Tin tức y tế

Hoa cúc trắng: Đặc điểm, công dụng và một số lưu ý

14/11/2023

Hoa cúc trắng là loại dược liệu quý được sử dụng trong cả y học cổ truyền lẫn hiện đại vì có nhiều công dụng như thanh nhiệt, giải độc, giảm đau, kiểm soát huyết áp,… Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu về cách dùng cũng như các bài thuốc từ loài hoa này trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về hoa cúc trắng

Hoa cúc trắng thuộc họ Asteraceae và có tên khoa học là Chrysanthemum. Cúc hoa trắng không chỉ là biểu tượng của sự trong sáng và tinh khiết mà còn là một nguồn dược liệu quý giá trong y học cổ truyền cũng như y học hiện đại.

Đặc điểm của hoa cúc trắng

Hoa cúc trắng thuộc chi Chrysanthemum L. với hơn 300 loài khác nhau, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới và cận nhiệt đới ở Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, có khoảng 5 – 6 loại cúc trắng được trồng khắp cả nước nhưng phổ biến nhất là ở Nghĩa Trai (Hưng Yên), Nhật Tân và Tế Tiêu (Hà Nội). Loại hoa này không tạo hạt và thường được nhân giống thông qua việc cắt cành. 

Thân của hoa cúc trắng mọc thẳng, cao từ 0.5 – 1.4, toàn thân cây có lông mềm màu trắng. Lá mọc xen kẽ, có cuống dài khoảng 1 – 2.5cm, cũng có lông trắng. Phiến lá hình trứng hoặc hơi thuôn, dài từ 3.5 – 5cm, rộng 3-4cm có các răng cưa và lượn sóng ở mép lá, mặt dưới lá có nhiều lông màu trắng mốc. Hoa mọc thành chùm ở đỉnh cành hoặc nằm kẽ lá, có màu trắng hoặc có thể có màu hơi tía ở phía ngoài và màu vàng ở phần ở giữa.

Hoa cúc trắng là biểu tượng của sự trong sáng và tinh khiết
Hoa cúc trắng thuộc họ Asteraceae và có tên khoa học là Chrysanthemum. (Nguồn: Internet)

Thành phần của hoa cúc trắng

Hoa cúc trắng có thành phần khá đa dạng có lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp. Dưới đây là các thành phần chính:

  • Sắc tố chrysantemin: Đây là chất sắc tố cơ bản của cúc trắng. Khi được thuỷ phân, chrysantemin sẽ phân giải thành glucose và cyanidin – các hợp chất quan trọng trong quá trình tiêu hoá.
  • Flavonoid: Bao gồm nhiều chất khác nhau như luteolin, quercetin, apigenin, glucoside, luteolin, baicalein có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ, bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương do các gốc tự do.
  • Tinh dầu: Trong hoa cúc trắng, có chứa các thành phần tạo tinh dầu như chrysanthemol và camphor, có thể ứng dụng trong lĩnh vực y học thực hành và cảm nhận mùi hương.
  • Vitamin A, Vitamin E: Đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tế bào, tăng cường hệ miễn dịch.
  • Adenine, choline, stachydrine, hydroxy pseudotarasterol palmitate, ester của acid acetic, acid ellagic,…

Bộ phận sử dụng của hoa cúc trắng

Bộ phận của cúc hoa trắng thường được sử dụng trong y học là hoa, được để dưới dạng khô. Để đảm bảo chất lượng của sản phẩm thuốc, bông cúc trắng phải được thu hái khi còn nguyên vẹn, có màu sắc tươi sáng và hương thơm đặc trưng. 

Bộ phận của cúc hoa trắng thường được sử dụng trong y học là hoa, được để dưới dạng khô
Dược liệu hoa cúc trắng khô (Nguồn: Internet)

Cách thu hái, sơ chế và bảo quản

Quá trình thu hái, sơ chế và bảo quản hoa cúc trắng rất quan trọng để đảm bảo chất lượng của sản phẩm để làm thuốc. Thông thường, cứ khoảng 5 – 6 kg hoa tươi sẽ cho ra 1 kg hoa cúc khô. 

Thu hái hoa cúc trắng:

Cúc trắng thường được thu hái khi vừa mới chớm nở ở thời điểm cuối thu, thường từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm.

Sơ chế:

Hoa cúc trắng khi mới hái về cần được quây cót rồi sấy diêm sinh trong vòng 2-3 giờ cho đến khi thấy hoa chín mềm. Nếu hoa còn tươi thì sẽ bị hỏng. Tiếp theo, chúng được ép nén qua một đêm, ép càng chặt càng tốt cho đến khi có nước chảy ra. Cuối cùng, phơi khô hoa từ khoảng 3 đến 4 ngày. Trong trường hợp trời râm không có nắng thì bắt buộc phải sấy diêm sinh.

