Tin tức y tế

Viêm kết mạc mắt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

23/10/2023

Thời gian gần đây, viêm kết mạc đã và đang lây lan thành dịch. Bệnh có thể xảy ra với tất cả mọi người ở các độ tuổi và giới tính khác nhau. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, nhú gai kết mạc, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Vậy, viêm kết mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng nhận biết và cách điều trị như thế nào? Bài viết sau của Hoàn Mỹ sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết.

>> Xem thêm:

Viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ) là bệnh gì?

Viêm kết mạc mắt hay còn được gọi là đau mắt đỏ. Kết mạc là màng mỏng bao gồm các mạch máu, bao phủ lên củng mạc mắt và lớp lót bên trong mí trên và mi dưới. Khi kết mạc bị viêm, các mạch máu nhỏ sẽ sưng lên, khiến lòng trắng của mắt chuyển sang màu đỏ hoặc hơi ửng hồng.

Đau mắt đỏ có thể xuất hiện ở mọi thời điểm nhưng phổ biến nhất là lúc thời tiết giao mùa và có khả năng lây lan nhanh. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh sẽ cảm thấy hơi khó chịu, giảm thị lực. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ khỏi sau vài ngày mà không gây ra bất kỳ biến chứng nào.

>>> Xem thêm: Điều trị bệnh chắp mắt và lẹo mắt

Viêm kết mạc mắt là bệnh gì?
Kết mạc bị viêm khiến tròng trắng mắt xuất hiện những tia máu đỏ (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc mắt

Viêm kết mạc mắt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Dưới đây là những nguyên nhân chính gây viêm mắt:

  • Nhiễm khuẩn: Bệnh do các vi khuẩn như lậu cầu, tụ cầu, phế cầu, não mô cầu,… gây ra. Bệnh có thể lây nếu có tiếp xúc với dịch mắt có chứa vi khuẩn của người bệnh. 
  • Nhiễm virus: Nguyên nhân này khá phổ biến và 80% bệnh nhân bị đau mắt đỏ là do virus Adenovirus. Ngoài ra còn một số virus như Enterovirus, Herpes zoster, Herpes simplex,… 
  • Dị ứng: Các tác nhân gây dị ứng có thể là khói bụi, nấm mốc, lông động vật, mỹ phẩm, phấn hoa, thuốc,… Những người có cơ địa dễ dị ứng, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần.
Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc
Vi khuẩn, virus và các tác nhân Dị ứng đều là nguyên nhân gây đau mắt đỏ (Nguồn: Internet)

Các triệu chứng viêm kết mạc mắt

Triệu chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào cũng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng của bệnh cụ thể như sau:

Triệu chứng viêm kết mạc mắt do vi khuẩn

Khi bị đỏ mắt do vi khuẩn, người bệnh thường gặp những triệu chứng sau:

  • Chảy nước mắt.
  • Mắt có nhiều ghèn, có thể là ghèn màu xanh hoặc vàng và xuất hiện nhiều hơn sau khi ngủ dậy.
  • Mắt khó mở và có cảm giác cộm.
  • Kết mạc mắt đỏ và nhìn thấy rõ tia máu.
  • Đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn có thể bị 1 mắt hoặc cả 2 mắt.
  • Trường hợp nặng có thể bị loét giác mạc, thị lực giảm, khó phục hồi.

>>> Xem thêm: Cách phòng bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em và người lớn thời điểm giao mùa

Viêm mắt do vi khuẩn
Viêm mắt do vi khuẩn khiến mắt đỏ, đổ ghèn vàng (Nguồn: Internet)

Triệu chứng viêm kết mạc mắt do virus

Đau mắt đỏ do virus có một số triệu chứng khác với đau mắt đỏ do vi khuẩn. Virus tấn công khiến kết mạc bị viêm và xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Chảy nước mắt.
  • Ghèn mắt lỏng.
  • Cảm giác cộm, ngứa mắt như dính bụi.
  • Mí trên và mí dưới sưng phồng.
  • Mắt đỏ ở một bên mắt hoặc cả 2.
  • Một số triệu chứng khác có thể gặp: Nổi hạch dưới tai, sốt, ho khan,…

>>> Xem thêm: Mắt phải giật liên tục là điềm báo hay triệu chứng bệnh về mắt

Triệu chứng viêm kết mạc do virus
Mắt nhiễm virus gây hiện tượng đỏ, đổ ghèn lỏng (Nguồn: Internet)

Triệu chứng viêm kết mạc mắt do dị ứng

Viêm mắt do Dị ứng tái phát nhiều lần nhưng triệu chứng thường nhẹ hơn:

  • Mắt ngứa, có ghèn lỏng.
  • Có cảm giác ngứa, nước mắt chảy nhiều.
  • Mắt đỏ, cộm.
  • Có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi dị ứng.

>>> Xem thêm: Mắt trái giật là điềm hay bệnh? Nguyên nhân và cách khắc phục

Triệu chứng viêm kết mạc do dị ứng
Kết mạc bị viêm do Dị ứng gây cảm giác ngứa và mắt bị đỏ (Nguồn: Internet)

Khi nào thì cần đi gặp bác sĩ?

