Filter Từ điển y khoa

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương

  • Tổng quan

    Filter

    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định sau khi chứng kiến hoặc trải qua một sự kiện kinh hoàng. Các triệu chứng có thể bao gồm những hồi tưởng, ác mộng, lo lắng và suy nghĩ mất kiểm soát về những sự kiện đó.

    Hầu hết những người sau khi trải qua các sự kiện đau thương có thể gặp khó khăn tạm thời trong việc điều chỉnh và thích nghi. Tuy nhiên, với thời gian và sự chăm sóc bản thân tốt, tình trạng này sẽ tiến triển tốt hơn. Nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ và kéo dài có thể cản trở các hoạt động hàng ngày và gây ra hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

    Do đó, việc kiểm soát và điều trị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương rất quan trọng để giảm thiểu các triệu chứng và cải thiện chức năng tâm lý.

    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương là tình trạng sức khỏe tâm thần không ổn định sau khi chứng kiến hoặc trải qua một sự kiện kinh hoàng.

    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương xuất phát từ những sự kiện đau thương trong cuộc sống. (Nguồn: Internet)

  • Triệu chứng

    Filter

    Các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể xuất hiện trong vòng một tháng sau khi sự kiện đau thương xảy ra, nhưng đôi khi các triệu chứng không bộc lộ cho đến nhiều năm sau đó. Những triệu chứng này gây ra những vấn đề nghiêm trọng gây cản trở các hoạt động đời sống, công việc và các mối quan hệ xã hội. 

    Các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương được phân thành bốn loại: ký ức xâm nhập, sự né tránh, suy nghĩ tiêu cực và phản ứng thể chất, cảm xúc. Các triệu chứng này sẽ thay đổi theo thời gian và khác nhau tùy theo từng người.

    Ký ức xâm nhập

    Các triệu chứng của ký ức xâm nhập có thể bao gồm:

    • Những ký ức đau buồn tái diễn.
    • Hồi tưởng lại sự kiện đau thương như thể nó đang xảy ra lần nữa.
    • Những giấc mơ hoặc ác mộng về sự kiện đau buồn.
    • Suy sụp tinh thần và thể chất khi bạn nhớ đến sự kiện đau buồn.

    Tránh né

    Các triệu chứng tránh né bao gồm:

    • Cố gắng tránh suy nghĩ hoặc nói về sự kiện đau buồn.
    • Tránh những địa điểm, hoạt động hoặc những người khiến bạn nhớ đến sự kiện đau thương.

    Những thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và tâm trạng:

    • Những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, người khác hoặc cả thế giới.
    • Vô vọng, bất lực khi nghĩ về tương lai.
    • Gặp vấn đề về trí nhớ.
    • Khó duy trì mối quan hệ thân thiết sau khi trải qua sự kiện đau thương.
    • Cảm thấy xa cách gia đình và bạn bè.
    • Thiếu hứng thú với các hoạt động bạn từng yêu thích.
    • Khó trải nghiệm những cảm xúc tích cực.
    • Mất cảm xúc.

    Thay đổi phản ứng thể chất và cảm xúc:

    • Dễ bị giật mình hoặc sợ hãi.
    • Luôn đề phòng nguy hiểm.
    • Hành vi tự hủy hoại bản thân, chẳng hạn như uống rượu quá nhiều hoặc lái xe quá nhanh.
    • Mất ngủ hoặc khó tập trung.
    • Thái độ khó chịu, bộc phát giận dữ hoặc hành vi hung hăng.
    • Cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ quá mức.

    Cường độ của các triệu chứng

    Các triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể khác nhau theo thời gian. Triệu chứng này xuất hiện nhiều hơn khi cơ thể căng thẳng hoặc khi nhìn thấy sự việc xảy ra tương tự với sự kiện đau thương.

  • Khi nào cần đến bệnh viện

    Filter

    Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực và lo lắng về một sự kiện đau buồn diễn ra trong hơn một tháng gây ra những vấn đề nghiêm trọng và khó kiểm soát thì nên gặp bác sĩ sớm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa và hạn chế các triệu chứng rối loạn trở nên tồi tệ hơn. 

    Khi nào cần trợ giúp khẩn cấp?

