Men tiêu hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống tiêu hóa, trực tiếp tham gia vào quá trình phân hủy thức ăn, giúp tế bào hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất. Nếu cơ thể không có đủ lượng enzym cần thiết, rất nhiều vấn đề sức khỏe có thể phát sinh kể cả khi bạn xây dựng chế độ ăn hợp lý. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn về men tiêu hóa, hướng dẫn sử dụng hiệu quả và cách phân biệt với men vi sinh.
>> Xem thêm:
- Gợi ý 6 viên sủi giảm cân tốt nhất hiện nay mà bạn không nên bỏ qua
- Uống Omega 3 có tác dụng gì? Tác dụng và lưu ý khi bổ sung
Men tiêu hóa là gì?
Men tiêu hóa (enzym tiêu hóa) là một nhóm enzym thực hiện chức năng phân hủy thức ăn thành các phần nhỏ hơn, tạo điều kiện để tế bào hấp thụ dễ dàng. Chất xúc tác này được sản xuất tại các bộ phận khác nhau trong hệ thống tiêu hóa, bao gồm: Miệng, dạ dày, tuyến tụy và ruột non.
Những người gặp vấn đề trong việc sản xuất men tiêu hóa thường bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, có nguy cơ dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe đáng lo ngại. Trong trường hợp này, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng kê đơn hoặc không kê đơn để bổ sung hàm lượng đầy đủ cho cơ thể. Các loại enzym tiêu hóa chính gồm:
- Enzym amilaza: Phân hủy carbohydrate hoặc tinh bột thành các phân tử đường, thiếu hụt amylase có thể dẫn đến tiêu chảy.
- Enzym lipaza: Phối hợp hoạt động với gan mật để phân hủy chất béo, thiếu lipaza có thể dẫn đến thiếu hụt Vitamin A, D, E, K (Vitamin tan trong chất béo).
- Enzym protease: Phân hủy protein thành axit amin, loại bỏ vi khuẩn, nấm men ra khỏi ruột, thiếu hụt protease có thể dẫn đến Dị ứng hoặc nhiễm trùng đường ruột.
- Enzym sucrase: Được tiết ra bởi ruột non, phân hủy sucrose thành fructose và glucose.
Tác dụng của men tiêu hóa
Men tiêu hóa thay thế các enzym tự nhiên, tham gia vào quá trình phân hủy carbohydrate, chất béo và protein trong thức ăn. Sau đó, chất dinh dưỡng sẽ được hấp thụ dễ dàng thông qua niêm mạc ruột non, vận chuyển vào máu. Các tác dụng quan trọng của men tiêu hóa phải kể đến gồm:
- Tăng cường hiệu quả hấp thụ chất dinh dưỡng, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
- Kiểm soát triệu chứng trào ngược dạ dày và hội chứng ruột kích thích.
- Cải thiện các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, chẳng hạn như: Đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và mệt mỏi.
- Hỗ trợ điều trị chứng rò rỉ ruột bằng cách làm giảm áp lực lên đường tiêu hóa.
- Ngăn ngừa triệu chứng không dung nạp thực phẩm bằng cách phá vỡ các loại protein và đường khó tiêu hóa, điển hình như: Gluten, casein, sữa,…
- Giúp điều trị rò rỉ ruột bằng cách loại bỏ căng thẳng khỏi đường tiêu hóa.
- Chống lại các chất ức chế enzym (chất làm ngăn chặn quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng), chủ yếu được tìm thấy trong đậu phộng, lúa mì, lòng trắng trứng, quả hạch, khoai tây,…
- Kiểm soát các triệu chứng liên quan đến bệnh gan, Ung thư tuyến tụy, suy tuyến tụy,…
Phân biệt men vi sinh và men tiêu hóa
Men tiêu hóa là những phân tử protein nhỏ được cơ thể tạo ra để tham gia vào quá trình phân hủy các hợp chất phức tạp trong thực phẩm. Loại enzyme này có hình dạng độc đáo, tồn tại trong tuyến nước bọt, dạ dày, ruột non và tuyến tụy. Trong đó, tuyến tụy là trung tâm tiêu hóa, giữ chức năng sản xuất các enzym tiêu hóa quan trọng nhất.
Khác với dạng kể trên, men vi sinh bao gồm vi khuẩn sống và nấm men, mang lại lợi ích cho sức khỏe bằng cách cải thiện sự cân bằng, chức năng của hệ vi khuẩn đường ruột. Loại này thường được tìm thấy trong những loại thực phẩm như: Sữa chua, súp miso, kim chi, đậu phụ,… Hai nhóm men vi sinh chính bao gồm: lactobacillus và bifidobacterium.
Một số triệu chứng cho thấy cơ thể cần bổ sung men tiêu hóa
- Chướng bụng.
- Đầy hơi.
- Khó tiêu.
- Trào ngược dạ dày.
- Tần suất đại tiện không đều.
- Buồn nôn.
