Mã đề là loại thảo dược phổ biến trong Đông Y có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh và thường mọc dại ở các vùng quê của Việt Nam. Cây mã đề có tác dụng kháng viêm nên được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh thông thường. Cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu các bài thuốc chữa bệnh từ cây mã đề và những lưu ý khi sử dụng.
Xem thêm:
- Cây duối: Đặc điểm, công dụng trị bệnh của cây duối
- Tam thất có tác dụng gì? Lợi ích của tam thất đối với sức khỏe
Cây mã đề là cây gì? Đặc điểm của cây mã đề
Mã đề trong dân gian còn được gọi là cây xa tiền thảo, tên khoa học là Plantago asiatica, là loại cây dại phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mọc trên những vùng đất ẩm ướt, đất mềm.
Đặc điểm của cây mã đề
Mã đề là loại cây thân thảo, cao từ 10-15cm, lá có hình thìa màu xanh đậm, gân lá hình cung chạy dọc theo đường sống lá và nhọn ở ngọn. Cây tự mọc trong tự nhiên nhờ hạt, nhánh, rễ cây còn sót trong đất.
Lá mã đề có vị đắng, tính hàn với công dụng chống viêm, điều trị tiểu dắt, viêm thận, ho có đờm và nhiều công dụng khác. Tất cả các bộ phận của cây mã đề đều được dùng để làm thuốc từ hạt, thân, lá hay rễ và có thể dùng trực tiếp khi cây còn tươi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học
Mã đề cung cấp nhiều hợp chất Polyphenol khác nhau như flavonoid và tannin được biết đến với đặc tính chống oxy hóa và nhiều lợi ích với sức khỏe. Cây mã đề có thể chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau, bao gồm vitamin C, vitamin K và các khoáng chất như canxi, magiê và kali. Mã đề còn chứa axit phenolic, hạt có chứa chất nhầy, dầu béo và chất đường, các thành phần này có lợi cho sức khỏe con người và hỗ trợ điều trị bệnh.
Tìm hiểu thêm: Giảo cổ lam là gì? Tác dụng của giảo cổ lam đối với sức khỏe
Công dụng của cây mã đề trong Tây Y
Giúp giảm viêm
Trong cây xa tiền thảo có chứa các hợp chất flavonoid, terpenoid, tannin có tác dụng chống viêm. Các chiết xuất methanol và etanol từ loại cây này có tác dụng làm giảm mức độ các cytokine tiền viêm và sản xuất các glucocorticoid giúp kháng viêm.
Cây mã đề làm lành vết thương nhanh
Mã đề có công dụng làm lành vết thương nhanh, do trong các chiết xuất mã đề có các hoạt chất có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn, giúp giảm đau và nhanh làm lành vết thương.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Các chiết xuất từ mã đề còn có tác dụng ức chế tiết axit dạ dày và làm tăng các yếu tố bảo vệ niêm mạc. Ngoài ra chiết xuất từ loại cây này còn có tác dụng làm giảm nhu động tá tràng, điều trị viêm loét dạ dày và chống tiêu chảy. Vì thế mã đề trong y học hiện đại có tác dụng cải thiện rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Công dụng của cây mã đề đối với Đông Y
Theo Đông Y mã đề có vị ngọt, tính hàn, làm thanh nhiệt ra mồ hôi và có những công dụng sau:
Mã đề giúp lợi tiểu
Theo y học cổ truyền mã đề có tác dụng làm lợi tiểu. Nước sắc từ mã đề làm tăng lượng nước tiểu, giúp thải độc cơ thể.
Kháng viêm
Nước nấu từ lá mã đề có tác dụng ức chế một số vi khuẩn gây ra các triệu chứng nhiễm trùng ngoài da. Ngoài ra, lá mã đề còn có tác dụng chữa mưng mủ ở các nốt mụn nhọt có mủ và làm bớt sưng viêm khi sử dụng lá mã đề giã nát đắp lên.
Điều trị ho
Trong y học cổ truyền, nước sắc từ mã đề có tác dụng làm tan đờm làm giảm ho. Mỗi lần sử dụng nước lá mã đề có thể giảm ho từ 6-7h đồng hồ.
Chữa đái dầm
Ở trẻ em theo y học cổ truyền, cây mã đề có tác dụng chữa đái dầm hoặc đái nhiều ở trẻ khi ngủ đêm.
Điều chỉnh hơi thở
Trong mã đề có hoạt chất plantagin, hoạt chất này giúp kích thích hệ thần kinh tiết ra các niêm dịch của phế quản và ống tiêu hóa. Vì thế sử dụng mã đề có thể giúp điều chỉnh hơi thở nhẹ và sâu hơn.
Chữa cao huyết áp
Mã đề trong dân gian còn hỗ trợ chữa cao huyết áp bằng cách sử dụng 20-30g mã đề nấu nước uống hàng ngày.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây mã đề
Bài thuốc trị tiêu chảy ở trẻ em: Sử dụng 12g mã đề, đảng sâm, hương nhu, bạch phục linh, trư linh, 2g đăng tâm sắc nước uống. Hoặc dùng 16g cây mã đề với 10g sơn tra đem sắc nước uống. Để trị tiêu chảy còn có thể dùng 3-6g bột mã đề hòa với cháo trắng ăn.
