Tin tức y tế

Cách sử dụng dung dịch sát khuẩn Betadine đúng cách

30/10/2023

Dung dịch Betadine giúp sát khuẩn, bảo vệ da và các vùng tổn thương khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus và nấm. Tuy nhiên, cần sử dụng Betadine đúng cách để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Theo dõi bài viết dưới đây của Hoàn Mỹ để biết được liều dùng cũng như các lưu ý quan trọng, tránh tác dụng phụ không mong muốn.

>>> Xem thêm:

Dung dịch sát khuẩn Betadine là gì?

Dung dịch sát khuẩn Betadine là một sản phẩm y tế chứa chất hoạt chất povidon-iod 1% hoặc 10%, được sử dụng để sát trùng và tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm trên da và các vùng bị tổn thương. Betadine được bào chế dưới dạng dạng dung dịch lỏng, có thể bôi trực tiếp lên vết thương.

Ngoài thành phần chính là povidon-iod, betadine còn chứa các tá dược khác gồm: glycerol, nonoxynol, citric acid, sodium hydroxide, potassium iodate, disodium hydrogen phosphate, nước tinh khiết,… Dung dịch sát khuẩn này được sử dụng rộng rãi nhờ khả năng diệt khuẩn tốt mà không gây cảm giác châm chích trên da.

Dung dịch sát khuẩn Betadine là gì?
Dung dịch sát khuẩn Betadine (Nguồn: Internet)

Tác dụng của dung dịch sát khuẩn Betadine

Betadine là một loại thuốc sát trùng có nhiều công dụng trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe. Cơ chế hoạt động của Betadine dựa vào khả năng giải phóng dần dần iod để tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus và nấm. Dưới đây là các công dụng chính của dung dịch sát khuẩn Betadine:

  • Sát khuẩn vi khuẩn: Betadine có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn thường xuất hiện ở các vết thương ngoài da như vi khuẩn staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) và vi khuẩn streptococcus. Sử dụng Betadine giúp ngăn chặn sự phát triển và lây lan của vi khuẩn gây nhiễm trùng trong các vết thương trên da.
  • Chống virus: Betadine cũng có khả năng tiêu diệt virus gây bệnh zona và thủy đậu, virus herpes – một tác nhân gây miệng lở loét. Sử dụng Betadine giúp kiểm soát sự phát triển của các loại virus này và giảm triệu chứng bệnh lý liên quan.
  • Diệt nấm: Dung dịch sát khuẩn Betadine còn tiêu diệt các loại nấm men và nấm mốc, đặc biệt là nấm candida albicans và trùng roi trichomonas – hai tác nhân gây nhiễm trùng đường âm đạo.

Phân biệt các dạng của Betadine

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại Betadine với thành phần, tá dược và mục đích sử dụng khác nhau như sau:

Dung dịch sát trùng âm đạo (Betadine xanh ngọc):

  • Tên sản phẩm: Betadine Vaginal Douche 10%
  • Dung tích: 125ml
  • Thành phần: povidon-iod 10% (kl/tt), fleuroma bouquest 477, nonoxynol, nước tinh khiết.
  • Ứng dụng: Được sử dụng để làm sạch bên ngoài âm hộ hoặc âm đạo, ngăn ngừa viêm nhiễm xảy ra trong khu vực phụ khoa.

Dung dịch súc miệng (Betadine xanh rêu):

  • Tên sản phẩm: Betadine Gargle and Mouthwash 1%
  • Dung tích: 125ml
  • Thành phần: povidon-iod 1% (kl/tt), glycerol, methyl salicylate, menthol, saccharin sodium, ethanol 96%, nước tinh khiết
  • Ứng dụng: Được sử dụng để làm sạch khoang miệng và điều trị các bệnh lý về răng miệng, giúp hơi thở trở nên dễ chịu hơn.