Bảo quản:

Sau khi đã được sơ chế, dược liệu cúc hoa trắng cần được đựng trong hũ nhựa hoặc hũ thủy tinh kín để tránh sự tiếp xúc với không khí. Cất hoa khô ở nơi thoáng mát, khô ráo, nhiệt độ phòng và tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Sau mỗi lần sử dụng, nên đậy kín bao bì để thời gian bảo quản lâu hơn. 

Công dụng của hoa cúc trắng đối với sức khỏe

Tương tự như hoa cúc vàng, hoa cúc trắng được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền và hiện đại vì nhiều công dụng, giúp cải thiện sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh. Dưới đây là một số công dụng nổi bật của hoa cúc trắng đối với sức khỏe:

Trong y học cổ truyền

Dược liệu cúc trắng có vị ngọt đắng, tính bình và hàn nhẹ giúp cân bằng cơ thể, có tác dụng trong việc thanh nhiệt, giải độc, giảm đau và tán phong thấp. Ngoài ra, dược liệu này còn có tác dụng giảm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, làm sáng mắt và mát gan. Đồng thời, hoa cúc trắng cũng được sử dụng để hỗ trợ trong việc điều trị viêm nhiễm như viêm họng, viêm mũi,…

Hoa cúc trắng có tác dụng trong việc thanh nhiệt, giải độc, giảm đau và tán phong thấp
Dược liệu cúc trắng có vị ngọt đắng, tính bình và hàn nhẹ giúp cân bằng cơ thể. (Nguồn: Internet)

Trong y học hiện đại

Trong y học hiện đại, hoa cúc trắng đã được nghiên cứu và chứng minh có nhiều tác dụng quan trọng:

  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Một thử nghiệm trên 54 người bệnh có huyết áp cao đã chứng minh rằng việc sử dụng glycosid từ cúc hoa trắng đạt hiệu quả cao. Dược liệu này cũng làm giảm cholesterol và beta-lipoprotein trong máu.
  • Ức chế vi khuẩn: Tinh dầu từ nụ hoa cúc trắng có khả năng ức chế nhiều vi khuẩn như phế cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, liên cầu khuẩn và trực khuẩn phổi. 
  • Giúp lợi tiểu và giảm căng thẳng thần kinh: Một thử nghiệm đã chứng minh rằng hoa cúc trắng có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Đồng thời cũng có tác dụng an thần, giúp giảm căng thẳng thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Hoạt tính ức chế aldose reductase: Acid elagic có trong cúc hoa trắng là một chất có hoạt tính ức chế aldose reductase, ngăn chặn sự thoái hóa của thủy tinh thể.

Cách dùng và liều dùng

Để có thể tận dụng hết các công dụng của hoa cúc trắng, người bệnh có thể tham khảo liều dùng và cách dùng như sau:

Cách dùng

Cúc hoa trắng có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng cụ thể:

  • Thuốc sắc uống: Dược liệu từ hoa cúc trắng có thể được chế biến thành thuốc sắc uống và dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để tăng cường tác dụng.
  • Dùng làm trà: Chỉ cần đun sôi hoa cúc trong nước và sau đó uống trà để giảm căng thẳng và tạo cảm giác thư giãn.
  • Thuốc sắc hoặc dạng bôi dẻo để bôi ngoài da: Ngoài ra, cúc hoa trắng cũng có thể được chế biến thành thuốc sắc hoặc thuốc dạng bôi dẻo để sử dụng bên ngoài da, điều trị ghẻ, viêm,…

Liều dùng

Liều dùng của hoa cúc trắng sẽ thay đổi tùy thuộc vào mục đích sử dụng, cụ thể như sau:

  • Dùng trong thuốc sắc hoặc kết hợp với các loại thuốc khác: từ 9 – 15 gram hoa cúc trắng.
  • Dùng ngoài da để đắp mụn nhọt: thường không có quy định rõ ràng về liều lượng, người bệnh có thể sử dụng theo nhu cầu hoặc tùy theo mức độ của vùng da có vấn đề.

Lưu ý: Trên đây chỉ là liều dùng tham khảo, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định liều dùng phù hợp với mục đích sử dụng và tình trạng sức khỏe cụ thể. 

Những bài thuốc từ hoa cúc trắng

Hoa cúc trắng là một nguồn dược liệu quý giá trong y học và được sử dụng trong nhiều loại bài thuốc khác nhau. Dưới đây là một số bài thuốc phổ biến từ hoa cúc trắng:

Trà hoa cúc trắng chữa khô miệng, đau sưng rát cổ hoặc cao huyết áp:

Nguyên liệu: 6g hoa cúc trắng

Cách làm:

  • Đun sôi một lượng nước cần thiết.
  • Đặt hoa cúc trắng vào một tách hoặc cốc chứa trà.
  • Sau khi nước sôi, đợi khoảng 1-2 phút để nước ngừng sôi, sau đó hãm nước vào tách chứa hoa cúc. Đậy kín tách trong khoảng 5-10, sau đó có thể uống được ngay.
Trà hoa cúc trắng chữa khô miệng, đau sưng rát cổ hoặc cao huyết áp
Trà hoa cúc trắng với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Bài thuốc chữa xơ vữa động mạch, chóng mặt, ù tai

