Tin tức y tế

Thuốc Omeprazol: Tác dụng, chỉ định, lưu ý sử dụng

30/10/2023

Thuốc Omeprazol thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) ở tế bào viền của dạ dày, nhằm hỗ trợ điều trị tình trạng trào ngược dạ dày – thực quản và viêm loét dạ dày – tá tràng. Vậy người bệnh cần lưu ý những gì khi sử dụng Omeprazol? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết của Hoàn Mỹ.

>>> Xem thêm:

Thuốc Omeprazol là thuốc gì?

Omeprazol hay Omeprazole (tên chung quốc tế) thuộc nhóm thuốc inhibitory pompa proton (PPI). Thuốc có tác dụng làm giảm lượng acid tiết trong dạ dày, từ đó giảm các triệu chứng khó nuốt, ợ chua, ho dai dẳng do trào ngược acid. 

Ngoài ra, thuốc Omeprazol có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn HP ở bệnh nhân bị loét tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản nhiễm HP. Khi người bệnh kết hợp uống Omeprazol với các loại thuốc kháng sinh (clarithromycin, amoxicillin) có thể tiêu diệt vi khuẩn HP và làm lành vết loét dạ dày.

Thuốc Omeprazol chứa các thành phần chính bao gồm: Natri lauryl sulfat, đường mannitol, calci carbonat, chất diện hoạt dinatri hydrogen orthophosphate, hydroxypropyl methyl E5, starch cùng một số tá dược vừa đủ khác.

>>> Tìm hiểu thêm:

  • Thuốc Alpha Choay có công dụng gì? Những lưu ý quan trọng khi sử dụng
  • Thuốc Augmentin: Tác dụng và hướng dẫn sử dụng
Thuốc Omeprazol là thuốc gì?
Omeprazol làm giảm lượng acid tiết trong dạ dày (Nguồn: Internet)

Các dạng bào chế và hàm lượng của Omeprazol:

  • Nang giải phóng chậm: 10 mg, 20 mg và 40 mg.
  • Viên nén giải phóng chậm: 10 mg, 20 mg và 40 mg.
  • Bột pha hỗn dịch uống: 10 mg/gói, 20 mg/gói và 40 mg/gói.
  • Bột pha tiêm: 40 mg.

Tác dụng của thuốc Omeprazol

Omeprazole được sử dụng để điều trị các tổn thương do acid ở dạ dày và thực quản, giúp ngăn ngừa loét, thậm chí ngăn ngừa ung thư thực quản. Nếu người bệnh đang tự điều trị bằng thuốc này, các sản phẩm Omeprazol không kê đơn sẽ được sử dụng để điều trị chứng ợ chua thường xuyên (xảy ra nhiều hơn 2 ngày/tuần). Người bệnh nên lưu ý vì thuốc có thể mất từ ​​1 – 4 ngày để phát huy hết tác dụng nên sẽ không làm giảm chứng ợ nóng được ngay lập tức.

Tác dụng của thuốc Omeprazol
Omeprazole điều trị các tổn thương do acid ở dạ dày và thực quản (Nguồn: Internet)

Cách dùng và liều dùng thuốc Omeprazol

Để biết uống nhiều Omeprazol có tốt không, người bệnh cần đọc qua hướng dẫn sử dụng và liều lượng để thuốc phát huy tác dụng tối đa. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc Omeprazol:

Chỉ định

Thuốc Omeprazol chủ yếu điều trị vấn đề liên quan đến dạ dày, được chỉ định sử dụng trong các tình huống:

  • Khó tiêu do tăng tiết acid.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản.
  • Loét dạ dày – tá tràng.
  • Hội chứng Zollinger – Ellison.
  • Dự phòng loét dạ dày do stress hoặc thuốc chống viêm không steroid.
Chỉ định dùng cho người tăng tiết axit dạ dày
Thuốc chỉ định sử dụng khi người bệnh khó tiêu do tăng tiết acid dạ dày (Nguồn: Internet)

Chống chỉ định

  • Không dùng cho người bệnh quá mẫn cảm đối với bất kỳ thành phần nào trong thuốc.
  • Omeprazol tương tự các chất ức chế bơm proton khác, vì vậy không được sử dụng đồng thời thuốc với Nelfinavir.