Dung dịch sát khuẩn (Betadine vàng):

  • Tên sản phẩm: Betadine Antiseptic Solution 10%
  • Dung tích: 30ml
  • Thành phần: povidon-iod 10% (kl/tt), glycerol, nonoxynol 9, citric acid (anhydrous), sodium hydroxide, disodium hydrogen phosphate (anhydrous), potassium iodate, nước tinh khiết.
  • Ứng dụng: Được sử dụng để sát trùng vết thương hở, chốc lở, nấm da, herpes, vết bỏng và nhiều tình trạng nhiễm khuẩn khác trên da. Ngoài ra, Betadine vàng còn được sử dụng để sát khuẩn tay và các dụng cụ phẫu thuật trong môi trường y tế.

>>> Xem thêm:

Cách sử dụng betadine đúng cách, hiệu quả và an toàn

Để sử dụng Betadine một cách đúng cách, hiệu quả và an toàn, người bệnh hãy tuân theo các hướng dẫn sau:

Chỉ định

Betadine là một loại thuốc sát trùng chứa thành phần chính là Povidone-Iodine được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Làm sạch và sát khuẩn vết thương, vết bỏng, chốc lở, nấm ở da,…
  • Sát khuẩn vùng da của bệnh nhân trước khi mổ/phẫu thuật.
  • Sát khuẩn tay của bác sĩ và dụng cụ phẫu thuật.
  • Làm sạch khoang miệng và điều trị bệnh lý về răng miệng.
Cách sử dụng betadine đúng cách, hiệu quả và an toàn
Công dụng của Betadine (Nguồn: Internet)

Chống chỉ định

Mặc dù có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực y tế nhưng dung dịch sát khuẩn Betadine không được phép sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

  • Người mẫn cảm với iod hoặc povidon không nên sử dụng Betadine nếu có tiền sử mẫn cảm hoặc phản ứng Dị ứng với iod hoặc povidone – thành phần chính của thuốc.
  • Người bị bệnh cường giáp hoặc có các bệnh lý khác liên quan đến tuyến giáp: Betadine chứa iod có thể gây tác động tiêu cực đối với tuyến giáp. 
  • Trước và sau khi trị liệu iod phóng xạ: Trong các trường hợp như điều trị Ung thư biểu mô tuyến giáp bằng iod phóng xạ, việc sử dụng Betadine có thể gây ra khó khăn trong việc hấp thụ iod và ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
  • Trẻ sơ sinh có cân nặng nhỏ hơn 1.5g: Trẻ sơ sinh có da và niêm mạc mỏng nên các chất sát khuẩn có thể ngấm qua da dễ dàng, có khả năng phát triển tăng năng tuyến giáp khi nếu sử dụng nồng độ cao trong thời gian dài.

Liều dùng

Tuỳ thuộc vào từng loại dung dịch sát khuẩn Betadine mà cách dùng sẽ có sự khác biệt như sau:

Betadine Vaginal Douche 10% – Dung dịch sát trùng âm đạo

  • Dùng để vệ sinh ngoài âm hộ: Pha loãng Betadine phụ khoa theo tỷ lệ 1 nắp chai (15ml) với 500ml nước sạch. Sử dụng dung dịch này để ngâm rửa vùng kín ngoài âm hộ.
  • Dùng để thụt rửa âm đạo: Nếu cần thụt rửa âm đạo, cần có chỉ định của bác sĩ và được thực hiện bởi nhân viên y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Betadine Gargle and Mouthwash 1% – Dung dịch súc họng và súc miệng

Dung dịch Betadine Gargle and Mouthwash 1% có thể sử dụng trực tiếp hoặc có thể pha loãng với nước theo tỷ lệ 1 nắp chai (tương đương 15ml) với 2 phần nước. Mỗi lần sử dụng, nên lấy khoảng 20 – 30ml dung dịch (tương đương 1-2 nắp chai) để súc miệng/ súc họng trong khoảng 30 giây hoặc 2 phút (khi bị viêm nhiễm, tổn thương). Thời gian sử dụng thông thường là khoảng 14 ngày, trừ khi bác sĩ có chỉ định khác.

