Viêm da tiết bã là một tình trạng da liên quan đến vi khuẩn và nấm, thường gây khó chịu và ngứa ngáy. Đây là một bệnh lý da phổ biến mà nhiều người trải qua trong đời. Để hiểu rõ hơn về bệnh này, hãy cùng Hoàn Mỹ tìm hiểu các nguyên nhân gây, triệu chứng và cách điều trị trong bài viết sau đây nhé.
>> Xem thêm:
- Giời leo: Nguyên nhân & cách điều trị bệnh triệt để, hiệu quả
- Bệnh Thủy Đậu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
- Peel da là gì? Các bước peel da tại nhà
Viêm da tiết bã (viêm da dầu) là gì?
Bệnh viêm da tiết bã (viêm da dầu) còn được biết đến với các tên gọi khác là chàm da mỡ. Đây là một dạng viêm da mạn tính phổ biến. Đặc điểm chính của bệnh này là xuất hiện các vùng da màu hồng và nổi vảy ở các khu vực tiết bã, bao gồm vùng xung quanh mũi, chân mày, tai, ngực và da đầu. Viêm da dầu làm cho da trở nên khô, bong tróc, đỏ và nổi vảy. Tuy bệnh thường tác động đến các khu vực da dầu, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trên các vùng da dày và khô.
Ở trẻ em, bệnh này thường được gọi bằng tên dân gian là “bệnh cứt trâu”. Bệnh này không phải là bệnh lây truyền và không gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, nhưng nó có thể làm ảnh hưởng đến vẻ ngoại hình và gây khó chịu cho người bị mắc bệnh. Viêm da tiết bã thường kéo dài một thời gian và đòi hỏi quá trình điều trị lặp đi lặp lại nhiều lần.
>> Xem thêm: Bệnh viêm da cơ địa và những thông tin quan trọng bạn nên biết
Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã dầu
Bệnh viêm da dầu xuất phát chủ yếu do hoạt động của nấm men Malassezia kết hợp với phản ứng miễn dịch. Một số nguyên nhân gây ra bệnh viêm da tiết bã dầu phổ biến thường gặp như:
Lớp màng bảo vệ da
Da có một lớp màng lipid đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi tác động của các yếu tố nội và ngoại sinh. Trong những thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa đông, da thường Mất nước và trở nên khô. Khi lớp màng lipid này bị hỏng, nó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại nấm. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm da tiết bã.
Di truyền
Yếu tố di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm da dầu. Khi tiến hành khảo sát, kết quả đã thấy rất nhiều người mắc bệnh có người thân cùng gia đình cũng từng mắc bệnh.
Da dầu, nhờn
Da dầu và da nhờn cũng sẽ khiến bạn dễ mắc bệnh viêm da tiết bã. Bởi đây là môi trường lý tưởng cho sự sinh sôi và hoạt động của nấm men Malassezia. Khi loại nấm này hoạt động mạnh mẽ, dễ dàng dẫn đến tình trạng viêm da dầu. Do đó, người có da dầu và da nhờn thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Hệ miễn dịch yếu
Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như những người mắc các bệnh như HIV/AIDS, ung thư, hoặc có tổn thương nội tạng thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Tác dụng phụ của thuốc
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh, thuốc chứa corticoid hoặc các loại thuốc chứa các thành phần gây kích ứng cho da cũng có thể góp phần vào việc gây ra tình trạng viêm da dầu.
Yếu tố khác
Ngoài các nguyên nhân viêm da tiết bã trên thì nếu bạn thường xuyên căng thẳng tâm lý, rối loạn nội tiết và vệ sinh da không đúng cách cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra viêm da dầu.
>> Xem thêm: Bật mí cách sử dụng serum đúng cách giúp da luôn căng bóng, mịn màng
Các yếu tố tăng nguy cơ gây viêm da tiết bã
Ngoài các nguyên nhân phổ biến gây tình trạng bệnh viêm da tiết bã thì còn có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này như:
- Độ tuổi từ 30 đến 70 tuổi
- Giới tính nam
- Có lịch sử mụn trên da
- Nghiện rượu
- Trầm cảm
- Động kinh
- Bệnh Parkinson
- Bệnh vẩy nến
- HIV/AIDS
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
- Da bị Mất nước do thời tiết lạnh và hanh khô.
Triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã
Để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này, bạn hãy cùng tìm hiểu qua những triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã ở người lớn và trẻ nhỏ sau đây.
Triệu chứng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da dầu ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 0 – 3 và xuất hiện ở vùng da đầu, được gọi là “cứt trâu” có những triệu chứng sau:
- Mảng da dày và cứng xuất hiện trên da đầu, chân tóc
- Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lan rộng xuống các vùng khác trên cơ thể
- Mảng da có thể có màu trắng, đen, vàng, nâu tùy thuộc vào mức độ của bệnh
- Trẻ có thể cảm thấy khó chịu, quấy khóc và có thể giảm ham muốn ăn.
Triệu chứng viêm da tiết bã ở người lớn
Bệnh viêm da tiết bã ở người lớn thường xuất hiện ở vùng đầu, sau tai, cánh mũi, da mặt, ngực,… và tình trạng bệnh thường kéo dài, dễ tái phát, khó để điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh này không lây lan.
Một số triệu chứng bao gồm:
- Da có vùng nổi ban đỏ hoặc hồng
- Xuất hiện vảy da bong tróc
- Da thường có cảm giác ẩm và nhờn.
Chẩn đoán viêm da tiết bã
Việc chẩn đoán tình trạng bệnh viêm da tiết bã thường dựa vào các triệu chứng trên da của bệnh nhân như vảy da, bong tróc, da đỏ hoặc hồng. Nếu tình trạng không cải thiện sau khi điều trị hoặc để loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ có thể thực hiện phương pháp sinh thiết da để có thể đưa ra những chẩn đoán chính xác hơn.
Cách điều trị viêm da tiết bã
Bệnh viêm da dầu có cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tham khảo những cách điều trị bệnh phổ biến sau đây:
Điều trị viêm da tiết bã ở người lớn và trẻ lớn
- Gội đầu định kỳ: Gội đầu ít nhất 2 lần mỗi tuần bằng dầu gội trị nấm để kiểm soát vi khuẩn và nấm men trên da đầu.
- Thuốc chống viêm: Sử dụng thuốc như Clobetasol, Neomycin sulfate, Fluocinolon acetonid theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng trên da. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lạm dụng, chỉ dùng trong thời gian nhất định.
- Thuốc kháng nấm: Sử dụng thuốc kháng nấm như Nizoral Cream, Pirolam để điều trị bệnh nấm da, móng tay, âm đạo và đảm bảo vệ sinh da sạch sẽ để tránh tái nhiễm nấm.
- Chất ức chế calcineurin: Sử dụng các chất như Tacroz, Elidel, Protopic để giảm viêm nhiễm ở da bằng cách ức chế sự phát triển của các tế bào miễn dịch. Tuy nhiên, cần theo dõi cẩn thận các tác dụng phụ và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Để chăm sóc da đầu của trẻ mắc viêm da dầu, bạn có thể thực hiện một số cách sau:
- Gội đầu hàng ngày bằng dầu gội dịu nhẹ trẻ em
- Mát xa hoặc chải đầu bằng bàn chải mềm sau khi gội đầu
- Sử dụng dầu dưỡng da như dầu khoáng hoặc dầu ô liu trên vùng tổn thương của da đầu.
Các biện pháp dân gian điều trị viêm da tiết bã
Các liệu pháp tự nhiên để giúp làm giảm triệu chứng viêm da dầu bao gồm:
- Dầu cám gạo: Dầu cám gạo giúp dưỡng ẩm, làm mềm da và giảm ngứa. Bạn có thể bôi trực tiếp lên da và mát xa nhẹ trong vòng 10 phút, sau đó rửa sạch với nước.
- Mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn và dưỡng ẩm cho da. Làm sạch da trước khi bôi mật ong lên, sau đó mát xa nhẹ trong vòng 15 phút và rửa lại với nước sạch.
- Phèn chua và hoa cúc: Phèn chua giúp sát khuẩn và giảm ngứa, trong khi hoa cúc giúp giảm đỏ da và phục hồi da. Sử dụng hỗn hợp 10g phèn chua và 20g hoa cúc nấu với nước sạch, sau đó dùng hỗn hợp này để ngâm rửa và vệ sinh vùng da bị viêm.
