Trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại trà mới nên việc so sánh và đánh giá công dụng cũng như hương vị cũng khiến nhiều người tò mò. Để giúp bạn tìm hiểu sự đa dạng của thế giới trà, bài viết này sẽ cung cấp các thông tin chi tiết về các loại trà để giúp bạn phân loại chúng. Cùng Hoàn Mỹ khám phá ngay nhé!
Nguồn gốc của trà
Trà được cho là thức uống xuất hiện đầu tiên từ châu Á (phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc). Tuy nhiên, nguồn gốc của các loại trà vẫn chưa được xác định rõ ràng. Vào thời nhà Thương, trà được phát hiện và lịch sử của nó bắt đầu từ đó.
Truyền thuyết trong văn hóa trà kể rằng Thần Nông là người khám phá và mang trà đến nhân gian. Trà đã trở thành một loại thuốc thảo dược và sau đó phát triển thành một nguyên liệu pha chế thức uống. Cho đến nay, trà đã lan rộng khắp thế giới và trở thành một phần quan trọng trong văn hóa và sự phát triển của nhiều quốc gia.
Bài viết cùng chủ đề:
Cách phân loại trà như thế nào?
Các loại trà có thể có nhiều cách phân loại khác nhau, tạo ra sự lựa chọn phong phú cho người yêu trà.
Phân loại trà theo vùng đất xuất xứ
Các loại trà có thể được phân loại dựa trên nguồn gốc và vùng đất mà chúng được trồng. Chẳng hạn như trà Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Thậm chí, trà cũng có thể được phân loại theo các khu vực nhỏ hơn như Yunnan từ tây nam Trung Quốc, Uji, Shizuoka từ Nhật Bản,
Phân loại trà theo kích thước lá
Cách phân loại trà dựa trên kích thước lá sau khi chế biến cũng được biết đến khá nhiều. Chúng có thể được gọi là pekoe hoa, pekoe, pekoe cam, pekoe souchong và souchong, tùy thuộc vào độ lớn của lá.
Phân loại trà theo mức độ lên men khi chế biến
- Không lên men: Trà xanh hầu như được chế biến mà không trải qua quá trình lên men. Trà này thường được chế biến từ cây trà trồng ở Trung Quốc, Nhật Bản.
- Lên men một phần: Trà oolong hoặc trà pouchong là các loại trà đã trải qua một giai đoạn lên men nhất định khi sản xuất, nhưng không triệt để. Chúng được trồng nhiều ở miền nam Trung Quốc và Đài Loan.
- Lên men triệt để: Trà đen là loại trà phổ biến nhất và đã trải qua quá trình chế biến lên men triệt để. Hầu hết trà đen được sản xuất từ cây Assam hoặc cây lai.
Phân loại trà theo hình thức bên ngoài
- Trà rời: Lá trà có nhiều hình thù khác nhau như trà dạng cánh, trà dẹp, trà sợi, trà tròn,…
- Trà bánh: Lá trà được ép thành hình dạng bánh tròn.
- Trà bột hoặc cao trà: Lá trà được nghiền nhỏ thành dạng bột.
Phân loại trà theo phương pháp gia công
- Trà xô: Trà không được ướp hương, giữ nguyên hương vị tự nhiên của lá trà trong quá trình sản xuất.
- Trà hương: Sử dụng hoa tươi hoặc hương liệu khô để tạo thêm hương thơm khi sản xuất trà.
Công dụng của trà
Trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và phong tục của nhiều quốc gia châu Á. Ngoài việc thưởng thức trà như một đồ uống giải khát, chúng còn được coi là một loại thức uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
- Giảm căng thẳng: Trà có chứa L-theanine, một amino axit tự nhiên có khả năng làm dịu căng thẳng và giúp thư giãn tâm trí. Ngoài ra, trà cũng chứa caffeine ở mức độ nhỏ, giúp tăng cường sự tập trung và cải thiện tâm trạng.
