Tin tức y tế

Kích hoạt báo động đỏ cứu sống cậu bé 12 tuổi bị cuốn vào gầm xe bồn

31/05/2023

Sau khi va chạm với xe bồn trộn bê tông, cậu bé 12 tuổi bị cuốn vào gầm xe, tính mạng rơi vào nguy hiểm nhưng may mắn là em đã được cứu chữa kịp thời nhờ quy trình báo động đỏ.

9 giờ sáng 19/8, em N.H.Q (12 tuổi, ngụ tại TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức với tình trạng suy hô hấp tuần hoàn, đa chấn thương và cánh tay trái đã bị xe bồn cán dập nát. Dù đau đớn, em vẫn cố gắng tỉnh táo, cung cấp cho nhân viên y tế số điện thoại của mẹ mình rồi sau đó… ngất lịm.

Theo lời kể của người thân em Q, vì chuẩn bị vào năm học mới nên em đạp xe đi cắt gọn lại tóc và không may xảy ra tai nạn. Sau khi va chạm với xe bồn trộn bê tông, Q bị cuốn vào gầm xe và cánh tay trái bị bánh xe cán lên. May mắn là lúc đó em được người đi đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ bước đầu x lý cánh tay b xe cán dp nát ca em Q

Các bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu cho biết, em Q nhập viện trong tình trạng sốc đa chấn thương, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tràn dịch, tràn khí 2 bên, vết thương ở tay trái phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không can thiệp cấp cứu kịp thời.

Nhận định đây là trường hợp nặng, người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã lập tức kích hoạt quy trình báo động đỏ, huy động bác sĩ can thiệp y tế nhanh nhất có thể.

Sau 2 phút kích hoạt quy trình báo động đỏ, em Q được chuyển vào phòng mổ, các bác sĩ chuyên khoa ngoại, hồi sức cấp cứu có mặt đầy đủ, các trang thiết bị y tế cũng được đưa vào phòng mổ, sẵn sàng cho việc vừa hồi sức vừa phẫu thuật.

Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện hồi sức tích cực tim phổi, mở màng phổi, dẫn lưu khí cho em Q để xử lý tình trạng tràn dịch, tràn khí. Sau khi tiến hành chụp X quang và siêu âm tại giường, dẫn lưu máu, truyền máu, đặt nội khí quản, cho người bệnh thở máy. Ngay khi tình trạng của em Q ổn định, các bác sĩ bắt đầu thực hiện phẫu thuật nối động mạch cánh tay.

Các bác sĩ dùng tĩnh mạch ở chân làm cầu nối thay thế đoạn động mạch cánh tay bị mất đoạn

ThS.BSNT Phan Văn Thắng, bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp – một trong những bác sĩ trực tiếp tham gia thực hiện phẫu thuật cho em Q cho biết: “Động mạch cánh tay của người bệnh bị dập nát đoạn dài nên không thể khâu nối bình thường, tĩnh mạch đi kèm cũng tổn thương nặng và có nguy cơ phải cắt cụt rất cao. Không chỉ vậy, quá trình đánh giá tổn thương gặp khó khăn do người bệnh sốc nặng và áp lực thời gian phải tái tưới máu tay trước 6 giờ”.

Cũng theo bác sĩ Thắng, đối với tình trạng mất đoạn động mạch quá dài không thể nối lại thì phương pháp dùng tĩnh mạch ở chân làm cầu nối thay thế là lựa chọn phù hợp nhất. Kỹ thuật này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm và kỹ năng phẫu thuật mạch máu tốt, lấy được và xử lý mảnh ghép tĩnh mạch nhanh, an toàn trong bối cảnh Huyết áp thấp khó tìm tĩnh mạch, bên cạnh đó phải phẫu thuật nhanh để kịp tái tưới máu cánh tay trước 6 giờ.

ThS.BSNT Phan Văn Thng cn thn x lý mnh ghép tĩnh mch

Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng đồ và đã thành công tốt đẹp.