Cách dùng

Thuốc dạng đường uống: Uống thuốc Omeprazol khi bụng còn đói, ít nhất là trước khi ăn 1 giờ để thuốc hấp thu tốt hơn và đạt hiệu quả cao nhất. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi tại sao phải uống Omeprazol trước ăn của rất nhiều bệnh nhân.

Thuốc dạng tiêm hoặc truyền tĩnh mạch: Trong trường hợp những bệnh nhân không thích hợp sử dụng Omeprazole qua đường uống, có thể sử dụng natri omeprazole bằng đường truyền tĩnh mạch ngắn hạn. Thuốc cũng có thể sử dụng cả đường tiêm tĩnh mạch chậm tùy theo hướng dẫn của bác sĩ.

Đối với trẻ em: Để bảo đảm an toàn cho trẻ, có thể mở viên nang Omeprazol sau đó trộn với thực phẩm có độ pH < 5 (ví dụ như: sữa chua, nước táo, nước cam…) rồi nuốt ngay mà không cần nhai.

Uống thuốc trước khi ăn 1 tiếng
Uống thuốc khi trước khi ăn trước 1 giờ (Nguồn: Internet)

Liều dùng

Liều dùng Omeprazol sẽ có sự khác biệt tùy vào đối tượng bệnh nhân là người lớn hay trẻ em. Cụ thể như sau:

Đối với người lớn

Dạng đường uống:

  • Triệu chứng khó tiêu liên quan đến acid: Uống 10 hoặc 20 mg/ngày trong 2 – 4 tuần.
  • Trào ngược dạ dày – thực quản: 20 mg/ngày trong 4 tuần đầu, sau đó 4 – 8 tuần nếu cần.
  • Loét dạ dày – tá tràng: 20 mg/40 mg mỗi ngày (tùy trường hợp nặng hay nhẹ).
  • Tiêu diệt vi khuẩn H.pylori: Sử dụng theo phác đồ của bác sĩ.
  • Loét do thuốc chống viêm không steroid: Uống 20 mg/ngày.
  • Hội chứng Zollinger – Ellison: Liều khởi đầu là 60 mg/ngày, sau đó điều chỉnh nếu cần thiết.
  • Dự phòng chống sốc acid trong quá trình gây mê: 40 mg vào tối hôm trước ngày mổ và 40 mg 2 – 6 giờ trước mổ.

Dạng truyền tĩnh mạch: 

  • Sử dụng Natri Omeprazole với liều lượng tương đương 40 mg Omeprazol (thời gian 20-30 phút) trong 100 ml dung dịch Glucose 5% hoặc Natri Clorid 0,9%.

Đối với trẻ em

Dạng đường uống:

Trào ngược dạ dày – thực quản đối với trẻ trên 1 tuổi:

  • Từ 5 – 10 kg: Uống 5 mg/ngày.
  • Từ 10 đến 20 kg: 10 mg/ngày.
  • Từ 20kg trở lên: 20 mg/ngày.

Trong trường hợp điều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, khó tiêu do acid, loét tá tràng – dạ dày lành tính, bao gồm cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid, hội chứng Zollinger – Ellison dự phòng sự trào ngược acid và để giảm sự phá hủy của các enzym tụy tạng ở trẻ em bị xơ nang tụy, có thể sử dụng Omeprazole theo các liều sau:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ từ 1 tháng đến 2 tuổi: 700 microgam/kg mỗi ngày.
  • Sau 7 – 14 ngày, nếu cần, liều có thể tăng lên:
    • Trẻ sơ sinh: 1,4 mg/kg mỗi ngày.
    • Trẻ từ 1 tháng đến 2 tuổi: 3 mg/kg mỗi ngày (tối đa 20 mg/ngày).

Ngoài ra, có thể sử dụng liều tiêm cho trẻ từ 1 – 12 tháng tuổi theo hướng dẫn sau: 

Tiêm 500 microgam/kg mỗi ngày (tối đa 20 mg), có thể tăng lên 2 mg/kg mỗi ngày (tối đa 40 mg), kết hợp với kháng sinh clarithromycin và amoxicilin theo chỉ dẫn của chuyên gia y tế.

Lưu ý: Tính an toàn và hiệu quả khi sử dụng Omeprazol ở bệnh nhân dưới 1 tuổi điều trị trào ngược dạ dày và duy trì điều trị loét thực quản do ăn mòn chưa được chứng minh.

