Bướu cổ là một bệnh lý thường gặp liên quan đến tuyến giáp, có khoảng 80% trường hợp bướu cổ lành tính. Các biểu hiện chính của bệnh này thường bao gồm sưng to và tăng kích thước của tuyến giáp, khiến vùng cổ có hình dạng bất thường. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
>> Xem thêm:
- Chụp CT là gì? Quy trình thực hiện, ưu và nhược điểm kỹ thuật này
- 8 cách hạ sốt nhanh an toàn, hiệu quả tại nhà
- Bạch cầu tăng là bệnh gì? Có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết
Bệnh bướu cổ là gì?
Tuyến giáp, một cơ quan có hình dạng cánh bướm nằm ở phía trước cổ, có chức năng sản xuất hormone để kiểm soát sự trao đổi chất. Cụ thể, hormone tuyến giáp như thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) giúp cơ thể sử dụng năng lượng, duy trì nhiệt độ, và đảm bảo các chức năng bình thường của não, tim, tiêu hóa, cơ và các cơ quan khác.
Bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp, là tình trạng kích thước tuyến giáp tăng lên hoặc tế bào có sự phát triển bất thường, tạo ra một hoặc nhiều cục (nhân) trong tuyến giáp. Bướu cổ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do thiếu hụt iốt trong chế độ ăn uống. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân, triệu chứng, và các vấn đề sức khỏe.
Có mấy loại bướu cổ?
Bướu cổ là một bệnh lý tuyến giáp thường gặp, đặc biệt phổ biến ở nữ giới với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nam. Biểu hiện thường thấy nhất là vùng cổ của bệnh nhân trở to lên do ảnh hưởng từ kích thước tuyến giáp.
Bướu giáp đơn thuần
Bướu giáp đơn thuần là một loại bệnh không xuất phát từ sự phình lên hay viêm nhiễm, và chức năng của tuyến giáp vẫn hoạt động bình thường. Có ba thể chính của bướu giáp đơn:
- Thể nhân: Nhân có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên tuyến giáp, có thể nhỏ như hạt lạc hoặc lớn hơn.
- Thể lan tỏa: Do sự phì đại của các tế bào tuyến giáp, bướu có hình dạng giống với tuyến giáp.
- Thể hỗn hợp: Kết hợp giữa bướu thể nhân (đơn hoặc đa nhân) và bướu thể lan tỏa
Bướu cường giáp
Bướu cổ do cường giáp, hay còn gọi là bướu cường giáp, thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi 20 – 45. Nguyên nhân phổ biến là bệnh Basedow với bướu giáp mạch lan tỏa, có hoặc không lồi mắt, và cường giáp với bướu giáp đa nhân hóa độc. Dù nguyên nhân nào, biểu hiện chung của bướu cường giáp thường bao gồm hội chứng cường giáp: Run tay, tim đập nhanh, hồi hộp, ăn nhiều mà vẫn gầy (một số bệnh nhân giảm 10kg trong ba tháng), và thường trở nên nóng tính bất thường.
U lành tính tuyến giáp
Thường xuất hiện ở độ tuổi trung niên, khối u thường đơn độc và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên tuyến giáp. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh thường khó phân biệt với bướu giáp đơn thuần hoặc u tuyến giáp lành tính.
Ung thư tuyến giáp
Biểu hiện của bệnh Ung thư giáp (bướu cổ ác tính) ở giai đoạn sớm thường tương tự như biểu hiện của bướu giáp đơn thuần (bướu cổ lành tính). Bệnh thường xuất hiện ở người trung niên và người lớn tuổi, đặc biệt là trong nhóm bệnh nhân có bướu cổ đơn nhân. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân có cường giáp, bướu giáp đa nhân và bướu giáp lan tỏa cũng có tỉ lệ nhỏ bị ung thư giáp. Trong giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể phát hiện triệu chứng khàn tiếng không hồi phục.
>> Xem thêm: Truyền nước biển có tác dụng gì? Khi nào cần truyền nước biển?
Nguyên nhân gây bệnh bướu cổ
Hiện nay, thiếu iốt là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ trên toàn thế giới, nhưng còn nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:
Thiếu i-ốt
Tuyến giáp cần iốt để sản xuất hormone tuyến giáp. Nếu không có đủ iốt trong chế độ ăn uống, các tế bào tuyến giáp sẽ tăng sinh và phát triển để tạo ra đủ hormone giáp. Thiếu iốt là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh bướu cổ. Do đó, chế độ ăn uống cần được bổ sung iốt từ hải sản, sản phẩm từ sữa và sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm.
