Tin tức y tế

“Đường lây tiêu chảy cấp ngày càng phức tạp”

08/11/2007

Số bệnh nhân mắc mới đã giảm trong mấy ngày qua. Cụ thể, số mắc hôm nay đã thấp hơn 50 ca so với 5/11 và giảm gần 90 ca so với 4/11. Không có thêm tỉnh, huyện nào phát bệnh. Ở phần lớn các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, số mắc mới tiêu chảy cấp đã chững lại hoặc bước đầu giảm. Riêng tại Hà Tây và Vĩnh Phúc, số ca bệnh vẫn tăng.

Theo Bộ trưởng  thì tình hình trên vẫn chưa cho phép lơi lỏng trong phòng chống dịch hay hạ cấp độ cảnh báo, bởi đường lây bệnh ngày càng phức tạp. Mầm bệnh từ chỗ chỉ tập trung ở thực phẩm tươi sống thì nay đã xuất hiện ở cả thực phẩm đã chế biến. Vì vậy, theo các chuyên gia, không thực phẩm nào tuyệt đối an toàn. “Dù ăn gì cũng phải đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bàn tay sạch” – Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khuyến cáo. Với thức ăn làm sẵn, nên xử lý lại bằng nhiệt trước khi ăn, chẳng hạn đồ rán thì rán lại, đồ luộc thì luộc lại, bún mua về nên trụng nước sôi trước khi cho vào bát. Với giò, nên mua nguyên cây về bóc bằng tay sạch, nếu không thì cũng nên xử lý nhiệt.

Các chuyên gia y tế cũng lo ngại về sự lan truyền mầm bệnh do sự di biến động của dân cư.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, do người dân di chuyển thường xuyên giữa các địa phương, nhất là thủ đô, nên việc đem vi khuẩn tiêu chảy cấp nguy hiểm từ Hà Nội về các nơi khác là khó tránh. Nguy cơ đặc biệt lớn đối với những người lành mang bệnh. Khoảng 75% người nhiễm phẩy khuẩn tả không có triệu chứng, và mầm bệnh tồn tại trong cơ thể họ tới 7-14 ngày.Di biến động dân cư cũng là một yếu tố khiến ngành y tế lo ngại về khả năng dịch tiêu chảy cấp lan ra các tỉnh miền Trung và miền Nam, đặc biệt là sau lũ lụt.

HẢI HÀ
Theo VnExpress

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.