Tin tức y tế

Retinol là gì? Tác dụng và cách sử dụng cho người mới bắt đầu

29/06/2023

Đối với các tín đồ đam mê làm đẹp, Retinol (vitamin A1) đã không còn là sản phẩm chăm sóc da quá xa lạ. Hoạt chất này có khả năng biến đổi làn da nhiều mụn, sần sùi thành láng mịn và căng bóng nếu như chúng ta sử dụng đúng nồng độ và tần suất. Vậy Retinol là gì và có bao nhiêu loại? Retinol nằm ở bước thứ mấy trong chu trình skincare? Bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn tìm được các thông tin liên quan đến loại vitamin A1 một cách chi tiết nhất. 

>> Xem thêm:

Retinol là gì? 

Retinol là một trong những dẫn xuất của vitamin A. Chất này khi được bôi lên da sẽ thẩm thấu và trở thành thành phần giúp liên kết các tế bào. Đồng thời, nó giúp trung hòa các gốc tự do dưới da. Quá trình hoạt động của loại vitamin A1 này sẽ thúc đẩy quá trình tái sinh collagen và tế bào, đồng thời kháng khuẩn và hỗ trợ trị mụn. Nhờ vậy mà giải quyết các vấn đề thường gặp của làn da, từ đó giúp da trẻ hoá, rạng rỡ và láng mịn. 

>> Xem thêm: 10 Tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe

Retinol là gì?
Retinol là một trong những dẫn xuất của vitamin A (Nguồn: Internet)

Tác dụng của retinol là gì?

Retinol vốn được xem là sản phẩm skincare mang đến nhiều công dụng, giúp làn da thay đổi ngoạn mục như tẩy da chết, cải thiện độ ẩm và kết cấu da. Cụ thể 3 lợi ích điển hình nhất của loại hoạt chất này là: 

Chống lão hóa da 

Hoạt chất này được phái nữ trong độ tuổi trưởng thành cho đến trung niên yêu thích vì có khả năng chống lão hoá da tốt. Bước sang tuổi 25, khả năng tự tổng hợp collagen của da sẽ ngày càng suy giảm. Do đó, ngoài việc bảo vệ làn da như chống nắng hay dưỡng ẩm thì biện pháp giúp tăng cường sản sinh collagen như Retinol là điều cần thiết. 

Đồng thời, các chất có trong Retinol giúp tăng tốc độ luân chuyển của tế bào, từ đó hạn chế Nếp nhăn xuất hiện. Chúng hỗ trợ làm mờ vết thâm nhanh chóng, cải thiện các vấn đề về da như sạm, thâm, nám, tàn nhang,… Làn da sử dụng hoạt chất này đúng cách cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn trước các tác động từ môi trường bên ngoài.

Retinol giúp làm chậm quá trình lão hoá da
Retinol giúp làm chậm quá trình lão hoá da (Nguồn: Internet)

>> Xem thêm: Tổng hợp các loại trà ngon và phổ biến có nhiều công dụng tốt

Retinol có tác dụng cải thiện vấn đề lỗ chân lông và mụn 

Ngoài công dụng chống lão hoá và trị thâm nám thì hỗ trợ điều trị mụn và lỗ chân lông to cũng là tác dụng nổi bật của Retinol. Hoạt chất này sẽ loại bỏ các tác nhân gây ra mụn như dầu thừa, da chết, bụi bẩn tích tụ lâu ngày dưới lỗ chân lông. Điều này giúp lỗ chân lông thông thoáng, giảm bít tắc và dần dần thu nhỏ lại. 

Bên cạnh đó, hoạt chất này cũng có khả năng kháng khuẩn, hạn chế sưng viêm khi da bị mụn. Do đó, nếu bạn đã dùng nhiều mỹ phẩm trị mụn bọc, mụn đầu đen hay Mụn trứng cá mà vẫn chưa thấy hiệu quả thì bạn có thể cân nhắc trải nghiệm hoạt chất này.

Cân bằng hydrat hóa

Một tác dụng nữa của loại vitamin A1 là cân bằng độ hydrat hóa của da. Bởi lẽ khi da chết được loại bỏ, làn da cũng mất đi độ ẩm. Điều này đặc biệt có lợi đối với làn da dầu nhờn. Nó sẽ kiểm soát quá trình tiết dầu và bã nhờn quá nhiều  của lỗ chân lông.