Bệnh viêm kết mạc đa phần là lành tính, có thể điều trị tại nhà và khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng cần nhiều thời gian phục hồi và dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Tốt nhất, người bệnh nên gặp bác sĩ khi nhận thấy những dấu hiệu sau:

  • Đau mắt.
  • Mắt đỏ ngầu.
  • Mắt tiết dịch nhiều dịch mủ màu vàng, xanh.
  • Tầm nhìn của bị mờ, không có dấu hiệu cải thiện.
  • Mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng.
  • Các triệu chứng của bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau 24h dùng thuốc.
  • Đau mắt đỏ tái phát nhiều lần và điều trị tại nhà không hiệu quả.
  • Trẻ sơ sinh bị đỏ mắt.
  • Người bị đau mắt đỏ nhưng đang trong quá trình điều trị bất kỳ bệnh lý nào đó.
Khi nào nên gặp bác sĩ
Nên gặp bác sĩ khi các triệu chứng đỏ mắt không cải thiện (Nguồn: Internet)

Cách điều trị viêm kết mạc

Từ những nguyên nhân chính gây viêm kết mạc mà người bệnh có thể điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp điều trị sau đây để áp dụng ngay khi cần:

  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Bệnh có thể tự hết sau 2 – 5 ngày nhưng một số trường hợp nặng hơn có thể kéo dài đến 2 tuần. Trong trường hợp này, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ để rút ngắn thời gian bệnh, giảm nhanh các triệu chứng và hạn chế lây lan.
  • Đau mắt đỏ do virus: Bệnh có thể tự khỏi từ 7 – 14 ngày, một số trường hợp mất 2 – 3 tuần mới lành. Để điều trị bệnh, người bệnh nên chườm mát, nhỏ nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo để mắt không bị khô. Ngoài ra, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa bội nhiễm.
  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Trước tiên, người bệnh cần định tác nhân gây Dị ứng là gì và loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sống. Để điều trị, người bệnh được chỉ định dùng thuốc chống dị ứng kết hợp thuốc nhỏ mắt để giảm giảm triệu chứng bệnh.

>>> Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết đậu mùa khỉ? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Cách điều trị viêm kết mạc
Điều trị đau mắt đỏ bằng thuốc nhỏ mắt (Nguồn: Internet)

Phương pháp phòng ngừa viêm kết mạc

Viêm kết mạc là bệnh lây lan rất nhanh. Vì thế, bạn cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bệnh không xảy đến và hạn chế tối đa các triệu chứng nếu mắc phải: 

Thường xuyên rửa tay sạch

Bạn nên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm thường xuyên, nhất là sau khi vệ sinh mắt và trước khi nhỏ thuốc mắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng nước rửa tay khô, cồn sát khuẩn để vệ sinh tay.

Hạn chế chạm tay vào mắt

Chạm tay lên mắt, dụi mắt sẽ tạo điều kiện để bệnh lây lan từ mắt này sang mắt kia và khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Trước và sau khi vệ sinh mắt, nên chú ý vệ sinh tay sạch sẽ. 

Không dùng chung khăn và vệ sinh khăn sạch sẽ

Nếu trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, không nên dùng chung khăn, kể cả khăn mặt và khăn tay. Tương tự, các vật dụng cá nhân cũng nên được dùng riêng để tránh bệnh lây lan nhanh. 

Thường xuyên thay vỏ gối

Vỏ gối rất dễ dính dịch tiết ra từ mắt. Do đó, vỏ gối nên được thay và giặt sạch thường xuyên bằng xà phòng và nước nóng để tiêu diệt hết vi khuẩn.

Không dùng chung dụng cụ sử dụng trên mặt

Bên cạnh khăn mặt, bất kỳ dụng cụ nào sử dụng trên mặt như khẩu trang, thuốc nhỏ mắt, mỹ phẩm, kính mắt, kính áp tròng, hộp đựng kính,… cũng không được dùng chung với người bệnh. Những dụng cụ này dùng thường xuyên nên rất dễ bị nhiễm khuẩn và khiến bệnh lây lan nhanh.

Không sử dụng lại sản phẩm nhỏ mắt cũ

Người bị đau mắt đó hay người bình thường đều không nên sử dụng lại những sản phẩm nhỏ mắt cũ bởi sản phẩm có thể đã bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng cùng 1 chai thuốc nhỏ mắt cho cả 2 mắt.

>>> Xem thêm: Bệnh truyền nhiễm là gì? Danh sách các bệnh truyền nhiễm thường gặp

Phòng ngừa viêm kết mạc
Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước ấm để phòng ngừa đau mắt đỏ (Nguồn: Internet)

Câu hỏi thường gặp

Viêm kết mạc có nguy hiểm không?

Kết mạc mắt bị viêm là bệnh lý thường gặp. Bệnh không quá nguy hiểm. Thế nhưng, một số trường hợp người bệnh chủ quan, không điều trị có thể dẫn đến những triệu chứng nặng, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Viêm kết mạc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng và thời gian phát bệnh phụ thuộc rất nhiều vào cơ địa mỗi người cũng như phương pháp điều trị. Hy vọng, những kiến thức đã được chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn chủ động điều trị và phòng ngừa đau mắt đỏ hiệu quả. Để cập nhật những kiến thức mới về y học, bạn hãy truy cập Tin tức y tế. Bạn cũng đừng quên liên hệ đến số HOTLINE để được tư vấn miễn phí các vấn đề liên quan đến sức khỏe hoặc đặt lịch TẠI ĐÂY để được thăm khám tại hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.