Betadine Antiseptic Solution 10% – Dung dịch sát khuẩn 

  • Dùng để sát khuẩn các vết thương trên da: Bôi Betadine trực tiếp lên vùng da bị tổn thương và vùng xung quanh tổn thương từ 3-5cm nhiều lần trong ngày. Sau khi khô lại, dung dịch sẽ tạo thành 1 lớp phim thông khí, dễ dàng rửa sạch bằng nước.
  • Dùng để sát trùng tay: Bôi 3ml dung dịch lên tay trong 1 phút.
  • Dùng để tiệt khuẩn da trước phẫu thuật: Bôi dung dịch ít nhất trong 1 phút đối với vùng da có ít tuyến bã nhờn và ít nhất 10 phút đối với vùng da có nhiều tuyến bã nhờn. Khi bôi Betadine, cần tránh tạo ra các nơi đọng dung dịch thuốc dưới cơ thể bệnh nhân để không làm kích ứng da.

Lưu ý rằng việc sử dụng Betadine cần phải tuân theo hướng dẫn cụ thể trên bao bì sản phẩm và nên thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ trong các tình huống đặc biệt.

Liều dùng Betadine an toàn
Hướng dẫn sử dụng Betadine đúng cách (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ

Ngoài các công dụng được nêu ở trên, dung dịch Betadine cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ hoặc phản ứng không mong muốn như:

  • Có các phản ứng mẫn cảm da với các biểu hiện gồm ngứa, nổi ban đỏ, vết bỏng rộp nhỏ hoặc các biểu hiện tương tự trên da.
  • Phản ứng Dị ứng cấp tính gây ra hạ huyết áp, khó thở. Đây là một phản ứng nghiêm trọng và cần được báo ngay cho các chuyên gia y tế.
  • Tăng năng tuyến giáp: Trong một số trường hợp cá biệt, những bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tuyến giáp có thể bị tăng năng tuyến giáp, gây ra các triệu chứng như mạch đập nhanh. 
  • Mất cân bằng điện giải và suy thận: Khi cơ thể hấp thụ một lượng lớn povidon-iod thì có thể gây ra mất cân bằng điện giải và nồng độ Osmol trong máu bất thường. Điều này có thể dẫn đến suy chức năng thận, Suy thận cấp tính và nhiễm axit chuyển hóa.

>>> Xem thêm:

Hướng dẫn xử lý khi dùng quá liều Betadine

Nếu sử dụng dung dịch Betadine quá liều và bị ngộ độc iod, người bệnh sẽ cảm thấy đau bụng, bí tiểu, phù thanh quản gây khó thở, phù phổi,… Trong trường hợp này, người bệnh cần ngừng sử dụng sản phẩm ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để nhận được xử trí kịp thời.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Betadine

Khi sử dụng dung dịch Betadine, cần tuân thủ các lưu ý quan trọng dưới đây để đảm bảo an toàn và hiệu quả:

  • Khi bôi Betadine trên da, cần đảm bảo không có dung dịch đọng dưới cơ thể người bệnh để tránh gây kích ứng da.
  • Betadine có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, không cần làm nóng trước khi sử dụng.
  • Để dung dịch sát khuẩn Betadine tránh xa tầm tay trẻ em.
  • Bệnh nhân bị bướu cổ hoặc các bệnh lý tuyến giáp khác không nên sử dụng Betadine liều cao hoặc sử dụng trong thời gian dài (trừ khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ) để tránh tăng năng tuyến giáp.
  • Không tuỳ ý sử dụng Betadine cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
  • Sử dụng Betadine trong vòng 6 tháng sau khi mở nắp để đảm bảo hiệu quả của sản phẩm.

Trên đây là cách sử dụng dung dịch sát khuẩn Betadine mà Hoàn Mỹ đã hướng dẫn chi tiết, hi vọng có thể giúp mọi người tận dụng tối đa công dụng của sản phẩm này. Betadine trở thành một biện pháp an toàn và hiệu quả để bảo vệ da, niêm mạc và vùng tổn thương khỏi sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Nếu cần được tư vấn và khám bệnh, vui lòng gọi đến HOTLINE của hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Ngoài ra, để cập nhật kiến thức sức khỏe mới nhất, đừng quên truy cập vào mục Tin tức y tế tại website.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.