- Tăng cường miễn dịch: Trà chứa các chất chống oxy hóa như catechin và flavonoid. Những chất này giúp ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do, giảm thiểu tổn hại oxi hóa và nâng cao hệ miễn dịch.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: Trà đen và trà xanh đều có lợi cho tim mạch. Chúng chứa các hợp chất polyphenol và catechin có khả năng giảm Cholesterol LDL (xấu), làm tăng Cholesterol HDL (tốt) và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.
- Hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa: Các chất chống vi khuẩn tự nhiên trong trà có thể giúp kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa, từ đó tăng cường hoạt động của hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
- Tốt cho sức khỏe phụ nữ: Trà đỏ và trà thảo mộc là những loại trà có lợi cho sức khỏe của phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt và mãn kinh. Thức uống này có thể giúp cơn đau bụng, mất ngủ và các triệu chứng khác.
Xem thêm bài viết cùng chủ đề:
Các loại trà tốt cho sức khỏe nhất hiện nay
Trà xanh
Trà xanh là một loại trà được làm từ lá trà (Camellia sinensis) mà không qua quá trình oxy hóa triệt để. Quá trình chế biến trà xanh bao gồm bước hái búp, làm héo, vò và cuối cùng là sấy. Quy trình này giúp giữ nguyên hàm lượng các chất chống oxy hóa và các dưỡng chất quan trọng trong lá trà.
Trà xanh chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, bao gồm các polyphenol như catechin và flavonoid. Các chất chống oxy hóa này giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn hại do gốc tự do, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và tăng cường hệ miễn dịch.
Trà đen
Trà đen cũng là một loại trà được làm từ lá trà Camellia sinensis, nhưng khác với trà xanh, trà đen trải qua quá trình oxy hóa triệt để. Quá trình chế biến trà đen gồm bước cơ bản, sau đó để lá trà tiếp xúc với không khí và ẩm ướt để oxy hoá hoàn toàn.
Trong quá trình oxy hóa, các chất chống oxy hóa trong lá trà bị giảm đi, nhưng đồng thời trà đen cũng tạo ra các hợp chất mới, mang lại hương vị và màu sắc đặc trưng. Trà đen thường có màu nâu sáng tới đỏ đậm và có hương vị mạnh, chát.
Trà nhài
Trà nhài là sự hòa quyện hoàn hảo giữa trà xanh tinh khiết và hương thơm quyến rũ của hoa nhài. Loại trà này thường được ướp từ hoa nhài tự nhiên vào đầu mùa hè theo cách thức truyền thống của dân gian để mang lại hương vị tốt nhất.
Không chỉ là một thức uống thơm ngon, trà nhài còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Hương thơm của hoa nhài kết hợp với trà xanh có tác dụng thư giãn tinh thần, giảm mệt mỏi và tạo cảm giác thư thái, làm dịu sự căng thẳng. Nhiều người thích nhâm nhi trà nhài vào cuối ngày, để tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ và thoải mái sau một ngày làm việc căng thẳng.
Trà sen
Trà sen là một loại trà truyền thống của Việt Nam, mang hương vị đặc biệt mà người sành trà không nên bỏ qua. Đúng như tên gọi, trà sen được làm từ nhụy hoa sen tươi tắn, mang đến hương thơm đặc trưng của hoa sen trong từng tách trà.
Quá trình sản xuất trà sen đòi hỏi sự công phu và tận tâm bởi một lạng trà sen được làm ra từ khoảng 100 bông sen để thu hái nhụy hoa tinh túy. Vị chát nhẹ của trà xanh hảo hạng kết hợp hài hòa với hương thơm thanh thoát của hoa sen, mang đến một trải nghiệm độc đáo. Hương thơm của hoa sen trong trà không chỉ giúp tạo một trạng thái thư thái và sảng khoái mà còn có tác dụng đem lại cảm giác thư giãn và làm dịu tâm hồn.