Bệnh Hashimoto
Đây cũng là một bệnh tự miễn, gây tình trạng viêm tuyến giáp. Một số người mắc bệnh Hashimoto có biểu hiện tuyến giáp phát triển to và kích thước khá lớn. Loại bướu này thường tự khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, một số trường hợp mắc bệnh Hashimoto cần điều trị bằng hormone tuyến giáp.
Bệnh Graves
Bệnh Graves là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp, khiến cho tuyến giáp phát triển lớn hơn. Bệnh Graves cũng gây ra tình trạng cường giáp và đòi hỏi phương pháp điều trị.
Mang thai
Gonadotropin là hormone nhau thai được sản xuất trong thai kỳ và có thể là nguyên nhân kích thích sự phát triển của tuyến giáp.
>> Xem thêm:
- Mewing là gì? Cách tập mewing đúng cách cho người mới bắt đầu
- Bí quyết gội đầu đúng cách, giảm gãy rụng
Viêm tuyến giáp
Những yếu tố như rối loạn tự miễn, nhiễm vi khuẩn/virus, hoặc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể gây viêm tuyến giáp. Viêm tuyến giáp thúc đẩy sự phát triển của tuyến giáp và có thể dẫn đến tình trạng cường giáp hoặc suy giáp.
Do thuốc
Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc (như lithium trị các bệnh về tâm thần) cũng có thể được coi là một nguyên nhân gây ra bướu cổ.
Dấu hiệu bị bướu cổ
Tùy thuộc vào từng loại bướu khác nhau, triệu chứng của bướu cổ có thể hiện chỉ ở chỗ hoặc kèm theo các dấu hiệu toàn thân khác.
Dấu hiệu toàn thân có thể xuất hiện trong bệnh bướu cổ bao gồm:
- Mệt mỏi, stress, giảm trí nhớ, khô da, thường xuyên bị lạnh.
- Cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, hay đổ mồ hôi, gầy sút cân.
- Lồi mắt.
- Thay đổi giọng nói, thường gặp là khàn giọng.
Dấu hiệu của bướu cổ phụ thuộc vào kích thước của nó. Khi bướu nhỏ, người bệnh có thể không cảm nhận gì, nhưng khi bướu lớn và gây áp lực lên các cơ quan lân cận như khí quản, thực quản, hoặc các dây thần kinh, có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Cảm giác cổ họng luôn bị vướng hoặc đau họng.
- Nuốt khó, nuốt đau.
- Khó thở, thường gặp khi nằm xuống.
- Hay ho và nghẹn.
- Thở dốc.
Đối tượng dễ mắc bướu cổ
Những người có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ:
- Tiền sử gia đình: Có người thân trong gia đình từng mắc bệnh Ung thư tuyến giáp, nhân giáp, hoặc các vấn đề khác liên quan đến tuyến giáp.
- Thiếu i-ốt trong chế độ ăn uống: Không bổ sung đủ i-ốt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ, do i-ốt là một yếu tố quan trọng trong hoạt động của tuyến giáp.
- Giới tính: Phụ nữ thường có nguy cơ cao hơn nam giới.
- Tuổi: Người trên 40 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ cao hơn do quá trình lão hóa ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp.
- Xạ trị vùng cổ hoặc ngực: Bức xạ có thể làm thay đổi hoạt động của tuyến giáp và tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
- Béo phì: Trạng thái béo phì có thể tăng áp lực lên tuyến giáp, gây ra sự phình to của nó.
- Kháng insulin: Tình trạng kháng insulin cũng được liên kết với nguy cơ mắc bệnh bướu cổ.
- Hội chứng chuyển hóa: Các vấn đề liên quan đến chuyển hóa cũng có thể tăng nguy cơ bướu cổ
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Các xét nghiệm thường được thực hiện để chẩn đoán bệnh bướu cổ bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra sự thay đổi của các hormone tuyến giáp thông qua xét nghiệm máu.
- Siêu âm tuyến giáp: Thực hiện siêu âm để đánh giá hình thái cấu trúc của tuyến giáp, từ đó phát hiện các thay đổi bất thường.
