Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai

Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường

20/10/2023

Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh lý phổ biến trên toàn thế giới. Năm 2019, ước tính cả thế giới có 463 triệu người mắc bệnh tiểu đường, chiếm khoảng 5,5% dân số. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường là 6% cùng thời điển đó. Điều này cho thấy việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh tiểu đường là hết sức quan trọng và cần thiết.

Bệnh đái tháo đường nguy hiểm như thế nào? (Nguồn: Internet)

Tiểu đường là gì?

Tiểu đường hay Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết mạn tính, kèm theo các rối loạn chuyển hóa lipid và protid. Nguyên nhân được xác định là do các tình trạng khiếm khuyết tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai.

Mặt khác, bệnh tiểu đường là căn bệnh nguy hiểm trên toàn thế giới, xếp thứ ba sau tim mạch và ung thư. Từ bệnh lý này, biến chứng của nó có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu, thận, mắt, thần kinh,… Như vậy, kết quả của bệnh tiểu đường gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường

  • Biến chứng mạch máu lớn.
  • Biến chứng mạch máu nhỏ.
  • Biến chứng thần kinh.
  • Biến chứng nhiễm trùng.
  • Biến chứng da, răng.

Đối với bệnh nhân tiểu đường type 1: Biến chứng có thể xuất hiện sau 5 năm mắc bệnh.

Đối với bệnh nhân tiểu đường type 2: Biến chứng có thể xảy ra trước (trong giai đoạn tiền đái tháo đường), ngay khi phát hiện, hoặc đang điều trị đái tháo đường.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

  • Di truyền.
  • Béo phì.
  • Ít vận động.
  • Bệnh tim mạch.
  • Cholesterol cao.
  • Đã từng bị tiều đường thai kì.
  • Tuổi cao.
  • Glucose không ổn định.

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường

Dấu hiện nhận biết bệnh tiểu đường, tiểu đường tuýp 2 (Nguồn: Internet)

Triệu chứng kinh điển: 4 NHIỀU

  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường, đặc biệt phải thức dậy giữa đêm để đi tiểu, cá biệt có thể đi tiểu mỗi giờ, hoặc khi sau khi tiểu thấy nước tiểu có kiến bâu.
  • Uống nhiều: Thường có cảm giác khát hay khô miệng.
  • Ăn nhiều: Do thiếu hụt hoặc không sử dụng được insulin, làm tế bào thiếu năng lượng hoạt động, cơ thể phản ứng lại bằng cách kích thích sự them ăn làm người bệnh có cảm giác đói hơn, ăn nhiều hơn.
  • Sụt cân nhiều: Do không sử dụng được glucose, cơ thể sẽ tìm nguồn năng lượng khác là protein từ mô cơ, và lipid từ mô mỡ làm cho bệnh nhân sụt giảm cân nhanh chóng, có thể giảm 5 – 10kg trong vài tuần.

Các triệu chứng gợi ý khác

  • Mệt mỏi không lý do, thiếu tập trung, hay quên.
  • Hay bị nhiễm trùng, mụn nhọt, nhiễm nấm cadina, lao phổi.
  • Chậm liền vết thương hoặc để lại vết thâm tím trên da.
  • Cảm giác tê bì, nóng rát, châm chích như kim châm ở 2 chân.
  • Chân răng lung lay, hoặc rụng răng sớm.
  • Giảm ham muốn, liệt dương ở nam giới.

Trên thực tế, đa số các bệnh nhân đái tháo đường không có triệu chứng trên lâm sàng trong giai đoạn sớm. Vì vậy, phần lớn các trường hợp được phát hiện khi đã có biến chứng như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, loét bàn chân, bệnh võng mạc,…

Đái tháo đường ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh

Xét nghiệm đái tháo đường

Xét nghiệm đái tháo đường dành cho tất cả người trưởng thành từ 35 tuổi, không có triệu chứng. Đồng thời, những người bị thừa cân hay béo phì (chỉ số BMI ≥ 25 kg/m2 hoặc ≥ 23 kg/m2 đối với người gốc Á) cũng nên cân nhắc thực hiện xét nghiệm này.

Ngoài ra, nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau đây, bạn cũng không nên bỏ qua xét nghiệm tiểu đường để đảm bảo sức khoẻ luôn ở trạng thái tốt nhất.

