Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức

Vàng da ở trẻ sơ sinh

07/11/2023

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI. Phan Thị Ngọc Hiền, khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức.

Bệnh vàng da là vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ nhập viện lại sau sinh. Hầu hết các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý, tuy nhiên, cũng có những trường hợp vàng da nặng gây tổn thương não và để lại di chứng nặng nề.

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh

Bệnh vàng da là gì?

Vàng da sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc của trẻ có màu vàng, thường do tăng bilirubin gián tiếp. Chất bilirubin là một thành phần giải phóng khi hồng cầu vỡ. Vàng da do tăng bilirubin gián tiếp thường ở tuần lễ đầu tiên sau sinh, gặp ở 50% trẻ sinh đủ tháng và 80% trẻ sinh non tháng.

Nguyên nhân vàng da?

Trẻ sơ sinh có thể vàng da do một số nguyên nhân như sau:

  • Tăng cao chất bilirubin trong máu do sự vỡ quá mức của hồng cầu trong bệnh lý: Bất đồng nhóm máu mẹ và con; thiếu men Glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD); Thalassemia, v.v.
  • Suy giảm chức năng chuyển hóa chất bilirubin: trẻ sinh non, mẹ đái tháo đường, Hội chứng Gilbert, bệnh chuyển hóa di truyền, v.v.
  • Tăng tái hấp thu chất bilirubin từ ruột: tắc ruột, chậm tiêu phân su, bú kém, v.v.
  • Vàng da do sữa mẹ.

Vàng da được xem là bệnh lý khi nào?

Vàng da bệnh lý thường xuất hiện sớm, tiến triển nhanh, mức độ nhiều và có các biểu hiện toàn thân như:

  • Vàng da xuất hiện trong 1-2 ngày đầu sau sinh.
  • Vàng da tới bụng, đùi, chân trẻ.
  • Vàng da kèm: sốt, bú kém, nôn trớ, tiêu phân bạc màu, v.v.
  • Vàng da kéo dài sau 2 tuần tuổi ở trẻ đủ tháng, sau 3 tuần tuổi ở trẻ non tháng.

Vàng da bệnh lý nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nhiễm độc thần kinh, di chứng não nặng nề.

Phát hiện vàng da bằng cách nào?

  • Dùng ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ, giữ trong 5 giây và buông tay, quan sát màu da bên dưới, thực hiện ở nơi đầy đủ ánh sáng.
  • Vàng da sẽ xuất hiện theo thứ tự tăng dần mức độ: đầu tiên ở mặt, đến ngực, bụng, tay chân.
  • Tại bệnh viện: Bác sĩ sơ sinh thăm khám đánh giá vàng da bằng quan sát và dùng máy đo Bilirubin qua da (sai số thường 3-5Mg%), trường hợp trẻ bị vàng da nặng sẽ làm xét nghiệm máu định lượng Bilirubin.

Các phương pháp điều trị vàng da?

Các trường hợp vàng da nhẹ, không bệnh lý trẻ tự hết sau 2-3 tuần tuổi mà không cần điều trị đặc hiệu.

Vàng da bệnh lý, cần điều trị:

  • Chiếu đèn: phương pháp hiệu quả, an toàn và kinh tế.
  • Thay máu: khi trẻ có bilirubin máu tăng cao đe dọa nhiễm độc thần kinh.

Những HIỂU NHẦM thường gặp về chữa trị vàng da cho trẻ sơ sinh?

  • Tắm nắng, uống Vitamin D3 giúp điều trị vàng da: Ánh sáng mặt trời không làm giảm vàng da bệnh lý, phơi nắng trẻ gây chậm trễ thời gian điều trị và tăng nguy cơ tổn thương da do nhiệt và tia cực tím. Vitamin D3 giúp trẻ hấp thu canxi vào xương, không làm giảm vàng da.
  • Chiếu đèn vàng da gây hại cho trẻ: Chiếu đèn vàng da tại cơ sở y tế uy tín là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay, tác dụng phụ có thể gặp thoáng qua: sạm da, tiêu lỏng, nổi mẩn đỏ, v.v. Trẻ sẽ được che chắn bảo vệ mắt và bộ phận sinh dục khi chiếu đèn.

Có nên tự chiếu đèn vàng da tại nhà?

  • Đèn điều trị vàng da cần sự đạt chuẩn về chất lượng: cường độ, bước sóng, tuổi thọ bóng, hãng sản xuất, v.v. Hơn nữa, việc thăm khám lâm sàng và điều trị vàng da cần bác sĩ có chuyên môn, do đó, phụ huynh không tự ý mua, thuê đèn chiếu tại nhà vì khiến trẻ mất nước, sốc nhiệt, vàng da nặng lên.
  • Tất cả các trẻ sơ sinh cần được bác sĩ kiểm tra về tình trạng da hằng ngày trong thời gian ở bệnh viện và tuân thủ lịch hẹn tái khám sau khi ra viện để có thể phát hiện và điều trị kịp thời các tình trạng về vàng da.

Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, vui lòng liên hệ Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức:

  • Địa chỉ: 241 Quốc Lộ 1K, P. Linh Xuân, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
  • Hotline: 19000119.