Retinol hỗ trợ da tiết nhiều dầu thừa
Retinol hỗ trợ da tiết nhiều dầu thừa (Nguồn: Internet)

Phân loại Retinol

Retinol được phân loại thành 5 nhóm dẫn xuất cơ bản dưới đây:

  • Retinyl Palmitate: Đây là dẫn xuất Retinoid không được kê theo toa có mức độ nhẹ nhất lên làn da. Nếu bạn có làn da quá khô hoặc nhạy cảm thì bạn nên sử dụng loại này..
  • Retinaldehyd: Loại này mạnh hơn so với Retinyl Palmitate
  • Retinol: Đây là loại mạnh nhất không kê toa 
  • Tazarotene: Làn da có nhiều khuyết điểm và đã lão hoá thường dùng Tazarotene để điều trị. Tuy nhiên, đây là một trong những loại mạnh nên cần được bác sĩ kê toa và chỉ định liều lượng hợp lý.
  • Tretinoin: Ước tính, Tretinoin mạnh hơn Retinol khoảng 20 lần nên nguy cơ xảy ra kích ứng cũng cao hơn. Nó thường được bác sĩ da liễu kê đơn để điều trị da đã quá lão hoá.

Làn da của bạn phù hợp với Retinol loại nào?

Đối với làn da khô, mỏng và nhạy cảm, bạn chỉ nên sử dụng Retinol có nồng độ thấp khoảng 0,025%. Sau khi da đã quen hơn, bạn có thể dần chuyển sang các loại khác mạnh hơn để đẩy nhanh hiệu quả. 

Làn da thường cho tới da hỗn hợp được khuyến khích dùng Retinol ở nồng độ 0,03%. Sau đó, tùy thuộc vào việc da phản ứng với sản phẩm như thế nào mà bạn có thể chọn loại khác có nồng độ cao hoặc thấp hơn. Làn da khoẻ thường ít khi phản ứng với hoạt chất “nặng đô” như Retinol nên bạn có thể bắt đầu với nồng độ 0,5% cho đến 1%.

Đối tượng không nên sử dụng Retinol

Mặc dù đây là hoạt chất có nhiều công dụng tốt nhưng không phải làn da nào cũng đủ khả năng để sử dụng. Dưới đây là những đối tượng không phù hợp để sử dụng hoạt chất này:

  • Người có da nhạy cảm: Dây thần kinh cảm thụ và cấu trúc tế bào của da nhạy cảm sẽ dễ phản ứng khi tiếp xúc với hoạt chất hoạt động mạnh trên da. Khi dùng loại hoạt chất này, các tế bào có thể  chưa kịp tái tạo và phục hồi đã có nguy cơ suy yếu, tổn thương. Vì vậy, làn da mỏng manh tốt nhất là không nên dùng để đảm bảo an toàn. 
  • Bệnh da liễu: Các bệnh lý như vẩy nến, chàm da eczema hay hội chứng đỏ mặt không được khuyến khích sử dụng. Hoạt chất này sẽ kích thích vết chàm nổi lên, khiến da càng thêm mẩn đỏ. 
  • Phụ nữ có thai và cho con bú: Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng, Retinol sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Theo tạp chí Sản khoa & Phụ khoa, 20 – 35% trẻ sinh ra bị dị tật (về hệ thần kinh, tuyến ức, tim mạch, não) sau khi tiếp xúc với chất này. Thậm chí, nguy cơ mẹ sảy thai có thể lên đến 40%.
  • Da sau khi điều trị bằng phương pháp xâm lấn: Nếu bạn vừa tiêm meso, peel da, laser hay lăn kim, bạn cần để da hồi phục lại trạng thái bình thường rồi mới dùng Retinol. Phụ thuộc vào mức độ xâm lấn nặng hay nhẹ, da tổn thương nhiều hay ít mà thời gian kéo dài từ 2 – 4 tuần. 

>> Xem thêm: Top 9 chức năng của protein đối với sức khỏe có thể bạn chưa biết

Tác dụng phụ của Retinol khi sử dụng sai cách

Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Retinol sai cách:

  • Kích ứng da, nổi mẩn đỏ, bong tróc từng mảng.
  • Ngứa da.
  • Hình thành những mảng sừng dày.
  • Da nổi mụn.
  • Da nóng rát.

Cách sử dụng Retinol cho người mới bắt đầu

Đối với những người lần đầu tiếp xúc với các hoạt chất mạnh như Retinol, việc nắm kỹ thứ tự sử dụng là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp hoạt chất này phát huy tối đa tác dụng mà còn hạn chế khả năng bị kích ứng. 