Trà Ô Long
Trà ô long là một loại trà đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức để sản xuất. Bởi trong quy trình chế biến cơ bản, giai đoạn nghiền và oxy hóa cần được thực hiện kỹ lưỡng. Loại trà này thường mang trong mình hương hoa quả nhẹ nhàng, trái cây tươi mát, hay thậm chí là các hương vị gỗ, hạt hoặc các loài hoa khác nhau.
Đặc biệt, trà ô long là loại trà lý tưởng cho những người mới bắt đầu uống trà. Với hương vị phong phú nhưng không quá mạnh mẽ, trà ô long mang đến một sự cân bằng hoàn hảo và dễ chịu.
Trà Shan Tuyết
Trà Shan Tuyết được chế biến từ những lá trà non của những cây trà cổ thụ, chỉ mọc ở những vùng núi cao hơn 1000m so với mực nước biển. Cây trà Shan Tuyết sinh trưởng trong môi trường núi cao, nơi có khí hậu lạnh và mùa đông kéo dài.
Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trà và tạo ra lá trà có hương vị đặc biệt. Lá trà Shan Tuyết có một lớp lông trắng nhỏ gọn phủ trên bề mặt, tạo nên một cảm giác như tuyết phủ trên các chiếc lá. Hương vị của trà Shan Tuyết thường ẩn chứa sự tinh tế và thanh thoát. Loại trà này này là sự hòa quyện hài hòa giữa hương hoa nhẹ nhàng và vị chát thanh mát của trà.
Trà thảo mộc
Trà thảo mộc là một thuật ngữ chung dùng để chỉ các loại trà được tạo ra từ các loại hoa lá tự nhiên, thảo mộc và thảo dược. Thông thường, các nguyên liệu dùng để chế biến trà này gồm có hoa cúc, hòa oải hương, vỏ cam, quế, bồ công anh, dầu gừng, sả,…
Những thành phần này được kết hợp với nhau tạo hương vị dịu nhẹ, ngọt thanh và không chát. Điều này là do các thành phần thảo mộc tự nhiên không chứa caffein như trà xanh hoặc trà đen. Thay vào đó, trà thảo mộc mang đến một trải nghiệm thưởng thức trà nhẹ nhàng và dễ uống.
Trà atiso
Trà Atiso còn được gọi là trà bụp giấm, được chế biến từ lá hoặc nụ atiso, với vị trà ngọt thơm dễ uống và không chát. Loại trà này nổi tiếng với công dụng giải nhiệt, thanh lọc cơ thể.
Trà atiso không chỉ là thức uống nhâm nhi mà còn mang đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như hỗ trợ tiêu hóa và giúp cải thiện chức năng gan và ruột.
Để làm trà atiso, bạn có thể sử dụng lá atiso khô hoặc nụ atiso tươi và ngâm chúng trong nước nóng khoảng ít phút để chắt lọc hương vị.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc được biết đến với những lợi ích như giải cảm, thanh lọc cơ thể và giúp ngủ ngon. Loại trà này có thể pha với trà xanh, trà đen hoặc chỉ dùng hoa cúc khô.
Trà Hoa Cúc khô thường có một vị ngọt nhẹ nhàng, mang đậm hương hoa tự nhiên. Hương thơm nhẹ của hoa cúc kết hợp với vị ngọt tinh tế tạo nên một trạng thái tinh thần thư thái và giúp xua tan căng thẳng sau một ngày làm việc.
Trà hoa đậu biếc
Trà hoa đậu biếc được chế biến từ hoa đậu biếc khô và có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe như thanh nhiệt, làm đẹp da và giảm stress. Hoa đậu biếc có vị rất thanh, không có mùi thơm đặc trưng, tuy vậy điểm nổi bật của loại trà này lại nằm ở màu xanh rất đẹp.