- Ợ hơi thường xuyên.
- Cảm thấy khó chịu sau bữa ăn.
- Phân nhầy.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Một số triệu chứng cho thấy cơ thể cần bổ sung men vi sinh
- Chướng bụng.
- Đầy hơi.
- Tần suất đại tiện không đều.
- Xuất hiện các vấn đề da liễu như: Mụn trứng cá, chàm, phát ban,…
- Tâm trạng không ổn định, thường xuyên lo lắng, cáu kỉnh,…
- Khó tập trung.
- Hệ miễn dịch suy yếu.
- Viêm nhiễm âm đạo, trực tràng,…
- Đau khớp.
- Mệt mỏi.
- Hôi miệng.
Mặc dù có nhiều khác biệt trong cơ chế, chức năng nhưng sự kết hợp giữa men tiêu hóa và men vi sinh là giải pháp an toàn cho một hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Hai loại này không hoạt động chống lại nhau. Thực tế cho thấy, một số vi khuẩn đường ruột còn có khả năng tạo ra enzym để hỗ trợ tiêu hóa ổn định.
>> Xem thêm:
- Detox giảm cân là gì? Thực đơn và các loại nước uống detox
- Thuốc Augmentin: Tác dụng và hướng dẫn sử dụng
Hướng dẫn cách dùng và liều lượng sử dụng men tiêu hóa
Dưới đây là hướng dẫn sử dụng men tiêu hóa đúng cách, đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả cao:
Cách dùng
Hai hình thức bổ sung men tiêu hóa chính gồm: Loại không kê đơn (OTC) và kê đơn, tương ứng với mỗi cách dùng khác nhau:
Bổ sung men tiêu hóa không kê đơn (OTC)
Men tiêu hóa không kê đơn (OTC) có nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như bột, viên nang, viên nén. Loại này thường được dùng để điều trị trào ngược dạ dày, đầy hơi, tiêu chảy, chướng bụng. Thành phần có thể chứa amylase, lipase, protease, lactase và alpha-galactosidase.
Tùy thuộc vào hình thức sử dụng, bạn có thể uống cùng với thức ăn hoặc sau khi ăn. Ngoài ra, men dạng bột cũng có thể pha trong nước hoặc sinh tố để dễ tiêu thụ hơn.
Bổ sung men tiêu hóa kê đơn
Men tiêu hóa kê đơn thường có sẵn dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Loại này được sử dụng phổ biến như một liệu pháp thay thế men tụy, dùng trong điều trị xơ nang, viêm tụy tái phát. Trường hợp này sẽ được chỉ định bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Trong mọi trường hợp, trước khi dùng, bạn nên tham khảo hướng dẫn in trên bao bì sản phẩm và sử dụng theo khuyến cáo.
Liều dùng
Liều lượng bổ sung sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng loại men, thành phần và tình trạng bệnh lý gặp phải, chẳng hạn như:
- Bromelain: 400mg/ ngày, sử dụng bằng đường uống.
- Chymotrypsin. 100.000USP/4 lần/ngày, sử dụng bằng đường uống.
- Papain: 1.500mg/ngày, sử dụng bằng đường uống.
- Katrypsin: 50mg/ngày, kết hợp với Bromelain.
Đối với men tiêu hóa kê đơn, năm trong một phần kế hoạch điều trị bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dùng từ 20.100mg (30.000 IU) – 26.800mg (40.000 IU) trong bữa ăn và 10.050 mg (15.000 IU) – 13.400mg (20.000 IU) dùng chung với đồ ăn nhẹ. Người bệnh thường được hướng dẫn uống một nửa tổng liều ở phần ăn đầu tiên, còn lại sẽ dùng vào trong hoặc sau bữa ăn.
Những đối tượng nên và không nên sử dụng men tiêu hóa
Không phải tất cả mọi đối tượng đều có thể dùng loại men này. Bạn có thể tham khảo thông tin dưới đây:
Đối tượng sử dụng men tiêu hóa
Men tiêu hóa có khả năng phá vỡ các phân tử kích thước lớn trong thức ăn để đảm bảo cơ thể hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng. Nếu quá trình này bị gián đoạn, bạn sẽ nhận thấy nhiều triệu chứng khó chịu, điển hình như: Chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu,… Trường hợp nghiêm trọng hơn là enzym tiêu hóa không được sản xuất hoặc sử dụng hiệu quả, gây ra hàng loạt vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe. Do đó, men tiêu hóa được khuyến nghị dùng cho các đối tượng sau:
- Người mắc bệnh Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đang gặp phải các vấn đề về tiêu hóa: Nghiên cứu về tác động của enzym tiêu hóa đối với vấn đề đường ruột ở người mắc chứng tự kỷ còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy loại men này có khả năng cải thiện cảm xúc, hành vi, triệu chứng đau bụng, nôn mửa, do không dung nạp đường sữa,…
- Người bệnh gặp biến chứng sau điều trị ung thư: Các enzym OTC có khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bị ung thư, điển hình như Ung thư đại trực tràng.
