Tin tức y tế

Vị thuốc kim ngân hoa có tác dụng gì?

28/07/2023

Hoa của cây kim ngân – một vị thuốc mang lại nhiều lợi ích đối với cơ thể. Không chỉ là một loài hoa đẹp được nhiều người yêu thích mà kim ngân hoa còn có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu kỹ hơn về loại dược liệu này thông qua bài viết dưới đây nhé!

Cây kim ngân hoa là thảo dược gì? Thành phần có trong cây kim ngân hoa

Hoa này còn có tên gọi khác là Nhị bảo hoa, đây một loại dược liệu được Đông y coi như “vương dược giải độc”. Nó được biết đến với tên gọi “kim ngân” do khả năng tăng trưởng và có quá trình thu hái phức tạp.

Trong hoa của cây kim ngân có nhiều thành phần dược liệu như:

  • Tinh dầu: Eugenol, α – terpineol, α – pinen, linalool,…
  • Flavonoid: Luteolin-7-glucoside, lonicerin, luteolin,…
Một số thành phần có trong loại hoa này
Một số thành phần có trong loại hoa này (Nguồn: Internet)

Tác dụng của cây kim ngân hoa

Một số lợi ích cụ thể mà loại hoa này mang đến cho sức khỏe như:

  • Kháng khuẩn: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước sắc từ hoa này có khả năng kháng khuẩn đối với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn và trùng lỵ Shiga
  • Chống virus, kháng viêm
  • Giải nhiệt, tăng hiệu quả của bạch cầu
  • Kích thích sự phấn khích của trung khu thần kinh
  • Chống lao
  • Tốt cho đường huyết
  • Cải thiện quá trình chuyển hóa lipid, có lợi cho mắt, giảm Cholesterol máu
  • Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tập trung các tế bào và lympho, hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch để đối phó với những tác nhân gây bệnh trong khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Một số công dụng thường gặp của loại hoa này
Một số công dụng thường gặp của loại hoa này (Nguồn: Internet)

Một số bệnh thường sử dụng kim ngân hoa để điều trị

Một số chứng bệnh có thể sử dụng kim ngân để điều trị bao gồm:

  • Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa dị ứng: Sử dụng một hỗn hợp gồm hoa kim ngân, kinh giới và ké đầu ngựa, mỗi dược liệu lấy 6g. Hãm hoặc sắc, mỗi ngày dùng một liều.
  • Điều trị cảm mạo phong nhiệt và dị ứng: Chuẩn bị 8g mỗi phần: hoa kim ngân và cỏ tranh. Thêm bạc hà, cát cánh và ngưu bàng tử mỗi thành phần lấy 5g, và 4g các loại: đạm trúc diệp, kinh giới, đạm đậu xị. Sử dụng dưới dạng thuốc tán, ngày dùng hai lần, mỗi lần 12g.
  • Điều trị Sốt xuất huyết: Chuẩn bị 20g mỗi loại: hoa kim ngân, rễ cỏ tranh. Thêm hoa hòe, cỏ nhọ nồi, mỗi loại lấy 16g. Liên kiều và hoàng cầm mỗi loại lấy 12g và 8g chi tử. Sắc hỗn hợp và uống mỗi ngày một thang.
  • Điều trị viêm gan virus: Chuẩn bị 16g mỗi loại hoa kim ngân và xa tiền. Thêm 20g nhân trần và 12g mỗi loại: hoàng cầm, đại phúc bì, hoạt thạch, mộc thông. Cuối cùng, phục linh, đậu khấu và trư linh mỗi loại lấy 8g, cam thảo lấy 4g. Sau đó sắc uống.

*Trên đây là liều dùng mà người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp mà Bác sĩ có thể đưa ra liều dùng khác nhau. Do đó, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của các Bác sĩ chuyên môn.

Những bệnh có thể điều trị bằng loại hoa này
Những bệnh có thể điều trị bằng loại hoa này (Nguồn: Internet)

Liều dùng của cây kim ngân hoa

Tùy thuộc vào từng bệnh nhân và tình trạng sức khỏe cụ thể mà liệu lượng sẽ được thay đổi cho phù hợp. Bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên môn vì họ sẽ có kiến thức và kinh nghiệm để xác định liều lượng phù hợp dựa trên thông tin về độ tuổi, tình trạng sức khỏe và các yếu tố khác của bệnh nhân.

