Những đặc điểm giúp phân biệt Bệnh zona (giời leo) và viêm da tiếp xúc do côn trùng:
ZONA
Zona (Shingles – Giời leo) có sang thương da là mảng hồng ban – chùm bóng nước, đau nhức rất nhiều giống như bị phỏng, thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, do virus thủy đậu varicella zoster virus (VZV) thuộcnhóm herpes virus gây ra. Vì vậy, Zona còn được gọi là herpes zoster, chỉ xảy ra ở người đã từng bị thủy đậu. Zona không phải là một bệnh nhiễm trùng mà là sự bùng phát thứ cấp của virus gây thủy đậu. Sau khi gây bệnh, virus thủy đậu vẫn tồn tại trong tế bào thần kinh gần tủy sống của bệnh nhân dưới dạng bất hoạt trong trong nhiều năm và bị kiềm chế bởi hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bị suy yếu, những virus này sẽ “thức dậy”, chuyển thành dạng hoạt động và di chuyển dọc theo lộ trình của thần kinh ra da gây tổn thương theo vùng phân bổ thân kinh – da. Sau những triệu chứng cảnh báo như Sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ, cảm giác giống như bị phỏng ngoài da, các sang thương hồng ban – bóng nước Zona đau nhức thật nhiều sẽ xuất hiện, thường chỉ ở một bên cơ thể. Hạch bạch huyết vùng lân cận có thể bị sưng to. Dân gian lầm tưởng các triệu chứng này là do con giời (cùng nhóm Myriapoda với con rết) tiếp xúc với da gây ra nên gọi đây là bệnh “giời leo”.
Vị trí sang thương hồng ban – bóng nước xuất hiện một bên kèm theo cảm giác đau, nóng dữ dội là triệu chứng đặc trưng của Zona. Đối với một số bệnh nhân già yếu hoặc bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng, sang thương Zona có thể xuất hiện ở hai bên cơ thể.
Zona là bệnh không lây nhiễm nhưng nếu chưa được chủng ngừa thủy đậu hay chưa từng bị thủy đậu, trẻ em và những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ rất dễ bị thủy đậu khi tiếp xúc với bóng nước Zona có chứa nhiều VZV.
Khoảng một đến hai tuần sau khi xuất hiện, các bóng nước Zona sẽ vỡ ra, khô lại, đóng mày và không còn virus nữa. Sang thương Zona điển hình chỉ kéo dài khoảng một tháng nhưng trong một số trường hợp, cảm giác đau đớn do Zona gây ra có thể còn kéo dài nhiều tháng cho đến nhiều năm sau gọi là đau thần kinh sau Zona. 10-20% bệnh nhân mắc phải thủy đậu lúc nhỏ sẽ bị Zona lúc trên 60 tuổi nhưng cũng có khi bệnh xáy ra sớm hơn. Zona xuất hiện có tính cách riêng lẻ, không thể thành dịch và đa số bệnh nhân chỉ bị Zona một lần trong đời, rất hiếm khi bệnh tái phát.
Các đối tượng dễ bị Zona sau khi mắc phải thủy đậu: người già yếu, người được ghép thận hay ghép tủy xương, người bị nhiễm HIV/AIDS hay bị Ung thư các loại, người đang dùng các loại glucocorticoids hoặc thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày để điều trị bệnh tự miễn, hen suyễn, viêm khớp…
PHÒNG BỆNH ZONA
Trẻ em nếu được chủng ngừa thủy đậu từ nhỏ sẽ không bị thủy đậu và do đó sẽ không bị Zona về sau. Từ năm 2006, đã có thuốc ZOSTAVAX chủng ngừa Zona cho người >60 tuổi.
VIÊM DA TIẾP XÚC DO CÔN TRÙNG
Viêm da tiếp xúc do côn trùng xảy ra ở vị trí da tiếp xúc với các chất tiết của côn trùng đang sống hoặc bị chết. Bệnh có thể gây khó chịu, lo lắng và rất dễ thành dịch. Các côn trùng gây viêm da tiếp xúc thường là: sâu ban miêu (Meloidae); giời, rết (Myriapoda); kiến khoang (Paederus fuscipes curtis), một số loại bướm…
Những người làm việc, ngủ, tắm dưới ánh đèn; những người làm vườn, chăm sóc cây kiểng có thể bị côn trùng bám vào khăn lau, cổ, mặt hay vùng da hở tứ chi, thân mình. Phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập,..sẽ làm các độc chất gây bỏng da nhưpederin của kiến khoang, cantaridin của sâu ban miêu hay phosphor của con giời tiết ra gây viêm da tại vị trí tiếp xúc,không phải do virus gây ra như Zona. Do đó, sang thương viêm da tiếp xúc có thể xuất hiện cùng lúc nhiều nơi trên cơ thể và không có triệu chứng báo trước.
Lúc đầu bệnh nhân có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi vùng da tiếp xúc với côn trùng. Sau 6-12 giờ, sang thương sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài giống như vết cào gãi, trên có nhiều mụn nước kích thước 1-5mm không đều và biến thành mụn mủ 2-3 ngày sau. Cảm giác ngứa, rát tăng dần nhưng không đau nhức; có thể kèm theo Sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương. Các mụn mủ tiến triển khoảng 3-5 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần, để lại vết sẫm màu khi bong vẩy. Thời gian tiến triển viêm da tiếp xúc có thể kéo dài 1-3 tuần. Một số trường hợp viêm da tiếp xúc nhẹ chỉ có vết đỏ da, lấm tấm mụn nước nhỏ, hơi ngứa, tự khỏi sau 3-5 ngày. Trên thực tế, có hiện tượng một số người dễ hấp dẫn côn trùng hơn người khác, dường như có liên quan đến thân nhiệt, sự bài tiết CO2 hoặc mùi của cơ thể. Tương tự, sự khác biệt về phản ứng da của từng người khi tiếp xúc với côn trùng là do tình trạng miễn dịch cá nhân. Bệnh nhân có thể bị viêm da tiếp xúc 2-3 lần trong một mùa và bệnh có thể trở thành dịch với nhiều người cùng bị.
PHÒNG BỆNH VIÊM DA TIẾP XÚC
Cần mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; cho trẻ nằm trong nôi có phông màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lắp lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão. Phải đóng các cửa lại trước khi mở đèn để ngăn côn trùng bay vào phòng theo ánh sáng, chú y kiểm tra phát hiện côn trùng trong bồn tắm, bể chứa nước, khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng. Không phơi quần áo, khăn mặt ở bên ngoài vào buổi chiều tối Có thể dùng các loại thuốc bôi ngoài da để chống muỗi và các côn trùng khác.
Môi trường sống chung quanh phải thật sạch sẽ, thông thoáng. Cần dọn dẹp phát quang kỹ những nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm; gom đốt xác cây mục, cỏ khô để xua đuổi côn trùng; phun thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm rậm rạp cạnh khu dân cư. Có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa dụ côn trùng bay đến và tiêu diệt vì chúng thường có khuynh hướng tụ tập ở những nơi có ánh sáng này.
Bệnh nhân có các triệu chứng ngoài da giống như bị viêm da tiếp xúc do côn trùng cần được các bác sĩ chuyên khoa Da liễu khám bệnh, chẩn đoán phân biệt với Zona và các bệnh ngoài da khác để được điều trị thích hợp.
Không nên tự mua thuốc sử dụng vì nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị các loại bệnh này hoàn toàn khác nhau.
Bác sĩ LÊ ĐỨC THỌ – Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.