Tin tức y tế

Xuất hiện những ca tiêu chảy cấp do lây nhiễm thứ phát

05/11/2007

Hiện cũng đã có thêm 2 tỉnh mắc dịch tiêu chảy cấp là Nghệ An và Thanh Hóa. Như vậy, cả nước đã có hơn 600 ca nghi mắc tiêu chảy cấp tại 11 tỉnh, thành phố. Tình hình dịch bệnh ở Hà Nội hiện đã có dấu hiệu giảm, nhưng Hà Tây, Hải Dương, Nghệ An, Phú Thọ và Thái Bình vẫn diễn biến phức tạp. Ông Nga cho biết thêm, ngay khi có dịch, Bộ Y tế đã làm việc và thông báo với Tổ chức Y tế thế giới, cũng như các nước; căn bệnh này hiện không hạn chế đi lại giữa Việt Nam và quốc tế. Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã có những ca mắc bệnh thứ phát (mắc bệnh từ nguồn lây khác ngoài mắm tôm), có thể phát sinh do nguồn nước, vệ sinh ăn uống. Các trường hợp mắc mới chủ yếu xảy ra ở những đám cỗ nghi do ăn những loại thức ăn như thịt bò, lợn bị nhiễm khuẩn. Có trường hợp nhiễm bệnh sau khi chăm sóc bệnh nhân.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành quy trình xử lý dịch tả. Công điện của Chính phủ cũng nói rõ đã phát hiện những trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Đây là bệnh có triệu chứng chính là tiêu chảy, mất nước và rối loạn điện giải cấp tính, có thể gây dịch lớn. Bệnh do vi khuẩn tả vibro cholerae gây ra, lây qua đường tiêu hóa. Vi khuẩn xâm nhập đường tiêu hóa người lành từ nước uống, thức ăn nhiễm vi khuẩn tả, đặc biệt thức ăn có nguồn gốc thủy sản. Vi khuẩn tả tồn tại lâu dài trong vùng nước lợ cửa sông, ven biển, chủ yếu ở động vật phù du, tảo, tôm, cua, sò, hến… 75% người nhiễm vi khuẩn tả không có biểu hiện triệu chứng bệnh nhưng vẫn thải vi khuẩn ra môi trường trong vòng 7-14 ngày. Trong số người có triệu chứng bệnh, 80% nhẹ và vừa, 20% Mất nước nặng. Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) khuyến cáo: người bệnh không nên điều trị tại nhà, không được tự ý mua thuốc về uống. Nếu cấp cứu muộn sẽ rất dễ dẫn đến tử vong.

Trong vùng có ổ dịch, khi có các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm phải được xử lý như một ổ dịch tả. Người dân chỉ dùng nước đã khử trùng clo và đun sôi để uống. Nước rửa bát đĩa, đồ đựng thực phẩm phải bằng nguồn nước đã khử trùng clo và không bị nhiễm bẩn sau đó. Hạn chế hội họp, tập trung ăn uống đông người. Đặc biệt, tại thành phố, hệ thống đường ống nước phải đảm bảo dư lượng clo đúng tiêu chuẩn quy định 0,30 – 5%g/l.

LIÊN CHÂU
Theo Thanh Niên

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.