Filter Từ điển y khoa

Vẩy nến

  • Tổng quan

    Filter

    Bệnh vẩy nến là một bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay và da đầu. Đây là một bệnh phổ biến, lâu khỏi bệnh và không có cách chữa trị dứt điểm. Tình trạng này có thể gây đau đớn, cản trở giấc ngủ và khó tập trung.

    Bệnh vảy nến thường phát triển theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng, sau đó thuyên giảm dần. Các yếu tố nguy cơ có khả năng gây ra bệnh vẩy nến bao gồm nhiễm trùng, vết cắt hoặc vết bỏng và một số loại thuốc. Một số phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, thay đổi thói quen sinh hoạt và có các biện pháp ngăn ngừa giúp hạn chế các ảnh hưởng của bệnh vẩy nến.

  • Triệu chứng

    Filter

    Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh vẩy nến bao gồm:

    • Phát ban loang lổ có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau.
    • Xuất hiện các đốm vảy nhỏ.
    • Da khô, nứt nẻ có thể chảy máu.
    • Ngứa, rát hoặc đau nhức.
    • Phát ban theo chu kỳ bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng sau đó giảm dần.

    Có nhiều loại bệnh vẩy nến, mỗi loại có dấu hiệu và triệu chứng khác nhau:

    • Bệnh vẩy nến mảng bám: Gây ra các mảng da khô, ngứa, nổi lên phủ đầy vảy. Chúng thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu với nhiều màu sắc khác nhau.
    • Bệnh vẩy nến móng tay: Gây ra các vết rỗ, móng phát triển bất thường và đổi màu. Trường hợp nặng, bệnh có thể khiến móng bị gãy.
    • Bệnh vẩy nến thể giọt: Chủ yếu ảnh hưởng đến người trẻ tuổi và trẻ em. Tình trạng này thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra các đốm vảy nhỏ, hình giọt nước trên thân, cánh tay hoặc chân.
    • Bệnh vẩy nến nếp: Chủ yếu ảnh hưởng đến các nếp gấp da ở háng, mông và ngực. Tình trạng nhiễm nấm có thể gây ra loại bệnh vẩy nến này.
    • Bệnh vẩy nến mủ: Gây ra các mụn nước có mủ rõ ràng. Tình trạng này có thể xảy ra ở các mảng da lớn hoặc trên các vùng nhỏ ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
    • Bệnh vẩy nến Erythrodermic: Gây ra các vết phát ban bong tróc trên cơ thể dẫn đến ngứa hoặc bỏng dữ dội. 

    Bệnh vẩy nến là một bệnh ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy, thường gặp nhất ở đầu gối, khuỷu tay và da đầu.

    Bệnh vẩy nến mảng bám gây ra các mảng da khô, ngứa ở khuỷu tay. (Nguồn: Internet)

  • Khi nào cần đến bệnh viện

    Filter

    Nếu bạn nghi ngờ bản thân có thể mắc bệnh vẩy nến hoặc xuất hiện các triệu chứng liên quan, bạn cần thiết phải đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe. Điều này là rất quan trọng khi tình trạng bệnh có những dấu hiệu sau:

    • Vùng bị vảy nghiêm trọng hoặc lan rộng.
    • Khó chịu và đau đớn.
    • Lo lắng về vẻ ngoài của làn da.
    • Không cải thiện khi điều trị.
    Đặt Lịch Hẹn
  • Nguyên nhân

    Filter

    Bệnh vẩy nến được cho là một vấn đề của hệ thống miễn dịch khiến các tế bào da tăng sinh nhanh hơn bình thường. Sự thay đổi tế bào nhanh chóng này dẫn đến các mảng khô, có vảy. Một số nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến có thể đến từ yếu tố di truyền và môi trường. 

    Tác nhân gây bệnh vẩy nến

    Nhiều người mắc bệnh vẩy nến có thể không có triệu chứng trong nhiều năm cho đến khi bệnh bị tác động bởi yếu tố môi trường. Các tác nhân gây bệnh vẩy nến phổ biến bao gồm:

    • Nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng da.
    • Thời tiết, đặc biệt là thời tiết lạnh, khô.
    • Tổn thương da, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết xước, vết côn trùng cắn hoặc cháy nắng nghiêm trọng.
    • Hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
    • Sử dụng các loại rượu nặng.
    • Sử dụng một số loại thuốc như lithium, thuốc cao huyết áp và thuốc chống sốt rét.
    • Rút nhanh corticosteroid uống hoặc tiêm.

