Chuối không chỉ là loại trái cây phổ biến tại nước ta. Chuối cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào. Vậy tại sao chuối là loại thực phẩm bổ dưỡng, ăn chuối có tác dụng gì? Với bài viết dưới đây, Hoàn Mỹ sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về những lợi ích khi ăn chuối thường xuyên.
Thành phần dinh dưỡng có trong chuối
Để làm rõ thắc mắc ăn chuối có tác dụng gì, bạn cần biết thành phần dinh dưỡng có trong chuối. Trung bình một quả chuối chín với kích cỡ 118g cung cấp cho cơ thể khoảng 105 calo. Theo USDA, thành phần dinh dưỡng có trong một 118g chuối chín vừa bao gồm:
- Calo : 105
- Carbohydrate : 27g
- Đường : 14,4g
- Chất xơ : 3,1g
- Protein: 1,5g
- Chất béo : 0,4g
- Kali : 422mg
- Magie : 31,9mg
- Vitamin C : 10,3mg
- Chất đạm : 1,3g
- Natri : 1,2 mg.
Tinh bột
Có 27g carbohydrate trong mỗi quả chuối có kích thước trung bình, trong đó chứa 3g chất xơ và 14g đường tự nhiên. Khi chuối chín, một số tinh bột kháng sẽ chuyển thành đường. Lượng đường có trong chuối chín sẽ cao hơn lượng đường có trong chuối xanh.
Chất béo, chất đạm
Chuối có tỉ lệ chất béo thấp, khoảng 0,5g/1 quả chuối. Lượng protein có trong một quả chuối cũng khá thấp, dưới 1,5g/ 1 quả chuối.
Vitamin và các khoáng chất
Một quả chuối 118g cung cấp cho cơ thể 422 mg kali, lượng này tương đương 9% giá trị hàng ngày do USDA quy định. Ngoài kali, trong chuối cũng chứa một số loại vitamin C, folate, magie và choline.
Lợi ích của chuối mang lại cho sức khỏe
Chuối là loại thực phẩm bổ dưỡng, thậm chí có thể mang danh hiệu siêu thực phẩm, được Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ xác nhận là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Vậy ăn chuối có tác dụng gì? Nội dung dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về vấn đề trên. Những lợi ích mà chuối mang lại cho sức khỏe bao gồm:
Giúp kiểm soát lượng đường huyết
Chuối là loại trái cây giàu pectin và tinh bột kháng, đặc biệt là chuối xanh. Cả pectin và tinh bột kháng đều đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm lượng đường trong máu. Trong đó:
- Pectin là chất xơ tan trong nước và có cấu trúc xốp. Pectin có thể làm chậm hoạt động của các enzym phân hủy tinh bột và đường trong cơ thể, từ đó hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết.
- Tinh bột kháng trong chuối chưa chín hoạt động tương tự chất xơ hòa tan và không tiêu hóa tại ruột non. Thay vào đó, tinh bột kháng được hấp thụ chậm và không làm tăng đột ngột lượng đường trong máu.
Mặc dù ăn chuối xanh có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết trong máu. Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường nên hạn chế ăn chuối chín. Vì lượng tinh bột kháng trong chuối chín thấp hơn rất nhiều so với chiếu chưa chín. Thay vào đó, chuối chín chứa hàm lượng đường cao, khi ăn nhiều chuối chín sẽ dẫn tới lượng đường trong máu tăng lên đột ngột.
Hỗ trợ cải thiện đường tiêu hóa
Chuối có mặt trong chế độ ăn kiêng BRAT (Bananas, Rice, Applesauce, Toast) được kê đơn cho bệnh nhân bị tiêu chảy hoặc người cần chế độ ăn nhạt, dễ tiêu hóa sau khi bị bệnh dạ dày. Vậy ăn chuối có tác dụng gì trong trường hợp này? Ăn chuối giúp bổ sung chất điện giải như kali bị mất khi tiêu chảy, nôn mửa.
Chuối chưa chín chứa tinh bột kháng – dạng tinh bột không tiêu hóa tại ruột non. Nó cũng đóng vai trò là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Khi tinh bột kháng đi vào ruột già, nó sẽ được vi khuẩn phân hủy và lên men tạo thành axit béo chuỗi ngắn (SCFA) có vai trò ngăn ngừa chứng rối loạn tiêu hóa.
Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn chuối có lợi cho tim mạch. Chuối là nguồn cung cấp kali tuyệt vời. Kali là một chất khoáng và chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong cơ thể và mang điện tích nhỏ. Những điện tích này giúp tế bào thần kinh gửi tín hiệu cho tim và giúp giữ ổn định nhịp tim.
