Tin tức y tế

Hội thảo cấp cứu ngoại viện -cấp cứu chấn thương, giúp mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân

08/07/2022

Hôm 8 tháng 7 năm 2022, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức tổ chức đã Hội thảo chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện – Cấp cứu chấn thương” với nhiều chia sẻ hữu ích về dịch vụ y tế khẩn cấp, giúp nâng cao khả năng và cơ hội sống, đồng thời giảm tỉ lệ thương tật và di chứng cho người bệnh cấp cứu.

Chia sẻ về mục đích tổ chức Hội thảo này, TS.BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức nói: “Thực tế cho thấy, việc tổ chức và vận hành dịch vụ cấp cứu hiệu quả không chỉ yêu cầu trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị và cơ sở vật chất đầy đủ mà còn đòi hỏi có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm cả quy trình và quy chế phối hợp. Sự trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm và thảo luận đào sâu nghiên cứu là hết sức cần thiết. Chính vì mục đích đó, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức vinh dự tổ chức Hội thảo chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện – Cấp cứu chấn thương”.

Theo TS.BS Nguyễn Tuấn, không chỉ thiết lập Khoa Hồi sức Cấp cứu với đầy đủ nhân lực, vật lực và quy trình tổ chức chặt chẽ, Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức cũng đã tự nguyện tham gia vào mạng lưới cấp cứu ngoại viện TP. Hồ Chí Minh và trở thành Trạm vệ tinh cấp cứu 115 thứ 37 của thành phố.

Hội thảo chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện – Cấp cứu chấn thương” do Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức tổ chức là hoạt động học thuật ý nghĩa, mang đến những kiến thức y khoa cập nhật, có tính ứng dụng cao, có khả năng ứng dụng vào thực tế Bệnh viện, nâng cao chất lượng lâm sàng. Đây cũng là dịp để các chuyên gia đầu ngành đến tham dự, cập nhật những kiến thức mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực Cấp cứu ngoại viện và Cấp cứu chấn thương.

Hội thảo mang đến 5 đề tài hữu ích của 1 phiên thảo luận được chia sẻ bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Cấp cứu ngoại viện và Cấp cứu chấn thương. Tham dự báo cáo tại hội thảo, BSCKI. Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ về những bài học thực tiễn trong việc tổ chức Trung tâm cấp cứu 115 TP. Hồ Chí Minh, mô hình trung tâm cấp cứu cấp Tỉnh/Thành phố đầu tiên của cả nước, thực hiện công tác điều phối hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện, sơ cấp cứu tại cộng đồng và vận chuyển cấp cứu đến các cơ sở y tế phù hợp gần nhất. Mô hình Trung tâm cấp cứu 115 và mạng lưới trạm cấp cứu vệ tinh 115 của TP. Hồ Chí Minh là một trong những mô hình cấp cứu ngoại viện kiểu mẫu tại Việt Nam.

Trong đề tài “Đột quỹ não: những lưu ý để nhận biết sớm và xử trí đúng cách”, ThS.BS Hoàng Thị Tố Uyên – chuyên khoa Nội Thần kinh – Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã có những chia sẻ tổng quan về đột quỵ, từ định nghĩa, dấu hiệu nhận biết, phân loại đột quỵ cho đến cách xử trí đột quỵ,…Theo đó, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 với mỗi năm có 750.000 người mới mắc, trong đó, có đến 90% bị di chứng và hầu hết tử vong xảy ra trong vòng 30 ngày đầu. Hiện, các dấu hiệu của đột quỵ rất đa dạng và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên trong trường hợp không loại trừ được đột quỵ, TS.BS Tố Uyên khuyên rằng “hãy xử trí như một tình huống đột quỵ” bởi xử trí đột quỵ đúng cách sẽ nâng cao khả năng cứu sống người bệnh. “Mỗi phút kéo dài điều trị là 1,9 triệu tế bào não bị mất” và “một người bệnh đáng lẽ được cứu nhưng lại chết hoặc tàn phế bởi vì họ được đưa vào điều trị tại bệnh viện không phù hợp”, TS.BS Tố Uyên nhấn mạnh.

Ở lĩnh vực Cấp cứu chấn thương, BSCKI. Đặng Văn Đạt – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đề cập đến tình trạng tai nạn giao thông, tai nạn lao động thường gặp hằng ngày qua đề tài “Hiệu quả bảy bước sơ cứu nạn nhân tai nạn thương tích”. Theo nghiên cứu, người bị tai nạn giao thông nếu được sơ cấp cứu kịp thời, sẽ tăng 50% cơ hội sống. Tuy nhiên, những cách sơ cứu không đúng làm gia tăng tỉ lệ thương tích cho người bệnh, làm tổn thương nặng nề hơn đôi khi đe dọa tính mạng. Cụ thể, không ít trường hợp nạn nhân bị tổn thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ, nhưng người xung quanh lại bế xốc nạn nhân lên đưa đi cấp cứu khiến nạn nhân bị gãy cột sống cổ hoặc gãy khung chậu, dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí tử vong.

Thông qua bài báo cáo, BSCKI. Đặng Văn Đạt đã có những hướng dẫn cụ thể về các bước sơ cứu nạn nhân tai nạn thương tích. Đồng thời, đưa ra những hình ảnh trực quan về các cách sơ cứu không đúng, ảnh hưởng đến nạn nhân. Từ đó, khuyến khích người tham gia giao thông khi gặp các trường hợp tai nạn thương tích có thể sơ cứu đúng cách nhằm hạn chế tổn thương thêm cho nạn nhân.

Những đề tài khác trong Hội thảo như “Các mô hình cấp cứu tim mạch trước viện trên thế giới. Đâu là mô hình phù hợp cho Việt Nam?” do TTUT.TS.BS
Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115  trình bày và đề tài “Những bài học kinh nghiệm trong vận hành khoa Hồi sức Cấp cứu có biên chế đội cấp cứu ngoại viện tại Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức” do BSCKII. Lã Thị Thanh Ngân – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức trình bày cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Qua hơn 4 giờ chia sẻ, thảo luận sôi nổi, Hội thảo chuyên đề “Cấp cứu ngoại viện – Cấp cứu chấn thương” đã kết thúc thành công với nhiều kiến thức mới cùng nhiều kinh nghiệm để giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực trong công tác tác cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.