Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh

Béo phì và các bệnh lý tim mạch: Nguy cơ và biện pháp phòng ngừa

17/04/2024
Béo phì và các bệnh lý tim mạch: Nguy cơ và biện pháp phòng ngừa

*Bài viết về bệnh lý béo phì và tim mạch được thực hiện với sự tư vấn chuyên môn từ BS.CKI. Đặng Danh Vũ – Đơn vị Tim mạch – Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ bất thường của cơ thể hoặc quá mức, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Chỉ số khối cơ thể BMI (Body mass index), được tính dựa trên cân nặng và chiều cao của một người, là công cụ phổ biến để đánh giá thừa cân và béo phì. Mức BMI ≥ 25 được xem là thừa cân, ≥ 30 được xem là béo phì.

Hiện nay, béo phì, thừa cân được xem là “đại dịch” với hơn 4 triệu người tử vong mỗi năm, theo Global Burden of Disease (GBD) năm 2017.  Tỉ lệ thừa cân béo phì tiếp tục gia tăng ở cả người lớn và trẻ em. Đáng chú ý, từ năm 1975 đến 2016, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em và trẻ vị thành niên (5-19 tuổi) toàn cầu tăng hơn 4 lần từ 4% lên 18%.

Chỉ số eo – hông và bệnh tim mạch

Chỉ số eo hông là thước đo mức độ béo bụng, là một chỉ số về lượng mỡ vùng bụng quan trọng trong đánh giá bệnh lý tim mạch chuyển hóa cùng với BMI được các chuyên gia và tổ chức khuyến cáo ứng dụng trong thực hành lâm sàng.

Có mối tương quan chặt chẽ giữa béo phì tổng thể và béo bụng. Tuy nhiên, có những trường hợp một số cá nhân có thể được phân loại là béo phì tổng thể mặc dù không có béo phì vùng bụng, và ngược lại, béo phì vùng bụng mặc dù không được phân loại là béo phì tổng thể dựa trên chỉ số BMI.

Sự hiện diện của bệnh lý tim mạch chuyển hóa ở những người có béo phì vùng bụng (béo phì có cân nặng bình thường) dẫn đến phân loại sai và chẩn đoán sai nguy cơ tim mạch trong thực hành lâm sàng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số eo – hông khỏe mạnh là:

  • Dưới 0.9 ở nam giới.
  • Dưới 0.8 ở nữ giới.
  • Ở cả 2 giới, chỉ số eo – hông từ 1 trở lên sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch và bệnh lý liên quan đến thừa cân béo phì.

Mỗi người có thể tính chỉ số eo – hông bằng cách lấy vòng eo chia cho vòng hông. Vòng eo được tính là chu vi của phần eo vào nhỏ nhất trên khu vực bụng, nằm trên rốn. Vòng hông là chu vi vùng hông có kích thước lớn nhất.

Những nguy cơ bệnh tật do béo phì thừa cân gây nên

  • Thừa cân và béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ra một số bệnh mãn tính bao gồm bệnh lý tim mạch và đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới.
  • Béo phì thừa cân có thể dẫn tới các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường và các tình trạng liên quan như mù lòa, cắt cụt chi, chạy thận nhân tạo.
  • Tăng gánh nặng lên hệ thống xương khớp, gây ra các bệnh lý viêm xương khớp.
  • Béo phì thừa cân cũng liên quan tới một số bệnh Ung thư như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, tuyến vú, tuyến tiền liệt, gan, thận và đại tràng.

Cơ chế bệnh sinh của bệnh lý tim mạch do béo phì

Tất cả các cơ chế của bệnh lý tim mạch do béo phì đều dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy tim. Cơ chế chính trong quá trình hình thành bệnh lý tim mạch do béo phì là tình trạng đề kháng Insulin (Insulin Resistance: IR) ở các mô đích. Ngoài ra còn có các cơ chế khác như tăng hoạt tính thần kinh giao cảm do tăng Catecholamin, hội chứng giảm thông khí khi ngủ, tác động cơ học lên thành ngực do khối mỡ tạng lớn, tăng thể tích máu do tăng bài tiết Renin ở thận.

Đề kháng Insulin (IR) ở các cơ quan sẽ gây ra những ảnh hưởng khác nhau:

  • Ở mô cơ tim: gây lắng đọng mỡ ở cơ tim.
  • Ở cơ xương: gây tăng nhu cầu oxy cơ xương.
  • Ở gan: gây tăng tạo VLDL – cholesterole, tăng quá trình tạo lipid mới.
  • Ở mô mỡ: làm thay đổi quá trình ly giải mô mỡ, tăng Leptin dẫn đến rối loạn chức năng mô mỡ.

Từ 4 hệ quả trên dẫn đến thay đổi mô thức chuyển hóa: Tăng tình trạng viêm, tăng đề kháng Insulin, tăng đường huyết. Những thay đổi này dẫn đến tăng khả năng phát triển các yếu tố nguy cơ tim mạch truyền thống như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, và bệnh đái tháo đường loại 2.

Các hệ quả trên dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy tim (Nguồn: Internet)

Các hệ quả trên dẫn đến hậu quả cuối cùng là Suy tim (Nguồn: Internet)

Biện pháp phòng ngừa

Để giảm nguy cơ thừa cân, béo phì gây ảnh hưởng tới bệnh tim mạch, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Thay đổi lối sống: Thực hiện các thay đổi tích cực trong lối sống là biện pháp phòng ngừa quan trọng đối với bệnh tim mạch. Điều này bao gồm áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều rau củ, hoa quả, thực phẩm giàu chất xơ và ít chất béo bão hòa; tham gia hoạt động thể chất thường xuyên, như tập thể dục định kỳ; bỏ hút thuốc; kiểm soát căng thẳng và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Đánh giá đầy đủ: Người bệnh cần được đánh giá đầy đủ dựa trên các chỉ số quan trọng như BMI và chỉ số eo hông. Điều này giúp xác định mức độ nguy cơ và tạo ra phác đồ điều trị phù hợp.

Can thiệp thay đổi lối sống là một trong những biện pháp không dùng thuốc quan trọng giúp thay đổi toàn diện kết cục tim mạch cho những người thừa cân béo phì. Chính vì thế, khi thấy chỉ số cơ thể hay cân nặng thay đổi, người bệnh nên thăm khám để nhận được sự hỗ trợ tư vấn từ Bác sĩ chuyên khoa để có phác đồ điều trị kết hợp phù hợp.

Để được tư vấn chi tiết các bệnh lý tiêu hóa, vui lòng liên hệ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh:

  • Phòng Chăm sóc khách hàng: 0901747173
  • Địa chỉ: Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.