Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Chẩn đoán và điều trị đột quỵ não cấp

02/07/2024

Định nghĩa

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm…

Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do Thiếu máu và đột quỵ do xuất huyết

Trong đột quỵ xuất huyết não, máu chảy trực tiếp vào nhu mô não. Cơ chế thường là rò rỉ từ các động mạch nội sọ nhỏ bị tổn thương do tăng huyết áp mãn tính.

Đột quỵ xuất huyết não ít phổ biến hơn đột quỵ do Thiếu máu não. Các thống kê dịch tễ học cho biết chỉ có 8-18% đột quỵ là xuất huyết . Tuy nhiên, đột quỵ xuất huyết có tỷ lệ tử vong cao hơn đột quỵ do thiếu máu não Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua. Đây là tình trạng đột quỵ nhỏ, dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, thường kéo dài khoảng vài phút. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà người bệnh cần lưu ý.

Nguyên nhân

  • Đột quỵ do Thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
  • Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.

Các yếu tố không thể thay đổi

  • Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
  • Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao gần gấp đôi so với người da trắng.

Các yếu tố bệnh lý

  • Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
  • Đái tháo đường: Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
  • Cao huyết áp: Cao huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Khám huyết áp là một trong những biện pháp để tìm ra nguyên nhân đột quỵ.
  • Mỡ máu: Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
  • Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có thể dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch. Tăng nguy cơ bị đột quỵ.
  • Hút thuốc: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, gia tăng quá trình xơ cứng động mạch. Thuốc lá cũng gây hại cho phổi, khiến tim làm việc nhiều hơn, gây tăng huyết áp.
  • Lối sống không lành mạnh: Ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, đột quỵ cũng có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu,…

Triệu chứng

Theo Hội đột quỳ Hoa Kỳ, những dấu hiệu thường gặp, đơn giản của đột quỵ và gọi ngay cấp cứu khi xuất hiện đột ngột của một trong các dấu hiệu sau:

  • Tê hoặc yếu mặt, tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể.
  • Rối loạn ý thức.
  • Khó nói hoặc không hiểu được câu lệnh.
  • Mất thị lực một hoặc hai mắt.
  • Khó đi lại, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc thất điều (mất điều hòa vận động).
  • Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

FAST (các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ cho người dân)

  • F (face): mặt bị liệt (méo, lệch)
  • A (arm): tay cử động khó khăn (yếu tay)
  • S (speech): nói khó
  • T (time): thời gian (time) lúc này quý hơn vàng, cần gọi ngay cấp cứu.

Chẩn đoán

  • Dựa vào thăm khám các triệu chứng lâm sàng.
  • Chẩn đoán hình ảnh học.

Cắt lớp vi tính có hoặc không có tiêm thuốc cản quang sọ não (NECT-CLVT)

NECT-CLVT không tiêm thuốc cản quang có vai trò chẩn đoán nhồi máu não và loại trừ xuất huyết nhu mô não nhằm đánh giá những tiêu chuẩn loại trừ của việc sử dụng rtPA ( tiêu huyết khối) tĩnh mạch. NECT nhận diện chính xác hầu hết các trường hợp xuất huyết nội sọ và giúp phân biệt các nguyên nhân không do mạch máu của các triệu chứng thần kinh (ví dụ: u não). NECT có thể phát hiện các dấu hiệu tinh tế của tổn thương nhu mô trong vòng 3h đầu.

MRI sọ não

Hình ảnh cộng hưởng từ khuếch tán (DWI) là kỹ thuật nhạy cảm và hiệu quả nhất đối với nhồi máu cấp, tốt hơn nhiều so với NECT và các kỹ thuật MRI khác.

Chụp mạch cắt lớp vi tính (CTA)

Độ chính xác của CTA trong việc đánh giá sự hẹp hoặc tắc của động mạch lớn nội sọ rất cao. Và trong một số trường hợp, độ chính xác gần bằng với DSA( chụp mạch số hóa xóa nền). Trong xác định tắc nghẽn mạch máu nội sọ, độ nhạy và độ đặc hiệu của CTA lần lượt là 92-100%.

