Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim cấp – Code Stemi

02/07/2024

Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng cơ tim bị Thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong.

Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp

Nguyên nhân là do mảng xơ vữa trong lòng mạch vành bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị Thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, gây suy tim hoặc đột tử.

Yếu tố nguy cơ khiến mảng xơ vữa bị nứt vỡ:

  • Hút thuốc lá;
  • Xúc động, căng thẳng quá mức;
  • Gắng sức quá mức;
  • Viêm hoặc nhiễm trùng như viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi mạn tắc nghẽn,…
  • Sau chấn thương, phẫu thuật…

Dấu hiệu

Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu như:

  • Cơn đau thắt ngực thường gặp trong hội chứng động mạch vành cấp. Người bệnh có cảm giác đau tức, đè nặng, xoắn vặn trong lồng ngực, sau xương ức hoặc ngực trái, mức độ nặng, xảy ra khi ngồi nghỉ, kéo dài trên 15 phút, đau lan ra sau lưng, lên cổ, cằm, vai hoặc cánh tay. Trong cơn đau có kèm mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, hốt hoảng hoặc ngất xỉu, đau không giảm khi ngậm hay xịt thuốc nitrate. 
  • Một số trường hợp đặc biệt như người cao tuổi, phụ nữ hoặc bệnh nhân đái tháo đường có thể không có triệu chứng đau ngực, nhưng có triệu chứng tương đương là khó thở, thay đổi tri giác, ngất hoặc tụt huyết áp < 90/60 mmHg.

Không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Một số người đau nhẹ, một số người đau nặng, một số khác xuất hiện dấu hiệu nhồi máu cơ tim đầu tiên là ngưng tim đột ngột.

Chẩn đoán

  • Điện tâm đồ (ECG): cận lâm sàng đầu tiên được thực hiện để chẩn đoán nhồi máu cơ tim, bằng cách ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các điện cực được gắn vào ngực,  cánh tay và chân. Tín hiệu có dạng sóng được in lại trên giấy hoặc hiển thị trên màn hình. Điện tâm đồ nhồi máu cơ tim có thể cho biết người bệnh đang bị hoặc có tiền sử mắc bệnh trong quá khứ.
  • Xét nghiệm máu: Một số protein tim từ từ rò rỉ vào máu sau khi tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim, gọi là men tim (troponin). Xét nghiệm máu có thể kiểm tra các protein này (chất chỉ điểm tổn thương hoại tử cơ tim).
  • Chụp X-quang lồng ngực: Cho biết tình trạng, kích thước của tim và phổi, các nguyên nhân khác gây đau ngực.
  • Siêu âm tim: cho biết cách máu di chuyển qua tim và van tim, chức năng co bóp của cơ tim. Siêu âm tim có thể giúp xác định xem một vùng tim có bị tổn thương hay không.
  • Chụp mạch vành: Một ống dài, mỏng (ống thông) được đưa vào động mạch, thường là ở tay và dẫn đến tim. Thuốc cản quang được bơm qua ống thông để giúp hình ảnh các động mạch hiển thị rõ ràng hơn trong quá trình kiểm tra.

Điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long

Nguyên tắc

Người bênh nghỉ ngơi tuyệt đối, đảm bảo oxy, cho thuốc giảm đau, các thuốc ức chế kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông và nhanh chóng tái lập dòng chảy hệ mạch vành cho bệnh nhân.

Điều trị nội khoa cấp cứu

Tái tưới máu mạch vành là điều trị quan trọng và cần thực hiện sớm nhất. Cần phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp để có hướng xử lý thích hợp.

Bệnh nhân cần được:

  • Nghỉ ngơi yên tĩnh tại giường.
  • Mắc monitor theo dõi nhịp tim, huyết áp và SpO2.
  • Lập đường truyền tĩnh mạch ngoại biên với dịch truyền natriclorua đẳng trương.
  • Oxy liệu pháp: thở oxy với những bệnh nhân giảm oxy máu, phù phổi cấp hoặc cần phải thông khí cơ học.
  • Giảm đau.
  • Kháng đông.
  • Kháng kết tập tiễu cầu.

Điều trị tái lưu thông động mạch vành bị tắc nghẽn cấp cứu

  • Chụp mạch vành, nong đặt stent.
  • Mổ bắc cầu động mạch vành.

Phòng ngừa

Để phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim cấp, tầm soát và khám tim mạch định kỳ là rất quan trọng. Một lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Ngoài ra, việc sơ cấp cứu cho bệnh nhân lên cơn đột quỵ tim là “chìa khóa vàng” để giữ lại mạng sống cho bệnh nhân.

Tầm soát

  • Khám tim mạch , kiểm tra các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành, đặc biệt đối với người bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ cao, cần tái khám định kỳ.
  • Chụp MSCT mạch vành xác định mức độ hẹp của động mạch vành.

Tài liệu tham khảo

Bộ y tế QĐ số 5332 /2020 Nhồi máu cơ tim cấp.


Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long:

🏥 Địa chỉ: Lô 20 Võ Nguyên Giáp, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ.

☎️ Biệt đội Cấp cứu 916 (24/24): 02923 916 916

☎️ Tổng đài Chăm sóc khách hàng: 02923 917 901

🌐 Website: https://hoanmy.com/cuulong/

👉 Fanpage: https://www.facebook.com/BenhvienHoanMyCuuLong

👉 Youtube: https://www.youtube.com/@bvhoanmycuulong