Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai

Gai khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

30/11/2023

Gai khớp gối thường hình thành mà không gây ra triệu chứng đặc biệt, làm cho việc phát hiện trở nên khó khăn. Khi gai xương phát triển, không chỉ gây đau đầu gối mà còn có thể chèn ép dây thần kinh, làm tê bì và mất cảm giác, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Bài viết này chia sẻ của Bs.CKI Vạn Cường Phúc về tác động của gai khớp gối đối với cuộc sống, cùng với triệu chứng và phòng ngừa hiệu quả, an toàn.

Gai khớp gối: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

Gai khớp gối là gì?

Gai khớp gối, hay gai xương đầu gối, xuất hiện khi có sự phát triển bất thường của gai nhỏ trên bề mặt xương do mất lớp sụn bảo vệ. Đây là kết quả của thoái hóa khớp và liên quan đến sự mòn lớp sụn khớp gối theo thời gian. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, gai xương sẽ ngày càng lớn, gây khó khăn trong các cử động như co duỗi, đứng lên, ngồi xuống, hoặc leo cầu thang.

Đối tượng dễ bị gai khớp gối

Những đối tượng dễ có gai xương hình thành ở khớp gối thường là:

  • Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ
  • Người đã từng bị chấn thương đầu gối
  • Gia đình có tiền sử bị thoái hóa khớp gối
  • Người bị yếu cơ gân khoeo, cơ tứ đầu đùi hoặc bắp chân
  • Vận động viên và những người làm công việc yêu cầu vận động hoặc lao động chân tay nhiều

Nguyên nhân hình thành gai khớp gối?

Nguyên nhân hình thành gai khớp gối là do quá trình thoái hóa khớp, khiến lớp sụn ở đầu gối bị mòn và gây ra sự xuất hiện của các gai xương. Đây là tình trạng phổ biến nhất, làm cho việc di chuyển, đứng/ngồi, và thực hiện các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn cho người bệnh. Mặc dù thoái hóa khớp thường xuất hiện ở người cao tuổi, nhưng ngày nay, nguy cơ này cũng đối mặt với những người trẻ tuổi. Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ khác góp phần vào sự hình thành gai khớp gối, bao gồm:

1. Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối tăng dần theo độ tuổi. Lớp sụn khớp gối trở nên yếu, mỏng, kém linh hoạt và dễ bị hư hại hơn theo thời gian.

2. Chấn thương đầu gối: Một số trường hợp gai xương gối có thể xuất phát từ chấn thương vật lý ở đầu gối, như đứt, rách dây chằng chéo trước, trật khớp xương bánh chè, hoặc rách sụn chêm,…

3. Các vấn đề sức khỏe khác: Gai khớp gối có thể xuất hiện do thừa cân, béo phì, dị tật khớp gối bẩm sinh, viêm khớp do nhiễm trùng, hoặc rối loạn chuyển hóa và liên kết xương kém.

4. Lối sinh hoạt ít vận động: Thói quen ít vận động có thể làm giảm cường độ dịch khớp lưu thông trong khớp gối. Dịch này không chỉ giữ cho khớp linh hoạt mà còn giảm ma sát. Sinh hoạt ít vận động và ngồi nhiều có thể làm suy giảm sức khỏe của khớp gối và tăng nguy cơ tổn thương, thoái hóa, dẫn đến sự xuất hiện của gai xương.

Triệu chứng thường gặp của gai xương khớp gối

Triệu chứng của gai xương khớp gối có thể biến đổi tùy thuộc vào mức độ phát triển của gai. Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến:

1. Đau khi vận động: Đau và nhức đầu gối là triệu chứng thường gặp ở những người có vấn đề về khớp gối, trong đó có sự xuất hiện của gai xương. Cơn đau thường trở nặng khi người bệnh thực hiện các động tác tăng áp lực lên đầu gối, như ngồi xổm, đứng lâu, co và duỗi chân, hay lên xuống cầu thang. Để giảm triệu chứng này, có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh và duy trì thói quen vận động cân đối.

2. Sưng vùng đầu gối: Khi các gai xương hình thành nhiều và phát triển lớn sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối. Từ đó khiến khớp gối bị sưng tấy, Phù nề gây khó khăn trong việc di chuyển, vận động của người bệnh.

3. Tê bì vùng đầu gối và đôi khi mất cảm giác: Gai xương phát triển có thể chèn ép lên các dây thần kinh, tạo cảm giác tê bì ở vùng đầu gối, thậm chí là mất cảm giác ở chân, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn.

4. Cứng khớp gối: Cứng khớp xảy ra khi lượng canxi tập trung về một chỗ nhiều hơn so với bình thường, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy. Một vài trường hợp bị nặng hơn thì sẽ khó vận động hoặc mất đi sự linh hoạt.

