Tin tức y tế

Xử trí khi bị trúng nóng

16/06/2008

Hệ thần kinh (nhất là thần kinh của trẻ nhỏ) rất nhạy cảm với nhiệt, khi bị quá nóng dễ bị rối loạn tuần hoàn não, phù não và có thể chảy máu não. Từ đó làm rối loạn hoạt động của tim mạch và hô hấp, đồng thời kèm theo rối loạn về chuyển hóa (muối, nước), hạ glucoza huyết gây ra một bệnh cảnh rất nguy kịch là “trúng nóng”.

Lâm sàng thường chia làm hai giai đoạn

– Giai đoạn nhẹ: Triệu chứng nổi bật là những dấu hiệu về thần kinh. Trẻ đột nhiên khóc thét, vật vã rồi li bì, nhiều trẻ lên cơn giật. Người lớn thì thấy  tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. Sốt cao (trên 40 độ C), mặt đỏ bừng, thân mình cũng đỏ (do giãn mạch), da khô, nóng, vã mồ hôi, hơi thở nhanh và nóng, tim đập nhanh, mạch nhỏ, khó bắt, rất khát nước, bằng cách làm mát, bồi phụ nước, điện giải kịp thời thì dễ qua khỏi, nhưng nếu chậm trễ bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn nặng, thậm chí tử vong.

– Giai đoạn nặng: Hội chứng mất nước, truỵ tim mạch (da tái nhợt, chân tay lạnh, mạch và huyết áp không đo được, vô niệu), hôn mê, thỉnh thoảng có những cơn ngừng thở… việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.

Xử trí khi bị trúng nóng: Cần phát hiện sớm trẻ , người bị trúng nóng, khi có các biểu hiện như đã nêu trên cần khẩn trương thực hiện các công việc sau: Làm mát bằng phương pháp bốc hơi nước. Ở giai đoạn này chủ yếu là làm hạ nhiệt (đưa ra chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát, quạt mát…). Theo dõi mạch, nhiệt độ cơ thể (bằng đặt nhiệt kế ở miệng hoặc trực tràng) và ngừng quá trình làm mát khi thân nhiệt đã hạ.

Chú ý: không nên làm lạnh trực tiếp bằng nước đá hoặc túi nước đá (có thể làm nạn nhân rét run). Nếu trẻ tỉnh, cho uống nước mát, nước quả, sirô. Nếu trẻ không uống được phải khẩn trương chuyển trẻ đến cơ sở y tế hoặc gọi cấp cứu để hỗ trợ.

Theo SK & ĐS

*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.