Cộng hưởng từ mạch máu

Kĩ thuật này được thực hiện cùng với MRI sọ não trong trường hợp nhồi máu não cấp nhằm đưa ra quyết định điều trị phù hợp. MRA sử dụng kĩ thuật TOF hữu ích trong việc xác định tắc nghẽn động mạch lớn đoạn gần nhưng không thể xác định chính xác trong trường hợp tắc động mạch xa và nhánh của nó.

Chụp Doppler xuyên sọ

Thường được dùng để phát hiện những bất thường của mạch máu nội sọ ( bao gồm cả hẹp lòng mạch và tắc nghẽn). Độ chính xác của Doppler xuyên sọ ít so sánh được với CTA và MRA trong các trường hợp hẹp- tắc. Độ nhạy và độ đặc hiệu của kỹ thuật này lần lượt là 55-90% và 90-95%.

Chụp mạch quy ước (chụp mạch số hóa xóa nền- DSA)

 DSA vẫn là tiêu chuẩn vàng để xác định các dạng tổn thương mạch não và bệnh lí.

A: Hình ảnh DSA mạch máu não của người bệnh trước khi can thiệp.
B: Hình ảnh DSA mạch máu não của người bệnh sau khi can thiệp.

Điều trị

Điều trị nhồi máu não cấp

Hiện nay hai phương pháp điều trị nhồi máu não là tiêm thuốc tiêu sợi huyết và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Thời gian vàng để tiêm thuốc tiêu sợi huyết là < 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng còn lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học là < 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng ( mở rộng cửa sổ lên đến 16-24h khi thỏa 1 số tiêu chuẩn của các nghiên cứu nhất định).

Tiêu sợi huyết tĩnh mạch

Thuốc tiêu sợi huyết duy nhất đã được chứng minh là có lợi cho những bệnh nhân bị đột quỵ Thiếu máu não cấp tính trong cửa sổ ≤ 4,5h là alteplase (rt-PA). Tiêu sợi huyết (ví dụ: rt-PA) phục hồi lưu lượng máu não ở các bệnh nhân nhồi máu não cấp và có thể giúp cải thiện hoặc giải quyết các khiếm khuyết thần kinh.

Lấy huyết khối bằng dụng cụ

Cho đến hiện tại, kỹ thuật lấy huyết khối cơ học là phương pháp điều trị cơ bản, được sử dụng kết hợp ngay sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch (với cửa sổ 4,5 giờ và không có chống chỉ định rt-PA) hoặc điều trị đơn thuần khi bệnh nhân tới cơ sở y tế ngoài cửa sổ 4,5 giờ sau khi đột quỵ não do tắc mạch lớn.

Từ năm 2018, thành công của nghiên cứu DAWN và DEFUSE 3 đã giúp mở rộng cửa sổ điều trị đột quỵ Thiếu máu não cấp bằng dụng cụ cơ học từ 6 giờ lên đến 24 giờ ở một số bệnh nhân phù hợp các tiêu chuẩn lựa chọn.

Điều trị xuất huyết não

Điều trị nội khoa

Điều trị bệnh nhân XHN phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ xuất huyết. Kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn, chảy máu, co giật, huyết áp và áp lực nội sọ.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật lấy khối máu tụ đối với 1 số bệnh nhân có chỉ định có thể cải thiện được tiên lượng bệnh.

Điều trị can thiệp nội mạch

Điều trị can thiệp mạch được đặt ra đối với xuất huyết não có nguyên nhân thứ phát do bất thường mạch máu bao gồm phình động mạch não, dị dạng thông động-tĩnh mạch não, rò động tĩnh mạch màng cứng não.

Dẫn lưu não thất

Dẫn lưu não thất thường được thực hiện trong trường hợp não úng thủy do biến chứng xuất huyết gây chèn ép não thất ba hoặc não thất bốn.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã triển khai tất cả các phương pháp điều trị đột quỵ cấp, bao gổm tiêu sợi huyết tĩnh mạch (r-TPA), can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ trong điều trị nhồi máu não cấp; can thiệp nội mạch điều trị xuất huyết não do dị dạng mạch máu, túi phình mạch não…và được hiệu quả cao.

