Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

Hội chứng cổ vai gáy và nỗi lo của nhân viên văn phòng

03/10/2023

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS. Lê Thị Ngọc Diệp, Đơn vị Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng (YHCT – PHCN), Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng cổ vai gáy co cứng gây đau, kèm theo các hạn chế vận động khi quay cổ hoặc quay đầu, bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng có liên quan chặt chẽ đến cơ xương khớp và mạch máu vùng cổ vai gáy, khởi phát sau khi ngủ dậy hoặc sau một động tác sai tư thế.

Hội chứng cổ vai gáy và nỗi lo của nhân viên

Đau cổ vai gãy luôn là nỗi lo lắng của mỗi nhân viên văn phòng

Nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng cổ vai gáy trong môi trường văn phòng

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng cổ vai gáy. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến ở nhân viên văn phòng có thể kể đến như:

a. Căng cơ

Căng cơ do tư thế lao động, sinh hoạt không đúng, ít vận động:

  1. Ngủ trên gối quá cao gây tình trạng đau cổ khi ngủ dậy.
  2. Ngồi trước máy tính hoặc điện thoại ở tư thế căng cổ về phía trước hoặc ngửa lên.
  3. Đột ngột giật cổ khi tập thể dục.

b. Chấn thương mô mềm

Chấn thương mô mềm làm cho các cơ liên kết trên vùng cổ vai gáy khi bị kéo căng sẽ gây ra cảm giác cứng và đau đớn, ngay cả khi hiện tượng căng cơ chỉ xảy ra ở một trong hai vùng, cơn đau vẫn có thể lan dần ra khu vực lân cận.

c. Thoát vị đĩa đệm cổ

Khi vòng xơ đĩa đệm cổ bị rách, lớp nhân nhầy bên trong sẽ bắt đầu rò rỉ ra ngoài, gây viêm hoặc chèn ép rễ thần kinh. Nếu một đĩa đệm ở cột sống cổ dưới thoát vị, cơn đau từ cổ có thể lan xuống vai, tay, kèm tê hoặc không, mức độ nặng có thể dẫn tới teo yếu tay.

d. Thoái hóa đốt sống cổ

Khi cột sống cổ bị thoái hóa theo tuổi tác gây đau mỏi cột sống âm ỉ, ngoài ra một hoặc nhiều lỗ liên hợp đốt sống (nơi các dây thần kinh cột sống thoát ra khỏi ống sống) có thể bị hẹp. Từ đây, các dây thần kinh cột sống sẽ có nguy cơ bị chèn ép hoặc viêm, gây ra những cơn đau khó chịu lan dần từ cổ xuống vai.

Triệu chứng của hội chứng cổ vai gáy ở dân văn phòng

Triệu chứng đau mỏi vai gáy thường mang tính cơ học, với các biểu hiện như:

  1. Cảm giác khó chịu hoặc đau nhức nhẹ, có thể khu trú tại một điểm giữa cổ và vai hoặc lan tỏa khắp một vùng rộng hơn trên vai và/hoặc trên cổ.
  2. Cơn đau nhói có thể xuất hiện rồi biến mất, có thể lan xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay.
  3. Cảm giác cứng vùng cổ vai gáy.
  4. Phạm vi chuyển động ở cổ và vai, khả năng quay đầu hoặc nhấc cánh tay bị hạn chế.
  5. Cảm giác đau ở cổ hoặc vai trở nên trầm trọng hơn khi ấn vào.
  6. Cảm giác ngứa ran, tê lan dần xuống vai, cánh tay và/hoặc bàn tay (đau mỏi vai gáy tê bì chân tay).
  7. Trong một số trường hợp, cơn đau cổ và đau vai có thể trở nên tồi tệ hơn khi thực hiện các hoạt động nhất định, chẳng hạn như quay đầu sang một bên, chơi thể thao, ngồi, ngủ, v.v.

Phương pháp chẩn đoán

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh để nắm chính xác đặc điểm cơn đau bắt đầu cũng như những triệu chứng cụ thể. Ngoài ra, bác sĩ cũng thường đưa ra một số chỉ định cận lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác nhất, chẳng hạn như:

  1. Chụp X-quang cột sống: Giúp phát hiện một số bệnh lý phổ biến như viêm khớp, trượt đốt sống, hẹp lỗ liên hợp, gãy xương, khối u, v.v.
  2. Chụp cộng hưởng từ (MRI) và Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp MRI là thủ thuật không xâm lấn giúp thu được hình ảnh chi tiết về các yếu tố như: đĩa đệm, thần kinh, dây chằng, gân… Trong một số trường hợp, CT là phương pháp thay thế cho MRI.
  3. Điện cơ đồ (Electromyography-EMG): Phương pháp này thường được thực hiện để giúp chẩn đoán dây thần kinh nào bị tổn thương.

Đau cổ vai gáy có nguy hiểm không?

