Tin tức y tế

Cây đinh lăng – Công dụng trong việc điều trị bệnh

25/07/2023

Cây đinh lăng – một loài cây trồng nhiều tại Việt Nam, nổi tiếng với cái tên “nhân sâm của người nghèo” bởi nhiều công dụng tốt với sức khỏe. Trong Đông y, đinh lăng có tác dụng bồi bổ và điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu chi tiết hơn về loài cây này thông qua bài viết dưới đây.

Cây đinh lăng là gì?

Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa – (L.) Harms, thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) và có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ. Đây là một loài cây nhiệt đới có chiều cao khoảng 5 mét và rộng 2-3 mét. Đặc điểm nổi bật của cây là nhánh cây rộng, lá đinh lăng có màu xanh bóng tập trung gần đầu cành. Với điều kiện khí hậu tại Việt Nam, đinh lăng phát triển mạnh và trở thành cây thuốc được nhiều gia đình sử dụng.

Cây đinh lăng là gì?
Hình dáng cây đinh lăng (Nguồn: Internet)

Công dụng của đinh lăng đối với sức khỏe

Đinh lăng nổi tiếng nhờ những công dụng tuyệt vời với sức khỏe con người. Dưới đây là một số công dụng của lá và rễ đinh lăng bao gồm:

Lá cây đinh lăng

  • Hỗ trợ chữa Dị ứng da và ngộ độc thức ăn.
  • Làm giảm cơn ngứa do viêm da cơ địa, viêm da bã tiết hoặc do dị ứng thời tiết.
  • Làm giảm mụn nhọt và sẹo thêm do mụn nhọt gây ra.
  • Giảm nhức mỏi cơ, xương khớp do vận động quá sức hoặc lão hóa do lớn tuổi.
  • Chữa các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi và khó tiêu.
  • Điều hòa kinh nguyệt và giảm kinh nguyệt không đều.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
Công dụng của đinh lăng đối với sức khỏe
Lá đinh lăng giúp giảm nhức mỏi xương khớp (Nguồn: Internet)

Rễ cây đinh lăng

  • Kích thích lợi tiểu.
  • Hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn Gram dương.

Tác dụng phụ của đinh lăng

Mặc dù là loại thảo dược thường được sử dụng nhiều nhưng nếu như sử dùng quá liều, đinh lăng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Tiêu chảy.

Do đó, liều lường khuyến cáo sử dụng chỉ từ 10-20g đinh lăng đã phơi khô trong ngày. Cây đinh lăng sử dụng cần được trồng từ 3 năm trở lên để có tác dụng dược lý.

Những lưu ý cần thiết khi sử dụng cây đinh lăng trong điều trị

Dù đinh lăng là một loại dược liệu lành tính, thế nhưng việc sử dụng quá mức có thể dẫn đến ngộ độc hoặc một vài tác dụng không mong muốn khác. Phổ biến nhất là xung huyết ở gan, tim, phổi, dạ dày, ruột và sự biến đổi dinh dưỡng.

Rễ đinh lăng chứa nhiều saponin, một loại chất có thể gây vỡ hồng cầu. Vì vậy, việc sử dụng cần phải thực sự thận trọng và tuân theo đúng liều lượng và chỉ dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý cần thiết khi sử dụng cây đinh lăng trong điều trị
Đinh lăng và những lưu ý cần biết (Nguồn: Internet)

Một số bài thuốc thường dùng từ đinh lăng 

Dưới đây là một số bài thuốc với đinh lăng thường được sử dụng:

  • Bồi bổ và thanh lọc cơ thể: Dùng khoảng 150-200g lá đinh lăng tươi, nấu với khoảng 1 lít nước. Sau khi sôi 5-7 phút, chắt lấy nước đầu tiên. Có thể tiếp tục đổ khoảng 200ml nước để nấu sôi và lấy nước thứ hai để sử dụng trong ngày.
  • Thông tia sữa, căng tức ngực: Lấy 30-40g rễ đinh lăng, thêm 500ml nước sắc cho đến khi còn 250ml. Uống khi còn nóng. Uống liên tục trong 2-3 ngày để giảm nhức vú và sữa chảy bình thường.
  • Chữa đau khớp và nhanh lành vết thương: Lá đinh lăng giã nhuyễn sau đó đắp lên vết thương hoặc vùng bị sưng đau sẽ vô cùng hiệu quả.
  • Chữa liệt dương: Mỗi vị 12g gồm rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, sa nhân 6g, trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8 g. Sắc thành thuốc và uống mỗi ngày 1 thang.
  • Bài thuốc chữa mệt mỏi: Dùng 0,5g rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng, nấu với 100ml nước trong khoảng 15 phút, chia thành 2-3 lần uống trong 1 ngày.
  • Chữa dị ứng, ban sởi, ho và kiết lỵ: Sắc chung 10g lá đinh lăng khô với 200ml nước và sử dụng trong ngày.

*Trên đây là liều dùng mà người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp mà Bác sĩ có thể đưa ra liều dùng khác nhau. Do đó, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của các Bác sĩ chuyên môn.

Một số bài thuốc với đinh lăng
Một số bài thuốc với đinh lăng (Nguồn: Internet)

Cây đinh lăng là một vị thuốc hữu ích đối với sức khỏe của con người. Hy vọng bài viết trên đã có thể mang lại thông tin bổ ích cho bạn. Để cập nhật các thông tin về sức khỏe mới nhất, bạn có thể theo dõi các Tin tức y tế hoặc liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Câu hỏi thường gặp:

Sử dụng nước lá đinh lăng hàng ngày có tốt không?

Mặc dù nước lá đinh lăng có nhiều công dụng và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước này thay thế cho nước lọc hàng ngày vì nó có thể gây tác dụng phụ và có hại cho sức khỏe.
Cụ thể, lá đinh lăng chứa chất saponin, gây mệt mỏi, buồn nôn và chóng mặt. Chất saponin cũng có thể gây hủy hoại hồng cầu và gây rối loạn tiêu hóa ở những người có hội chứng ruột kích thích. Do đó, việc uống nước lá đinh lăng nên được hạn chế lượng và thời gian sử dụng, không nên uống hàng ngày.

Những ai nên sử dụng lá đinh lăng?

Lá đinh lăng có thể được sử dụng cho những người mắc một số bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch, tiểu đường, viêm khớp hoặc muốn tăng cường sức đề kháng.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.