 “Sau khi tái tưới máu tay trong vòng dưới 5 giờ, bàn tay trái của em Q đã hồng ấm, cơ vùng cẳng bàn tay phản xạ tốt, mạch tay trái bắt rõ, tiên lượng có thể bảo tồn tay trái cho người bệnh. Nhưng trong bối cảnh đa chấn thương nặng, em Q vẫn cần được theo dõi sát” – ThS.BSNT Phan Văn Thắng chia sẻ ngay sau ca phẫu thuật.

BSCKII. Phan Hoàng Nguyên – Giám đốc Y khoa, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết: “Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà trước đó, Bệnh viện đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp nặng nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ. Nhờ vậy, các nhân viên y tế của Bệnh viện đã có kinh nghiệm, thuần thục trong việc xử lý các tình huống khẩn cấp”.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, đối với quy trình cấp cứu truyền thống, để tiến hành một cuộc phẫu thuật, người bệnh phải mất khá nhiều thời gian để đi từ các bước như khám bệnh, làm các xét nghiệm cận lâm sàng,… Trong khi “cứu người như cứu hỏa”, việc tiêu tốn nhiều thời gian đôi khi sẽ làm lỡ “thời gian vàng” trong điều trị. Quy trình báo động đỏ ra đời như một bước ngoặt trong cấp cứu, giúp tăng cơ hội cứu chữa thành công cho nhiều người bệnh.

Sau hơn một tuần được theo dõi tại phòng Hồi sức, nhờ sự nỗ lực, tận tâm của nhân viên y tế Bệnh viện, đặc biệt là nhờ vào nghị lực, sự kiên cường của chính bản thân mình mà cậu bé 12 tuổi đã hồi tỉnh và đang hồi phục rất tốt. Hiện tại, em Q đã tỉnh táo, giao tiếp tốt với mọi người, cánh tay trái cũng đã có cảm giác.

“Con thấy khỏe hơn nhiều rồi, buổi tối con chỉ có hơi khó ngủ vì ngứa lưng thôi à! Mấy cô, mấy bác ở đây chăm cho con ăn, cho con uống, thỉnh thoảng còn cho con kẹo nữa!” – Cậu bé 12 tuổi lạc quan kể lại.

Giờ đây, thay cho đôi mắt sưng húp, đỏ hoe vì khóc và lo lắng, niềm vui và hy vọng đã dần hiện lên trên gương mặt của ba mẹ em Q khi thấy con mình hồi phục từng ngày.

 “Nhờ được các bác sĩ và điều dưỡng ở đây cứu chữa và chăm sóc tận tình mà con tôi đã có thể hồi phục. Giờ con tôi đã có thể ăn uống lại bình thường được rồi. Lúc mới xảy ra tai nạn gia đình tôi rối lắm, cũng gặp một số khó khăn, nhưng hiện tại đã ổn hơn rồi. Giờ chỉ mong sao con sẽ thật nhanh khỏe mạnh lại như trước” – Anh N.V.Đ, ba của em Q xúc động chia sẻ.

Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cho biết, sau khi tình trạng của em Q hồi phục ổn định, em sẽ được chuyển về khoa Ngoại để tiếp tục điều trị.

Bằng nghị lực và sự lạc quan của mình cùng sự chăm sóc tận tình của nhân viên y tế, em Q đã hồi phục rất tốt

Quy trình báo động đỏ nội viện được kích hoạt khi người bệnh vào viện trong tình trạng nguy kịch hoặc đang điều trị tại Khoa/Phòng đột ngột rơi vào tình trạng nguy kịch và cần phải ca thiệp phẫu thuật/thủ thuật khẩn cấp.

Một khi đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, các nhân viên y tế liên quan từ các bác sĩ, kỹ thuật viên cho đến các nhân viên chăm sóc khách hàng, bảo vệ,… đều được điều động bất kể ngày hay đêm, huy động mọi nguồn lực để cứu chữa cho người bệnh. Kể từ khi có báo động đỏ, phòng phẫu thuật sẽ được chuẩn bị sẵn sàng trong 15 phút, các bác sĩ và nhân viên y tế liên quan phải có mặt trong vòng 5 phút để hội chẩn nhanh, thống nhất chẩn đoán và phương án xử lý.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.