Tin tức y tế

Bệnh nấm miệng

01/08/2023

Candida là tên một loại nấm men thường sinh sống trên da hoặc bên trong cơ thể, đặc biệt ở miệng, cổ họng, ruột hay âm đạo. 

Nhiễm nấm Candida là tình trạng nhiễm trùng, tuỳ vào vị trí nhiễm nấm mà sẽ có tên gọi khác nhau. Khi nấm xuất hiện ở miệng hay cổ họng thì gọi là tưa lưỡi hoặc nấm miệng, ở âm đạo gọi là viêm âm đạo do nấm, ở thực quản sẽ gọi là bệnh nấm thực quản. 

Nấm Candida dưới kính hiển vi (Nguồn: Internet)

Triệu chứng bệnh lý bệnh nấm miệng

Khi nhiễm nấm ở miệng hay cổ họng, người bệnh sẽ gặp những dấu hiệu bệnh lý sau:

  • Gặp khó khăn trong ăn uống, khi nuốt. 
  • Xuất hiện mảng trắng, cộm lên ở má trong, vòm miệng, lưỡi, cổ họng. 
  • Viền nướu và lưỡi bị sưng đỏ, đau rát, ngứa. 
  • Vị giác thay đổi hoặc có thể mất vị giác. 
  • Khoé miệng có những vùng da bị nứt nẻ, đỏ, hoặc bị rỉ máu. 
  • Đối với trẻ nhỏ, thông thường được gọi là bị tưa lưỡi, các triệu chứng bệnh sẽ khiến trẻ bú kém, khó ăn uống. Nấm Candida cũng có thể truyền từ miệng trẻ qua vú người mẹ khi trẻ bú sữa, khiến đầu vú bị đỏ rát, viêm, nứt và gây đau đớn. 
  • Nếu nấm Candida xâm nhập vào máu có thể gây biến chứng Sốt cao, sốc hay suy đa tạng. 

Nguyên nhân gây bệnh

Trên thực tế, nấm Candida luôn tồn tại bên trong cơ thể người và chỉ phát triển mạnh mẽ khi gặp môi trường phù hợp. Những yếu tố tác động đến điều này là hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu hay do các loại thuốc kháng sinh gây mất cân bằng tự nhiên của các loại vi khuẩn. Việc sử dụng các loại thuốc điều trị Ung thư hay thuốc corticosteroid,… cũng là nguyên nhân gây nhiễm nấm Candida. 

Bên cạnh đó, các vấn đề bệnh lý như bệnh đái tháo đường hay bệnh về răng miệng cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida. Hay khi người mẹ bị Nhiễm nấm âm đạo trong quá trình mang thai cũng có thể truyền nấm sang cho con trong khi sinh. 

Chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm Candida

Với các dấu hiệu lâm sàng, Bác sĩ đã có thể chẩn đoán được người bệnh có bị nhiễm nấm Candida ở miệng, cổ họng hay không.

Ngoài ra, để chẩn đoán xác định thì người bệnh có thể được chỉ định lấy mẫu nấm để soi và nuôi cấy, sinh thiết,…

Đối với nhiễm nấm Candida ở miệng, cổ họng thì người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm. Nếu được phát hiện kịp thời, điều trị đúng, bệnh nấm Candida sẽ hết sau vài tuần. 

Phòng ngừa nhiễm nấm Candida ở miệng và cổ họng

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. 
  • Nên súc miệng nước muối sau mỗi bữa ăn. 
  • Không lạm dụng các sản phẩm răng miệng như kháng khuẩn, thơm miệng,… tránh làm mất sự cân bằng hệ vi sinh. 
  • Khám răng miệng định kỳ, đi khám ngay khi có những dấu hiệu bệnh lý xuất hiện. 
  • Vệ sinh đồ dùng sạch sẽ nếu cho trẻ bú bình. 
  • Thường xuyên ăn sữa chua, dùng sữa chua uống,… để bổ sung lợi khuẩn. 

Bệnh nấm miệng Candida tuy có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hay người lớn tuổi. Vì vậy, đây là những đối tượng cần được chú ý hơn về các vấn đề bệnh lý. Khi có dấu hiệu bệnh, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị phù hợp. 

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.