- Người mắc bệnh celiac: Các enzym phân hủy gluten như cysteine protease, prolyl endopeptidase và subtilisin được chứng minh là phương pháp điều trị bệnh celiac.
- Người gặp khó khăn trong việc tiêu hóa carbohydrate lên men: Một loại alpha-galactosidase bổ sung như Beano có thể làm giảm triệu chứng khó chịu, đầy hơi ở người gặp khó khăn khi tiêu hóa carbohydrate.
- Người bệnh mắc chứng khó tiêu chức năng: Men tiêu hóa có chứa α-amylase, protease, cellulase, lactase và lipase có khả năng làm giảm các triệu chứng khó chịu liên quan đến chứng khó tiêu chức năng.
- Người mắc bệnh viêm ruột (IBD): Bệnh viêm ruột bao gồm viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Nghiên cứu cho thấy chất bổ sung có chứa beta-glucan, inositol và men tiêu hóa mang lại nhiều cải thiện tích cực liên quan đến triệu chứng bệnh.
- Người có hệ tiêu hóa không dung nạp hoặc kém hấp thu lactose: Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose (chủ yếu là sữa), có thể dùng men tiêu hóa OTC như lactase để ngăn ngừa chứng khó tiêu.
- Đau cơ: Enzyme OTC được sử dụng như một phương pháp điều trị đau cơ sau khi tập thể dục.
- Viêm xương khớp: Ví dụ một số loại men như bromelain, trypsin và/hoặc rutin, có thể giúp cải thiện triệu chứng đau nhức xương khớp.
- Người mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS).
Một số tình trạng nghiêm trọng hơn như: Suy tụy ngoại tiết (EPI), viêm tụy, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy, xơ nang,… có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp thay thế enzyme kê đơn (ERT).
>> Xem thêm: Tips bổ sung canxi cho cơ thể chỉ với 8 loại thực phẩm dưới đây. Liệu bạn đã biết?
Đối tượng không nên sử dụng men tiêu hóa
Loại men này chống chỉ định với một số trường hợp sau:
- Người mắc các vấn đề về đường huyết: Enzym tiêu hóa phân hủy carbohydrate thành đường, không được khuyến cáo sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người có tiền sử bị bệnh gan, túi mật, loét dạ dày.
Tác dụng phụ khi sử dụng men tiêu hóa
Tác dụng phụ phổ biến nhất của men tiêu hóa là táo bón. Một số triệu chứng khác cũng có thể gặp phải bao gồm:
- Buồn nôn.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy.
Nếu cơ thể xuất hiện bất kỳ phản ứng Dị ứng nào, hãy liên hệ sớm với bác sĩ để kiểm soát triệu chứng kịp thời. Môi trường tiêu hóa luôn đòi hỏi sự cân bằng. Men tiêu hóa sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu môi trường ruột non có độ axit quá cao do thiếu bicarbonate. Nguyên nhân khác cũng có thể do dùng sai liều lượng hoặc tỷ lệ enzym khuyến cáo.
Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có khả năng tương tác với enzym tiêu hóa. Điều quan trọng là nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi kết hợp sử dụng.
Những lưu ý khi sử dụng men tiêu hóa
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng nên cân nhắc để đảm bảo sử dụng men tiêu hóa an toàn, đạt hiệu quả cao:
- Mỗi loại enzym tiêu hóa sẽ phù hợp với từng đối tượng người sử dụng, tình trạng sức khỏe khác nhau, luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống để đảm bảo an toàn.
- Hầu hết các loại men tiêu hóa đều chứa một lượng pancreatin nhất định, là sự kết hợp của cả 3 loại enzym tuyến tụy.
- Nếu bạn gặp vấn đề về túi mật, hãy ưu tiên uống loại có chứa nhiều lipase và muối mật hơn.
- Sử dụng men chứa lactase nếu cơ thể gặp vấn đề liên quan đến việc hấp thụ đường, sữa.
- Sử dụng men chứa protease để hỗ trợ tiêu hóa protein, nếu cơ thể bị viêm hoặc mắc chứng tự miễn dịch.
- Sử dụng enzym tiêu hóa dạng viên nang để tránh bị phá vỡ trong dạ dày.
- Chọn mua enzym tiêu hóa tại các cơ sở y tế, nhà thuốc uy tín để đảm bảo chất lượng.
Trên đây là tổng hợp tất cả những cập nhật hữu ích liên quan đến men tiêu hóa là gì, tác dụng quan trọng đối với cơ thể, hướng dẫn sử dụng đúng cách và cách phân biệt với men vi sinh. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm nhiều kiến thức mới trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Để có thể cập nhật thêm kiến thức về sức khỏe thường xuyên, mời bạn truy cập Tin tức y tế. Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám tại hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, quý khách hàng vui lòng liên hệ chúng tôi qua HOTLINE hoặc truy cập TẠI ĐÂY.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.