Tin tức y tế

Chẩn đoán rách chóp xoay khớp vai

28/06/2023

Rách chóp xoay khớp vai là căn bệnh xuất hiện khá phổ biến ở những người ở độ tuổi từ 40 trở lên hoặc những người chơi thể thao hay hoạt động mạnh.

Hình mô tả rách chóp xoay khớp vai

Nguyên nhân

  • Do chấn thương: Người bệnh có thể bị ngã trong tư thế cánh tay dang rộng, trật khớp vai nhiều lần dẫn đến rách thứ phát chóp xoay, các vi chấn thương của một động tác khớp vai nhiều lần như động tác quay cánh tay, đưa tay quá đầu. 
  • Do thoái hoá gân: Rách chóp xoay do thoái hoá gân thường gặp ở những người độ tuổi trung niên trở đi. Khi càng lớn tuổi, gân ở các cơ chóp xoay càng bị mài mòn dần. 
  • Ngoài ra, rách chóp xoay cũng có thể là do biến chứng của một số bệnh lý như đái tháo đường, viêm khớp, béo phì,… 

Triệu chứng của rách chóp xoay

  • Người bệnh thường thấy đau phía trước hoặc ngoài khớp vai đi kèm lan xuống mặt ngoài cánh tay. 
  • Đau tăng lên khi đưa tay qua khỏi đầu và khi dang rộng cánh tay. 
  • Cảm giác đau này thường xuất hiện vào ban đêm, nhất là khi nằm nghiêng về phía vai bị tổn thương. 
  • Có thể có tiếng lạo xạo ở khớp vai khi vận động. 
  • Cánh tay yếu dần đi và các cơ chóp xoay cũng bị teo lại nếu không được điều trị sớm. 

Chẩn đoán rách chóp xoay

Để chẩn đoán rách chóp xoay, Bác sĩ sẽ thăm khám những triệu chứng lâm sàng kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp X-quang khớp vai: Phát hiện các biểu hiện gãy xương, trật khớp, tổn thương, thoái hóa, xác định hình dạng mỏm cùng vai.
  • Chụp Cắt lớp vi tính (CT): Thường được chỉ định ở người bệnh gặp chấn thương, có ảnh hưởng đến xương. Kỹ thuật này giúp đánh giá tốt các tổn thương xương của khớp vai.
  • Siêu âm khớp vai: Đánh giá động khi vận động khớp vai, dễ dàng so sánh tổn thương với vai đối diện. Đây là phương pháp không xâm lấn, tiện lợi và chi phí hợp lý, có thể thực hiện nhiều lần. Siêu âm có thể đánh giá được kích thước rách, độ co rút, chẩn đoán viêm gân chóp xoay hay viêm túi hoạt dịch dưới cơ delta. 
  • Chụp Cộng hưởng từ khớp vai: Phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để chẩn đoán được các bệnh lý liên quan đến khớp vai, trong đó có tình trạng rách chóp xoay. Ngoài vai trò chẩn đoán xác định, MRI cũng rất có giá trị trong chẩn đoán mức độ rách gân, hỗ trợ việc lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh, theo dõi sau điều trị. 

Điều trị rách chóp xoay

Tùy theo tình trạng tổn thương của rách cơ chóp xoay, người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp:

  • Điều trị bảo tồn: Người bệnh cần thay đổi thói quen hoạt động, áp dụng liệu pháp tập trung phục hồi tầm vận động khớp vai, chườm lạnh, tiêm cortisone nhằm giảm đau và hỗ trợ vật lý trị liệu. 
  • Phẫu thuật: Khi cơ chóp xoay bị rách hoàn toàn, Bác sĩ sẽ chỉ định khâu lại gân. Sau phẫu thuật, người bệnh cần hạn chế việc cử động tay khoảng 3 – 6 tuần và kết hợp tập vật lý trị liệu để giúp các khớp vai hoạt động lại bình thường.

Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Quốc tế Vinh trang bị hệ thống máy siêu âm hiện đại, Cộng hưởng từ 1.5 Tesla, máy chụp CT 128 lát cắt,… cùng đội ngũ Kỹ thuật viên dày kinh nghiệm, các Bác sĩ có chuyên môn cao sẽ đem đến kết quả hình ảnh rõ nét, kết luận chính xác. Từ đó hỗ trợ các Bác sĩ lâm sàng đưa ra quyết định điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh.

Bác sĩ CKI Lê Giang Nam – Khoa Chẩn đoán hình ảnh

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.