Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Tác động của việc thay đổi lối sống lên sức khỏe tim mạch

17/04/2024
Tác động của việc thay đổi lối sống lên sức khỏe tim mạch

*Bài viết về tác động của việc thay đổi lối sống lên sức khoẻ tim mạch được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn từ BS.CKI. Đặng Danh Vũ – Đơn vị Tim mạch – Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.

Thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa nhiều loại bệnh lý, bao gồm cả bệnh tim mạch. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch có thể thay đổi và có thể bị ảnh hưởng thông qua việc điều chỉnh lối sống.

Bằng cách giải quyết những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, chúng ta có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Cải thiện lối sống không chỉ giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch mà còn có thể làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc hoặc nâng cao hiệu quả của chúng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy các biện pháp thay đổi lối sống là một phần quan trọng của quản lý và phòng ngừa bệnh tim mạch.

Tác động của chế độ ăn uống đến sức khỏe tim mạch

Một chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách giúp giảm mức lipoprotein mật độ thấp (LDL). LDL cao là yếu tố nguy cơ chính cho sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch.

Chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH là hai chế độ ăn kiêng được nghiên cứu kỹ lưỡng và đã chứng minh những lợi ích đáng kể đối với sức khoẻ tim mạch:

  • Chế độ ăn Địa Trung Hải: Chế độ ăn này tập trung vào thực phẩm từ thực vật như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt, với dầu ô liu là nguồn chất béo chính; khuyến khích ăn cá và gia cầm hơn là thịt đỏ. Các phân tích tổng hợp đã chỉ ra rằng việc tuân thủ chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm bệnh tim mạch vành, đột quỵ và tử vong nói chung. Chế độ ăn Địa Trung Hải đã được chứng minh là cải thiện cấu hình lipid bằng cách giảm mức Cholesterol LDL và tăng mức Cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL). Điều này cũng có tác dụng có lợi đối với huyết áp, chức năng nội mô, dấu hiệu viêm và độ nhạy insulin.
  • Chế độ ăn DASH: Chế độ ăn này nhấn mạnh đến trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, protein nạc và hạn chế lượng natri; đã được nghiên cứu rộng rãi về tác động đối với huyết áp. Thử nghiệm DASH ban đầu đã chứng minh rằng những người theo chế độ ăn DASH đã giảm huyết áp đáng kể, đặc biệt là những người bị tăng huyết áp. Các nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng chế độ ăn DASH cũng có thể cải thiện cấu hình lipid, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2.

Hoạt động thể chất và sức khỏe tim mạch

Hoạt động thể chất đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ tim mạch thông qua giảm huyết áp – yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch. Tham gia các bài tập Aerobic, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội có thể làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương.

Tổ chức Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) khuyến nghị nên tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc tập thể dục nhịp điệu cường độ mạnh 75 phút mỗi tuần, cùng với các hoạt động tăng cường cơ bắp ít nhất hai ngày một tuần để có sức khỏe tim mạch tốt nhất.

Cai thuốc lá có ảnh hưởng thế nào?

Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ rõ ràng đối với sức khoẻ tim mạch. Tác hại của việc hút thuốc đối với hệ thống tim mạch được điều hòa thông qua các cơ chế khác nhau như: rối loạn chức năng nội mô, viêm, stress oxy hóa, bất thường lipid, kích hoạt tiểu cầu, huyết khối, tăng huyết áp, co thắt mạch vành và chức năng tim bị suy giảm.

Điều đáng chú ý là tác hại của việc hút thuốc đối với hệ tim mạch không chỉ giới hạn ở những người đang hút thuốc mà còn đối với những người tiếu xúc thụ động (hít phải khói thuốc từ người khác). Bỏ hút thuốc làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể bằng cách giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, cải thiện huyết áp, thay đổi tích cực về thành phần lipid, giảm xu hướng đông máu, giảm viêm và stress oxy hóa.

Quản lý căng thẳng và sức khỏe tim mạch

Căng thẳng mãn tính đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến triển của bệnh tim mạch bằng cách kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến tình trạng viêm mãn tính trong cơ thể, rối loạn điều hòa trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận (HPA), thay đổi quá trình đông máu và chức năng tiểu cầu và hành vi đối phó không lành mạnh. Căng thẳng tác động đến giấc ngủ và góp phần gây ra các yếu tố tâm lý như trầm cảm, lo lắng và cô lập xã hội.

Điều quan trọng cần lưu ý là căng thẳng mãn tính không hoạt động riêng lẻ và tác động đối với sức khỏe tim mạch có thể tương tác với các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như hút thuốc, béo phì và di truyền, làm tăng nguy cơ tổng thể. Việc thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng hiệu quả như tập thể dục thường xuyên, các kỹ thuật thư giãn (thiền, tập thở sâu,…), hỗ trợ xã hội và tìm kiếm sự trợ từ chuyển gia có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của căng thẳng mãn tính đối với sức khỏe tim mạch.

Thiết lập lối sống lành mạnh là vô cùng cần thiết và nên được ưu tiên không chỉ riêng với người bệnh tim mạch với tất cả mọi người. Một lối sống tốt sẽ giúp chúng ta có cơ thể vững chắc và một trái tim khỏe mạnh.

Đơn vị tim mạch tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh tự hào là nơi hội tụ của đội ngũ Bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, đã và đang điều trị nhiều bệnh lý tim mạch.

Để được tư vấn chi tiết các bệnh lý tiêu hóa, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh:

  • Phòng Chăm sóc khách hàng: 090 174 7173
  • Địa chỉ: Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.