- Lấy mẫu tuyến giáp: Sử dụng kim nhỏ để chọc hút mẫu tuyến giáp, giúp xác định tính chất của bướu, liệu nó lành tính hay Ung thư tuyến giáp.
- Xạ hình tuyến giáp: Một kỹ thuật xét nghiệm hiện đại và mới, cung cấp hình ảnh sắc nét để đánh giá chức năng của tuyến giáp toàn diện và phát hiện sớm các trường hợp Ung thư tuyến giáp.
Phác đồ điều trị viêm bướu cổ hiệu quả
Tùy thuộc vào mức độ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, có những biện pháp điều trị thích hợp. Dưới đây là 3 phương pháp chính:
- Theo dõi định kỳ: Đối với bướu giáp nhỏ và không có triệu chứng rõ ràng, chỉ cần thực hiện theo dõi định kỳ thông qua các kỹ thuật khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp để theo dõi sự phát triển của tuyến giáp. Mức độ phát triển của bướu giáp có thể ổn định trong một khoảng thời gian dài.
- Điều trị nội khoa: Sử dụng thuốc để điều chỉnh hormone tuyến giáp về mức bình thường. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp bướu cổ có biểu hiện do rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc sau khi thực hiện xạ trị và phẫu thuật tuyến giáp. Bệnh nhân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, và sau đó được kiểm tra lượng hormone để đảm bảo hiệu quả điều trị.
- Xạ trị tuyến giáp: Sử dụng i-ốt phóng xạ để giảm kích thước của tuyến giáp. Mặc dù có chi phí cao, nhưng phương pháp này đạt được hiệu quả điều trị tốt.
- Phẫu thuật tuyến giáp: Được ưu tiên sử dụng trong trường hợp Ung thư tuyến giáp. Quyết định cắt bỏ toàn bộ hoặc chỉ một phần tuyến giáp phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Bệnh pháp phòng ngừa bướu cổ
Các biện pháp phòng bệnh được đề xuất nhằm giảm thiểu rủi ro mắc bệnh bướu cổ lành tính và phát hiện sớm các dạng bướu cổ khác, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị. Các biện pháp bao gồm:
- Bổ sung iot: Đảm bảo cung cấp đủ iot cho cơ thể thông qua việc tiêu thụ thực phẩm giàu iod như cá biển, mắm tôm, và nước mắm. Việc sử dụng muối iot cũng là một cách đơn giản và hiệu quả để giảm nguy cơ thiếu iod.
- Định kỳ kiểm tra: Những người có tiền sử về các bệnh lý tuyến giáp, bệnh tâm thần, vấn đề tiêu hóa, hay bệnh thận mạn tính cần được kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến bướu cổ.
- Điều trị đúng bệnh lý: Sau khi điều trị các bệnh lý tâm thần, bệnh tiêu hóa, và bệnh thận mạn tính, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bướu cổ cần được kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
- Khám sức khỏe định kỳ: Khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, quan trọng là đến ngay các cơ sở y tế để nhận được sự chăm sóc và điều trị kịp thời.
Bướu cổ với kích thước nhỏ thường chỉ cần có sự theo dõi, không cần phải điều trị ngay lập tức. Tuy nhiên, quyết định này nên được đưa ra dưới chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện không bình thường ở vùng cổ, việc đầu tiên là nên thăm bác sĩ để có chẩn đoán chính xác, giảm thiểu khả năng cần phải thực hiện các biện pháp điều trị phức tạp sau này. Để cập nhật thêm những thông tin y học hữu ích khác, truy cập ngay chuyên mục Tin tức y tế. Ngoài ra, để được tư vấn miễn phí tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE hoặc đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY.
Câu hỏi thường gặp:
Bướu cổ lành tính có những hạn chế về chế độ dinh dưỡng, vì vậy, việc kiêng ăn một số thực phẩm có thể giúp kiểm soát tình trạng. Dưới đây là một số thực phẩm nên tránh xa khi bị bướu cổ: Rau họ cải, Đậu nành (đậu tương), Đồ uống có cồn, Thức ăn quá nhiều đường, Các món ăn từ nội tạng động vật, Sữa tươi nguyên kem, Trái cây có chứa nhiều Flavonoid, Thức ăn chế biến sẵn.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.