Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải

Huyết thanh kháng dại là gì và sử dụng như thế nào?

12/01/2024

Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết cào hoặc liếm của động vật bị dại lên vùng da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

1. Huyết thanh kháng dại là gì?

Hiện nay, tại Việt Nam chủ yếu chỉ có huyết thanh kháng dại SAR do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang sản xuất. Huyết thanh SAR có chứa kháng thể kháng virus dại tinh chế, có nguồn gốc từ ngựa. Mỗi lọ 5ml có chứa 1000 đvqt (IU) huyết thanh, dạng dung dịch. SAR có tác dụng tạo miễn dịch thụ động, làm trung hòa và làm chậm sự lan tỏa của virus dại. SAR được dùng cho các đối tượng bị phơi nhiễm với virus dại (Tiếp xúc với súc vật đã xác định hoặc nghi ngờ bị dại).

2. Huyết thanh kháng dại SAR sử dụng như thế nào?

Huyết thanh SAR được chỉ định tiêm bắp với liều tiêm 40 đvqt (IU)/kg trọng lượng cơ thể. Chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại 1 lần, thường vào ngày đầu khi bị cắn cùng với tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên nếu không tiêm SAR được ngày đầu, có thể tiêm bất cứ ngày nào cho đến ngày thứ 7 sau khi tiêm liều vắc-xin đầu tiên.

3. Chỉ định và chống chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại SAR

3.1. Chỉ định

Huyết thanh kháng dại tinh chế được sử dụng phối hợp với vắc xin dại để điều trị dự phòng bệnh dại trong những trường hợp do động vật nghi dại gây ra như:

  • Cắn hoặc cào làm rách da ở vùng gần thần kinh trung ương như: đầu, mặt, cổ, lưng, ngực hay vùng nhiều đầu dây thần kinh như: đầu ngón tay, ngón chân và bộ phận sinh dục.
  • Bị nước bọt súc vật nghi dại dính vào niêm mạc (như mắt, miệng, niêm mạc, bộ phận sinh dục) và vùng da bị tổn thương.
  • Bị cắn nhiều vết thương sâu trên cơ thể.

3.2. Chống chỉ định

Cân nhắc lợi hại với các đối tượng:

  • Những người bệnh có cơ địa dị ứng.
  • Bệnh nhân có tiền sử Dị ứng với kháng huyết thanh nguồn gốc ngựa.
  • Bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

4. Tác dụng không mong muốn của huyết thanh kháng dại SAR

Một số tác dụng không mong muốn đối với người bệnh dại sau khi tiêm loại huyết thanh này gồm:

  • Tại chỗ: tổn thương loét hay căng cứng cơ có thể xảy ra ở vị trí tiêm. Phản ứng có thể tự khỏi trong vòng 3 ngày.
  • Toàn thân: có thể sẽ Sốt nhẹ, nổi mề đay, ban đỏ, phù nề, đau khớp và mệt mỏi.
  • Hiếm gặp: choáng, sốc phản vệ, viêm khớp, viêm thận.
  • Biểu hiện phản ứng Dị ứng có thể xảy ra ngay tức thời sau khi tiêm huyết thanh, sau vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí sau 10 ngày.
  • Ghi nhận hội chứng thận hư có thể xảy ra, nhưng chưa có đủ cơ sở khẳng định là do huyết thanh kháng dại.

Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải hiện đã và đang triển khai tiêm ngừa huyết thanh kháng dại SAR. Để được tư vấn miễn phí và đặt lịch khám, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải (Địa chỉ: Số 9, Lạc Long Quân, Khóm 5, Phường 7, Thành phố Cà Mau) qua tổng đài chăm sóc khách hàng 0290 357 58 59.