- Lá trầu không: Lá trầu không giúp giảm ngứa, viêm và tái tạo làn da mới. Bạn có thể dùng lá trầu không để tắm, xông hoặc giã ra và bôi lên da để từ 5-10 phút rồi rửa lại với nước sạch.
Thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh
Ngoài những cách trên, bạn có thể thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh như:
- Gội đầu thường xuyên
- Sử dụng dầu khoáng, dầu đậu phộng hoặc dầu ô liu để làm mềm và loại bỏ vảy da
- Giữ da sạch sẽ
- Hạn chế sản phẩm tạo kiểu tóc
- Tránh sử dụng các loại sản phẩm chăm sóc da với thành phần chứa cồn
- Làm sạch mí mắt nhẹ nhàng để loại bỏ dầu và bụi bẩn.
Cách điều trị và chăm sóc viêm da tiết bã trên các vùng cơ thể
Dưới đây là một số cách điều trị và chăm sóc viêm da tiết bã nhờn trên từng vùng của cơ thể bạn nên biết:
Da đầu
- Sử dụng dầu gội chứa thành phần kháng nấm như Selenium sulfide, Pyrithione zinc hoặc Ketoconazole hàng ngày hay cách ngày để kiểm soát vi khuẩn và nấm.
- Nếu da đầu có lớp vảy – gàu dày, thoa dầu khoáng hoặc dầu olive, để trong một thời gian và rửa sạch bằng chất tẩy rửa như nước rửa chén.
- Trong trường hợp vảy – gàu nhiều và viêm, sử dụng các sản phẩm chứa Fluocinolone acetonide hoặc Corticosteroids tại chỗ. Sau khi triệu chứng giảm, tiếp tục bằng dầu gội trị gàu.
- Với trẻ nhỏ, thường không cần can thiệp trừ khi triệu chứng quá nặng hoặc gây khó chịu.
Da mặt
Để điều trị vấn đề viêm da tiết bã trên vùng da mặt, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Kem Ketoconazole 2%: Sử dụng 1-2 lần mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát vi khuẩn và nấm trên da.
- Kem Hydrocortisone 1%: Áp dụng 1-2 lần mỗi ngày cho đến khi triệu chứng ngứa và viêm đỏ giảm đi.
- Lotion Sodium sulfacetamide 10%: Loại lotion này cũng có hiệu quả trong việc điều trị viêm da tiết bã. Tuân thủ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm hoặc theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
Da toàn thân
- Tắm hàng ngày với dầu gội chứa Zinc hoặc coal tar hoặc gently cleanser chứa 2% zinc pyrithione. Điều này giúp kiểm soát vi khuẩn và nấm trên da.
- Sử dụng Kem Ketoconazole 2% hoặc corticosteroid: Áp dụng 1-2 lần mỗi ngày để điều trị triệu chứng viêm da.
- Rửa mặt bằng Benzoyl peroxide: Sử dụng để làm sạch da và kiểm soát viêm.
- Rửa sạch sau khi sử dụng thuốc: Để tránh tác động lên quần áo hoặc giường.
- Dưỡng ẩm da: Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm sau khi sử dụng thuốc để duy trì độ ẩm cho da.
Bệnh viêm da tiết bã có lây không, có chữa được không?
Bệnh viêm da tiết bã có thể điều trị và kiểm soát triệu chứng thành công. Tuy nhiên, quá trình điều trị có thể kéo dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách kịp thời, bệnh viêm da dầu có thể chữa khỏi.
Qua bài viết trên hy vọng bạn có thêm nhiều thông tin về bệnh viêm da tiết bã và có cách phòng tránh hợp lý. Để có thể nhận thêm nhiều thông tin sức khỏe hữu ích, hãy truy cập Tin tức y tế. Hoặc để đặt lịch hẹn tư vấn sức khỏe miễn phí, hãy liên hệ ngay với Hệ thống các Bệnh viện Hoàn Mỹ trên toàn quốc qua số HOTLINE đặt lịch hẹn trực tiếp TẠI ĐÂY nhé.
*Các thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và tra cứu, vui lòng không tự áp dụng nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.