    Bệnh vẩy nến là một vấn đề của hệ thống miễn dịch khiến các tế bào da thay đổi nhanh chóng dẫn đến các mảng khô, có vảy.

    Thăm khám và điều trị kịp thời có thể giảm thiểu các tác động xấu lên da. (Nguồn: Internet)

  • Nguy cơ

    Filter

    Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh vẩy nến, bao gồm:

    • Tiền sử gia đình: Khi cha hoặc mẹ mắc bệnh vẩy nến làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở con cái.
    • Hút thuốc: Hút thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến mà còn làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Biến chứng

    Nếu bạn bị bệnh vẩy nến, bạn có nguy cơ mắc các bệnh khác cao hơn, bao gồm:

    • Viêm khớp vẩy nến, gây đau, cứng và sưng trong và xung quanh khớp.
    • Thay đổi màu da tạm thời.
    • Các bệnh về mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi và viêm màng bồ đào.
    • Béo phì.
    • Bệnh tiểu đường loại 2.
    • Huyết áp cao.
    • Bệnh tim mạch.
    • Các bệnh tự miễn như bệnh celiac, xơ cứng và bệnh Crohn.
    • Tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như lòng tự trọng thấp và trầm cảm.
  • Phòng chống

    Filter

    Dưới đây là các biện pháp chăm sóc bệnh vẩy nến để bệnh thuyên giảm nhanh chóng hơn:

    Tắm sạch sẽ hàng ngày. Sử dụng xà phòng nhẹ, nước ấm và khăn lau nhẹ nhàng lên cơ thể. Lưu ý, tránh cọ, chà xát vì có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.

    Giữ ẩm cho làn da. Thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày, đặc biệt là sau khi tắm. Đối với da rất khô nên dùng sản phẩm kem dưỡng ẩm dạng hoặc thuốc mỡ để duy trì độ ẩm tốt hơn.

    Sử dụng máy tạo độ ẩm. Trong thời tiết hanh khô, đặc biệt vào mùa đông nên có máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong không khí, góp phần giúp làn da của bạn đỡ bị khô hơn.

    Những vùng da bị vảy nến nặng hãy chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da đó và sử dụng màng bọc thực phẩm bọc lại trước khi đi ngủ.

    Tắm nắng nhẹ nhàng.. Bởi khi tiếp xúc một lượng nhỏ ánh sáng mặt trời sẽ giúp cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên vì tùy tình trạng của làn da mà nên cần có sự tham khảo từ bác sĩ da liễu.

    Tránh gãi lên vùng da bị vảy nến. Khi bị bệnh này sẽ xuất hiện ngứa ngáy khó chịu buộc bạn muốn gãi vùng đó làm cho da bị nhiễm trùng và trở nên trầm trọng hơn. Do đó, biện pháp tốt nhất là thoa kem hoặc thuốc mỡ chống ngứa không kê đơn có chứa hydrocortisone hoặc axit salicylic. Nếu bạn bị bệnh vẩy nến da đầu, hãy thử dùng dầu gội thuốc có chứa nhựa than đá. Ngoài ra, hãy cắt móng tay và mặc áo quần chất liệu thân thiện với làn da.

    Tránh các tác nhân gây bệnh. Chú ý những gì gây ra bệnh và thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc tránh nó.

    Giữ bình tĩnh. Khi tiếp xúc môi trường có nhiệt độ cao khiến da bạn cảm thấy ngứa ngáy. Do đó, hãy mặc quần áo nhẹ nếu bạn ở ngoài trời vào những ngày nắng nóng. Nếu có điều hòa, hãy sử dụng vào những ngày nắng nóng để giữ mát. Bên cạnh đó, sử dụng túi chườm lạnh lên những chỗ ngứa để giảm ngứa trong vài phút để giảm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

    D trì lối sống lành mạnh. Hình thành và duy trì thói quen sống lành mạnh như vận động, ăn uống lành mạnh, hạn chế hoặc tránh uống rượu và duy trì cân nặng tốt.

    Để biết thêm nhiều thông tin hơn hoặc tìm hiểu về các bệnh và dịch vụ khác, bạn hãy tham khảo Tin tức y tế. Liên hệ ngay qua số HOTLINE hoặc đặt lịch các CHUYÊN KHOA của chúng tôi để được tư vấn bởi các y bác sĩ của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ nếu bạn có nhu cầu khám và chữa bệnh.

  • *Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thông tin khác

Cập nhật mới nhất: 26/10/2023