Ngoài ra, kali cũng cần thiết để duy trì sự cân bằng giữa nước trong tế bào và bù đắp tác động do chế độ ăn dư thừa natri gây ra. Sự mất cân bằng trong chế độ ăn quá ít kali và dư thừa natri sẽ dẫn tới cao huyết áp. Natri dư thừa cũng dẫn tới tích tụ chất lỏng trong máu, gây áp lực lên thành mạch máu và tạo ra tổn thương. Bổ sung kali giúp loại bỏ lượng natri thừa và làm giảm căng thẳng thành mạch máu.
Chuối là thực phẩm giàu kali, giàu chất xơ và chứa ít natri. Vì vậy nó là thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống lạnh mạch cho tim như DASH (phương pháp ăn kiêng giúp ngăn chặn chứng cao huyết áp). Áp dụng DASH, cơ thể sẽ được cung cấp 4.700mg kali từ chế độ ăn hàng ngày.
Giúp giảm cân hiệu quả
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào trực tiếp chỉ ra tác động của chuối đối với giảm cân. Xong, chuối có đặc tính thân thiện với người có nhu cầu giảm cân và chuối được sử dụng phổ biến trong thực đơn giảm cân.
Chuối hỗ trợ chu trình giảm cân bởi hàm lượng calo trong chuối thấp hơn những thực phẩm khác. Lượng calo có trong một quả chuối chín rơi vào khoảng 100 calo. Đồng thời, ăn chuối vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng mà cơ thể cần. Lượng chất xơ trong chuối cũng là thành phần quan trọng hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Bên cạnh đó, chuối chưa chín chứa nhiều kháng tinh bột, khiến bạn cảm thấy chóng no hơn và làm hãm cơn thèm ăn của bạn. Do đó, ăn chuối sẽ góp phần giảm cân hiệu quả và an toàn.
Chống oxy hóa mạnh
Một chất chống oxy hòa tan trong nước đã được xác định có trong chuối, đó là dopamin. Dopamine là một trong những catecholamine. Dopamine có khả năng chống oxy hóa cao hơn glutathione và có hiệu lực tương tự như các chất chống oxy hóa mạnh như gallocatechin gallate và axit ascorbic. Chuối có hàm lượng dopamine cao ở cả vỏ và cùi với mức độ dopamin dao động từ 80 – 560 mg / 100g ở vỏ và 2,5 – 10 mg ở cùi. Lượng dopamin này cũng tồn tại trong chuối chín. Do đó, chuối là một trong những loại thực phẩm chống oxy hóa.
Tăng độ nhạy insulin
Insulin là một loại hormone được tạo ra để kiểm soát lượng glucose trong máu. Ở một số người, đặc biệt là những người thừa cân, béo phì hoặc lười vận động, insulin không hoạt động hiệu quả. Tình trạng trên được gọi là kháng insulin. Kháng insulin có thể dẫn tới những bệnh lý nghiêm trọng hơn như tiểu đường tuýp 2.
Chuối xanh hoặc chuối chưa chín chứa ít đường và nhiều tinh bột kháng hơn chuối chín. Tinh bột kháng giúp cải thiện độ nhạy của insulin, phát huy hiệu quả chức năng của insulin. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hấp thụ 15 – 30g tinh bột kháng hàng ngày sẽ giúp tăng độ nhạy của insulin lên 33 – 50% trong vòng một tháng.
Chống thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng suy giảm về số lượng hồng cầu hoặc huyết sắc tố có trong máu. Thiếu máu dẫn tới các tình trạng mệt mỏi, cơ thể xanh xao và khó thở. Để cải thiện tình trạng thiếu máu, bổ sung sắt và vitamin B6 là phương án mang lại hiệu quả cao.
Chuối là nguồn cung sắt và vitamin 6 dồi dào. Ăn chuối hàng ngày tăng sản xuất huyết sắc tố trong máu và chống tình trạng thiếu máu. B6 có trong chuối sẽ hỗ trợ điều chỉnh hàm lượng đường trong máu. Do đó, người Thiếu máu nên ăn chuối hàng ngày.
Ăn chuối giúp cải thiện chức năng thận
Kali là chất điện giải đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và hỗ trợ chức năng của thận. Bổ sung kali từ chuối là nguồn bổ sung kali tự nhiên đơn giản và hiệu quả, từ đó giúp thận khỏe mạnh hơn. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người ăn chuối thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh thận thấp hơn 33 – 50%.
Hỗ trợ tập thể dục hiệu quả
Hàm lượng dinh dưỡng cao với số lượng khoáng chất dồi dào là lý do khiến chuối là thực phẩm hoàn hảo đối với vận động viên. Lượng carbohydrate (carbs) trong chuối dễ dàng được hấp thụ và chuyển thành năng lượng cho quá trình luyện tập. Kali được bổ sung sẽ giúp người tập cân bằng lượng nước và natri trong người, tránh tình trạng mất nước.