Nguyên liệu:

  • Cúc trắng (10g)
  • Sinh địa (25g)
  • Vỏ ngọc trai (25g)
  • Sơn dược (15g)
  • Phục linh (12g)
  • Sơn thù dù (12g)
  • Mẫu đơn (10g)
  • Lá dâu (10g)

Cách chế biến:

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu ở trên rồi đun cùng với 800ml nước đến khi nước còn 200ml (còn 1/4 nước ban đầu).
  • Lọc bã, chia ra 3 lần uống trong ngày

Bài thuốc chữa đau đầu do thay đổi thời tiết:

Nguyên liệu:

  • Cúc trắng (9g)
  • Hoa nhài (3g)
  • Rau má (10g)
  • Cúc bách nhật (5g)

Cách chế biến:

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu ở trên, sau đó đun với 700ml nước đến khi nước còn 1/3 nước ban đầu.
  • Lọc bã, chia thành 3 lần uống trong ngày.

Bài thuốc chữa hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ:

Nguyên liệu:

Cách chế biến:

  • Rửa sạch tất cả các nguyên liệu ở trên rồi đem sắc với 700ml nước đến khi còn 250ml nước (hoặc còn 1/3 nước ban đầu) rồi lọc bã.
  • Chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày, dùng liên tục trong 5 ngày.

Bài thuốc chữa mề đay, Dị ứng mẩn ngứa, phát ban

Nguyên liệu:

  • Hoa cúc (10g)
  • Xác ve (5g)
  • Ngân hoa (10g)
  • Cam thảo (6g)

Cách chế biến:

  • Sắc riêng từng dược liệu với nước.
  • Lọc sạch nước sắc từ từng loại dược liệu
  • Sau đó, trộn lẫn các loại nước vừa sắc được.
  • Lấy nước sắc đã trộn lẫn để bôi lên vùng da bị mề đay, ngứa, dị ứng hoặc phát ban.

Bài thuốc giải nhiệt, giải cảm và tăng cường tiêu hóa

Nguyên liệu:

  • 1-2 hoa cúc khô hoặc 1-2 thìa bột hoa cúc khô.
  • Nước sôi.
  • Mật ong (tuỳ chọn).
  • Cam thảo (tuỳ chọn).
  • Atisô (tuỳ chọn).

Cách chế biến:

  • Đặt 1-2 hoa cúc khô hoặc 1-2 thìa bột hoa cúc khô vào một tách trà.
  • Đổ nước sôi vào tách, ngâm hoa cúc trong nước trong khoảng 3-5 phút. Có thể thêm một thìa mật ong để tăng thêm hương vị ngọt. Sau đó, thêm cam thảo hoặc atisô để tăng thêm hương vị. 
  • Trà hoa cúc có thể uống cả ngày hoặc trước khi đi ngủ khoảng 30 phút.

Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào, đặc biệt là khi sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc để đảm bảo sức khỏe.

Một số tác dụng phụ khi dùng hoa cúc trắng

Bôngcúc trắng dù có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn ở một số người sử dụng. Dưới đây là một số tác dụng của hoa cúc trắng:

  • Chướng bụng nhẹ: Một số người có thể bị chướng bụng nhẹ hoặc cảm thấy khó chịu sau khi sử dụng cúc trắng, đặc biệt là người lớn tuổi.
  • Ợ chua và buồn nôn: Một số người cảm thấy ợ chua hoặc buồn nôn sau khi sử dụng sản phẩm, đặc biệt nếu sử dụng quá liều hoặc có tình trạng dị ứng.
  • Nhức đầu: Một số người cũng có thể trải qua cảm giác đau đầu khi sử dụng.
  • Gây hạ huyết áp nhẹ: Trong một số trường hợp, bông cúc trắng có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp nhẹ ở một số người sử dụng.

Lưu ý khi dùng bông cúc trắng

Dưới đây là các lưu ý cần biết khi sử dụng hoa cúc trắng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe:

  • Nếu từng gặp phản ứng Dị ứng với các loại hoa hoặc thực vật khác, hãy thận trọng khi tiếp xúc với cúc trắng.
  • Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần thận trọng khi sử dụng hoa cúc trắng. Trước khi sử dụng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo việc sử dụng hoa không gây hại đến thai nhi hoặc sức khỏe của em bé.
  • Hoa có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
  • Không sử dụng hoa cúc quá mức cho phép để tránh gây tác dụng phụ không mong muốn.

Trên đây là công dụng và cách dùng hoa cúc trắng mà Hoàn Mỹ đã hướng dẫn chi tiết. Đây không chỉ là một loài hoa đẹp mắt mà còn là nguồn dược liệu quý giá với nhiều ứng dụng trong y học. Mời bạn truy cập vào mục Tin tức y tế tại website để biết thêm các thông tin y tế mới nhất. Nếu cần được tư vấn và khám bệnh, vui lòng  gọi đến số HOTLINE của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.