Hoa Quỳnh được biết đến là một loài hoa đẹp chỉ nở vào ban đêm. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị thẩm mỹ thì ít người biết loài hoa này còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe và được ứng dụng rất nhiều trong y học. Cùng Hoàn Mỹ đi vào tìm hiểu chi tiết hơn về vai trò của hoa Quỳnh đối với sức khỏe ngay sau đây.
>>> Xem thêm:
- TOP 8 công dụng khi ăn thanh long và những điều cần lưu ý
- Công dụng của rong biển trong lĩnh vực y học
Hoa Quỳnh là gì?
Hoa Quỳnh là một loại cây thân thảo thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc từ vùng sa mạc và bán sa mạc của Antille, Mexico và Mỹ. Theo nhiều thông tin, Christopher Columbus là người đã đưa cây Quỳnh sang Châu Âu vào thế kỷ XV. Từ đó, hoa Quỳnh trở thành một loài cây cảnh phổ biến và được trồng tại nhiều khu vực trên khắp thế giới.
Đặc điểm
Cây quỳnh có màu xanh lục pha chút sắc tía nhạt ở mép thân. Đốt thân cây thẳng và dẹp. Rìa mép thân thường có gai nhỏ xen lẫn với lông tơ màu trắng.
Phần nhị và nhuỵ của hoa có cuống rất dài và thường có hai tầng cánh hoa khá đặc trưng. Lớp cánh hoa bên ngoài thường có màu nâu hoặc cam nhạt, trong khi lớp cánh ở trên cùng thường có màu trắng, đỏ hoặc tím, tạo nên một sự tương phản màu sắc thú vị.
Một điều đặc biệt là bông hoa Quỳnh chỉ nở trong khoảng vài giờ vào ban đêm và sẽ héo tàn vào sáng hôm sau. Sự tàn phai nhanh chóng này tạo nên một vẻ đẹp thoáng chốc nhưng thần bí. Hương thơm của hoa Quỳnh cũng được đánh giá là ngọt ngào và quyến rũ.
Phân loại hoa Quỳnh
Dưới đây là một số phân loại phổ biến của hoa Quỳnh tại Việt Nam:
- Hoa Quỳnh đỏ: Loài này có kích thước nhỏ hơn so với hoa Quỳnh trắng và màu sắc thường là đỏ hoặc đỏ pha da cam.
- Hoa Quỳnh trắng: Đây là loài hoa Quỳnh phổ biến tại Việt Nam. Hoa Quỳnh trắng thường nở lớn, có cuống hoa dài, nở vào khoảng tháng 6 – 7 và chỉ nở một lần duy nhất. Cánh hoa mỏng, màu trắng và có hương thơm nhẹ. Khi nở, cánh hoa mở từ từ và sau đó cụp lại sau vài giờ, tàn vào sáng hôm sau, tạo ra một vẻ đẹp tinh tế và thần bí.
- Nhật quỳnh: Loại này là sản phẩm lai ghép giữa cây hoa Quỳnh với thanh long của nghệ nhân Mười Lời ở Đà Lạt. Nhật quỳnh có hoa đẹp, nở vào ban ngày và có nhiều màu sắc khác nhau.
Các bài thuốc hay từ hoa Quỳnh
Hoa quỳnh là loại dược liệu được sử dụng trong đông y để điều trị một số vấn đề sức khỏe như:
- Giảm đau bụng và tan vết bầm tím: Ngâm hoa quỳnh với rượu gạo trong 15 ngày. Mỗi ngày dùng từ 1-2ml và chia thành 2 lần uống. Với vùng da bị bầm tím có thể dùng rượu để thoa lên vết bầm.
- Trị ho, long đờm: Thái nhỏ hoa Quỳnh vừa nở, hấp cách thủy với mật ong hoặc nấu với trứng gà và ăn trong ngày.
- Viêm họng: Thái nhỏ 10g lá xương xông và 30g hoa Quỳnh, sau đó hấp cách thủy với 10ml mật ong. Để nguội trong 30p và uống cả nước lẫn cái.
- Ho ra máu, lao phổi: Sắc 3-5 bông Quỳnh với 15g đường cát, lấy nước và uống trong ngày.
- Bị hen suyễn: Sắc uống 12g Kim Ngân và hoa Quỳnh.
- Chữa sỏi: Thái nhỏ hoa Quỳnh tươi hoặc khô, tẩm mật ong, sao vàng và hãm trà để uống.
- Trị mụn nhọt, sưng do ngã: Giã nát thân hoặc bông Quỳnh, đắp lên vết thương.
- Điều trị xuất huyết tử cung: Thái nhỏ 2-3 bông Quỳnh với 50-100g thịt heo nạc, nêm nếm gia vị, chưng cách thủy và ăn như bữa chính.