Gai khớp gối có nguy hiểm không?

Hiện tượng hình thành gai xương tại khớp gối có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với khả năng vận động của chi dưới và tạo ra cảm giác đau mỗi khi di chuyển. Dần dần, người bệnh có thể trở nên tránh xa các hoạt động và thích ngồi yên một chỗ. Thói quen này không chỉ tác động đến sức khỏe về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được chữa trị kịp thời, trong các trường hợp gai xương ở giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những hậu quả nguy hiểm như:

  • Tổn thương mô cơ và dây chằng xung quanh.
  • Gây chèn ép lên dây thần kinh kéo theo các cơn tê bì, mất cảm giác ở đầu gối thậm chí cẳng chân và bàn chân.
  • Các mạch máu xung quanh cũng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng.
  • Đôi khi xảy ra tình trạng tổn thương dây thần kinh đầu gối vĩnh viễn

Phương pháp chẩn đoán gai đầu gối

Chẩn đoán và phát hiện sớm khớp gối bị thoái hóa và đã hình thành gai xương tại đây đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tốt các triệu chứng khó chịu bằng các biện pháp:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ sờ/ nắn khớp để đánh giá mức độ đau, sưng và yếu cơ do gai xương, thực hiện các động tác co duỗi để kiểm tra phạm vi cử động của đầu gối, đồng thời hỏi người bệnh về các triệu chứng và tiền sử bệnh để loại trừ yếu tố nguy cơ giúp đưa ra chẩn đoán nhanh hơn.
  • Chụp X- quang: Giúp bác sĩ nhìn thấy rõ sự hiện diện của gai xương xung quanh khớp gối, cũng như biết được kích thước và số lượng gai xương.
  • Chụp cắt lớp (CT scan)/Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh thu được từ hai kỹ thuật chụp chiếu này cho phép bác sĩ nắm bắt được tất cả tổn thương ở các tổ chức quanh khớp như dây chằng và gân…

Tổng hợp kết quả từ các bước chẩn đoán, bác sĩ sẽ có đủ cơ sở để kết luận tình trạng và mức độ nguy hiểm của gai xương cùng quá trình viêm đang xảy ra tại khớp. Từ đó đưa ra giải pháp điều trị toàn diện, giúp triệt tiêu gốc rễ gai xương khớp gối.

Cách phòng tránh gai xương khớp gối

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý mạn tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, mà một khi khớp gối bị thoái hóa, nguy cơ mọc gai xương là rất khó tránh khỏi. Nhưng, người bệnh có thể hạn chế sự phát triển của gai xương bằng cách tuân theo một lối sống khoa học:

  • Duy trì cân nặng lý tưởng, hợp lý (BMI < 23): Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ gây thêm áp lực lên đầu gối, góp phần làm mòn sụn.
  • Không nên ngồi quá lâu một chỗ hoặc giữ tư thế ngồi đúng để tránh chèn ép nhiều lên khớp gối
  • Tập thể dục đều đặn với cường độ hợp lý để gia tăng sức khỏe cho khớp đầu gối
  • Khởi động thật kỹ và đúng cách trước khi tập luyện cũng như tránh các chấn thương ảnh hưởng đến khớp gối như gãy xương, trật khớp hay giãn dây chằng gối…
  • Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc. Không sử dụng bia rượu, hút thuốc lá và các chất kích thích. 
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để theo dõi và phát hiện các bất thường càng sớm càng tốt.

Gai khớp gối không gây triệu chứng trong thời gian đầu. Nhưng nếu tình trạng kéo dài và không được điều trị sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Do đó bất cứ khi nào nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở khớp gối như đau, sưng hoặc cứng hãy liên hệ với Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai để được thăm khám và có hướng điều trị phù hợp, hiệu quả! Đây là địa chỉ khám và điều cơ xương khớp uy tín, được đông đảo khách hàng tin tưởng lựa chọn và đánh giá cao cả về chất lượng chuyên môn lẫn dịch vụ. 

—————————-

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai đang có chương trình hỗ trợ 30% lên đến 10 TRIỆU ĐỒNG khi điều trị các bệnh lý thoái hóa khớp/ chấn thương khớp/ tổn thương dây chằng…Chi tiết xem tại https://www.facebook.com/HoanMyITODongNai/posts/pfbid0BhtnkMHsgTGCQf4qrfGmAQ7H5otNDNQXTf5K62gmb5fU9LisoXMrTYmTNd8AYmH7l

Để đặt lịch hẹn khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai, vui lòng liên hệ:

Hotline: 02513 918 569

Website: https://m.me/HoanMyITODongNai?ref=dat_lich_kham_BS