Màu xanh tự nhiên và sắc sảo của trà hoa đậu biếc tăng thêm vẻ hấp dẫn khi thưởng thức trà. Trà hoa đậu biếc có thể được pha trộn với trà xanh, trà đen hoặc các loại thảo mộc khác để hương vị thêm phong phú. Bạn có thể thêm đá, mật ong, hoặc trái cây tươi để làm cho tác trà thêm đậm đà.
Trà trái cây
Trà trái cây là một loại trà được tạo ra từ sự kết hợp của các loại trái cây khô trong quá trình ướp trà hoặc là sự pha trộn của trà xanh, trà ô long với nước hoa quả tươi khi pha chế. Trà trái cây có nhiều loại phổ biến như trà đào, trà chanh, trà dâu, trà táo,… Trà trái cây không chỉ mang lại hương vị tươi mát, mà còn là một nguồn cung cấp vitamin và chất chống oxy hóa từ trái cây.
Trà gừng
Trà gừng là loại trà được làm từ trà xanh hòa quyện với gừng được nghiền mịn. Trà gừng mang một vị cay đặc trưng và thường được kết hợp với đường để vị trà ngọt dịu, dễ uống hơn.
Đây là một thức uống mang lại cảm giác ấm áp cho cơ thể trong những ngày rét buốt. Ngoài ra, trà gừng còn biết đến với khả năng giải cảm, giúp giảm triệu chứng cảm lạnh, giải rượu, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa và giúp giảm cảm giác buồn nôn.
Lưu ý khi uống trà
Khi thưởng thức trà, bạn nên lưu ý một số điều quan trọng để tận hưởng trải nghiệm thưởng thức trà tuyệt vời và có lợi cho sức khỏe:
- Hạn chế lượng caffein: Một số loại trà như trà xanh, trà đen có chứa caffeine, do đó, nên hạn chế lượng trà hấp thụ để tránh tác động những chất này, như hưng phấn quá độ, lo lắng và mất ngủ.
- Uống trà một cách hợp lý: Đối với các loại trà khác như trà hoa và trà thảo mộc, bạn nên uống khoảng 1-2 ly/ngày và mỗi ly khoảng 100-200ml để giúp tránh tích tụ quá nhiều các chất trong trà vào cơ thể và đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
- Lưu ý nhiệt độ pha trà: Tránh pha trà ở nhiệt độ quá cao như nước sôi 100 độ C vì như vậy có thể làm tiêu hao một số dưỡng chất quý giá có trong trà. Bạn nên pha trà với nước ở nhiệt độ khoảng 80-95 độ C và ngâm trong thời gian tùy theo nhu cầu uống trà đậm nhạt.
- Thời gian thích hợp để uống trà: Lựa chọn thời điểm thích hợp để uống trà cũng rất quan trọng. Trong ngày, thời gian tốt để thưởng thức trà là trong hoặc sau bữa sáng và đầu giờ chiều. Tránh uống trà khi đói, đặc biệt là với các loại trà xanh và trà đen, vì nó có thể gây kích thích dạ dày trống.
- Lưu ý uống trà trước khi đi ngủ: Một số loại trà thảo mộc và trà hoa không chứa caffein, do đó bạn có thể uống trước khi đi ngủ mà không bị ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, hãy lưu ý mỗi người có thể có phản ứng khác nhau, vì vậy nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề về giấc ngủ thì nên điều chỉnh thời gian uống trà thích hợp.
Qua bài viết trên có thể thấy các loại trà hiện nay vô cùng phong phú, từ hương vị, màu sắc đến công dụng. Trà không chỉ là đồ uống giải khát, thư giãn mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc thưởng thức trà cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp với từng thể trạng, thời gian và nhu cầu mỗi người. Hãy ghé thăm trang Tin tức y tế thường xuyên để có thể cập nhật thêm kiến thức về sức khỏe. Ngoài ra, nếu có nhu cầu cần giải đáp thắc mắc nào liên quan, bạn có thể liên hệ qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí hoặc truy cập TẠI ĐÂY để đặt lịch hẹn trực tiếp với đội ngũ bác sĩ tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.