Tin tức y tế

Bệnh loãng xương: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

07/11/2023

Loãng xương là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do cấu trúc, mật độ xương bị giảm làm cho xương dễ gãy ngay cả khi gặp những chấn thương nhỏ. Dấu hiệu bệnh thường diễn ra âm thầm, triệu chứng không rõ ràng do đó người bệnh khó phát hiện bệnh. Một khi bệnh ở giai đoạn nặng thì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Dưới đây là những hướng dẫn của Hoàn Mỹ nhằm giúp bạn biết nguyên nhân cũng như các triệu chứng của bệnh loãng xương để có những phương pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình tốt hơn.

>>> Xem thêm:

Loãng xương là gì?

Loãng xương là gì? Loãng xương là tình trạng xương bị bào mòn mỏng dần, mật độ xương giảm dần theo thời gian và làm cho xương giòn, dễ gãy ngay cả khi gặp những va đập nhẹ. Bệnh loãng xương gây ra gãy xương có thể xảy ra ở bất kỳ vùng xương nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là gãy xương đùi, xương cẳng tay và xương cột sống. Khi xương bị gãy thì mức độ tự hồi phục lại ở người cao tuổi là rất thấp và điều này cần phải có can thiệp điều trị phẫu thuật.

Loãng xương cũng xảy ra ở người trẻ tuổi nhưng đa số gặp ở người cao tuổi. Khi lớn tuổi quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi nên sẽ xảy ra những rối loạn trong việc tái tạo xương dẫn đến xương xốp, mật độ xương giảm đi.

Xương bị bào mòn, mật độ xương bị giảm ở người bị loãng xương
Xương bị bào mòn, mật độ xương bị giảm ở người bị loãng xương (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu khi bị loãng xương

Quá trình giảm mật độ xương do loãng xương sẽ không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Do đó người bệnh sẽ không biết bệnh cho đến khi xương dễ bị gãy, yếu hơn khi gặp những sự cố như vấp té, trẹo chân,… Một số dấu hiệu của bệnh loãng xương như sau:

  • Mật độ xương giảm: Mật độ xương giảm có thể dẫn đến xương cột sống bị bào mòn dễ gãy, lún. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy lưng bị đau âm ỉ, đau cấp tính hoặc mãn tính, đi khom lưng, có xu hướng gù lưng, giảm chiều cao.
  • Đau nhức đầu xương: Người bệnh sẽ có cảm giác mỏi, nhức xương dài khắp cơ thể và bị đau kiểu châm chích. Đây được xem là dấu hiệu dễ thấy khi khởi phát bệnh loãng xương.
  • Đau tại các vùng xương chịu nhiều trọng lực của cơ thể: Các điểm xương chịu lực nhiều đó là xương đầu gối, xương cột sống, xương chậu, xương hông. Ban đầu sẽ có cảm giác đau âm ỉ, khi làm việc, di chuyển, ngồi lâu mức độ đau sẽ tăng lên và giảm nhẹ khi nằm nghỉ ngơi.
  • Đau hai bên liên sườn, đau tại cột sống: Loãng xương sẽ gây ảnh hưởng đến dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh tọa, thần kinh đùi. Vì thế người bệnh sẽ có cảm giác đau nặng hơn khi vận động nặng và gặp khó khăn trong khi thay đổi tư thế gập người, xoay người.
  • Mật độ xương bị giảm còn đi kèm các dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp, suy giãn tĩnh mạch, bệnh huyết áp cao,… Đây là các bệnh lý phổ biến ở nhóm người thuộc độ tuổi trung niên.

Khi có các dấu hiệu bệnh như trên và có nghi ngờ mắc bệnh nên đi khám sớm để kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị đúng nếu như mắc bệnh.

Đau nhức xương đầu gối là dấu hiệu của bệnh loãng xương
Đau nhức xương đầu gối là dấu hiệu của bệnh loãng xương (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra bệnh loãng xương

Mật độ xương giảm nguyên nhân hàng đầu là do tuổi tác, ngoài ra cũng có thể do một số nguyên nhân sau:

  • Phụ nữ ở giai đoạn Mãn kinh hay chu kỳ kinh nguyệt không đều sẽ làm giảm nồng độ estrogen dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao. Tương tự ở nam giới khi nồng độ testosterone giảm cũng dễ gây loãng xương.
  • Chế độ ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng thiếu những dưỡng chất tốt cho xương như canxi, vitamin D,…
  • Sử dụng thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Lười vận động, ngồi nhiều, uống nhiều cafe và các chất kích thích,… dễ làm cho xương bị yếu đi.
  • Người lao động nặng với cường độ mạnh sẽ dễ mắc bệnh xương khớp hơn người bình thường.
  • Người có tiền sử gãy xương nhiều lần, hoặc gia đình có người mắc bệnh loãng xương.
Phụ nữ mãn kinh nồng độ estrogen giảm dễ gây loãng xương
Phụ nữ Mãn kinh nồng độ estrogen giảm dễ gây loãng xương (Nguồn: Internet)

Phân loại loãng xương

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để phân loại loãng xương, cụ thể như sau:

Loãng xương nguyên phát

Loãng xương nguyên phát có liên quan trực tiếp đến tuổi tác và tình trạng Mãn kinh ở nữ giới khi bước vào độ tuổi trung niên. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng giữa tế bào xương mới với các mô xương bị huỷ, cụ thể:

  • Phụ nữ sau Mãn kinh (loãng xương tuýp 1): Phụ nữ ở độ tuổi 50-55 đã Mãn kinh sẽ bị suy giảm nội tiết tố estrogen và lượng hormone tuyến cận giáp đồng thời tăng thải canxi niệu, do đó mật độ xương dễ bị thưa dần.
  • Tuổi già (loãng xương tuýp 2): Khi tuổi già chức năng chuyển hóa canxi và chất dinh dưỡng thiết yếu cho xương bị giảm đi làm cho quá trình tạo xương, hủy xương bị mất cân bằng. Đây chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ loãng xương ở người già.

Loãng xương thứ phát

Loãng xương thứ phát được xác định do có liên quan đến một số bệnh lý như: bệnh cường giáp, bệnh tiểu đường, bệnh gan mạn tính, sử dụng thuốc lợi tiểu trong thời gian dài, các bệnh lý về cột sống, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh ung thư,…

Loãng xương ở người cao tuổi
Loãng xương ở người cao tuổi (Nguồn: Internet)

Chẩn đoán bệnh loãng xương

Đo loãng xương

Phương pháp đo loãng xương hay đo mật độ xương là dùng tia X năng lượng kép hoặc chụp CT để đo lượng canxi và hàm lượng khoáng chất có trong xương. Phương pháp đo mật độ xương thường áp dụng cho xương cột sống, xương cẳng tay, xương hông.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Ngoài phương pháp đo mật độ xương thì xét nghiệm máu và nước tiểu để chẩn đoán bệnh cũng được các bác sĩ ưu tiên. Kết quả xét nghiệm sẽ phát hiện ra lượng nội tiết tố cùng những nguy cơ làm mất xương như thiếu hụt dưỡng chất, vitamin.

Phương pháp chụp CT để chẩn đoán loãng xương
Phương pháp chụp CT để chẩn đoán loãng xương (Nguồn: Internet)

Bệnh loãng xương có nguy hiểm không?

Nếu phát hiện bệnh trễ và không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách thì bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như:

  • Xương giòn, gãy xương: Khi mật độ xương bị suy giảm sẽ làm cho liên kết xương bị yếu đi khiến xương bị giòn và dễ gãy. Do đó khi vấp ngã, trượt chân, cúi gập người cũng làm tăng khả năng gãy xương. Đặc biệt với xương cột sống, xương đùi, xương cẳng chân, cẳng tay là những xương chịu nhiều tác động của cơ thể nhiều nhất do đó khi bị giảm mật độ xương thì các xương này bị ảnh hưởng nhất.
  • Xẹp, lún đốt sống: Đây là tình trạng bệnh có thể gây tàn phế vĩnh viễn. Biến chứng này còn gây chèn ép lên các rễ dây thần kinh sẽ gây ra đau nhức kéo dài. Khi số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều thì dẫn đến tình trạng thoái hóa cột sống diễn ra nhanh hơn.
  • Khả năng vận động bị suy giảm: Ở biến chứng nặng người bị loãng xương có thể bị tàn phế vĩnh viễn nhất là ở người cao tuổi. Người bệnh sẽ nằm một chỗ, thời gian dài có thể gây các biến chứng viêm phổi, hoại tử da,…
Bệnh loãng xương rất nguy hiểm
Bệnh loãng xương có thể dẫn đến gãy xương, lún xương rất nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Cách điều trị

Hiện nay phương pháp điều trị giảm mật độ xương có thể áp dụng là không dùng thuốc và dùng thuốc. Cụ thể như sau:

Không sử dụng thuốc

Phương pháp điều trị không sử dụng thuốc có thể thực hiện đó là:

  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn hàng ngày nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin D từ cá, tôm, cua, ốc, sữa, rau củ quả,… không hút thuốc lá, sử dụng các loại rượu bia hay dùng các chất kích thích. Kiểm soát cân nặng tránh để bị thiếu cân hoặc thừa cân quá nhiều.
  • Chế độ sinh hoạt: Vận động thường xuyên để tăng cường sự dẻo dai cho các xương, tập thể dục buổi sáng ngoài trời với các bài tập phù hợp với thể trạng để tăng cường hấp thụ vitamin D, tăng sự chắc khỏe cho xương. Cẩn thận khi đi đứng, làm việc tránh để bị té ngã, va vấp gây ảnh hưởng đến xương.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để nẹp xương, giữ xương cố định để giảm áp lực đè lên cột sống, xương hông, xương đùi.

Dùng thuốc

Bước đầu để điều trị loãng xương người bệnh cần bổ sung đủ lượng canxi từ 1000 đến 1200mg/ ngày, cùng hàm lượng vitamin D từ 800-1000 IU/ ngày. Bên cạnh đó người bệnh sẽ dùng thêm thuốc chống hủy xương theo chỉ định của bác sĩ.

Điều trị loãng xương bằng thuốc
Điều trị loãng xương bằng thuốc (Nguồn: Internet)

Điều trị các biến chứng

Các biến chứng của loãng xương sẽ gây đau, gãy xương tùy theo cấp độ bệnh nặng hoặc nhẹ. Để điều trị các biến chứng có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Điều trị các cơn đau nhức: Điều trị giảm đau dựa vào bậc thang giảm đau WHO kết hợp với Calcitonin.
  • Điều trị gãy xương: Áp dụng các dụng cụ như nẹp cố định xương, bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo. Tùy trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay xương hoặc thay khớp.

Điều trị lâu dài

Đi kèm với các phương pháp điều trị ngắn hạn trên thì người bệnh cần thực hiện việc điều trị lâu dài, đó là:

  • Theo dõi, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị bệnh.
  • Kiểm tra mật độ xương định kỳ để đánh giá phương pháp điều trị có hiệu quả không.
  • Điều trị trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm, sau đó bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng bệnh để đưa đến phương pháp điều trị tiếp theo.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D cho người loãng xương
Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D cho người loãng xương (Nguồn: Internet)

Cách phòng tránh loãng xương

Để phòng tránh và làm chậm quá trình giảm mật độ xương, nên tìm hiểu cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân của mình. Dưới đây là một vài gợi ý về cách phòng tránh bệnh:

  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là canxi, vitamin D thông qua việc ăn uống các loại thực phẩm giàu dưỡng chất. Cũng có thể sử dụng các loại viên uống, thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin cho cơ thể nhưng phải tham khảo qua ý kiến bác sĩ.
  • Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ loãng xương thì bạn nên thực hiện kiểm tra mật độ xương nhằm phát hiện bệnh sớm để có hướng điều trị thích hợp.
  • Tập thể dục với cường độ phù hợp mỗi ngày để tăng cường sự dẻo dai cho xương, góp phần xây dựng hệ xương khỏe mạnh, đặc biệt là ở người cao tuổi.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích gây ảnh hưởng đến xương khớp.
  • Không được lạm dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm. Các loại thuốc này có thể làm tăng tình trạng loãng xương và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
  • Cẩn thận trong sinh hoạt, vận động hàng ngày để tránh các tai nạn gây ảnh hưởng đến xương.
Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên để tăng cường sức khỏe xương khớp
Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên để tăng cường sức khỏe xương khớp (Nguồn: Internet)

Bên trên là những chia sẻ của Hoàn Mỹ về bệnh loãng xương đang dần phổ biến hiện nay. Sự lão hóa của xương khớp là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên vẫn có thể làm chậm quá trình đó bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể và chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Nếu bạn cần hỗ trợ tư vấn thêm cho các bệnh lý về xương hãy chọn HOTLINE ngay để được tư vấn nhanh nhất hoặc bấm TẠI ĐÂY để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ bác sĩ tại tất cả hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên cả nước. Ngoài ra để cập nhật thêm nhiều thông tin y tế, sức khỏe hữu ích đừng quên truy cập trang Tin tức y tế mỗi ngày.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.