Tin tức y tế

Đường thốt nốt là gì? Công dụng của đường thốt nốt

14/11/2023

Đường thốt nốt là loại đường được chiết xuất tự nhiên từ dịch nhị hoa đực của cây thốt nốt, một loại cây thuộc họ cau. Đường thốt nốt chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với đường tinh thể, do vậy ngày càng được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc sử dụng đường cần được kiểm soát để tránh các nguy cơ về sức khỏe. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu thông tin về đường thốt nốt làm từ gì và tác dụng qua bài viết dưới đây.

>>> Xem thêm:

  • 11 Tác dụng của cải bó xôi đối với sức khỏe
  • 10 Lợi ích từ rau mùi khiến nhiều người ngạc nhiên

Đường thốt nốt là gì? Hàm lượng dinh dưỡng

Đường thốt nốt là gì?

Đường thốt nốt còn gọi là đường không tinh chế, được chiết xuất từ cây thốt nốt, một loại cây thường thấy ở các khu vực như Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh. Đường thốt nốt không qua quá trình tinh chế giống như đường mía hoặc đường cát mà được sản xuất bằng cách lấy mật từ cây thốt nốt và chưng cất nước ra khỏi mật đường, để lại phần đường tự nhiên.

Đường thốt nốt có hương vị độc đáo và được sử dụng trong nhiều món ăn và đồ uống, đặc biệt trong các sản phẩm thực phẩm hữu cơ và tự nhiên.

Quy trình sản xuất đường thốt nốt bao gồm hai bước:

  • Lấy dịch nhị hoa của cây thốt nốt.
  • Nước cốt được đun sôi trong nhiều giờ để kết tinh thành đường lỏng. Sau 30 phút, đường lỏng bắt đầu chuyển sang màu trắng và kết quả sẽ có thành phẩm đường thốt nốt có màu nâu tương tự đường mía, nhưng hạt của nó thường nhỏ hơn.
Đường thốt nốt còn gọi là đường không tinh chế, được chiết xuất từ cây thốt nốt
Đường thốt nốt là gì? (Nguồn: Internet)

Hàm lượng dinh dưỡng của đường thốt nốt

Dưới đây là các thành phần dinh dưỡng trong 100gr đường thốt nốt:

  • Lượng calo: khoảng 383 calo.
  • Sucrose: 65 – 85 gram sucrose.
  • Fructose và glucose: 10-15 gram.
  • Chất đạm: 0,4 gram.
  • Chất béo: 0,1 gram.
  • Kali: 1050mg kali, đóng góp khoảng 30% lượng khuyến nghị (RDI) hàng ngày.
  • Sắt: 11mg, tương đương khoảng 61% RDI.
  • Magiê: 70-90 gram, đóng góp khoảng 20% RDI.
  • Mangan: 0,2 – 0,5 mg, tương đương khoảng 10-20% RDI.

Ngoài ra, đường thốt nốt có một lượng nhỏ các vitamin B và khoáng chất như canxi, kẽm, phốt pho và đồng. 

Lợi ích sức khỏe của đường thốt nốt

Ngăn ngừa thiếu máu

Trong 100g đường thốt nốt, có chứa khoảng 11mg sắt. Bổ sung đường vào chế độ ăn hàng ngày, bạn đang cung cấp cho cơ thể một lượng sắt đáng kể, giúp giảm nguy cơ thiếu máu.

Chất sắt có trong đường thốt nốt làm giảm nguy cơ thiếu máu
Đường thốt nốt giúp ngăn ngừa Thiếu máu (Nguồn: Internet)

Hỗ trợ hoạt động của tiêu hóa

Đường thốt nốt chứa chất xơ inulin, không chỉ giúp điều tiết hệ vi khuẩn trong đường ruột mà còn làm cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, chất xơ trong đường cũng tăng cường khả năng hấp thụ khoáng chất và thúc đẩy enzym tiêu hóa, giúp làm giảm chứng táo bón.