    Nếu bạn cảm thấy bản thân không ổn hoặc đôi lúc có những ý định tồi tệ, hãy tìm kiếm sự trợ giúp hoặc gọi ngay cho 115 để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.

    Ngoài ra, nếu bạn phát hiện ai đó có nguy cơ tự tử hoặc từng có ý định tự tử, hãy đảm bảo luôn có người túc trực bên họ và gọi ngay cho 115 hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ của ai đó để đưa họ đến bệnh viện một cách nhanh chóng.

    Đặt Lịch Hẹn
  • Nguyên nhân

    Filter

    Chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể phát triển sau khi trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau thương. Những sự kiện này có thể liên quan đến cái chết, sự đe dọa, thương tích nghiêm trọng hoặc xâm phạm tình dục.

    Tương tự như các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, sự rối loạn tâm lý này có thể do sự kết hợp của:

    • Những trải nghiệm căng thẳng bạn đã trải qua trong đời.
    • Rủi ro về sức khỏe tâm thần do di truyền, chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn lo âutrầm cảm.
    • Những đặc điểm kế thừa trong tính cách.
    • Cách não điều chỉnh các hóa chất và hormone để đối phó với căng thẳng.
  • Nguy cơ

    Filter

    Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải chứng rối loạn này bao gồm:

    • Trải qua chấn thương dữ dội hoặc kéo dài.
    • Bị xâm hại, lạm dụng thời thơ ấu.
    • Vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như lo lắng hoặc trầm cảm.
    • Lạm dụng chất gây nghiện như nghiện rượu hoặc sử dụng ma túy.
    • Thiếu sự quan tâm từ gia đình và bạn bè.
    • Có người thân ruột thịt mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng hoặc trầm cảm.

    Các loại sự kiện đau thương

    Các sự kiện phổ biến nhất dẫn đến sự phát triển của rối loạn căng thẳng sau chấn thương bao gồm:

    • Chiến tranh.
    • Lạm dụng thể chất thời thơ ấu.
    • Bạo lực tình dục.
    • Tấn công vật lý.
    • Bị đe dọa bằng vũ khí.
    • Tai nạn giao thông.

    Ngoài ra, một số sự kiện có thể dẫn đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương, bao gồm: hỏa hoạn, thiên tai, cướp bóc, tai nạn máy bay, tra tấn, tình trạng y tế, tấn công khủng bố và các sự kiện cực đoan đe dọa tính mạng khác.

    Biến chứng

    Rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể làm gián đoạn công việc, các mối quan hệ, sức khỏe và niềm vui trong các hoạt động hàng ngày. Người gặp tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như:

    • Trầm cảm và lo âu.
    • Các vấn đề về sử dụng ma túy hoặc rượu.
    • Rối loạn ăn uống.
    • Ý nghĩ và hành động tự sát.

    Triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương được phân thành bốn loại: ký ức xâm nhập, sự né tránh, suy nghĩ tiêu cực và phản ứng thể chất, cảm xúc.

    Lạm dụng chất gây nghiện có thể gây ra chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. (Nguồn: Internet)

  • Phòng chống

    Filter

    Sau khi trải qua một sự kiện đau buồn, nhiều người xuất hiện các triệu chứng giống với rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Sự sợ hãi, lo lắng, tức giận, trầm cảm hoặc cảm giác tội lỗi là những phản ứng thông thường. Tuy nhiên, phần lớn những người bị chấn thương không phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương lâu dài.

    Nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời có thể ngăn chặn các nguy cơ có thể dẫn đến chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Đó là sự quan tâm của gia đình, bạn bè và nhận được lời khuyên từ chuyên gia tâm lý có thể hữu ích giúp phòng ngừa tác hại nghiêm trọng của tình trạng này.

    Để biết thêm nhiều thông tin hơn hoặc tìm hiểu về các bệnh và dịch vụ khác, bạn hãy tham khảo Tin tức y tế. Liên hệ ngay qua số HOTLINE hoặc đặt lịch các CHUYÊN KHOA của chúng tôi để được tư vấn bởi các y bác sĩ của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ nếu bạn có nhu cầu khám và chữa bệnh.

  • *Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Thông tin khác

Cập nhật mới nhất: 26/10/2023