Lưu ý: Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo và chưa có cơ sở khoa học. Do đó, để có giải pháp điều trị an toàn, bạn nên có sự tư vấn của bác sĩ.
Công dụng của hoa Quỳnh
Nụ hoa Quỳnh không thường được sử dụng cho mục đích chữa bệnh hay y học truyền thống. Thay vào đó hoa và thân Quỳnh lại có khá nhiều ứng dụng đối với sức khỏe con người.
Đặc trị bệnh về hô hấp và phổi
Cả hoa và thân của cây quỳnh đều có thể ứng dụng để điều trị các bệnh về hô hấp.
Hoa Quỳnh có tính bình, vị ngọt thường được sử dụng để giảm triệu chứng ho, ho ra máu và làm dịu họng. Thân của cây có tính mát, vị hơi mặn, chua, có thể tiêu viêm, tiêu thũng và chỉ thống. Ngoài ra, hoa Quỳnh khi kết hợp với thịt lợn để tạo thành một món ăn trong bữa chính có thể giúp điều trị các bệnh như lao hạch, viêm phế quản, lao phổi và các vấn đề hô hấp khác.
Chữa đau bụng
Hoa Quỳnh có khả năng chữa đau bụng nhờ vào tính chất tiêu viêm, giảm đau, làm dịu và cầm máu trong hoa.
Tính tiêu viêm giúp giảm viêm tắc nghẽn và viêm nhiễm trong bụng, từ đó giảm sưng và đau. Hương thơm của hoa Quỳnh cũng có khả năng làm dịu tâm trạng và giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, khả năng cầm máu có thể giúp kiểm soát chảy máu trong trường hợp đau bụng do mất máu.
Trị viêm phế quản, lao hạch, lao phổi
Hoa Quỳnh được sử dụng trong y học dân gian như một phương pháp hỗ trợ để giảm triệu chứng viêm phế quản, lao hạch và lao phổi.
Hoa Quỳnh được biết đến với khả năng kháng viêm và kháng khuẩn, có thể giúp làm dịu viêm nhiễm trong hệ hô hấp. Ngoài ra, nó cũng có khả năng tiêu đờm và giảm ho, từ đó làm giảm triệu chứng khó chịu do ho kéo dài.
Điều trị sỏi thận, Sỏi bàng quang và sỏi đường tiết niệu
Hoa Quỳnh có khả năng phân giải và loại bỏ các sỏi trong đường tiết niệu, cải thiện sức khỏe của người bệnh. Một số nguồn y học dân gian và truyền thống đã sử dụng hoa Quỳnh trong việc điều trị sỏi thận và các vấn đề về bàng quang, tiết niệu.
>>> Xem thêm:
- Tác dụng của trái nhàu điều trị bệnh và một số lưu ý
- Bật mí những lợi ích sức khỏe của cây chà là
- Hạt chia có công dụng gì? Liều lượng sử dụng thích hợp
Những lưu ý khi sử dụng hoa Quỳnh
Khi sử dụng hoa Quỳnh cho mục đích điều trị hoặc làm thuốc, bạn nên tuân theo các lưu ý sau đây
Nên dùng hoa Quỳnh khi nào?
Dưới đây là một số trường hợp mà bạn có thể xem xét sử dụng hoa Quỳnh:
- Táo bón.
- Kháng viêm và kháng khuẩn.
- Hỗ trợ tiêu hóa và giảm triệu chứng ợ nóng sau khi ăn.
- Điều trị ho.
- Sỏi đường tiết niệu.
Đối tượng không nên sử dụng hoa Quỳnh
Có một số đối tượng không nên sử dụng hoa Quỳnh hoặc sản phẩm chứa hoa Quỳnh để tránh các hệ quả không mong muốn, điển hình:
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Người có tiền sử Dị ứng với phấn hoa, thảo mộc hoặc đang mắc bất kỳ tình trạng sức khỏe đặc biệt nào.
- Người có tiền sử Dị ứng với chất bảo quản hoặc thuốc nhuộm.
- Người bị tiêu chảy hoặc ợ nóng.
- Người mắc bệnh nhiễm trùng nặng
Trên đây, Hoàn Mỹ đã cung cấp đến bạn những thông tin đầy đủ về hoa Quỳnh cũng như các ứng dụng của loài cây này trong lĩnh vực y học và thảo dược. Để tìm hiểu thêm về các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị bệnh, bạn có thể theo dõi tại chuyên mục Tin tức y tế. Hoặc bạn cũng có thể liên hệ với số HOTLINE hoặc truy cập TẠI ĐÂY để được giải đáp miễn phí bởi đội ngũ y – bác sĩ chuyên nghiệp của hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.