  • Có người thân mắc đái tháo đường.
  • Dân tộc có nguy cơ cao.
  • Mắc bệnh lý tim mạch.
  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Phụ nữ mang hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Ít vận động.
  • Các tình trạng lâm sàng liên quan đến đề kháng Insulin (béo bụng, dấu gai đen).
  • Bệnh nhân Tiền đái tháo đường (A1C > 5,7%) nên được kiểm tra hàng năm.
  • Phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ nên được kiểm tra suốt đời ít nhất 3 năm 1 lần.
  • Người nhiễm HIV.
  • Nếu kết quả bình thường, kiểm tra lại ít nhất 1 lần mỗi 3 năm, thường xuyên hơn tùy thuộc vào kết quả ban đầu và yếu tố nguy cơ.

Kiểm tra chỉ số đường huyết để xác định nguyên nhân gây bệnh

Các thông số đường huyết thường dùng

  • Đường huyết bất kỳ: không quan tâm đến thời điểm bữa ăn cuối.
  • Đường huyết đói: trước bữa ăn sáng sau bữa ăn gần nhất ít nhất 8h.
  • Đường huyết sau ăn: 2 giờ sau khi bắt đầu bữa ăn.
  • HbA1C: phản ánh đường huyết trung bình trong 3 tháng trước.

Lợi ích của việc kiểm soát đường huyết

  • Kiểm soát đường huyết tốt giúp làm chậm thời gian xuất hiện, cải thiện hay điều trị biến chứng.
  • Giảm mỗi 1% HbA1c có thể giúp giảm các biến chứng mạn tính như: Đoạn chi dưới hay bệnh mạch máu ngoại biên gây tử vong; bệnh mạch máu nhỏ; mổ đục thủy tinh thể; suy tim; nhồi máu cơ tim; đột quỵ.

Chế độ luyện tập của người bệnh tiểu đường

Những lưu ý trước khi tập

Để đảm bảo an toàn khi tập luyện, người bệnh cần chủ động thực hiện kiểm tra các biến chứng có thể ảnh hưởng bởi hoạt động vận động thể lực ở cường độ cao. Một số biến chứng thường gặp như bệnh mạch vành, bệnh võng mạc, bệnh Thần kinh ngoại biên hoặc biến chứng bàn chân đái tháo đường.

Đồng thời, người bệnh không nên tập luyện hay rèn luyện thân thể nếu chỉ số đường huyết >14,0 hoặc <5,5 mmol/L, hoặc khi đang cảm thấy đói và mệt mỏi.

Chế độ luyện tập dành cho người bệnh đái tháo đường cần lưu ý gì? (Nguồn: Internet)

Tập thể dục cho người bệnh tiểu đường đã có biến chứng

  • Người bệnh có biến chứng thần kinh ngoại biên, nên mang giày phù hợp khi tập thể dục, tự khám chân hàng ngày để ngăn ngừa và phát hiện loét chân.
  • Thể dục không làm nặng lên biến chứng võng mạc không tăng sinh. Tuy nhiên, với người bệnh có biến chứng võng mạc tăng sinh, nên tránh các hoạt động làm tăng huyết áp nhiều như cử tạ, thể thao đối kháng mạnh, vì các hoạt động này làm tăng khả năng xuất huyết dịch kính và bong võng mạc.
  • Nên tập thể dục 5 ngày mỗi tuần, tốt nhất là thể dục hết các ngày trong tuần; tránh ngồi kéo dài và mỗi 20 tới 30 phút nên đứng dậy đi lại.
  • Đi bộ là hình thức vận động thuận tiện về thời gian và không tốn chi phí.
  • Thể dục khác có lợi ích như thể dục dưới nước (thoái hoá khớp): bơi lội, đi bộ nhanh trong nước.

Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

  • Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng.
  • Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn.
  • Duy trì hoạt động thể lực bình thường.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa Lipid máu.
  • Không thay đổi quá nhanh và quá nhiều cơ cấu, khối lượng bữa ăn.

Kết luận

  • Đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính phổ biến và ngày càng gia tăng.
  • Đái tháo đường có nhiều biến chứng nguy hiểm, gây giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế hay tử vong.
  • Tầm soát đái tháo đường ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng và có nguy cơ cao thường xuyên.
  • Cá thể hóa người bệnh, lựa chọn mục tiêu đường huyết hợp lý.
  • Điều trị đái tháo đường là nghệ thuật sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, chế độ hoạt động hợp lý.

Tư vấn chuyên môn: BS.CKI. Đào Văn Tùng – Chuyên khoa Nội tiết