Ngoài ra, ăn chuối sẽ giúp người tập giảm nguy cơ bị Chuột rút cơ bắp đến 95%. Vì vậy, bạn nên ăn chuối trước và sau khi tập thể thao để bổ sung năng lượng cho cơ thể và tăng hiệu quả tập luyện.
Ai không nên ăn chuối
Chuối là loại thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng và tương đối lành tính với hầu hết trường hợp. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong số những trường hợp sau đây, hãy hạn chế ăn chuối để đảm bảo sức khỏe và hiệu quả quá trình điều trị:
Người đang trong quá trình sử dụng thuốc chẹn beta
Loại thuốc này thường được kê nhằm mục đích giảm nguy cơ gây ra biến chứng về tim mạch. Thuốc chẹn beta có khả năng làm tăng nồng độ kali trong máu. Chuối là thực phẩm giàu kali, tiêu thụ quá nhiều chuối cũng sẽ làm tăng lượng kali nạp vào cơ thể. Ăn chuối trong khi đang dùng thuốc chẹn beta sẽ làm tăng đột ngột lượng kali, gây áp lực lên thận.
Người mắc vấn đề về thận
Nếu bạn mắc các vấn đề về thận nên hạn chế ăn chuối để giảm áp lực lên thận. Trong trường hợp, thận không thể lọc và loại bỏ lượng kali dư thừa khỏi máu sẽ dẫn tới biến chứng nguy hiểm tới cơ thể.
Người bị Dị ứng với chuối, dị ứng với nhựa mủ nói chung
Chuối có thể gây ra những phản ứng dị ứng, triệu chứng bao gồm: ngứa, nổi mề đay, sưng tấy, khó thở sau khi ăn chuối.
Một số lưu ý giúp bạn ăn chuối an toàn
Mặc dù ăn chuối mang lại nhiều lợi ích, xong ăn chuối quá nhiều sẽ không tốt. Dưới đây là những điều bạn cần chú ý khi ăn chuối để đảm bảo an toàn:
- Không nên ăn quá nhiều chuối mỗi ngày. Chuối chứa hàm lượng chất xơ cao. Khi ăn nhiều chuối có thể bị đầy hơi, chướng bụng hoặc táo bón nếu người đó không quen với khẩu phần ăn chứa nhiều chất xơ.
- Không nên ăn quá 2 quả chuối một ngày để tránh tình trạng tăng lượng kali đột ngột trong máu. Tăng lượng kali trong máu sẽ dẫn tới nhịp tim bất thường, buồn nôn,…
- Không nên ăn chuối khi bị táo bón. Việc này sẽ làm tình trạng táo bón trở nên nặng hơn.
- Nên ăn chuối chín vừa, hạn chế ăn loại chuối đã quá chín hoặc chuối để lâu. Bởi, hàm lượng đường trong chuối chín sẽ cao hơn trong chuối xanh. Ăn nhiều chuối quá chín có thể dẫn tới nguy cơ tăng lượng đường trong máu.
- Khi đói bụng, không nên ăn chuối. Ăn chuối trong khi đói bụng sẽ làm lượng magie tăng lên đột ngột trong máu. Điều này sẽ gây mất cân bằng tim mạch. Ngoài ra, lượng vitamin C dồi dào có trong chuối được nạp vào cơ thể lúc bạn đang đó sẽ khiến bạn bị đau dạ dày.
Một số câu hỏi thường gặp
Hầu hết các chuyên gia sức khỏe khuyên không nên ăn quá hai quả chuối mỗi ngày. Mỗi ngày ăn từ 1 – 2 quả chuối là phù hợp với hầu hết người khỏe mạnh. Bạn cũng nên cân bằng chế độ ăn của mình bằng cách bổ sung thêm các loại rau, quả và thực phẩm khác.
Thời điểm tốt nhất để ăn chuối là sau bữa trưa (cách 1 – 2h sau khi dùng bữa). Không nên ăn chuối khi đói bụng hoặc buổi tối, vì lượng kali, magie, vitamin C dồi dào trong chuỗi có thể gây ra ảnh hưởng xấu tới dạ dày.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về vấn đề ăn chuối có tác dụng gì mà nhiều người thắc mắc hiện nay. Chuối là loại trái cây giàu dinh dưỡng, bạn có thể bổ sung chuối vào thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá nhiều chuối trong một ngày để tránh những rắc rối có thể xảy ra. Thường xuyên truy cập Tin tức y tế để cập nhật thông tin sức khỏe hữu ích nhất. Liên hệ với chúng tôi qua HOTLINE để nhận tư vấn miễn phí và đặt lịch khám TẠI ĐÂY để được hỗ trợ bởi các bác sĩ tại hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.