Dự phòng đột quỵ

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ

Điều trị rối loạn lipid máu: Điều trị bằng thuốc phải kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống nhằm điều chỉnh rối loạn lipid máu, trong đó đặc biệt làm giảm cholesterol. Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần.

Kiểm soát đường huyết: Có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng thuốc điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng.

Kiểm soát trị số huyết áp: Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg để làm giảm các biến chứng về tim mạch, thận. Sử dụng thuốc hạ huyết áp đều đặn và đúng cách theo hướng dẫn của thầy thuốc. Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về tim như: rối loạn nhịp (đặc biệt là rung nhĩ), các tổn thương van tim, cơ tim đặc biệt là nhồi máu mới, nhồi máu cũ và bệnh lý cơ tim.

Liệu pháp thay đổi lối sống

Chế độ ăn uống: Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì. Thực hiện chế độ ăn muối và kali hợp lý: Ăn mặn làm tăng huyết áp. Mức độ ăn kiêng được khuyến cáo chung là không quá 6g muối ăn mỗi ngày. Nên bổ sung kali bằng ăn thêm hoa quả và rau tươi. Giữ trọng lượng cơ thể trong giới hạn. Cai thuốc lá triệt để vì hút thuốc làm nguy cơ đột quỵ và bệnh mạch vành tăng, nhất là ở những người hút trên 40 điếu mỗi ngày.

Tập thể dục để làm giảm thấp các yếu tố nguy cơ như làm hạ huyết áp, giảm béo phì, hạn chế tiến triển tổn thương vữa xơ động mạch. Tập thể dục mức độ trung bình, chẳng hạn như đều đặn đi bộ 30 phút mỗi ngày. Có thể đạp xe đạp hoặc bơi lội ít nhất 30 phút/lần/ngày, 5 ngày/tuần cũng rất hữu ích. Duy trì giấc ngủ khoảng 7h – 8h mỗi ngày. Nên ngủ sớm, dậy sớm.

Phòng ngừa tình trạng đông máu bằng thuốc

Theo hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.

Tầm soát đột quỵ

Để phát hiện và điều trị đột quỵ kịp thời, việc tầm soát đột quỵ đóng vai trò quan trọng. Tầm soát đột quỵ giúp nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sớm, nhất là ở những người bệnh cao huyết áp, người có bệnh lý về tim mạch, tăng Cholesterol, hút thuốc lá, và người có tiền sử gia đình có nguy cơ đột quỵ, từ đó cung cấp điều trị kịp thời nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để tăng cơ hội hồi phục và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm do đột quỵ gây ra.

Tai biến mạch máu não đang ngày càng trẻ hóa, bất kỳ ai cũng có nguy cơ đột quỵ. Do đó tất cả mọi đối tượng đều nên chủ động tầm soát đột quỵ, tuy nhiên những người trên 55 tuổi có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ và người trên 45 có 2 yếu tố nguy cơ là những người thuộc nhóm có khả năng cao, nên chủ động tầm soát đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ đột quỵ gồm:

  • Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ.
  • Mắc các bệnh lý như các cơn Thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đái tháo đường, đau nửa đầu Migraine, bệnh lý tim mạch, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,…
  • Cao huyết áp.
  • Thừa cân, béo phì, hàm lượng Cholesterol cao.
  • Sử dụng viên uống tránh thai.
  • Sử dụng hormone sau mãn kinh.
  • Ít vận động, luyện tập thể dục thể thao.
  • Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.

Tài liệu tham khảo

BYT- 2020, “ Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí đột quỵ não” .


Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long:

🏥 Địa chỉ: Lô 20 Võ Nguyên Giáp, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ.

☎️ Biệt đội Cấp cứu 916 (24/24): 02923 916 916

☎️ Tổng đài Chăm sóc khách hàng: 02923 917 901

🌐 Website: https://hoanmy.com/cuulong/

👉 Fanpage: https://www.facebook.com/BenhvienHoanMyCuuLong

👉 Youtube: https://www.youtube.com/@bvhoanmycuulong