Chu trình chăm sóc da buổi tối đúng chuẩn gồm các bước: Tẩy trang và rửa mặt để làm sạch bụi bẩn và dầu thừa -> Sử dụng toner để cân bằng độ pH -> Retinol để chống lão hoá -> Serum đặc trị -> Kem mắt -> Kem/ gel dưỡng ẩm.  

Lưu ý, người mới bắt đầu chỉ nên lấy một lượng nhỏ bằng hạt đậu để bôi lên mặt trong vài lần đầu tiên. Sau đó, nếu không thấy phản ứng bất thường thì bạn có thể từ từ tăng liều lượng phù hợp. Ngoài ra, vitamin A1 làm da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng nên bạn cần bôi kem chống nắng kỹ vào mỗi buổi sáng.

Lưu ý khi sử dụng Retinol 

Để hạn chế kích ứng hay bong tróc da, bạn cần lưu ý những vấn đề dưới đây:

Kiểm tra mức độ nhạy cảm của làn da trước khi sử dụng Retinol 

Dù là Retinol hay bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào kể cả là loại dịu nhẹ nhất, bạn cũng nên đảm bảo các thành phần trong đó không gây ra phản ứng ngược trên da. Để biết làn da của mình có phù hợp với Retinol hay không, bạn có thể kiểm tra thử bằng cách bôi lên da tay và hạn chế để vị trí đó tiếp xúc với ánh nắng. 

Cho sản phẩm ra tay trước khi bôi lên mặt để kiểm tra độ nhạy cảm của da
Cho sản phẩm ra tay trước khi bôi lên mặt để kiểm tra độ nhạy cảm của da (Nguồn: Internet)

Tần suất áp dụng cách sử dụng Retinol 

Mỗi làn da và mỗi thời điểm sẽ phù hợp với tần suất khác nhau. Nếu là lần đầu sử dụng Retinol hoặc da bạn quá nhạy cảm, bạn chỉ nên bôi 1 lần/tuần để da có thời gian thích nghi. Sau đó, bạn từ từ tăng tần suất lên 2 – 3 lần/tuần hoặc mỗi tối khi da đã hoàn toàn thích nghi với hoạt chất này. Lưu ý, Retinol không mang lại hiệu quả tức thì nên bạn cần kiên trì sử dụng ít nhất là 2 tháng mới nhìn thấy thay đổi rõ rệt.

Kết hợp Retinol với AHA/BHA như thế nào?

Nếu bạn chưa từng áp dụng phương pháp kết hợp này hoặc chưa từng tẩy da chết hoá học, bạn không nên kết hợp đồng thời 2 hoạt chất này liên tục mỗi ngày vì nó sẽ dễ làm Da khô và bong tróc. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng xen kẽ 2 – 3 ngày/tuần rồi mới từ từ tăng tần suất lên. 

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý đến bước cấp ẩm bằng serum và kem dưỡng để da được phục hồi vì da có thể rất khô căng trong quá trình tẩy da chết. Đồng thời, việc sử dụng Retinol và AHA/BHA nên được áp dụng vào chu trình skincare buổi tối, giúp da hạn chế tiếp xúc với tia UV.

>>> Xem thêm:

Những câu hỏi thường gặp khi sử dụng Retinol 

Da mụn có nên dùng Retinol? 

Retinol có thể sử dụng cho da mụn, giúp hạn chế lỗ chân lông tắc nghẽn từ đó cải thiện tình trạng mụn hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi tình trạng da sẽ phù hợp với tần suất và nồng độ Retinol khác nhau. Do đó, bạn cần tham khảo bác sĩ da liễu để sử dụng hợp lý.

Tôi nên sử dụng Retinol nồng độ bao nhiêu là hợp lý?

Thực tế, nếu không sử dụng Retinol cẩn thận có thể khiến làn da bạn bị “phá hủy” và trở nên yếu, mỏng và vô cùng nhạy cảm với môi trường xung quanh. Bạn nên tìm đến các Bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được tư vấn mức nồng độ sử dụng Retinol phù hợp với tình trạng da hiện tại và nhu cầu cải thiện da như thế nào.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về hoạt chất Retinol và cách sử dụng chúng sao cho đạt hiệu quả. Ngoài ra, để biết thêm nhiều thông tin hơn về kiến thức y khoa, bạn có thể truy cập trang Tin tức y tế của chúng tôi. Để chắc chắn về liều lượng và tần suất sử dụng hoạt chất này phù hợp với làn da của mình, bạn hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.