Tin tức y tế

Cá nóc ăn được không? Nguyên nhân, cách xử lý khi bị ngộ độc cá nóc

12/07/2023

Cá nóc có hình dáng nhỏ bé nhưng luôn được góp mặt trong danh sách những loài động vật độc nhất trên thế giới. Thế nhưng, ở nhiều nước, việc ăn cá nóc vẫn rất phổ biến. Vậy cá nóc ăn được không? Khi bị ngộ độc cá nóc thì bạn cần có cách xử lý như thế nào? Bài viết sau của Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

>>> Xem thêm: 

  • Đậu rồng: Công dụng và cách chế biến có lợi cho sức khỏe
  • Rau ngót: Tác dụng và tác hại cần lưu ý

Cá nóc là loại cá gì?

Cá nóc được phát hiện từ trước đây khoảng 95 triệu năm, có tên khoa học là Tetraodontiformes, có 9 họ với hơn 400 loài thuộc 13 giống. Trong số đó, có 243 loài chiếm ưu thế, thuộc 4 họ là Ostraciidae, Triodontidae, Tetraodontidae và Diodontidae.

Tổng cục thủy sản ở Việt Nam gọi cá nóc bằng nhiều tên khác nhau như cá cóc, cá đùi gà, cá bóng biển. Tại nước ta, cá nóc còn có 70 loại khác nhau, hầu hết ở nước mặn, tập trung nhiều ở miền Trung. Cục An toàn thực phẩm nước ta chỉ ra 5 loài cá nóc cực độc là: cá nóc chuột vằn mang, cá nóc răng mỏ chim, cá nóc chấm cam, cá nóc tro, cá nóc vằn mặt.

Cá nóc còn có tên gọi khác là cá đùi gà, cá bóng biển
Cá nóc còn có tên gọi khác là cá đùi gà, cá bóng biển (Nguồn: Internet)

Cá nóc ăn được không?

Được biết đến là loài cá mang độc tố cao nhưng cá nóc lại là món ăn nổi tiếng và khá đắt đỏ tại các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, độc tố có trong cá nóc chủ yếu tập trung ở da, nội tạng, túi tinh và buồng trứng. Vì vậy, nếu được xử lý và chế biến cẩn thận theo đúng tiêu chuẩn thì phần thịt cá hoàn toàn không có độc và an toàn cho người ăn.

Thịt cá nóc có độ dai, ngọt và thơm nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách thực hiện món ăn này. Các đầu bếp cần trải qua quá trình rèn luyện và trải qua kỳ thi để được cấp giấy chứng nhận chế biến cá nóc.

Cá nóc có thể ăn được nhưng bạn nên lựa chọn những nhà hàng có uy tín để thưởng thức vì chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quá trình chế biến cũng có thể gây nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

>>> Xem thêm:

  • Rau bắp cải có tác dụng gì đối với sức khỏe?
  • Rau diếp cá có tác dụng gì? Có nên ăn diếp cá mỗi ngày không?
Cá nóc ăn được không?
Cá nóc ăn được không? (Nguồn: Internet)

Cá nóc độc như thế nào?

Nước ta có hơn 66 loài cá nóc khác nhau, khoảng 40 loài có khả năng gây độc tố. Độc cá nóc còn được đánh giá thứ 2 về mức độ, sau loài ếch độc phi tiêu vàng.

Phần độc của cá nóc là tetrodotoxin xuất hiện ở da, nội tạng, cơ bụng, túi tinh và trứng cá. Chúng không tự nhiên sinh ra mà được hình thành bởi những loại vi khuẩn cộng sinh trên cá nóc. Tetrodotoxin là một chất độc đặc biệt khi không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao hoặc các phương pháp chế biến thực phẩm thông thường, lại có tác động thần kinh cực kỳ mạnh. Chúng có thể gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm liệt cơ, suy hô hấp và thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Mức độ độc tính của tetrodotoxin có thể mạnh gấp 1000 lần xyanua. Do đó, nếu bạn không có kiến thức về loại cá nóc và tiếp xúc với nó, nguy cơ tử vong rất cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần 4mg thịt cá nóc chứa đủ lượng tetrodotoxin có thể gây tử vong cho một con thỏ. Còn người bình thường chỉ cần từ 1-2mg cũng có thể gặp ngộ độc và nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân bị ngộ độc cá nóc

Nguyên nhân chủ yếu khiến mọi người có nguy cơ bị ngộ độc khi tiêu thụ cá nóc là do chất độc tetrodotoxin có trong cá nóc. Đây là một chất độc rất mạnh, tan trong nước và không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao nhưng nó bất hoạt trong môi trường acid hoặc kiềm mạnh.

Khi chất độc này đi qua đường tiêu hóa của con người sẽ nhanh chóng được hấp thụ trong 5 – 15 phút và có nồng độ đạt đỉnh sau 20 phút. Tetrodotoxin sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến hệ thần kinh, ức chế kênh natri, đặc biệt là ở cơ vân, ngăn cản quá trình phát sinh điện thế và dẫn truyền xung động. Kết quả là ngộ độc cá nóc gây ra liệt cơ và suy hô hấp.

Nguyên nhân bị ngộ độc cá nóc
Nếu nọc độc cá nóc đi vào đường tiêu hóa sẽ nhanh chóng bị hấp thụ (Nguồn: Internet)

Triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc

Biểu hiện của việc ngộ độc cá nóc sẽ thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 10-45 phút sau khi tiêu thụ cá nóc chứa độc tố. Ban đầu, người bị ngộ độc sẽ có các triệu chứng phổ biến là tê miệng, lưỡi, môi, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn mửa. 

Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như:

  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
  • Khó nói.
  • Cảm giác tê yếu, tê liệt ở ngón tay, bàn tay, bàn chân.
  • Mất phản xạ.
  • Hạ huyết áp nghiêm trọng.

Trong vòng 4-6 giờ, các triệu chứng có thể tiến triển nặng hơn và gây ra tình trạng tê liệt, mất ý thức cuối cùng là suy hô hấp và tử vong.

Để đánh giá mức độ gây độc của tetrodotoxin, các chuyên gia chia thành 4 cấp độ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và tim mạch như sau:

  • Độ 1: Chỉ gây tê bì, cảm giác lạ quanh miệng, có thể có hoặc không có triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy.
  • Độ 2: Gây tê bì ở lưỡi, lan ra mặt, cổ tay và các vùng khác, liệt vận động và thất điều, gây khó nói, đau đầu, đổ mồ hôi nhưng các phản xạ vẫn bình thường.
  • Độ 3: Bệnh nhân có cơn co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, gây khó nói, đồng tử giãn tối đa và mất phản xạ ánh sáng, có thể vẫn còn tỉnh táo.
  • Độ 4: Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng, loạn nhịp tim, hôn mê.

Đây là mức độ tác động từ nhẹ đến nặng của tetrodotoxin đối với cơ thể và tùy thuộc vào mức độ độc tính, triệu chứng có thể khác nhau từ người này sang người khác. Việc đánh giá và theo dõi mức độ tác động này rất quan trọng để đưa ra liệu pháp và chăm sóc y tế phù hợp cho người bị ngộ độc.

>>> Xem thêm:

  • Cúm A: Triệu chứng, biểu hiện, điều trị, biến chứng và phòng ngừa
  • 10 Tác dụng của trà hoa cúc đối với sức khỏe 

Cách xử lý khi bị ngộ độc cá nóc

Nếu chẳng may bị ngộ độc cá nóc, hãy nhớ các nguyên tắc điều trị sau:

  • Hạn chế cơ thể hấp thụ độc tố.
  • Điều trị triệu chứng xuất hiện.
  • Tích cực can thiệp nếu người bệnh có các biểu hiện đe dọa tính mạng như liệt toàn thân, suy hô hấp nặng…

Trường hợp bạn nhìn thấy người ngộ độc cá nóc có thể xử lý nhanh chóng như sau:

  • Bạn hãy cố gắng hỗ trợ người bị ngộ độc nôn ra toàn bộ thức ăn đã ăn. Để kích thích nôn cho người bị ngộ độc, bạn đặt người đó ngồi thẳng hoặc nằm nghiêng về một bên để không bị sặc vào phổi.
  • Khi người đang bị ngộ độc cá nóc vẫn tỉnh táo, tùy thuộc vào lứa tuổi và cân nặng mà bạn có thể sử dụng than hoạt tính sau khoảng 1 giờ sau khi ăn. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, bạn sử dụng 1g than hoạt tính cho mỗi kg cân nặng, pha cùng 50ml nước lọc. Trẻ em dưới 12 tuổi sử dụng 25g than hoạt tính pha cùng 200ml nước. Người lớn sử dụng 30g than hoạt tính pha cùng 300ml nước.
  • Nếu người bị ngộ độc có triệu chứng khó thở, thở yếu hoặc ngừng thở, hỗ trợ hô hấp nhân tạo hoặc thổi ngạt để giúp hỗ trợ hô hấp.
  • Để tránh bị ngộ độc, bạn không nên sử dụng sản phẩm từ cá nóc nếu không có nguồn gốc rõ ràng, để đảm bảo quy trình chế biến được thực hiện đúng cách và an toàn.

>> Tham khảo thêm: Công dụng và phân loại hạt macca phổ biến

Những câu hỏi thường gặp

Độc cá nóc nằm ở đâu?

Hầu hết phần độc của cá nóc nằm trong nội tạng, cơ bụng, da, túi tinh và trứng cá. Ở mỗi loài cá nóc, mức độ độc tố thường sẽ không giống nhau, có thể từ nhẹ sang mạnh.

Cá nóc cơm có độc không?

Theo lời của ngư dân, cá nóc được khai thác và buôn bán là cá nóc cơm. Đây là một loại cá nóc lành tính, có thịt thơm ngon, còn cá nóc có chứa nọc độc là cá nóc hòm, cá nóc gai và cá nóc hoa. Thế nhưng, cơ quan chức năng cho biết không có bằng chứng khẳng định cá nóc cơm là không độc nên đã tuyên truyền cho dân chúng không sử dụng cá nóc làm thực phẩm.

Phía trên là những thông tin giúp bạn hiểu rõ cá nóc ăn được không. Nhìn chung, cá nóc có khá nhiều loại khác nhau, trong đó có loài gây độc, có loài thì không. Tuy nhiên, việc phân biệt các loài này vẫn chưa được phổ biến. Do đó, bạn nên cẩn thận khi tiêu thụ chúng. Truy cập Tin tức y tế để cập nhật thêm nhiều thông tin chăm sóc sức khỏe hàng ngày. Liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được hỗ trợ bởi các bác sĩ thuộc Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.