Dưới đây là một số liều dùng tham khảo cho một số chứng bệnh cụ thể:

  • Tiêu chảy: Uống khoảng 2-5g hoa kim ngân hoặc 10-12g cành lá của hoa này dưới dạng thuốc sắc hoặc cao. Giảm dần liều lượng hàng ngày khi tiêu chảy thuyên giảm và dừng uống khi hoàn toàn hồi phục.
  • Tiểu buốt: Sắc 6g hoa kim ngân và 3g cam thảo trong 200ml nước cho đến khi nước còn lại 1 nửa. Chia thuốc thành 2 hoặc 3 lần uống, sử dụng mỗi ngày.
  • Sởi: Dùng 30g hoa kim ngân và 30g cỏ ban tươi, giã nhỏ và pha loãng với nước, lọc để lấy nước uống. Bạn cũng có thể phơi khô và sắc uống.
  • Đau họng và quai bị: Sắc uống hỗn hợp gồm 16g hoa kim ngân, 18g đậu xị, 12g ngưu bàng tử, 4g bạc hà, 8g cát cánh, 12g trúc diệp, 8g tinh giới tuệ, 4g cam thảo và 12g liên kiều.
  • Phát bối và nhọt độc: Tán 160g hoa kim ngân và 40g cam thảo thành bột. Dùng mỗi lần 16g, sắc với 1 chén rượu và 1 chén nước cho đến khi nước còn lại khoảng 1 chén, lọc bỏ cặn, uống nóng.
  • Sữa không xuống và viêm vú sưng đau: Sắc 10g hoa kim ngân, 10g đương quy, 10g hoàng kỳ (nướng mật) và 10g cam thảo. Thêm vào đó nửa chén rượu và uống.
  • Dự phòng viêm não: Sắc uống hỗn hợp gồm 20g hoa kim ngân, 20g bồ công anh và 20g hạ khô thảo.
  • Tăng tuổi thọ: Uống nước từ sắc từ loại hoa này hàng ngày có thể giúp tăng tuổi thọ do cây này có vị ngọt, tính hàn, không độc tố và có tác dụng thanh nhiệt và giải độc.

*Trên đây là liều dùng mà người bệnh có thể tham khảo. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp mà Bác sĩ có thể đưa ra liều dùng khác nhau. Do đó, trước khi sử dụng hãy tham khảo ý kiến của các Bác sĩ chuyên môn.

Dựa trên tình trạng bệnh cụ thể để sử dụng liều lượng phù hợp
Dựa trên tình trạng bệnh cụ thể để sử dụng liều lượng phù hợp (Nguồn: Internet)

Một số tác dụng phụ của cây kim ngân hoa

Tiếp xúc trực tiếp với cây kim ngân có thể gây hiện tượng Dị ứng hoặc phát ban da, đặc biệt đối với những người có dị ứng với cây này. Vì vậy, hãy cân nhắc và thận trọng trước khi sử dụng loại dược liệu này.

Loại hoa này có thể gây dị ứng da
Loại hoa này có thể gây Dị ứng da (Nguồn: Internet)

Một vài lưu ý quan trọng trước khi sử dụng kim ngân hoa 

Lá kim ngân chứa saponin – một loại độc tố, nhưng cơ thể con người khó hấp thu chất này nên hầu như chúng không gây hại. Saponin cũng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm phổ biến như đậu. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, hãy đảm bảo nấu chín kỹ lá kim ngân, sau đó rửa sạch nước đầu và tiếp tục nấu một lần nữa để loại bỏ saponin.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng mà bạn cần lưu ý
Lưu ý quan trọng khi sử dụng mà bạn cần lưu ý (Nguồn: Internet)

Bài viết trên đã tổng hợp công dụng cũng như những điều cần lưu ý trước khi sử dụng kim ngân hoa. Hy vọng có thể mang lại những thông tin hữu ích cho quý độc giả. Để cập nhật các thông tin về sức khỏe mới nhất, bạn có thể theo dõi các Tin tức y tế hoặc liên hệ ngay với chúng tôi qua số HOTLINE đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí tại Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.

Câu hỏi liên quan: 

Tắm lá kim ngân có tác dụng gì? 

Nhờ tính kháng khuẩn, chống viêm và tiêu độc có trong hoạt chất của lá cây kim ngân, nhiều người đã dùng loại dược liệu này để điều trị mẩn ngứa và mụn nhọt. Việc tắm bằng lá kim ngân cũng có tác dụng phòng ngừa các bệnh da thông thường ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như mẩn ngứa, rôm sảy, viêm da cơ địa,…

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.