Tăng cường hệ miễn dịch

Đường thốt nốt chứa nhiều chất chống oxy hóa, khoáng chất như selen và kẽm, giúp ngăn ngừa sự phát triển của gốc tự do. Những chất này giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và làm đẹp da.

Tốt cho xương

Hàm lượng sắt, canxi, phốt pho mangan trong đường thốt nốt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện sức khỏe xương khớp. Từ đó, giúp xương trở nên chắc khỏe, dẻo dai và giảm nguy cơ thoái hóa đốt sống và loãng xương khi về già. Đặc biệt tốt cho đối tượng trẻ em phát triển về chiều cao và người già giảm nguy cơ loãng xương.

Hàm lượng sắt, canxi, phốt pho mangan trong đường thốt nốt giúp bảo vệ và cải thiện sức khỏe xương khớp
Đường thốt nốt tốt cho sức khỏe của xương (Nguồn: Internet)

Tác hại của đường thốt nốt

Việc sử dụng đường cần được cân nhắc, đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt. Dưới đây là tác hại của đường thốt nốt khi sử dụng không đúng cách:

Tăng lượng đường trong máu

Đường thốt nốt cũng như các loại đường khác có khả năng làm tăng lượng đường trong máu. Khi sử dụng quá nhiều, đường trong máu sẽ tăng lên đột ngột làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các bệnh lý mãn tính khác.

Tăng nguy cơ béo phì

Đường thốt nốt mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao, nhưng cũng có khả năng góp phần vào tăng nguy cơ béo phì nếu như lạm dụng ăn nhiều. 

Lạm dụng đường thốt nốt làm tăng nguy cơ béo phì
Đường thốt nốt tăng nguy cơ béo phì nếu sử dụng quá mức (Nguồn: Internet)

Tăng nguy cơ gây ra vấn đề đường ruột

Đường thốt nốt được chế biến thủ công có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra vấn đề về sức khỏe đường ruột và ngộ độc thực phẩm. Hãy kiểm tra nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm trước khi tiêu dùng để đảm bảo rằng bạn đang sử dụng đường được sản xuất và chế biến theo các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh.

>>> Xem thêm:

  • Vai trò của vitamin B đối với sức khỏe và một số lưu ý cần biết
  • Vitamin B3 có vai trò gì? Một số tác dụng phụ và liều dùng khuyến cáo

Một số lưu ý khi sử dụng đường thốt nốt

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi sử dụng đường thốt nốt:

  • Tránh sử dụng đường đã bị chua hoặc chảy nước, vì nó có thể gây ra nguy cơ tiêu chảy, tích nhiệt độc và gây hại cho sức khỏe.
  • Bảo quản thốt nốt sau khi thu hoạch ở nhiệt độ lạnh để ngăn chặn quá trình lên men nhanh chóng.
  • Sử dụng đường thốt nốt với lượng vừa phải để tránh nguy cơ tăng cân, tiểu đường, và các vấn đề về sức khỏe răng miệng.
  • Cho đường vào túi hút chân không, túi zip rồi để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để đường tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Nếu đường bị ẩm, hãy sấy khô rồi dùng tiếp.
  • Tuyệt đối không dùng đường có vị chua gắt và có mùi hôi.
  • Người bị tiểu đường có thể dùng đường thốt nốt vì chỉ số đường huyết (GI) của nó thấp hơn mật ong và đường trắng. Tuy nhiên vẫn chỉ nên ăn có chừng mực.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về đường thốt nốt và cách sử dụng phù hợp. Hãy đảm bảo ăn một cách khoa học và không lạm dụng để tránh các bệnh lý như tăng cân, béo phì.

Nếu bạn muốn cập nhật thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích khác, hãy truy cập vào mục Tin tức y tế tại website. Để đặt lịch khám tại hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, vui lòng gọi đến HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.