Liều lượng dùng thuốc
Liều lượng dùng thuốc cho trẻ tùy thuộc vào cân nặng và độ tuổi (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ của thuốc Omeprazol

Các tác dụng phụ thường gặp:

  • Nhức đầu, buồn ngủ, chóng mặt.
  • Tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, trướng bụng.

Các tác dụng phụ ít gặp:

Các tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Toàn thân đổ mồ hôi, phù ngoại biên, phù mạch, sốt, sốc phản vệ.
  • Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm các tế bào máu, ngoại biên, mất bạch cầu hạt.
  • Lú lẫn có hồi phục, trầm cảm, kích động, gây ảo giác, rối loạn thính giác.
  • Vú to ở đàn ông.
  • Viêm dạ dày, khô miệng, nhiễm nấm Candida.
  • Co thắt phế quản.
  • Ðau khớp, đau cơ.
  • Viêm thận kẽ. 
Tác dụng phụ buồn nôn
Tác dụng phụ thường gặp của Omeprazol là buồn nôn (Nguồn: Internet)

Tương tác thuốc

  • Omeprazol không tương tác đặc biệt khi kết hợp với rượu, thức ăn, bacampicillin, amoxicillin, cafein, quinidin, lidocaine hay theophylline. Thuốc cũng không bị ảnh hưởng nếu dùng đồng thời với Maalox hay metoclopramid.
  • Omeprazol làm tăng nồng độ của cyclosporin trong máu.
  • Omeprazol cũng tăng tác dụng của các kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn H. pylori.
  • Omeprazol ảnh hưởng đến nồng độ của diazepam, phenytoin, warfarin trong máu. 
  • Omeprazol có khả năng tăng hiệu quả của dicoumarol, nifedipin.
  • Một số sản phẩm tương tác với Omeprazol làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ bao gồm: Cilostazol, St John’s wort, methotrexate, clopidogrel, rifampin, esomeprazole.
  • Omeprazol có thể làm giảm hiệu quả điều trị của một số thuốc bao gồm: Atazanavir, pazopanib, rilpivirine, erlotinib, nelfinavir, ketoconazole, itraconazole, posaconazole.
Omeprazol có thể tương tác với nhiều loại thuốc
Omeprazol có thể tương tác với nhiều loại thuốc (Nguồn: Internet)

Các trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc

Trước khi người bệnh loét dạ dày sử dụng Omeprazol, cần kiểm tra và loại trừ khả năng xuất hiện u ác tính (vì Omeprazol có thể làm ẩn đi các triệu chứng, làm chậm trễ quá trình chẩn đoán).

Đối với những bệnh nhân nặng và có nhiều ổ loét, nên tiêm thuốc vào tĩnh mạch để ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện chảy máu từ các ổ loét do stress. Phải đảm bảo quá trình tiêm diễn ra chậm, ít nhất 3 ml/phút, không được vượt quá 4 ml/phút. Một liều 40 mg Omeprazol có thể làm giảm lượng acid hydrochloric trong dạ dày trong 24 giờ đồng hồ.

Thuốc có dạng tiêm tĩnh mạch
Người bệnh nặng có thể tiêm thuốc vào tĩnh mạch (Nguồn: Internet)

Cách xử lý khi dùng thuốc Omeprazol quá liều

Liều uống có thể lên tới 160 mg/lần, liều tiêm vào tĩnh mạch có thể lên đến 80 mg/lần hoặc tổng liều tối đa 200 mg/ngày. Đối với liều tiêm vào tĩnh mạch 520 mg/3 ngày vẫn có thể được chấp nhận mà không gây vấn đề nào.

Các biểu hiện lâm sàng mà người bệnh có thể gặp khi sử dụng thuốc quá liều bao gồm: đau đầu, buồn ngủ, tăng nhịp tim. Các triệu chứng này có thể tự hồi phục mà không cần các biện pháp điều trị đặc biệt nào.

Xử lý khi dùng thuốc quá liều
Sử dụng thuốc Omeprazol quá liều gây buồn ngủ (Nguồn: Internet)

Trên đây là những thông tin tham khảo về Omeprazol 20mg là thuốc gì cũng như công dụng của thuốc đối với người bệnh liên quan đến các vấn đề về dạ dày. Nếu có bất cứ vấn đề gì, hãy liên hệ với hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc qua HOTLINE hoặc đặt lịch thăm khám trực tiếp TẠI ĐÂY. Ngoài ra, bạn đừng quên cập nhật thông tin mới nhất về Tin tức y tế.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.