Hầu hết các trường hợp đau cổ vai gáy có thể cải thiện hiệu quả nếu được phát hiện, chẩn đoán kịp thời và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có nguy cơ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn nếu triệu chứng kéo dài hoặc tiến triển nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, nhức mỏi cổ vai gáy dai dẳng còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh Ung thư liên quan, điển hình như ung thư phổi.

Do đó, ngay khi nhận thấy dấu hiệu đau nhức bất thường, người bệnh nên chủ động liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời. Một số trường hợp khẩn cấp cần can thiệp y tế ngay lập tức, bao gồm:

  1. Cơn đau vai xuất hiện đột ngột và dữ dội.
  2. Mất khả năng vận động do đau vai gáy.
  3. Vùng cổ vai gáy bị biến dạng hoặc sưng bất thường.
  4. Vùng cổ vai gáy bị mất cảm giác.
  5. Cơ thể không khỏe hoặc Sốt do đau vai gáy.

Điều trị hội chứng cổ vai gáy

Việc điều trị cần có sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc hoặc tự điều trị. Dưới đây là những cách phổ biển để giúp giảm các tình trạng đau cổ vai gáy:

  1. Thuốc: Thuốc chống viêm (Ibuprofen, Naproxen, Corticoide, v.v.), thuốc giảm đau (Acetaminophen), thuốc giãn cơ, thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
  2. Chườm lạnh tại chỗ khi đau cấp, chườm ấm khi đau mạn.
  3. Vật lý trị liệu – Y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, điện xung, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống, v.v.)
  4. Phẫu thuật (thường áp dụng đối với những trường hợp có liên quan đến rễ thần kinh hoặc tủy sống).
Nhân viên văn phòng thực hiện vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

Nhân viên văn phòng thực hiện vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức

Một số biện pháp phòng ngừa hội chứng cổ vai gáy

a. Tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày

Các cơn đau vùng cổ vai gáy có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách thực hành tư thế đúng khi ngồi, đi lại, ngủ, sử dụng điện thoại, máy tính, v.v. Dưới đây là một số động tác hữu ích giúp căn chỉnh cơ thể về tư thế đúng nhằm tránh gây căng thẳng cho cổ và vai:

Bước 1: Đứng dựa vào tường, căn chỉnh vai, hông và gót chân sát vào tường.

Bước 2: Di chuyển lòng bàn tay vào tường càng cao càng tốt rồi hạ xuống.

Bước 3: Lặp lại động tác 10 lần, rồi di chuyển về phía trước.

Lựa chọn nệm nằm đúng chuẩn

Lựa chọn nệm nằm đúng chuẩn

Tư thế ngồi đúng chuẩn giúp ngăn ngừa hội chứng cổ vai gáy

Tư thế ngồi đúng chuẩn

b. Tập thể dục

Thói quen tập thể dục đều đặn sẽ giúp thư giãn vùng cổ, vai và lưng. Tuy nhiên, các bài tập cần được thực hiện theo đúng kỹ thuật để tránh kéo căng cơ, gân, dây chằng quá mức, dẫn đến nhiều vấn đề không mong muốn.

  1. Các bài tập thụ động theo tầm vận động cột sống cổ.
  2. Các bài tập có kháng trở làm tăng sức mạnh cơ vùng cột sống cổ.
  3. Ngoài ra tập thể dục thể thao điều độ khoảng 30 phút/ngày trong thời gian 5 ngày/tuần với các môn như: tập bơi, đi bộ, chạy bộ, yoga, v.v.

c. Tránh các hoạt động gây căng thẳng cho vùng cổ vai gáy

Các hoạt động lặp đi lặp lại hoặc thói quen ngồi quá lâu có thể gây căng thẳng cho vùng cổ vai gáy, dẫn đến hình thành các cơn đau nhức khó chịu. Do đó, trong mọi trường hợp, việc đứng dậy và di chuyển xung quanh sau mỗi 30-45 phút là thực sự cần thiết. Ngoài ra, một số giải pháp hữu ích khác bao gồm:

  1. Sử dụng ghế ngồi có chiều cao phù hợp, có khả năng hỗ trợ tốt cho vùng cổ vai gáy.
  2. Không nghe điện thoại ở tư thế kẹp giữa cổ và vai.
  3. Nghỉ giải lao thường xuyên.
  4. Không mang vác đồ nặng.

Điều trị hội chứng cổ vai gáy ở đâu?

Trên đây là tổng hợp tất cả về hội chứng cổ vai gáy hay gặp ở nhân viên văn phòng. Hy vọng với những thông tin này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều giải pháp hữu ích để làm giảm cảm giác đau nhức khó chịu thường gặp. Tuy nhiên, với các trường hợp nghiêm trọng, việc liên hệ với bác sĩ để can thiệp điều trị y tế là thực sự cần thiết.

Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, hãy liên hệ ngay Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (Địa chỉ: 241 Quốc Lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) qua hotline 19000119.