hen cấp là 2,5 mg, 3 – 4 lần/ngày. Thời gian hít phải từ 5 – 15 phút. Không nên dùng liều cao hơn hoặc dùng nhiều hơn 4 lần/ngày.

Dạng uống:

  • Người lớn > 18 tuổi: Uống mỗi lần 4 mg (hoặc 2 mg nếu là người cao tuổi hoặc nhạy cảm), ngày uống 3 – 4 lần; tối đa một lần uống được 8 mg.
  • Trẻ em từ 1 tháng – 18 tuổi: Uống mỗi lần theo cân nặng và tuổi tác của trẻ, ngày uống 3 – 4 lần.

Dạng tiêm:

  • Thường chỉ tiêm khi điều trị tại bệnh viện và không khuyến cáo sử dụng cho trẻ em.
  • Người lớn: Tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, mỗi lần tiêm được 500 microgam, tiêm lại sau mỗi 4 giờ nếu cần. Tiêm tĩnh mạch chậm, mỗi lần tiêm được 250 microgam trong vòng 5 phút (pha loãng thành dung dịch có nồng độ là 50 microgam/ml), tiêm lại nếu cần.

Truyền tĩnh mạch:

  • Trẻ em từ 1 tháng – 18 tuổi: Truyền tĩnh mạch với tốc độ từ 1 – 5 microgam/kg/phút, điều chỉnh liều theo hiệu quả và nhịp tim của trẻ.
  • Người lớn: Truyền tĩnh mạch với tốc độ từ 3 – 20 microgam/phút, tùy theo tình trạng của bệnh nhân.

Cách dùng

Để sử dụng Salbutamol có hiệu quả tốt nhất và tránh các tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế khi sử dụng thuốc. Đồng thời, tham khảo cách sử dụng của các loại bình xịt hít trong tờ hướng dẫn đi kèm.

Cần lưu ý thời hạn sử dụng thuốc trên bao bì kể từ ngày mở nắp. Tùy vào nhà sản xuất và loại thuốc mà bạn cần thay mới sau 3 đến 6 tháng mở nắp.

Tương tác thuốc

Salbutamol có thể tương tác với với các loại thuốc như:

  • Atomoxetin: Dùng chung với Salbutamol và atomoxetin làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng tim mạch.
  • Digoxin: Salbutamol có thể làm giảm lượng digoxin trong máu.
  • Methyldopa: Truyền Salbutamol cùng với methyldopa, có thể gây ra hạ huyết áp đột ngột.
  • Các thuốc khác:  Salbutamol có thể làm tăng nguy cơ mất kali máu khi dùng chung với acetazolamid, corticosteroid, thuốc lợi tiểu quai, thiazid, theophylin.

Cách bảo quản Salbutamol

Thuốc Salbutamol nên được bảo quản trong hộp kín, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, cần đáp ứng nhiệt độ bảo quản thuốc như sau:

  • Thuốc khí dung Salbutamol sulfat cùng hydrofluoroalkane cần bảo quản ở nhiệt độ từ 15 – 25 độ C.
  • Thuốc phun sương Salbutamol sulfat bảo quản ở nhiệt độ từ 2 – 25 độ C hoặc 15 – 30  độ C tùy theo loại thuốc.
  • Bảo quản viên nén Salbutamol sulfat ở nhiệt độ từ 15 – 30 độ C và viên nén giải phóng chậm ở nhiệt độ từ 20 – 25 độ C.
  • Dung dịch uống Salbutamol sulfat phải để ở nhiệt độ từ 20 – 25 độ C hoặc 2 – 30 độ C tùy theo loại thuốc và thuốc tiêm dưới 25 độ C.
  • Dung dịch đậm đặc Salbutamol sulfat hít qua miệng (0,5%) và dung dịch Salbutamol sulfat để phun sương phải vứt bỏ nếu thấy màu sắc hoặc độ trong suốt của thuốc thay đổi.

>>> Tìm hiểu thêm:

Cần nắm rõ các thông tin trước khi sử dụng Salbutamol
Cách dùng thuốc Salbutamol (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của thuốc

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Salbutamol bao gồm:

  • Mất ngủ.
  • Đỏ da.
  • Đau đầu, lo lắng, bồn chồn, run rẩy.
  • Tim đập nhanh hoặc chậm hoặc bất thường.
  • Miệng đắng, khô.
  • Đau họng và ho.

Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra một số tác dụng phụ như khó thở, đau ngực, sốt, da xanh xao, sưng ở mặt, môi, lưỡi, hoặc cổ họng. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết sớm các triệu chứng và đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hại.

Dấu hiệu khi sử dụng thuốc quá liều và cách xử lý

Tuân thủ liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng Salbutamol để tránh quá liều gây ngộ độc. Quá liều Salbutamol có thể gây ra các dấu hiệu như sau:

  • Khó chịu, đau đầu, hoa mắt, buồn nôn.
  • Lo lắng, run các đầu chi, tim đập nhanh, thay đổi huyết áp.
  • Co giật, giảm kali trong máu.

Nếu xuất hiện các triệu chứng này, bạn nên ngừng dùng Salbutamol ngay lập tức và tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ. Nếu tình trạng ngộ độc nặng, bạn có thể cần phải nhập viện và rửa dạ dày.

Sử dụng Salbutamol khí dung với liều cao hơn bình thường do tình trạng hen nặng hoặc biến chứng, bạn cần xin ý kiến của bác sĩ để từ đó thay đổi cách điều trị.

Lưu ý khi sử dụng thuốc

Lưu ý chung

Việc sử dụng sai liều lượng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ liều lượng và sự chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc hoặc dùng lại đơn thuốc cũ cho một đợt bệnh giống nhau.

Ngoài ra, cần kiểm tra thường xuyên các thiết bị phun khí dung hoặc dụng cụ xịt hít để đảm bảo chúng hoạt động tốt. Đồng thời, người bệnh nên báo cho bác sĩ biết các thuốc khác bạn đang dùng để kiểm tra tương tác thuốc và đảm bảo không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh hiện tại.

Lưu ý khi dùng thuốc cho trẻ

Bố mẹ nên thông báo cho bác sĩ về việc sử dụng thuốc Salbutamol của trẻ khi trẻ có bệnh khác kèm theo, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ em khi sử  dụng Salbutamol cần được chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là trong tình huống thay đổi liều lượng thuốc. Tùy theo tuổi tác, mức độ bệnh mà bác sĩ chọn cách sử dụng thuốc khác nhau. Trong trường hợp trẻ cần sử dụng dạng hít có thể dùng buồng đệm hỗ trợ giúp cho thuốc vào phổi dễ hơn.

Như vậy, qua bài viết trên Hoàn Mỹ đã cung cấp đến bạn thông tin về thuốc Salbutamol. Đây là một loại thuốc giãn phế quản, được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh phổi khác. Việc sử dụng thuốc Salbutamol cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tối đa và hạn chế xảy ra tác dụng phụ.Ngoài ra, để tìm hiểu thêm kiến thức về sức khỏe khác bạn có thể tham khảo tại Tin tức y tế. Liên hệ ngay với số HOTLINE hoặc đặt hẹn lịch trực tiếp TẠI ĐÂY nếu có nhu cầu thăm khám và điều trị để được tư vấn miễn phí bởi hệ thống của bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.