Bài thuốc chữa ho: Dùng 40-100g mã đề sắc nước uống mỗi ngày. Hoặc dùng theo công thức mã đề 10g, cam thảo, cát cánh 2g mỗi loại sắc với 400ml nước trong vòng 30 phút, chia 3 lần uống trong ngày có tác dụng tiêu đờm, trị ho rất tốt.
Bài thuốc lợi tiểu: 10g hạt mã đề, cam thảo 2g sắc với 600ml nước cho đến khi còn 200ml, chia uống 3 lần trong ngày. Hoặc nấu 12g hạt hoặc lá mã đề làm nước uống mỗi ngày trị bí tiểu.
Bài thuốc trị chảy máu cam: Giã nát 1 nắm lá mã đề hòa với một ít nước lọc và vắt nước cốt uống. Ngoài ra người chảy máu cam nằm kê đầu cao sau đó dùng lá mã đề giã nhuyễn đắp lên đầu kết hợp uống nước nấu từ lá mã đề sẽ giúp cầm máu.
Bài thuốc trị rụng tóc: Mã đề phơi khô đốt thành than đem trộn với giấm ngâm hỗn hợp trong vòng 1 tuần. Sau đó dùng hỗn hợp bôi lên da đầu chỗ bị rụng tóc.
Bài thuốc chữa viêm đường tiết niệu: 20g mã đề, 15g bồ công anh, 20g kim tiền thảo, 15g hoàng cầm, 15g ích mẫu thảo, 15g dành dành, 20g cỏ nhọ nồi, 6g cam thảo, 30g rễ tranh đem sắc nước uống liên tục từ 7-10 ngày.
Bài thuốc hỗ trợ cải thiện tiểu ra máu: Dùng nước cốt mã đề tươi 50g và 50g cỏ nhọ nồi tươi chia ra uống 3 lần trong ngày.
Bài thuốc cải thiện chứng sỏi bàng quang: Mã đề 30g, kim tiền thảo 30g, diếp cá 30g sắc lấy nước uống liên tục trong 5 ngày.
Bài thuốc chữa viêm bể thận cấp tính: Mã đề tươi 50g, rễ cỏ tranh 50g, cỏ bấc đèn 50g sắc nước uống 2 lần mỗi ngày liên tục trong 7 ngày.
Cách sử dụng cây mã đề
Mã đề có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Cách sử dụng loại thảo dược này như sau:
- Sử dụng như dược liệu: Bạn có thể được dùng mã đề như dược liệu thông qua các loại trà thảo mộc hoặc thuốc dưới dạng viên,…
- Sử dụng mã đề như thực phẩm: Ăn lá mã đề như một loại rau sống hoặc nấu canh, xào.
Các lưu ý khi sử dụng cây mã đề
Mã đề có tính lành, an toàn khi dùng hàng ngày và tác dụng lợi tiểu, mát gan,… hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường tiết niệu, viêm gan,… Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau để tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Tránh dùng nước mã đề như nước giải khát
Nước mã đề có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tuy nhiên không nên sử dụng như nước giải khát. Uống nước mã đề quá nhiều có thể dẫn đến suy thận do thận phải làm việc liên tục.
Không uống nước cây mã đề vào buổi tối
Vì tác dụng của mã đề là lợi tiểu do đó không nên uống nước nấu từ lá mã đề vào buổi tối. Nó sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều lần gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Đối với những người thận yếu, thận suy không nên sử dụng loại thuốc từ cây này.
Không dùng mã đề cho phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai nhất là trong thời gian thai kỳ 3 tháng đầu tuyệt đối không được dùng cây mã đề vì các thành phần trong loại thảo dược này có thể gây sảy thai.
Bên trên là những chia sẻ về cây mã đề, loại thảo dược tự nhiên phổ biến và gần gũi với con người. Mã đề có nhiều công dụng hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh và cách dùng với liều lượng phù hợp. Hy vọng rằng bạn sẽ luôn thường xuyên cập nhật các Tin tức y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình mình. Bạn cần tư vấn về dinh dưỡng, sức khỏe, hãy liên hệ ngay HOTLINE nhé hoặc đặt lịch hẹn TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại tất cả các hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
Câu hỏi liên quan:
Là loài cây thuộc loài thân thảo, mọc dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây mã đề sống lâu năm ở những nơi ẩm ướt có đất mềm nên mã đề có thể tự mọc bằng hạt, nhánh và rễ cây vùi trong đất.
Mã đề có tính lành và là một vị thuốc hỗ trợ chống viêm, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác. Lá mã đề thể dùng ăn như rau sống hoặc ăn chín như nấu canh, xào.
Uống nhiều nước mã đề không tốt, tránh uống như nước giải khát hoặc uống vào ban đêm. Nếu uống quá nhiều sẽ dẫn đến đi tiểu đêm nhiều gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của bạn.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.